Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

28. TÁM THỨC

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT
Hoằng Hữu NGUYỄN VĂN PHÚ

28. TÁM  THỨC
Ngay từ khi còn ngồi ở bậc tiểu học, chúng ta đã được  thày cô dạy rằng: con người có ngũ quan  là mắt, tai, mũi, lưỡi, chân tay ; mỗi bộ phận chủ một việc, mắt để nhìn, tai để nghe, mũi để ngửi, lưỡi để nếm và chân tay để sờ mó (nay ta thay chữ chân tay bằng chữ da, và Phật học thì dùng chữ thân).  Thế thì bộ phận nào lo về những ý nghĩ, những tư tưởng?  Phật giáo nói đến cái bộ phận thứ sáu để lo việc ấy, gọi là ý, nó vô hình. 
Con mắt là một căn, nó có đối tượng là hình tướng và mầu sắc, gọi là trần. Mắt gặp một vật, nhờ một cái gì đó mà người ta gọi là thức - ở trường hợp này, đó là nhãn thức - ta mới biết rằng có vật ấy ...
Bây giơ, xin giới thiệu một số chữ:
GIÁC QUAN               CĂN                TRẦN              THỨC                         CÔNG DỤNG
Thị giác             Mắt (nhãn căn)          Sắc               Nhãn thức                THẤY
Thính giác         Tai (nhĩ căn)             Thanh           Nhĩ thức                    NGHE
Khứu giác         Mũi (tị căn)                Hương         Tị thức                       NGỬI
Vị giác               Lưỡi (thiệt căn)          Vị                 Thiệt thức                 NẾM
Xúc giác            Thân (thân căn)         Xúc               Thân thức                 CẢM
Sắc, thanh, hương, vị, xúc cũng được gọi là sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần.
Ta đã nói  rằng ý là vô hình.  Căn của nó cũng vô hình, tên là ý căn.
Đối tượng của mắt là sắc (hình tướng, màu sắc), đối tượng của tai là tiếng (âm thanh) vv... , đối tượng của ý là pháp.  Pháp là một chữ rất rộng nghĩa, ở đây pháp nghĩa là những thứ mà mình nhớ, mình nghĩ, là bóng dáng của năm thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc còn lưu lại trong ta,  cộng thêm vào những hình ảnh, ý nghĩ do ta tô điểm thêm ...
Khi mắt ta đặt trước một vật nào đó, ta nói rằng nhãn căn gặp nhãn trần hay là nhãn căn duyên nhãn trần. Do duyên này mà nảy sinh nhãn thức. Nhờ có nhãn thức, ta mới biết rằng cái vật đó hiện hữu, nó có ở đó ...
Đáng nhớ: Căn duyên trần  → Thức
Thân (da) gặp đối tượng của nó mà ta gọi là xúc, nhờ thân thức mà ta có cảm giác nóng lạnh, no đói … Nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức là năm thức.
Ý thức là thức của ý căn, ý thức là thức thứ sáu chủ về sự biết, về tri giác, nó phân biệt được sự việc và ý nghĩ, tư tưởng ... mà ta gọi là pháp hay pháp trần. Cái hay của ý thức là cảm thụ được những thứ vô hình như  y ùnghĩ, trong khi ấy thì năm thức kia chỉ “biết” những thứ hữu hình và cục bộ. 
Ý thức có khả năng suy luận, phân tích, tổng hợp ... Nó hỗ trợ cho năm thức trước.  Thày vẫn mắng trò là đãng trí, rõ ràng có mở sách ra, rõ ràng có đọc, rõ ràng có thấy chữ, thế mà chẳng hiểu gì cả; chẳng qua là vì tuy nhãn căn có gặp nhãn trần, nhãn thức có hoạt động nhưng ý thức “đi chơi” mất.  Ý thức như vậy là có công lắm, nhưng nó cũng có tội, nó chỉ có công khi đề nghị việc thiện, và nó mang tội khi đề nghị việc bất thiện, việc ác.
Chúng ta đã nhấn mạnh rằng ý thì vô hình,  ý căn cũng vô hình, tên là mạt-na  hay mạt -na-thức, đây chính là thức thứ bảy. Mạt -na có nhiệm vụ cân nhắc, so đo, tính toán ...  Cái đáng nói là mạt na thường quyết định theo thói quen, vì thế nó hay bảo thủ, bảo thủ mãi rồi thành ra cố chấp. Khi thói quen “mọc thành rễ ra” rồi thì nó trở thành kẻ chỉ huy!  Nói chuyện hút thuốc lá chẳng hạn.  Do giáo dục gia đình và học đường, khi người kia gặp điếu thuốc (mắt thấy, mũi ngửi..) thức thứ sáu là thức phân biệt đưa ra đề nghị không nên hút.  Nhưng khi anh ta đã nghiện (thói quen) thì thức thứ bảy tính toán làm vui lòng cái ngã của anh ta, nên anh ta cứ hút!   Mỗi khi có xung đột giữa thức thứ sáu và thức thứ bảy thì thường thường người ta theo thức thứ bảy. Thêm nữa, mạt-na chấp ngã rất nặng nề, nó nhận thức thứ tám làm “cái ta”, ích kỷ, tự ái, ghen tỵ ... từ nó mà ra.   Nhưng cũng phải nhận rằng nó bảo vệ mạng sống của con người!  Một người đang ngủ, ta gãi nhẹ vào bàn chân, người đó rụt chân lại.  Đó là do mạt-na làm việc!
Còn một thức nữa là thức thứ tám, tên là bát thức hay a-lại-da-thức, nói ngắn là a-lại-da, phiên âm từ chữ phạn alaya.  Khi ta làm gì, nói gì, nghĩ gì (một cách hữu ý chứ không phải vô tình) thì ta đã gieo nhân bằng thân, khẩu, ý.  Những nhân này là nghiệp nhân( sẽ có nghiệp quả trổ ra theo đúng luật nhân quả), đó là những hạt giống (chủng tử) vô hình, chứa trong một  cái kho vô hình , kho này chính là a-lại-da.  Vì thế a-lại-da thức còn có tên là tạng thức (tạng =  kho).  Nó chứa chất các chủng tử tốt, xấu, không tốt không xấu, và giúp chúng lớn lên, thay đổi đi, trở thành quả nên nó có tên là chủng tử thức hay dị thục thức (dị = khác, thục = chín).
Người ta cho rằng khi một người lên bàn mổ, bị đánh thuốc mê thì bảy thức đầu “ngủ” mất, chỉ còn có thức thứ tám điều khiển cơ thể người đó mà thôi.
Thức thứ bảy (mạt-na thức) được gọi là truyền tống thức vì lý do sau này: nó truyền những hình ảnh do ý thức đưa vào cất trong a-lại-da, sau sẽ lấy từ đó ra mà tống trở lại.  Hơn nữa, những gì thuộc nội giới không thể nhờ năm thức đầu cung cấp nên ý thức phải dựa vào mạt-na. Mạt-na thức là trung gian giữa hai thế giới nội ngoại vậy.
Đạo hữu Hiển Mật đã viết trong một bài nghiên cứu về duy thức học như sau: “Thức thứ sáu (ý thức) và thức thứ bảy (mạt-na thức) thực sự lãnh đạo thân thể chúng ta.  Trong lúc thức thứ sáu mải mê kiểm soát những động tác mới lạ và cố ý, thì thức thứ bảy lo lắng phối hợp những sinh hoạt quen thuộc và phản xạ mà đặc biệt là việc bảo tồn mạng sống của chúng ta.  Khởi đầu, tất cả mọi hành động của chúng ta đều do thức thứ sáu sắp đặt và đôn đốc.  Nhưng khi được lặp đi lặp lại nhiều lần đến độ trở thành thói quen hay phản xạ thì những động tác này sẽ rơi vào phạm vi kiểm soát của thức thứ bảy... Thức thứ tám là trung tâm tàng trữ hạt giống của các pháp, nó giúp các hạt giống phát triển, thay đổi, chín mùi để thích ứng với nhau, trước khi phát cho thức thứ bảy đem ra sáu thức đầu để tạo sự hiện thực”.
Vài danh từ :  Theo đạo hữu Hiển Mật thì: Năm thức đầu gọi chung là liễu cảnh thức vì có thể phát hiện trần cảnh. Thức thứ 6 = ý thức = minh liễu thức = phân biệt thức. Thức thứ 7 = ý căn = mạt-na-thức = mạt-na = tư lường thức = chấp ngã thức = truyền tống thức. Thức thứ 8 = bát thức = đệ bát thức = tạng thức = hàm tàng thức = chủng tử thức = dị thục thức = tiếp liệu thức = căn bản thức = nguyên thần thức. Nhờ đạo hữu Hiển Mật tóm tắt, ta biết rằng:
          Năm thức đầu là trung tâm liên lạc và công tác.
          Thức thứ sáu là trung tâm kiểm soát và kế hoạch.
          Thức thứ bảy là trung tâm quyết định và điều hành.
          Thức thứ tám là trung tâm tồn trữ  và tiếp liệu.
Học nhiều danh từ như vậy chắc nhức đầu, nhưng việc chính của chúng ta ở đây là áp dụng vào việc tu hành. 
Thứ nhất, thân khẩu ý luôn luôn gây nghiệp, các nghiệp-nhân tích lũy vào trong tạng thức và lớn dần lên đợi trổ quả, nhân nào quả đó, vậy chúng ta nên liệu sao cho các nghiệp-nhân đa số là nhân lành hay hơn nữa, tất cả đều là nhân lành. 
Thứ nhì, đừng gây nhiều thói quen, thói quen khó bỏ lắm, cứ lấy việc nghiện ngập rượu chè ma túy mà làm thí dụ.  Thói quen ảnh hưởng lớn đến cận tử nghiệp tức là nghiệp khi sắp chết, hướng thần thức về cảnh giới mới.  Nhất là người tu hành, phải tránh rất nhiều thứ  về thân khẩu ý (giữ giới), cuộc sống thanh đạm, tư tưởng trong sạch để huân chủng tử lành vào a-lại-da càng nhiều càng hay.  Đừng tham đắm bất cứ cái gì dù rằng bằng tư tưởng, nhân ấy gieo vào a-lại-da đợi lúc thành quả. Cần tập trung tư tưởng đuổi hết những ý nghĩ xấu, những tham đắm, những cuồng vọng, những dự tính tàn ác...
Thứ ba, nên nhớ rằng chính a-lại-da mang cái nghiệp sang kiếp khác, tùy nghiệp mà vào cảnh giới mới, cho nên người Phật tử bận rộn hay chậm chạp như chúng ta cần phải niệm Phật luôn luôn.  Nói ngắn thì đức Di-Đà và thánh chúng sẽ tới đón khi lâm chung; nói theo điều chúng ta mới học đây thì niệm Phật là để huân (huân nghĩa là ướp) những chủng tử lành vào a-lại-da, huân liên tục, huân hoài hoài để a-lại-da chứa đầy thiện niệm, giảm hay triệt hết ác niệm, tà niệm và tạp niệm.  Lúc lâm chung, cái nghiệp được  “nhẹ nhàng”, cái nghiệp được “trong sạch”; nhân nào quả ấy, kiếp mới nhẹ nhàng, trong sạch,  được về cõi tịnh của đức Phật A-Di-Đà. 
Ai hỏi rằng lúc chết rồi thì cái gì đi đầu thai, chúng ta trả lời ra sao?  Trong đạo Phật, chúng ta dùng chữ thần thức (a-lại-da) mà không dùng chữ hồn, nếu dùng chữ hồn thì phải nhớ rằng nó vô thường chứ không bất biến và vĩnh cửu;  chúng ta dùng chữ  tái sinh và tránh chữ đầu thai vì chữ đầu thai mang cái ý một linh hồn chuyển từ thân xác này qua thân xác khác.  Nếu có thích dùng chữ đầu thai theo thói quen thì phải nhớ rằng nghiệp lực rất mạnh đẩy a-lại-da vào cảnh giới mới. Vào cảnh giới nào thì sanh ra trong cảnh giới đó.
 Tái sinh thành người thì a-lại-da nương vào một cặp cha mẹ; ba thứ hợp thành bào thai (chứ không phải chỉ có hai yếu tố cha, mẹ là đủ) ...
Vãng sanh tịnh độ thì “hoa nở thấy Phật” tức là sanh từ cái hoa sen trong ao thất bảo ở miền Cực Lạc.  Vì thế nói “hoa sen là cha mẹ”. Tới đó tu thêm chứ chưa thành Phật ngay được, mà không phải tất cả như nhau vì có chín phẩm, mỗi phẩm có nhiều bậc ...
Đầu đề này khó quá, e rằng có nhiều sai lầm, tôi xin sám hối.  Kính chúc quý đạo hữu niệm Phật chuyên cần và nhất tâm  để sau này “hoa khai kiến Phật”.

------ooo0ooo------

Không có nhận xét nào: