Thứ Ba, 15 tháng 4, 2014

17 NGHIỆP QUẢ


BƯỚC VÀO CỦA PHẬT
Hoằng Hữu NGUYỄN VĂN PHÚ
17. NGHIỆP  BÁO
Khi còn ở Saigon, tôi được một bạn kể cho nghe rằng bên nhà hàng xóm của ảnh, có một người sống không ra sống, chết không ra chết, nằm trên giường rên la suốt ngày, thỉnh thoảng rống lên như con heo đang bị chọc tiết. Hỏi chi tiết, tôi được biết cái người đau khổ kia có một thời làm nghề tra tấn tù nhân.  Anh bạn tôi thốt ra câu: “Hắn đang trả nghiệp”. 
Tôi lại có dịp nghe kể rằng một vị xuất gia hấp hối mãi mà không đi nổi.  Tụng kinh ở bên cạnh giường bệnh nhiều biến, vẫn chưa có kết quả.  Sau, vị đó xin sám hối, và nói ra một điều giữ kín từ lâu: tuy không tự tay làm ác, nhưng vị đó đã bao che cho một người phạm tội rất nặng, làm cho nạn nhân của người này uất ức, oán hận, không thể nào tả ra cho hết được.  Sám hối thành khẩn rồi và được sự trợ giúp tinh thần do chú nguyện của đồng đạo, vị đó mới ra đi nổi.  “Nghiệp nặng quá!”.
Nghiệp báo
Vậy nghiệp  là gì? Chữ pàli kamma, chữ sanskrit karma phiên âm thành kiết-ma, và dịch là nghiệp.  Sách Anh và Pháp giữ nguyên chữ karma, không dịch.  Nghiệp là “hành động” có ý thức – chứ không phải là vô tình – của thân, khẩu và ý.  Có ba nghiệp là: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp.  Trong ba thứ này thì ý nghiệp nặng nhất. Đức Phật đã dạy: “Này các thày Tỳ-kheo, Như Lai nói rằng tác ý là nghiệp”. Tác ý là ý muốn làm, muốn hành động.  Cái gì thúc đẩy tác ý?  Đó là ái dục.  Ái dục gốc ở đâu? Ở vô minh. Còn vô minh, còn ái dục, còn ham sống thì thân khẩu ý đều gây ra  nghiệp. Chư Phật và chư bồ-tát không gây nghiệp vì đã hết vô minh, thân khẩu ý đã thanh tịnh hoàn toàn.
Thế nào là nghiệp nhânnghiệp quả? Mỗi khi có một hành động có ý thức bằng thân khẩu ý thì đó là nghiệp nhân, nó vô hình và được chứa trong một cái kho vô hình gọi là tạng thức (tên khác là thức thứ tám hay a-lại-da-thức. Tạng nghĩa là kho).  
Chúng là những chủng tử, gặp đủ duyên thì chín mùi, tạo ra nghiệp quả bằng thân khẩu ý.  Nghiệp quả này lại tạo nhân gieo vào a-lại-da-thức... cư thế mãi, theo đúng luật nhân quả. Như trên đã nói, thời gian từ nhân đến quả có thể mau hay chậm, cho nên nghiệp quả không phải là dễ nhận thấy, vì không dễ nhận thấy nên lắm người không sợ, cứ tạo nghiệp hoài.  Họ nghĩ rằng luật nhân quả nghiệp báo là do đạo Phật đặt ra, họ không theo đạo Phật nên không quan tâm; sự thật thì luật nhân quả là một định luật phổ biến trong trời đất, ai ai cũng bị nó chi phối hết.
Chúng ta có thể tạm thí dụ tạng thức là một thửa ruộng, nếu gieo hạt thiện thì sẽ có quả thiện; ngược lại, nếu gieo hạt ác thì sẽ hái quả ác.  Trên thực tế, thiện ác lẫn lộn nên quả cũng lẫn lộn, khác nhau là thiện nhiều hơn hay ác nhiều hơn và sự cố gắng tu hành của cá nhân để làm thui chột các nhân ác và tăng trưởng các nhân thiện.
Hình minh họa : Cận tử báo nghiệp ác

Sức mạnh của nghiệp gọi là nghiệp lực. Nghiệp lực vô hình nhưng rất mạnh, khó có thể cưỡng lại nó được. Lấy thí dụ một người mê bài bạc, thói quen của hành động đánh bạc là một nghiệp, nghiệp lực thúc đẩy người đó mãnh liệt như thế nào, chúng ta đã biết, ai cũng đã nghe câu nói “cửa nhà bán hết cho chân vào cùm”.  Người ghiền sì-ke ma-túy cũng như vậy.  Hơn nữa nghiệp lực lại rất dai dẳng vì nhân quả, quả nhân ... cứ nối tiếp nhau hoài hoài.  Nghe thế thì đáng sợ, nhưng cần nhớ rằng nghiệp lực sẽ hết tác dụng khi người ta được giác ngộ và giải thoát.
Theo thời gian mà xét thì có các loại nghiệp sau này:
-           hiện nghiệp: đời này tạo nghiệp, đời này lãnh quả,
-           sinh nghiệp: đời này tạo nghiệp, đời sau lãnh quả,
-           hậu nghiệp: đời này tạo nghiệp, nhiều đời sau mới lãnh quả,
-           bất định nghiệp: quả báo xảy ra không biết lúc nào.
Theo tính chất mà xét thì có các loại nghiệp sau này:
-           tích lũy nghiệp: nghiệp từ nhiều đời trước tích lũy lại,
-           tập quán nghiệp: nghiệp tạo trong đời này do thói quen,
-           trọng nghiệp: nghiệp nặng hơn các nghiệp khác (như giết cha mẹ... ),

-           cận tử nghiệp: nghiệp lúc gần chết, rất mạnh, ảnh hưởng đến việc tái sinh.
Thông thường, nghe nói đến nghiệp, chúng ta có khuynh hướng nghĩ đến nghiệp xấu, và có vẻ sờ sợ;  thật ra có nghiệp dữ, có nghiệp lành.  Dù có gặp nghiệp dữ thì vẫn có thể cải nghiệp được: tạo nghiệp lành để át nghiệp dữ, vì thế mới có câu “đức năng thắng số”, điều này nói lên tính cách tích cực của đạo Phật, không chấp nhận số mạng mà chỉ nói về nghiệp và con người có thể cải nghiệp của mình, cái đó là do mình.

Khi người ta chết, ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) tan rã, tứ đại (đất, nước, gió, lửa) phân ly.  Nhưng nghiệp vô hình thì còn, nó chứa sự tham sống và lòng ái dục; hai thứ này là nguyên nhân của các hành động thân khẩu ý lúc sống và kết quả lại vẫn là tham sống và ái dục.  Nghiệp chứa trong kho a-lại-da.  Nghiệp lực đẩy a-lại-da đi tìm một “thân” khác để tiếp tục sống và ái dục, thế là “tái sinh” mà người ta hay gọi là “đầu thai”.  Gọi cái a-lại-da đó là thần thức hay linh hồn không quan trọng lắm nhưng phải nhấn thật mạnh rằng cái đó không bất biến, không trường tồn.
Hình minh họa : Nghiệp quả
Kết luận: Nghiệp là động lực của dòng sinh mạng từ kiếp này sang kiếp khác. Sống là đợt sóng nhô lên, chết là đợt sóng hụp xuống, sinh tử tử sinh, đó là vòng luân hồi.


---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào: