Thứ Năm, 24 tháng 4, 2014

26. NGŨ UẨN

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT
Hoằng Hữu NGUYỄN VĂN PHÚ
26. NGŨ UẨN
Tất cả chúng ta đều thuộc làu Bát-nhã tâm kinh, với câu đầu như sau: “Quán tự tại bồ-tát hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa  thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. Nghĩa là: “Khi ngài Quán tự tại bồ-tát thực hành sâu xa phép bát-nhã ba-la-mật-đa thì ngài soi thấy năm uẩn đều không, qua hết mọi khổ ách”. 
Vấn đề của chúng ta hôm nay là tìm hiểu danh từ ngũ uẩn.  
Ngũ là năm, uẩn là chứa nhóm.  Ngũ uẩn còn có tên khác là ngũ ấm, ấm là ngăn che (ngăn che chân lý). Ngũ uẩn gồm có: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn.
Khi nghe danh từ thân tâm hay danh sắc, ta hiểu đó là nói con người, con người gồm có thân và tâm, hoặc là gồm có danh và sắc; sắc để chỉ cái thân do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) hợp thành, danh để chỉ chung thọ, tưởng, hành, thức (nói là danh vì chỉ có tên mà không có hình tướng).
Chữ sắc ở trong sắc uẩn có nghĩa rộng hơn chữ sắc trên đây.  Nó bao gồm những thứ mà ta gọi là vật chất, hình tướng, đất, nước, núi, sông, cây cỏ, đường xá, nhà cửa... và ngũ căn (mắt, mũi, tai, lưỡi, thân) cùng với ngũ trần (màu và hình, thanh tức là tiếng, mùi, vị, xúc do sờ mó...)
Thọ uẩn là cảm xúc gồm có ba loại : vui, buồn, không vui không buồn (tạm gọi là trung hòa).
Tưởng uẩn  khó hiểu hơn.  Chữ tưởng hàm cái nghĩa tưởng tượng, nhưng chưa đủ. Nó có nghĩa “thu và nhận”, nhận biết chứ không phải là nhận vào : THU những cái mình đã biết do học hành, kinh nghiệm ... để khi gặp một cái gì thì NHẬN  ra nó là cái gì và xếp nó vào một cái tập hợp nào đó để nó có tên. Trông thấy một con trâu, ta nhớ lại hình đã coi trong sách và xếp nó vào tập hợp trâu, biết nó là con trâu.  Nghe thấy tiếng hát thì biết đó là tiếng hát. Tóm lại, đó là biết, đó là tri giác.
Hành uẩn khó hiểu nhất.  Hành thoạt tiên nghĩa là hành động cố ý, không vô tình, do thân khẩu ý; hành gây nên nghiệp.  Hành có thể thiện, ác hay trung hòa. Hành còn chỉ chung mọi thứ duyên khởi, nói chung là các hợp thể.  Hành lại có nghĩa là các thói quen, khuynh hướng, cảm nghĩ sâu đậm tích lũy từ nhiều kiếp (do thân khẩu ý), chúng ảnh hưởng, hướng dẫn và thúc đẩy các hành động.  Nói gọn lại, nó là các hoạt động tâm lý. Vậy hành uẩn có hai yếu tố: quá khứ (kinh nghiệm, thói quen) và hiện tại (thúc đẩy thân khẩu ý).  
Thức uẩn là gì?  Chúng ta mới nói đến “cố ý”, thế là nhắc đến vai trò của thức uẩn.  Các uẩn trên đây mang dữ kiện, tài liệu, “hồ sơ” đến cho thức.  Thức so đo, cân nhắc, phân biệt (chữ này rất thông dụng trong Phật học).  Do phân biệt mà sinh hỉ nộ ai lạc ái ố dục tức là thất tình.  Tiếp theo là có quyết định để hành động.  Trách nhiệm là ở đây.  Kinh Pháp cú nói: “Ý dẫn đầu các pháp, ý làm chủ, ý tạo”.
Xin lấy một thí dụ cho dễ hiểu: lúc này, tôi đang nói chuyện hầu quý vị.  Tiếng nói của tôi (thanh trần), chạm vào tai quý vị (nhĩ căn), nhĩ thức của quý vị cho biết là có tiếng nhưng chưa hiểu là tiếng gì và nghĩa ra sao.  Tưởng uẩn xếp loại: đây là một bài về Phật học và nhận biết đó là bài về Phật học. Thọ uẩn gợi ra một cảm giác: chán quá, hoặc hay quá ... Hành uẩn “xúi” quý vị nhớ lại cái kinh nghiệm, cái thói quen: ngáp, xem đồng hồ, gật gù, vỗ tay ... Nhưng có thể quý vị không làm thế vì thức uẩn phân biệt, bảo rằng cứ ngồi nghe bình thản.
Tôi mới đọc cuốn  Lược giải những pháp số căn bản  do Làng Cây Phong xuất bản 1996.  Ngũ uẩn được giảng như sau:
1/ Sắc (sắc uẩn) là tất cả các bộ phận sinh lý, nói chung là cơ thể con người.
2/ Thọ (thọ uẩn) là cảm giác sinh lý sinh ra khi các giác quan của cơ thể tiếp xúc với đối tượng của chúng.  Cảm giác có thể là dễ chịu  (lạc thọ) khó chịu (khổ thọ), hoặc không dễ chịu cũng không khó chịu (xả thọ). 
3/ Tưởng (tưởng uẩn) là tri giác tức là sự  nhận biết đối tượng của nhận thức con ngưới.  Thí dụ nhìn tượng Phật thì biết là tượng Phật, nghe tiếng chuông thì biết là tiếng chuông, ngửi mùi nhang biết là mùi nhang vv...
4/ Hành (hành uẩn) là chỉ chung cho tất cả mọi hiện tượng, mọi sự vật được hình thành do nhân và duyên, tức là vạn pháp trong vũ trụ (ở cả ba lĩnh vực tâm lý, sinh lý  và vật lý).  Riêng hành uẩn ở đây chỉ cho tâm hành tức là những hiện tượng tâm lý của con người ...

5/ Thức (thức uẩn) là tâm thức, nói tổng quát, đó là căn bản thức (= a-lại-da) và nói chi tiết thì đó là tám thức ... (tâm vương), các kinh luận thường gọi một cách tổng quát là tâm, ý hay thức.

Tại sao “ngũ uẩn là không”? Từ những lời dạy trong kinh Ngũ ấm vô thường, chúng ta biết rằng: Sắc uẩn là do

 duyên hợp mà có, hết duyên thì tan, tự nó không có. Các cảm thọ vui, buồn chỉ nảy ra khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, tự chúng không có.Tâm duyên theo cảnh, cảnh qua đi nhưng hình ảnh còn lại, khi tưởng đến thì lại hiện ra, thế thôi. Hành ấm (tạm coi như tâm lý con người cho dễ hiểu) thay đổi rất nhanh, nó vô thường.Thức tùy thuộc các chủng tử và nghiệp mà phân biệt. 
Ngũ uẩn là vô thường, là giả có, là tạm bợ, là do duyên sinh, là hợp thể. Chúng không có tự thể riêng biệt, Phật học gọi ngắn là “không”.  Biết là không một cách rốt ráo (chứ không phải chỉ nói, chỉ xác nhận xuông) là nhờ tu đến lúc chứng ngộ được trí huệ bát-nhã, hết chấp pháp và chấp ngã, tức là đạt nhị không. Tới mức đó thì hết mọi khổ đau!
Gặp một đề tài khó quá, chúng tôi đánh bạo mà nhận và đã hết sức cố gắng làm xong nhiệm vụ. Chúng tôi mong rằng sau này sẽ còn có dịp trình bày lại nếu được học hỏi thêm, hôm nay chúng tôi nhận có nhiều thiếu sót, xin quý vị thông cảm cho.  
PHỤ LỤC.Tại sao “ngũ uẩn là không”? Từ những lời dạy trong kinh Ngũ ấm vô thường, chúng ta biết rằng: Sắc uẩn là do duyên hợp mà có, hết duyên thì tan, tự nó không có. Các cảm thọ vui, buồn chỉ nảy ra khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, tự chúng không có.Tâm duyên theo cảnh, cảnh qua đi nhưng hình ảnh còn lại, khi tưởng đến thì lại hiện ra, thế thôi. Hành ấm (tạm coi như tâm lý con người cho dễ hiểu) thay đổi rất nhanh, nó vô thường.Thức tùy thuộc các chủng tử và nghiệp mà phân biệt. 
Ngũ uẩn là vô thường, là giả có, là tạm bợ, là do duyên sinh, là hợp thể. Chúng không có tự thể riêng biệt, Phật học gọi ngắn là “không”.  Biết là không một cách rốt ráo (chứ không phải chỉ nói, chỉ xác nhận xuông) là nhờ tu đến lúc chứng ngộ được trí huệ bát-nhã, hết chấp pháp và chấp ngã, tức là đạt nhị không. Tới mức đó thì hết mọi khổ đau!
Gặp một đề tài khó quá, chúng tôi đánh bạo mà nhận và đã hết sức cố gắng làm xong nhiệm vụ. Chúng tôi mong rằng sau này sẽ còn có dịp trình bày lại nếu được học hỏi thêm, hôm nay chúng tôi nhận có nhiều thiếu sót, xin quý vị thông cảm cho.  
The Shambala Dictionary of Buddhism and Zen: 
Skandha: term for the five aggregates which constitutes the entirety of what is generally known as “personality”.  They are:
1/ Rùpa, corporeality or form  
2/ Vedanà, sensation  
3/ Sannà, samjnà, perception  
4/  Samskàra, mental formations   
5/ Vinnàna, vijnàna, consciousness.
These aggregates are frequently referred to as “aggregates of attachement” since (excluding the case of arhats  and buddhas) craving or desire attaches  itself to them and attracts them to itself; thus it makes of them objects of attachment and brings about suffering.  The characteristics of the skandhas  are birth, old age.
W. Rahula, L’enseignement du Bouddha, Ed. du Seuil, Paris. p.83: 
Samkhārā dans la liste des Cinq Agrégats signifie “formations mentales” ou “activités mentales” produisant des effets karmiques. Mais ici (dans un extrait du Dhammapada) il signifie toutes les choses conditionnées ou composées incluant également les Cinq Agrégats.  Le terme samkhārā a différentes significations  dans  différents  contextes.
Trong Con đường thoát khổ, dịch sách nói trên, ni sư Trí Hải viết: 
Samkhārā trong năm uẩn có nghĩa “hành” hay “những hoạt động tâm lý” phát sinh nghiệp quả.  Nhưng ở đây (mấy câu trích ở kinh Pháp cú) nó có nghĩa mọi sự vật bị giới hạn hay bị kết hợp, gồm cả năm uẩn.  Danh từ samkhārā có ý nghĩa khác nhau tùy trường hợp.[Góp ý: conditionné không dịch như  thế được, đó là duyên khởi , duyên hợp hay duyên sinh.]

---ooo0ooo---


Không có nhận xét nào: