Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

21. TAM DOC


BƯỚC VÀO CỬA PHẬT
Hoằng Hữu NGUYỄN VĂN PHÚ
21. TAM  ĐỘC
1.  Người theo đạo Phật hầu như ngày nào cũng nghe nhắc đến ba chữ tham sân si, gọi chung là tam độc. Dùng nhiều quá ba chữ tham sân si đó, chúng ta đi đến một tình trạng là biết tên mà không thấu nghĩa và đặc biệt là không uống thuốc trừ độc.
            Ngã tích sở tạo chư ác nghiệp,        (Con nay gây nên bao ác nghiệp,
            Giai do vô thủy tham sân si,             (Đều do vô thủy tham sân si,
            Tòng thân khẩu ý chi sở sinh,          (Theo thân khẩu ý phát sinh ra,
            Nhất thiết ngã kim giai sám hối.       (Hết thảy con nay xin sám hối).

Gọi tham sân si là ba độc vì chúng hại người, nhiều đời nhiều kiếp.  Nếu chỉ lo sám hối không thôi thì e rằng công việc này có lúc trở nên hình thức, làm cho xong chuyện, không mang lại kết quả cụ thể nào cả.  Đã biết gốc của khổ đau là tam độc mà không chịu tìm phá tận gốc tận rẽ thì khổ đau vẫn hoàn là khổ đau.


2. Tham là ham thích, muốn chiếm đoạt cho mình.  Có nhiều hình thức tham: tham tiền bạc, tham danh vọng, tham sống lâu, tham cờ bạc, rượu chè, sắc đẹp...  Do tham nên nghĩ ra trăm phương ngàn kế để chiếm cho được thứ mình ham muốn, dù rằng phải dùng phương kế ác độc.  Như vậy là lợi mình nhưng hại người.  Vì thế mà càng ngày nghiệp ác càng nhiều làm hại đời này và các đời sau.
Tưởng rằng có nhiều thì sướng, nhưng lòng tham không đáy, chẳng bao giờ thấy đủ, phải lo kiếm thêm.  Sau đó phải lo bảo vệ những thứ mình có, cả một sự rắc rối phức tạp! Tâm không an nổi. Tâm không an thì chẳng thể gọi là sung sướng được.
3. Sân là nóng giận. Nói rộng ra, sân còn có nghĩa là cáu kỉnh, căm hờn, thù oán...

Người ta dễ nổi nóng vì nhiều nguyên do, vì bị ai nói chạm đến mình, vì bị ai động đến quyền lợi vật chất và tinh thần của mình, vi phạm đến mình, gia đình mình, dòng họ mình, đảng phái mình, đất nước mình. Cái nguy hại của nóng giận là không tự chủ được mình, cho nên có thể nói những lời sỗ sàng thô tục, có thể hành động hung dữ, cục cằn, có khi đi tới ẩu đả và đổ máu.
Sân mang hai hình thức: bộc lộ và ngấm ngầm.  Sân bộc lộ thì dễ nhận tuy rằng nguy hiểm.  Nếu người chung quanh biết cách làm dịu thì có thể thu xếp cho yên ổn.  Sân ngấm ngầm đáng sợ hơn:
                        Bề ngoài thơn thớt nói cười,   
Bề trong nham hiểm giết người không dao.
Ngấm ngầm nên căm hờn, thù oán, dai dẳng ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác.  Nghĩ cho cùng người nuôi căm hờn chính mình khổ trước .

4. Si là si mê không nhận ra đâu là phải đâu là trái, đâu là thật đâu là giả.  Theo đạo Phật cái si nặng nhất là nhận lầm cái thân này làm cái TA thật, cái tâm sinh diệt này làm cái TA vĩnh cữu.  Đã nhận lầm rồi nên bao nhiêu suy nghĩ, lời nói, hành động đều theo đó mà lầm luôn.  Phân tích đến nơi đến chốn thì si là gốc của tham và sân, nên lẽ ra phải đọc SI  THAM  SÂN mới thuận.
Do nhận lầm thân này là cái ta chân thật nên bao nhiêu năng lực dồn hết vào việc làm cho cái ta ấy đẹp lên, mạnh lên, sướng lên, bao nhiêu ham muốn đều cho hưởng cả.  Vì thế mới có tham.  Tham không được, hay không  đủ, thành ra sân.
Nhận lầm cái TA nên cho mình là nhất, cái gì mình cũng là nhất, vì thế có ai nói chạm đến một chút là la hét om sòm hoặc để tâm thù oán.  Ngồi chỗ đông người, ý kiến khác nhau, thấy ai có ý kiến khác mình thì không vui, hoặc là không vui ra mặt, hoặc là ngấm ngầm hờn giận.
Chấp cái TA này làm thật nên tìm thuốc trường sinh bất tử quên mất rằng đã có Sinh là phải có Tử tiếp theo, chẳng thể nào tránh được. Muốn bất tử, chỉ có một cách, đó là vô sinh.  Muốn vô sinh thì phải tu giải thoát khỏi sinh tử luân hồi, theo đường mà chư Phật đã chỉ dạy.

5. Nói si tham sân mãi mà không nói thuốc chữa thì không có ích bao nhiêu.  Để chống lại ba độc thì: ngoài việc sám hối cho đúng cách, chúng ta phải quán, tức là phải bình tâm suy nghĩ sâu xa và kỹ lưỡng về hai đề mục: vô thường và vô ngã.
a/ Chung quanh chúng ta, bất cứ thứ gì từ cực nhỏ đến cực lớn cũng đều phải theo qui luật thành, trụ, dị, diệt.  Kiếp phù du thì ngắn song kiếp của một quả núi thì dài hơn nhiều, tuy vậy đến một lúc nào đó quả núi cũng sẽ không còn.  Đến bản thân chúng ta, tứ đại đất nước gió lửa cũng vô thường, cái tâm sinh diệt cũng vô thường.  Bấu víu vào cái vô thường quả là bắt bong bóng nước.
b/ Nói vô ngã hay không có ta thì có vẻ khó hiểu.  Thật ra nên nói về duyên hợp.  Bất cứ vật gì do các duyên khác nhau hợp thành đều không có tự tính riêng của nó, vì do những cái khác mà thành.  Thân, tâm của chúng ta đều là duyên hợp, chúng có mà là giả có, thế mà chúng ta bấu víu vào đó, quả là nắm bắt bong bóng nước.
Thế thì danh vọng, của cải cũng chỉ là bọt nước, là giấc mộng mà thôi:
    ▪ Ba chục năm trời danh tiếng hão,
Quay đầu muôn sự giấc Nam Kha.
    ▪ Rốt cuộc muôn điều hư ảo cả,

Thôi luận làm chi mất với còn.  (Nguyễn Trãi)
Quán vô thường, quán vô ngã tức là quán duyên hợp thì hiểu được qui luật căn bản của kiếp nhân sinh, từ đó cản đảm áp dụng vào đời sống hàng ngày thì dần dần sẽ bớt được tham sân si; trí huệ và từ bi mở rộng và dễ dàng đi vào con đường giải thoát.
Tóm lại, tham sân si là ba thứ thuốc độc làm hại con người, ngăn cản con người tiến lên trên con đường giác ngộ và giải thoát.  Gốc của tam độc là si mê, si mê làm cho người ta nhận lầm, nhận lầm cái TA này là thật, từ nhận lầm nghĩ lầm nên hành động lầm, tạo nghiệp ác lôi cuốn con người vào vòng sinh tử luân hồi.  Do đó, việc tu tập nhằm phá cho được cái TA giả dối đó.  Việc này vô cùng khó khăn, vì thế Phật tử chúng ta không những phải sáng suốt mà còn phải hết sức kiên trì, nhẫn nại.

---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào: