Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT
Hoằng Hữu NGUYỄN VĂN PHÚ

25. LỤC  CĂN
Nghe mấy người bạn bàn chuyện, tôi thấy nói: “không diệt sáu căn, vì diệt sáu căn thì lấy gì mà tu.  Chỉ cột sáu căn lại không cho chúng vùng vẫy là đủ”.  Tôi không hiểu sáu căn là gì, nên đi tìm tài liệu; hôm nay tìm được một ít, viết ra chia sẻ cùng quý đạo hữu.
Chúng ta lấy việc sau này: con mắt ta được đặt trước một cái cây, ta biết đó là cái cây.  Con mắt gọi là căn.  Cái cây gọi là trần hay cảnh.  Sự biết gọi là thức.  Mắt người chết đặt trước cái cây mà không thấy, chỉ vì không có thức.  Vậy có ba chữ mà ta cần học là căn, trần và thức.
Lúc nhỏ, đi học, thày cô dạy chúng ta rằng con người có năm quan năng là thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác. 

Các giác quan tương ứng là mắt, tai, mũi, luỡi và da, nói rộng ra là thân; năm thứ này là ngũ căn: nhãn căn, nhĩ căn, tị căn, thiệt căn và thân căn.  
Nhãn căn   (Mắt)
Nhĩ căn (Tai)
Tị  căn (Mũi)
Thiệt căn (Lưỡi)
Các đối tượng của chúng theo thứ tự là hình dạng, âm thanh, mùi, vị và xúc.  Đó là ngũ trần.
Công dụng của năm quan năng là nhìn, nghe, ngửi, nếm và sờ mó. Đến đây không có gì là phiền cả vì chúng ta học lâu rồi.
Nay, một vấn đề được đặt ra: những thứ như ý nghĩ, tưởng tượng, ghi nhớ... thì cái gì lo? Căn nào lo?

Tai tức là nhĩ căn “lo” về âm thanh, mũi tức là tị căn “lo” về mùi ...  Có một căn vô hình gọi là ý căn, ý căn này “lo” về những cái mới nêu trên đây, nó có đối tượng là các ý tưởng (đối tượng của ý) tức pháp trần, gọi ngắn là pháp: chữ pháp này có nghĩa rất rộng, một trong các nghĩa đó là: Bất cứ việc chi dầu nhỏ dầu lớn, hữu hình hay vô hình, tốt hoặc xấu, hữu vi hay vô vi, chân thật hay hư vọng đều có thể gọi là pháp.  
Năm căn nói trên đây, cộng với ý căn, làm thành lục căn.  Khi căn tiếp xúc với trần thì phát sinh ra thức; cần phải nói rõ như thế này: căn và trần là những trợ duyên để sinh ra thức, nhà Phật nói rõ thế để bảo rằng thức cũng chỉ là do nhân duyên mà có. 
Ý căn tiếp xúc với pháp trần giúp làm nảy ra ý thức.
[Danh từ Duy thức học gọi ý căn là mạt-na hay mạt-na-thức, nó là thức thứ bẩy Còn thức thứ tám nữa là a-lại-da hay a-lại-da-thức].
Căn : Mắt – Tai – Mũi - Lưỡi – Thân - Ý (ý căn)
Trần : Sắc – Thanh – Hương – Vị - Xúc – Pháp.
Thức : Nhãn thức – Nhĩ thức – Tị thức – Thiệt thức – Thân thức – Ý thức.
Dụng : Nhìn – Nghe – Ngửi – Nếm – Sờ - Biết.
Nay nói theo danh từ khoa học, tiện cho các bạn trẻ: căn thuộc về sinh lý, trần thuộc về vật lý, thức thuộc về tâm lý. [nói pháp trần thuộc vật lý thì hơi cưỡng ép]

6 căn và 6 trần gọi chung là 12 xứ (thập nhị xứ hay thập nhị nhập), thêm 6 thức vào thì gọi chung là 18 giới (thập bát giới).
Thân căn
Trong kinh Lăng-Nghiêm, đức Phật dạy ngài A-Nan rằng: “Khiến cho ông lưu chuyển sinh tử là do sáu căn, làm cho ông an lạc giải thoát cũng từ sáu căn mà được”.
Mắt dính sắc, tai dính thanh, mũi dính mùi, lưỡi dính vị, thân dính xúc, thành ra ham muốn, năm sự ham muốn này là ngũ dục.  Thêm ham muốn do ý nữa thì thành ra lục dục.

 Không nên lầm lục dục với lục tặc, tức là sáu tên giặc, đó là sáu trần luôn luôn rình rập để nhập vào sáu căn mà phá ta, cướp công đức tu hành của ta.  Tượng ngài Di-Lặc có sáu đứa trẻ bám quanh, đó là lục tặc, chúng không làm gì được ngài vì ngài đã tu hạnh xả, không để ý đến sự phá phách của chúng, chỉ cười mà thôi. Nếu thấy năm tên giặc thay vì sáu thì biết rằng người ta cố ý bỏ bớt “ý” vì nó vô hình.
Ý căn
Trong Tăng chi bộ kinh, có bài kinh Sáu Pháp Vô Thượng, đức Phật dạy:    “Thày tỳ kheo phải tu sáu pháp vô thượng.  Những gì là sáu?

  1. Mắt thấy sắc, không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
  2. Tai nghe tiếng, không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
  3. Mũi ngửi mùi, không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
  4. Lưỡi nếm vị, không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
  5. Thân chạm xúc, không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
  6. Ý đối với pháp, không ưa thích, ghét bỏ, trụ tâm nơi xả, hằng tỉnh sáng.
Ai được sáu pháp này là bậc vô thượng, là phước điền của chúng sinh, xứng đáng cho trời, người tôn trọng, cung kính, cúng dàng.”
Tóm lại, phải hộ trì các căn, điều khiển chúng, đặc biệt là phải gắng làm chủ được ý thức vì ý thức biết phân biệt hay dở, xấu đẹp, ... rồi sinh yêu ghét, khen chê, ... từ đó gây nghiệp bằng thân khẩu ý, và bị lôi cuốn vào vòng sinh tử luân hồi. 
Không để cho vọng tưởng nổi lên, nếu nó nổi lên thì mình BIẾT có vọng tưởng, đuổi nó đi.  Khi nó đi rồi, mình BIẾT nó đã đi. Cái BIẾT ấy mới là cái quý, không phải là cái biết thông thường nhờ các thức.  Tại sao quý?  Thưa đây: Cái sự BIẾT luôn luôn hiện hữu trong ta, chính là giác tánh, còn có tên là Như lai tánh, Di-Đà tự tánh, Phật tánh. [Ý kiến của HT Thanh Từ] □

------ooo0ooo------

Không có nhận xét nào: