Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

TỔ BỒ ĐỀ ĐẠT MA

BƯỚC VÀO CÕI PHẬT – QUYỂN 2 – BÀI 8
Cố Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
-o0o-
8. TỔ BỒ-ĐỀ-ĐẠT-MA
Trong lịch sử Phật giáo đại thừa Trung quốc, Việt Nam và Nhật bản ...  ngài Bồ-Đề-Đạt-Ma giữ một vị trí đặc biệt.  Thật vậy, ngài là tổ khai sáng Thiền tông tại Trung quốc vào thế kỷ thứ sáu, cho đến ngày nay, tông phái ấy vẫn còn giữ một địa vị hàng đầu, nhất là tại Nhật bản; người ta nói rằng văn hóa Nhật bản chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của pháp môn Zen.
Người ta hay gọi ngài là Đạt-Ma đại sư hay Đạt-Ma tổ sư. Hôm nay, nói về ngài, chúng tôi xin thưa trước rằng những tài liệu đưa ra đây đều được nhặt nhạnh trong các sách và có nhiều chi tiết mang tính cách hoang đường.  Ngay như năm sinh, năm mất của ngài cũng không chắc chắn, The Shambala Dictionary of Buddhism and Zen ghi năm sinh là khoảng 470, năm mất là 543 với một chấm hỏi.
Ngài Ca-Diếp điều khiển Giáo Hội sau khi đức Thích-Ca nhập diệt, ngài là tổ thứ nhất của Phật giáo. Y và bát truyền dần xuống đến tổ thứ 27 là ngài Bát-nhã-đa-la, vào khoảng một ngàn năm sau khi Phật nhập Niết-bàn.  Khi ngài Bát-nhã-đa-la đi hoằng hóa về phía Nam nước Ấn-Độ, ngài được vị vua của một tiểu vương quốc tại đó tên là Hương Chí thỉnh về cung cúng dàng.  Nhà vua có ba hoàng tử tên là Nguyệt-tịnh-đa-la, Công-đức-đa-la, Bồ-đề-đa-la, đều sùng kính Phật pháp.
Tổ hỏi nhiều câu để thử xem ba hoàng tử căn cơ ra sao.  Người thứ ba với tài đối đáp bộc lộ sự tinh thông Phật pháp làm cho ngài vui lòng mà nhận ta rằng ngài đã tìm ra người để truyền tâm ấn.
-  Trong các vật, vật gì là không tướng? 
-  Chẳng khởi là không tướng..
-  Trong các vật, vật gì là tối cao?   
-  Nhơn ngã là tối cao.

Tổ Bát Nhã Đa La
 [Riêng tôi, tôi thấy chỗ này khó hiểu, vì nhơn ngã tức là cái bản ngã của con người, mà đạo Phật không chấp nhận nhơn ngã và pháp ngã, và bảo rằng ngã, pháp đều không; hay là ở đây muốn chỉ cái Ngã thật sự của con người tức Phật tánh? Xin nêu vấn đề].
-  Trong các vật, vật nào là tối đại?  
-  Pháp tánh là tối đại (the nature of dharmas  is  the biggest).
Khi vua Hương Chí băng, hai anh lớn khóc lóc, riêng người con út Bồ-đề-đa-la ngồi nhập định bên linh cữu suốt bảy ngày và sau tang lễ, xin phép hai anh và được hai anh cho phép xuất gia, sau được tổ  Bát-nhã-đa-la truyền y bát làm tổ thứ 28.  Tổ dặn rằng chỉ tạm ở Ấn-Độ thôi, sau sẽ phải sang hoằng pháp tại Trung Hoa, nhưng phải đợi 60 năm sau khi ngài tịch diệt (vì chi tiết này mà có người nói rằng tổ thứ 28 sống trên 100 tuổi) vì đi ngay thì có nhiều điều không hay.
Anh cả của ngài lên nối ngôi vua cha, khi nghe ngài kể lại lời dặn dò của tổ thứ 27, thì cung cấp thuyền bè và thủy thủ để ngài sang Trung Quốc.  Lênh đênh trên mặt biển ba năm trời, cuối cùng ngài đến Quảng Châu, năm 520, thời vua Võ Đế nhà Lương (nhà Lương: 502 – 557; sử Tàu còn có Hậu Lương: 907 – 923).  Có nơi nói rằng lúc đó ngài 60 tuổi, điều này rõ ràng trái với chuyện vừa kể trên đây.  Được địa phương báo cáo, Lương Võ Đế thỉnh ngài về kinh đô Kim Lăng. 
Khi viết tiểu sử của ngài, người ta gọi ngài là Bồ-Đề-Đạt-Ma (đa-la đổi thành đạt-ma lúc ngài xuất gia. Bodhi dịch là giác hay là đạo, dharma dịch là pháp, nên có chỗ gọi ngài là Đạo Giác).  Sách thường nhắc đến câu chuyện trao đổi giữa ngài và Võ Đế:
-  Trẫm thường cất chùa, độ tăng ni, in kinh sách không biết bao nhiêu, vậy có công đức gì không?    
-  Đều không có công đức.   
-  Tại sao?   
-  Vì những việc ấy là nhân hữu lậu, chỉ có quả báo ở cõi trời và cõi người, như bóng theo hình, tuy có mà chẳng phải thật.  
-  Thế nào là công đức chân thật?   
-  Trí thanh tịnh tròn đầy, thể tự không lặng, công đức như thế chẳng do thế gian mà cầu.   
-  Thế nào là thánh nghĩa đế thứ nhất?
-  Rỗng rang, không thánh.    
-  Đối diện với trẫm là ai?   
-  Không biết!
Nhận thấy căn cơ chưa hợp, ngài vượt sông Dương tử, ngược lên phía Bắc, đến nước Ngụy, tới trụ trì tại chùa Thiếu Lâm trên núi Trung Sơn, ngồi im lặng nhìn vào vách, vì thế mà người ta gọi ngài là Bích quán bà-la-môn (thày bà-la-môn nhìn vách). 
Truyền thuyết nói ngài ngồi như thế nhiều năm liền! 
Một vị tăng giỏi tên là Thần Quang đến cầu pháp nơi ngài mà ngài vẫn chưa quay ra.  Vị sư này kiên nhẫn chờ, tuyết rơi ngập đến đầu gối mà không lùi, lại còn chặt cánh tay trái để chứng tỏ lòng thiết tha cầu đạo của mình.  Tổ khen. Sư thưa: 
- Tâm con chưa an, xin thày dạy pháp an tâm.  
- Đem tâm ra đây ta an cho.  
- Con tìm tâm không thể được.  
-  Ta đã an tâm cho ngươi rồi.   
Tới đó sư Thần Quang ngộ, theo học Tổ nhiều năm,  Tổ đổi  tên của sư thành Huệ Khả; sau này tổ truyền y bát cho ngài Huệ Khả làm tổ thứ nhì của Thiền tông.
Theo một truyền thuyết kể trong sách Cảnh đức truyền đăng lục thì sau chín năm trụ ở Thiếu Lâm Tự, ngài Đạt-Ma nhớ quê và quyết định hồi hương.  Ngài thử nghiệm sự thực chứng của các môn đồ và bảo nói ra chỗ sở đắc của mình.
Sư Đạo Phó thưa: Theo chỗ thấy của con, chẳng chấp văn tự, chẳng lìa văn tự, đấy là dụng của đạo.    
Tổ bảo: Ngươi được phần da của ta.
Ni Tổng Trì thưa: Nay chỗ hiểu của con, như tổ A-nan thấy nước Phật A-Súc, chỉ thấy một lần, không còn thấy lại.    
Tổ bảo: Ngươi được phần thịt của ta.
Sư Đạo Dục thưa: Bốn đại vốn không, năm ấm chẳng có, chỗ thấy của con không một pháp có thể được.    
Tổ bảo: Ngươi nắm được phần xương của ta.
Đến Huệ Khả bước ra đảnh lễ, rồi lui lại đứng im lặng.
Tổ bảo: Ngươi được phần tủy của ta.
Và ngài truyền y bát cho Huệ Khả, tặng cho bộ kinh Lăng-Già, ngài cho rằng đó là kinh mà Phật nói “tột pháp yếu”, giúp cho chúng sinh mở, bày, ngộ, nhập kho tri kiến Phật (khai thị ngộ nhập Phật tri kiến).
Khi ngài cùng đồ chúng đến chùa Thiên Thánh ở Võ Môn được ba hôm thì ngài an nhiên thị tịch (năm 529, theo các tài liệu chữ Hán).  Nhục thân được đưa vào tháp tại chùa Định Lâm, trên núi Hùng Nhĩ.
Sứ của vua Ngụy tên là Tống Vân đi Tây trúc thỉnh kinh về, gặp ngài, thấy ngài tay cầm một chiếc dép, bèn hỏi ngài đi đâu. Ngài đáp: “Về Ấn-Độ. Thày của ngươi chán đời rồi”.
Tống Vân về triều thì vua đã băng, có vua mới.  Đem chuyện trình lên, vua cho mở quan tài thì không thấy người đâu, chỉ còn một chiếc dép.  Vua cho đem chiếc dép đó về thờ ở chùa Thiếu Lâm, sau thờ ở chùa Hoa Nghiêm.
Có một thuyết nói rằng ngài bị thuốc độc mà tịch vào lúc ngài 150 tuổi.
Tại nhiều chùa, có thờ tổ Bồ-Đề-Đạt-Ma.  Hình thờ vẽ một nhà sư da ngăm, râu rậm, mắt to, dáng đi nhanh, vai vác một cành cây nhỏ, đầu cành treo một chiếc dép.  Đó là nhắc lại chuyện trên đây. Người ta cho rằng “một chiếc dép chứ không phải hai” là để nói đến pháp môn bất nhị của đạo Phật.
Tượng thờ Đạt Ma Tổ Sư

---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào: