Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

5. BÀI PHÁP ĐẦU TIÊN

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT
Hoằng Hữu NGUYỄN VĂN PHÚ
5. BÀI PHÁP ĐẦU TIÊN
Sau khi thành Phật dưới gốc cây bồ-đề (cây này là cây tất-bát-la, sau được gọi là cây bồ-đề, bồ-đề do phiên âm từ chữ bodhi, có nghĩa là giác ngộ), đức Phật thốt lên mấy lời vui mừng về sự tự thắng và ngài vui hưởng niềm an lạc trong Niết-bàn, ngài nhịn ăn bảy tuần lễ liền mà không thấy đói khát. Đến ngày thứ 50, hai thương gia tới cúng dường ngài bột khô và mật ong và xin quy y nhị bảo tức là Phật và Pháp, họ trở thành hai cư sĩ đầu tiên của Phật giáo. Đức Phật tặng họ mấy sợi tóc mà họ ngỏ ý xin để họ chiêm bái; nay các sợi tóc này được thờ tại chùa Shwedagon ở thủ đô nước Miến- Điện.
Đức Phật nghĩ rằng giáo pháp của ngài quá sâu xa, người đời khó mà lĩnh hội nổi. Đại Phạm Thiên Vương là chủ Ta-bà thế giới đến thỉnh cầu ngài nói pháp. Nhờ thần thông, đức Phật thấy rằng có người có thể hiểu được giáo pháp nên ngài quyết định đem giáo pháp ra truyền giảng. Thoạt tiên ngài nghĩ tới hai vị thày cũ của ngài là Ka-La-Ma và Uất-Đầu-Lam-Phất nhưng hai ông này mới chết. Sau, ngài nghĩ tới nhóm năm người gồm có ông Kiều-Trần-Như và bốn người nữa, đó là nhóm người trước kia đã bỏ ngài khi thấy ngài thôi không tu khổ hạnh nữa. Ngài đi đến gặp họ ở Vườn Nai tức Lộc Uyển, thuộc thành Ba-La-Nại. Trên đường đi, một nhà tu khổ hạnh hỏi rằng thày ngài là ai, ngài trả lời là không có ai cả.

CHÙA SHWEDAGON, NƠI THỜ MẤY SỢI TÓC CỦA ĐỨC PHẬT

Thật vậy, hai vị nói trên đây chỉ dạy ngài về thiền chứ không dạy ngài tu thành Phật, ngài đã thành Phật do chính nỗ lực của ngài.

NHÓM ÔNG KIỀU TRẦN NHƯ NGHE PHÁP

Nhóm ông Kiều-Trần-Như thấy ngài, gọi ngài bằng hiền đệ, ngài cho họ biết ngài đã thành Phật rồi, không nên xưng hô như vậy, mãi sau họ mới tin và lắng nghe ngài nói pháp. Bài pháp đầu tiên này tên là Kinh Chuyển Pháp Luân tức là kinh về sự chuyển bánh xe pháp. Nói chuyển là vì đây là bắt đầu, nói bánh xe là để gợi lên cái ý nghiến nát những lầm lạc, phiền não. Nội dung của kinh này là Tứ Diệu Đế, tức là bốn sự thật vi diệu; đó là lý thuyết căn bản của đạo Phật .


Chuyển pháp luân

Bốn Sự Thật Vi Diệu ấy là: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế và Đạo đế tức là sự khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường diệt khổ.
KHỔ ĐẾ. “Này chư tỳ-khưu, đây là diệu đế về đau khổ. Sanh là khổ, Bệnh là khổ, Già là khổ, Chết là khổ. Phải sống với người mà mình không ưa là khổ. Phải xa lìa những người thân yêu là khổ. Không đạt được điều mình mong cầu là khổ. Cái thân ngũ uẩn căn cứ trên sự bám víu là khổ”. Cuộc đời là bể khổ, kể mãi cũng không hết được các thứ khổ của con người, trên đây chỉ nêu lên tám điều chính gọi là bát khổ, tất cả đều dễ hiểu, trừ cái thứ tám mà ta sẽ bàn thêm sau. Không nên bảo rằng đạo Phật bi quan, vì từ nhận xét khách quan về cuộc đời đức Phật đã đưa ra phương pháp diệt khổ. “Như Lai chỉ dạy có một điều duy nhất là đau khổ và chấm dứt đau khổ”. “Như nước biển chỉ có một vị mặn, đạo của ta chỉ có một vị là vị giải thoát”.
Chữ pali dukkha được dịch là đau khổ, có người bảo rằng dukkha được phiên âm thành đau khổ, tôi xin nhường cho các nhà ngữ học quyết định chuyện này. Chuyên viên nói rằng: dukkha ám chỉ một cái gì xấu bởi vì nó trống rỗng, huyền ảo, không làm thỏa mãn, bất toàn. Chữ đau khổ không nêu đủ cái nghĩa huyền ảo, không thực, không làm thỏa mãn, đưa đến phiền muộn, thất vọng, bất ổn ... Đói khát, tật bệnh, chiến tranh, ... bao nhiêu là khổ, gọi chung là khổ khổ. Do vô thường, những thứ mà mình ưa thích hư hoại đi mất, làm cho mình khổ, đó gọi là hoại khổ. Con người chẳng qua do ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) hợp lại; năm uẩn ấy lấy riêng từng cái ra, mỗi cái không phải là con người, chính mỗi uẩn cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Thân và tâm (thân là sắc, tâm là thọ, tưởng, hành, thức) biến chuyển không ngừng. Con người không phải là một đơn vị bất biến, tự mình tồn tại vĩnh cửu, nó chỉ là một sự kết hợp nhiều yếu tố do duyên mà sinh, hết duyên thì chết. Tiến trình sự sống của đời này chấm dứt khi các duyên tan rã. Vì thế cái thân này là khổ, đó gọi là hành khổ, đó là điều thứ 8 nói trên kia. Khổ khổ, hoại khổ, hành khổ nói chung là tam khổ.
Vua chúa cũng khổ hay sao? Có, lúc nào cũng ngơm ngớp có kẻ thoán vị, có nước khác xâm lăng, sung sướng mà lo ngại thường xuyên. Người giàu có cũng chẳng sung sướng gì, bao nhiêu trộm cướp rình rập, bao nhiêu đối thủ phá phách! Ở đời thiếu gì kẻ luôn luôn ghen ghét người khá hơn mình . Người khỏe mạnh đâu có khỏe mãi mãi.
TẬP ĐẾ. Đây là sự thật thứ nhì nói về nguyên nhân của khổ. Kinh Chuyển Pháp Luân nêu rõ: “Này chư tỳ-khưu, nguồn gốc của sự đau khổ là thế nào? Chính ái dục dẫn đi tái sanh từ kiếp này sang kiếp khác. Chính ái dục, đồng phát sanh cùng dục lạc và tham ái, đi tìm những thỏa thích mới, lúc ở đây, lúc ở kia.” Khi dùng chữ ái dục ở đoạn văn này, người ta bảo nên chú ý đến khía cạnh ích kỷ, vì mình. Ái dục bao giờ cũng vì mình, con người luôn luôn cố gắng để làm thỏa mãn chính mình. Mà chẳng khi nào được thỏa mãn vì “lòng tham không có đáy”. Cái điều đáng nêu ra là: con người là một thứ luôn luôn thay đổi lại chạy theo đuổi bắt những thứ thay đổi, vô thường! Khi người ta phân tích đến kỳ cùng, thì thấy vô minh là cái nó làm cho ta không nhận được sự vật đúng theo lẽ thật, nhận giả làm chân. Bao nhiêu xung đột trong gia đình, trong quốc gia, trên thế giới... đều bắt nguồn từ tham dục cả.
Điều rất đáng chú ý ở đây là: tôi ham muốn, tôi hành động, tôi gây nghiệp, tôi chịu quả báo, tôi phải tái sanh...Tôi làm tôi chịu, rõ ràng như vậy. Vào một dịp khác, chúng ta cần nói chuyện về nghiệp báo và luân hồi.
DIỆT ĐẾ. Đây là sự thật thứ ba nói về sự diệt khổ. Kinh Chuyển Pháp Luân ghi:
“Này chư tỳ-khưu, chân lý cao siêu về sự chấm dứt đau khổ là thế nào? Đó là chấm dứt ái dục mà không để lại dấu vết, sự dứt bỏ, sự từ khước, sự giải thoát ra khỏi, sự xa lìa ái dục.” Những chữ dùng trên đây nhấn mạnh đến sự loại trừ hoàn toàn và dũng mãnh cái gốc ái dục, cái gốc vô minh (trong bài pháp, đức Phật không dùng các danh từ vô minh và vô ngã). Diệt được vô minh là thoát khỏi sinh tử luân hồi. Tại sao vậy? Lại một vấn đề nữa mà chúng ta chắc chắn sẽ phải nói tới sau này, đó là thập nhị nhân duyên. Rồi sẽ phải trình bày về Niết-bàn. Trong sách Đức Phật và Phật pháp, HT Nàrada viết: Diệt đế là có sự chấm dứt đau khổ, tức Niết- bàn, mục tiêu cứu cánh của người Phật tử . Diệt đế được thành tựu bằng cách tận diệt trọn vẹn mọi luyến ái. Nhưng phải ghi nhận rằng nếu chỉ tận diệt năng lực tinh thần ấy thì không đủ để chứng ngộ Niết-bàn. *
Bác sĩ nói thân chủ có bệnh. Bác sĩ tìm ra nguyên nhân của bệnh. Bác sĩ cho toa thuốc Cuối cùng bác sĩ dặn dò cách uống thuốc: đây chính là Đạo đế.
ĐẠO ĐẾ. Sự thật thứ tư là con đường chấm dứt đau khổ. Chữ “con đường” gợi ý thật hay : đã có người đi rồi mới là đường (chư Phật đi rồi), chúng ta được chỉ đường rồi thì phải cất bước lên đó mà đi, đi mau đi chậm do mình, ì ra cũng do mình. Tu thì phải hành, hành là đi, đi trên đường giải thoát: đường này xa lánh hai cực đoan lợi dưỡng và khổ hạnh, nó là trung đạo. Nó gồm có tám thành phần, cốt làm cho hành giả thanh tịnh hóa thân khẩu ý, chấm dứt hoàn toàn ái dục, đạt đến trí tuệ bát nhã, tám thứ đó là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Đó là bát chánh đạo

BÌA SÁCH “TỨ DIỆU ĐẾ”

Tóm lại, kinh Chuyển Pháp Luân nói về bài pháp đầu tiên của đức Phật, nội dung là tứ diệu đế gồm khổ tập diệt đạo. Đấy là căn bản của đạo Phật, đó là con đường thoát khổ, chúng ta phải tìm hiểu thật kỹ để soi sáng cho sự tu hành của mình
-------------------------------------------------------
Niết-bàn không phải là một nơi chốn, đó là trạng thái của tâm khi đã:
1/ diệt tham, sân, si.
2/ chứng vô ngã.
3/ hết sinh tử luân hồi.
---ooo0ooo---



















2/ chứng vô ngã.
3/ hết sinh tử luân hồi.

---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào: