Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

SƯNG RUỘT DƯ (1/2)


SƯNG RUỘT DƯ (APPENDICITIS) (1/2)
BS Nguyễn Văn Đức
-o0o-
image
Ruột dư (vermiform appendix) hình như con sâu, thân hẹp, dài khoảng 3 inches (7.5 cm), bám vào đầu ruột già nằm phía bụng dưới bên phải.
Giá nó đặc thì không sao, nhưng khổ nỗi lòng nó lại rỗng, ăn thông với lòng của ruột già qua một lỗ nhỏ. Cớ sự chính ở chỗ đó, do nếu có gì (như một miếng phân nhỏ chẳng hạn) trên bước đường phiêu du từ ruột non sang ruột già, lỡ lọt vào lòng nó, là ta có chuyện. Hoặc một hạch bạch huyết trong lòng nó to lên (lymphoid follicle hyperplasia), cũng khiến lòng nó tắc nghẽn, nó sưng lên. Người có giun kim, giun đũa, hoặc sán Taenia trong ruột, có thể bất chợt sưng ruột dư do giun, sán bò vào lòng ruột dư nằm chơi.
Sưng ruột dư là một trong những nguyên nhân hay làm chúng ta đau bụng cấp tính rồi bác sĩ phải đem ta đi mổ. Trẻ, già, nam, nữ, nó chẳng tha ai, song nó hay xảy ra nhất cho người trẻ trong hạn tuổi thanh xuân, mười mấy hai mươi mấy. Sưng ruột dư hiếm khi đến thăm các trẻ em dưới 1 tuổi. Hàng năm ở Mỹ, có 250.000 trường hợp sưng ruột dư xảy ra.
image
Khi ruột dư mới sưng trong vòng 24 tiếng đầu, chưa kịp bể ra, xì mủ vào trong bụng, ta định bệnh được ngay và đem mổ, tốt lắm, song nếu nó đã bể, mủ đã vào bụng, vấn đề trở thành trầm trọng, nhiêu khê hơn nhiều. Khổ cái, sự định bệnh thường muộn, do chỉ 55% các trường hợp sưng ruột dư (hơn một nửa một chút) cho những triệu chứng điển hình khiến chúng ta mau chóng nhận diện được căn bệnh. Trong rất nhiều trường hợp, nó giả hình che mắt, gây những triệu chứng giống những bệnh khác, nhất là ở trẻ em dưới 3 tuổi, người trên 60.
Triệu chứng
image
Nhưng khi ruột dư càng lúc càng sưng, cái đau trở thành rõ rệt, liên tục, và cũng nặng hơn, bò dần về phía vùng bụng dưới bên phải. Khi cử động và ho, bạn thấy đau thêm. Bạn ăn chẳng ngon miệng tí nào. (Triệu chứng ăn không ngon rất quan trọng, do thế, nếu bạn vẫn ăn ngon như thường, thì chắc không phải sưng ruột dư rồi.) Bạn có thể cảm thấy buồn nôn hoặc thực sự ói ra thức ăn, song có ói, thì cũng không ói dữ lắm, như khi bị trúng độc thức ăn (food poisoning). Thường, bạn không bị tiêu chảy khi sưng ruột dư.
image
Đấy là những triệu chứng điển hình của sưng ruột dư, nhưng ôi, đời thường dành nhiều thử thách cho các bác sĩ, vì chỉ 55% các trường hợp sưng ruột dư cho những triệu chứng điển hình như vậy. Trẻ em, những vị có tuổi, và phụ nữ mang thai, sưng ruột dư, hay có những triệu chứng chả điển hình tí nào. Chẳng hạn, trẻ em 11 tháng đến 35 tháng, khi sưng ruột dư, thường hay tiêu chảy, và nhiều trẻ dưới 1 tuổi vẫn đòi ăn như thường. Những vị lớn tuổi, già yếu, hay có những triệu chứng mơ hồ, không theo những diễn tiến như kể trên. Phụ nữ mang thai, sưng ruột dư, có khi thay vì đau vùng bụng bên phải phía dưới, lại đau bụng vùng bên phải phía trên, do tử cung mang thai đẩy ngược ruột dư ra khỏi vị trí bình thường của nó, lên cao hơn.
Ngay với những người trẻ, khỏe mạnh, không mang thai, sưng ruột dư, nhiều trường hợp, cũng có những triệu chứng không điển hình của căn bệnh.
Thăm khám
image
Khi thăm khám cho bạn, những gì bác sĩ nhận thấy nơi bạn sẽ tùy vào hai yếu tố: bạn đã có triệu chứng bao lâu, và vị trí của cái ruột dư trong bụng bạn (nó nằm đúng chỗ của nó, hoặc nằm thấp sâu phía dưới, nằm cao phía trên, nằm nấp sau ruột già xa phía đằng sau lưng, hoặc cắc cớ nằm ở bụng dưới bên trái thay vì bên phải).
Khi ruột dư bị sưng như vậy, lúc bác sĩ sờ nắn bụng bạn, đúng vào chỗ nằm của cái ruột dư, bạn sẽ cảm thấy đau, và bụng bạn chỗ ấy gồng cứng hơn những chỗ khác. Đau khi bị sờ nắn (tenderness) là dấu chứng quan trọng, vì nếu không có dấu chứng này, ta không thể định được bệnh sưng ruột dư. Dấu chứng này có thể chưa xuất hiện trong giai đoạn đầu của căn bệnh, khi bạn mới cảm thấy đau mơ hồ vùng bụng trên hoặc quanh rốn. Khi cái ruột dư của bạn chơi ngang, nằm nấp sau ruột già (retrocecal appendix) mãi tận về phía lưng, hoặc nằm thấp sâu dưới vùng chậu (pelvic appendix), bụng bạn có thể chẳng đau tí nào khi sờ nắn, nhưng bạn đau khi bác sĩ đấm đấm phía sau lưng bạn hoặc khi bác sĩ dùng ngón tay khám trực tràng (rectal examination) và khám vùng chậu của bạn (pelvic examination).
image
Quan sát bạn trong tư thế nằm, bác sĩ có thể thấy bạn co chân phải lên, cố không cử động nhiều bên phải vì đau. Nhiệt độ của bạn bình thường hoặc hơi tăng một chút (99 đến 100.5 độ F, hoặc 37.2-38 độ C). Nếu bạn sốt cao trên 103 độ F (39.4 độ C), chết rồi, chắc cái ruột dư bạn bị lủng rồi (perforation), mủ đã xì vào trong bụng, đồng thời dính vào các cơ quan chung quanh, đưa đến nhiễm trùng vùng quanh ruột dư, hoặc nặng hơn nữa, nhiễm trùng toàn bụng. Ruột dư ít khi bị lủng khi mới sưng trong vòng 24 giờ đầu, ta định được bệnh và đem đi mổ ngay, nhưng dễ bị lủng sau 48 tiếng đồng hồ.

---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào: