Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

DI SẢN TG (29.1)

Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
29. Tại Syria
29.1 - Thành phố cổ Damascus
Là thủ đô của Syria, Damascus được nhiều học giả cho là thành phố cổ nhất thế giới. Nhà văn Mark Twain từng ca ngợi Damascus là “thiên đường trên mặt đất”...
Damascus nằm ở phía Tây Nam của Syria, trên bờ sông Barada, có khí hậu khô, mang tính chất cận hoang mạc. Rộng 573km2 và dân số hơn 4,5 triệu người (ước tính năm 2009), Damascus có ngôn ngữ chính là tiếng Ả rập; tiếng Kurd, Armenia, Aramaic, Circasia cũng được sử dụng rộng rãi. Đơn vị tiền tệ là đồng Syrian Pound (SYP).
Nhiều học giả cho rằng, Damascus là thành phố cổ nhất thế giới. Cội nguồn có thể bắt đầu từ 3.000 năm trước Công nguyên và nó bắt đầu với cái tên Damascus ít nhất từ thế kỷ thứ XV trước Công nguyên.
Trong thế kỷ thứ I sau Công nguyên, thành phố Damascus là trụ sở của giám mục giáo phận. Năm 635, Damascus bị người Hồi giáo chiếm giữ trong một thời gian dài. Năm 1076, Damascus bị người Thổ Nhĩ Kỳ chiếm. Năm 1154, Damascus rơi vào tay người Ai Cập. Năm 1516, Đế quốc Ottoman cướp lại Damascus từ tay người Ai Cập.
Trong Chiến tranh Thế giới lần thứ I (1914-1918), quân đội Ottoman và Đức tiến hành các chiến dịch của họ ở kênh đào Suez và đặt căn cứ ở Damascus. Tháng 7 năm 1920, Pháp được Hội đồng Tối cao của Đồng minh ủy quyền cai trị Syria và chiếm Damascus.
Sau khi Đức đánh bại quân Pháp trong Chiến tranh Thế giới thứ II (1940), Chính phủ Vichy của Pháp đã ủng hộ Đức xây dựng ở Damascus một chế độ thực dân thân Đức. Năm 1946, Damascus trở thành thủ đô của Syria độc lập.
Ngày nay, Damascus là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và giáo dục của Syria.
Điểm nổi bật ở Damascus là nghề thủ công cung cấp các sản phẩm khảm xà cừ, gỗ chạm, gấm tơ tằm, đồ đồng, đồ thủy tinh và đồ gia dụng, hàng dệt. Công nghiệp hiên đại gồm có các ngành chế biến thực phẩm, da, in, đồ gỗ, quần áo và giày dép.
Damascus còn đóng vai trò quan trọng trong việc quá cảnh hàng hóa giữa các thành phố Trung Đông và phân phối các hàng nhập cảng tới các miền khác của đất nước.
Damascus còn là nơi tập trung các cơ sở nghiên cứu khoa học và giáo dục của Syria gồm: Trường Đại học Damascus, Bảo tàng Dân tộc Quốc gia  Damascus, Thư viện Adat...
Damascus còn được gọi là “hòn ngọc của phương Đông”. Nhà văn Mark Twain từng ca ngợi Damascus là “thiên đường trên mặt đất” với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Bảo tàng Dân tộc Quốc gia, Thánh đường Hồi giáo Umayyad và các công trình kiến trúc tôn giáo uy nghi, tráng lệ với niên đại hàng nghìn năm tuổi.
Bích Hảo tổng hợp

---ooo0ooo---