Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

16. TÔN GIẢ A NAN

Bước vào cõi Phật – Quyển 2 – Bài 16. Tôn giả A Nan
Cố Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
-o0o-
16. TÔN GIẢ A-NAN
1. Mỗi khi tụng kinh, chúng ta thấy kinh bắt đầu bằng mấy chữ “Tôi nghe như vầy”. Đó là lời nói của ngài A-Nan, vị thị giả của đức Phật. Ngài A-Nan là một trong mười đại đệ tử của đức Phật, là bậc đa văn đệ nhất (đa văn nghĩa là nghe nhiều). Trí nhớ của ngài rất là kỳ diệu, ngài nhớ tất cả các bài pháp của đức Thế tôn. Đại trưởng lão Ma-ha Ca-Diếp được đức Thế tôn truyền y bát  để nhận trách nhiệm làm Tổ thứ nhất của Phật giáo. Mấy tháng sau khi đức Thế tôn tịch diệt thì ngài Ma-Ha Ca-Diếp triệu tập Kết tập pháp để đọc tụng toàn thể các điều giảng dạy của đức Phật, nhằm mục đích giữ lại cho chính xác bởi vì khi đức Phật thuyết pháp thì không có ai ghi chép thành văn bản. Ngài A-Nan được cử tụng lại các kinh và nhờ trí nhớ siêu phàm của ngài mà ngày nay chúng ta có được đày đủ các kinh trong Tam tạng.
Hôm nay, chúng tôi xin trình bày vài nét về ngài A-Nan.
Tôn giả A Nan Đà
2. Chúng ta đều nhớ rằng đức Phật Thích-Ca khi chưa xuất gia là thái tử Tất-Đạt-Đa, con vua Tịnh-Phạn và hoàng hậu Ma-Da. Vua Tịnh-Phạn có một người em ruột là vua Bạch-Phạn, vị này có hai con trai là Đề-Bà-Đạt-Đa và A-Nan-Đà (gọi tắt là A-Nan, chữ này dịch thành Khánh Hỷ, nghĩa là vui mừng). Đức Thích-Ca thành đạo khi ngài 35 tuổi. Lúc đó ngài A-Nan mới chừng sáu bảy tuổi, vậy có thể nói rằng ngài kém đức Phật vào khoảng 30 tuổi. Ngài bắt đầu làm thị giả cho đức Phật khi ngài trên 20 tuổi, lúc ấy đức Phật đã 50 tuổi.
Vài năm sau khi đức Phật thành đạo, Ngài trở về hoàng cung ở thành Ca-Tì-La-Vệ. Các vương tôn công tử đua nhau đi đón Ngài. Sức cảm hóa của Ngài rất mạnh mẽ. Rất nhiều người xin xuất gia theo Ngài, trong số đó có các hoàng thân Đề-Bà-Đạt-Đa (sau này là người phản bội đức Phật, mưu toan ám hại Ngài mà Ngài vẫn từ bi tha thứ), A-Nan, Bạt-Đề, A-Na-Luật (sau là bậc thiên nhãn đệ nhất) ..., đặc biệt là có con trai duy nhất của Phật là La-Hầu-La mới có mấy tuổi (sau là bậc tu mật hạnh đệ nhất) và người thợ cạo của các công tử tên là Ưu-Bà-Ly (sau này là bậc trì giới đệ nhất).
3. Trong mười mấy năm từ sau khi đắc đạo, đức Phật không có thị giả chính thức, nếu có thì chỉ là mấy vị làm việc tạm, chưa hề chính thức đảm nhận công việc khó khăn ấy. Khi đức Phật tới tuổi 50 thì sức khỏe kém đi, đồng thời công việc hàng ngày quá nhiều, tân khách lại quá đông nên các đệ tử nghĩ đến việc kiếm một thị giả cho ngài.
Khi ngài A-Nan được các trưởng lão tiếp xúc để đề cử làm thị giả cho đức Phật, thì thoạt tiên ngài từ chối, sau vì lời thỉnh cầu khẩn khoản và lời giải thích thỏa đáng của các vị trưởng lão, ngài ưng thuận nhưng xin trình trước với đức Phật những điều sau đây, cốt để tránh những điều dị nghị sau này cho rằng ngài nhận việc vì có ý mưu cầu các lợi ích vật chất :
1.    Không mặc áo mà đức Phật ban cho, dù là mới hay cũ,
2.  Không dùng các thức ăn uống mà thí chủ dâng cúng Phật, dù là đồ thừa,
3.  Không ngụ chung tịnh thất với đức Phật,
4.  Không đi theo Phật đến những nơi mà thí chủ chỉ thỉnh Phật mà thôi,
5.  Được đức Phật hoan hỉ cùng đi với ngài tới nơi mà ngài được mời,
6.  Được quyền sắp xếp, tiến cử những vị khách muốn đến gặp đức Phật,
7.  Được phép hỏi đức Phật mỗi khi có điều hoài nghi,
8.  Được đức Phật hoan hỉ nói lại những bài pháp mà đức Phật đã thuyết khi ngài vắng mặt.
Đức Phật nhận những đề nghị ấy và ngài A-Nan trở thành thị giả của đức Phật trong hơn hai mươi lăm năm, cho đến khi đức Phật nhập diệt. Ngài làm bổn phận rất cần mẫn và tận tụy, với lòng tôn kính cao độ và sự săn sóc tận tâm đối với đức Thế tôn. Bất cứ tài liệu nào cũng công nhận như vậy.
4. Khi ngài A-Nan gia nhập tăng đoàn thì ngài là một hoàng tử trẻ tuổi hình dung tuấn tú, ăn nói khoan thai, tính tình hòa nhã, lại biết nhường nhịn. Vì lẽ ấy nên ai ai cũng quý mến và nhiều cô thầm yêu trộm nhớ. Cũng vì thế mà nhiều phen ngài bị phiền phức. Truyện kể rằng : Một thời kia, vua Ba-Tư-Nặc mở tiệc mời Phật thụ trai nơi cung cấm, các trưởng giả cư sĩ trong thành cũng xin cúng dàng trai tăng. Đức Phật sai ngài Văn-Thù hướng dẫn các vị bồ-tát và a-la-hán đến nhà các trai chủ. Riêng ngài A-Nan vắng mặt vì đã có lời mời riêng ở nơi xa. Khi về chỉ có một mình, mà không có ai cúng dàng, ngài bèn cầm bình bát đi khất thực. Qua nhà kia, có một cô gái tên là Ma-Đăng-Già đã có lòng thương nhớ ngài từ lâu. Mẹ cô này đã giúp con gái bằng cách xin bùa chú của tà đạo để mê hoặc ngài A-Nan. Đức Phật biết thị giả của mình lâm nạn, tuyên đọc thần chú rồi sai ngài Văn-Thù dùng chú này mà giải thoát cho ngài A-Nan đồng thời bắt cô gái Ma-Đăng-Già về tịnh xá để ngài giáo hóa (sau, cô gái này cũng ngộ đạo). Việc này là nguyên do Phật nói một kinh đại thừa hết sức quan trọng là kinh Thủ Lăng Nghiêm.
Như trên đã ghi, ngài A-Nan là một vương tử trẻ và đẹp, tính tình thuần nhã lại hay giúp đỡ người khác cho nên được cảm tình của mọi người, nhất là phái nữ. Câu chuyện nàng Ma-Đăng-Già vừa nói trên đây là một thí dụ. Khi ngài thuyết pháp thì trong thính chúng cũng rất đông phái nữ. Một lần kia, ngài theo lệnh của Phật đem bánh phát cho dân chúng mỗi người một cái; vô tình ngài đã phát cho một thiếu nữ hai cái bánh vì hai cái bánh đó dính vào nhau; do đó có lời xầm xì rằng ngài có tình ý với cô kia. Có một ni cô thương nhớ ngài quá mà phát bệnh, nhờ bạn đến cầu xin ngài đến thăm cô ấy trước khi chết. Khi đến, thấy ánh mắt cô kia không đoan trang, áo quần thiếu nghiêm túc, ngài bèn bỏ đi. Cô ấy hiểu ra, hổ thẹn, y phục tề chỉnh, xin ngài quay lại; ngài bèn thuyết pháp cho và cô ấy đã phấn đấu dứt được ái dục. Thật ra thì ngài hoàn toàn thẳng thắn, lúc nào cũng giữ được tâm ý trong sạch. Có thể kết luận rằng dù nhiều người mê ngài, chạy theo bám víu ngài mà ngài vẫn an nhiên không vướng chút ái dục nào. Hơn nữa từ khi nhận nhiệm vụ nặng nề và bận rộn làm thị giả hầu Phật, sự phiền nhiễu từ phía nữ nhân giảm dần, các lời xì xầm cũng hết, trong tâm ngài hoàn toàn cởi mở chờ đợi những lời pháp vàng ngọc từ nơi kim khẩu của đức Thế tôn mà thôi. Và sự tu dưỡng của ngài dần dần trở nên thuần thục. Tại rừng cây sa-la, trước khi đức Phật tịch diệt, ngài có khuyên ông A-Nan rằng : “A-Nan! Ngươi muốn xa lìa phiền não, đạt đến chứng ngộ, không thể bận tâm về nữ nhân. Nhất là ông, tuy bây giờ đã lớn tuổi rồi đó, nhưng ông không tiếp xúc với họ thì tốt hơn. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì nên xem người già như mẹ, người lớn như chị, người nhỏ như em. Này A-Nan, ông phải nhớ kỹ lời ta đấy!”. Ngoài những lời đó, đức Phật còn nói : “Ông theo làm thị giả ta rất lâu, ân cần nhẫn nại; ông đối với ta không hề thiếu sót, ta đem công đức ấy đền đáp cho ông. Ông nên dụng tâm tinh tấn tu tập, chẳng bao lâu sẽ dứt đoạn phiền não, chứng thánh quả”.
Chính nhờ ngài A-Nan đã cầu xin với đức Phật nên nữ giới mới được phép xuất gia như nam giới. Câu chuyện như sau : Sau khi các vương tôn công tử dòng họ Thích và ngay cả La-Hầu-La đều được đức Phật cho phép xuất gia, thì hoàng hậu Kiều-Đàm-Di của vua Tịnh-Phạn (là người dì đã nuôi nấng đức Phật) mấy lần xin Phật cho phép nữ giới được xuất gia nhưng Phật không chấp nhận. Rồi Phật rời đi xa. Bà bèn cùng rất nhiều phụ nữ dòng họ Thích từ bỏ cuộc sống vương giả, nhung lụa, mặc trang phục của nhà tu, ba y một bát, đầu trần chân đất, vất vả tìm theo đến thành Tỳ-Xá-Ly và nhất định xin cho được như nguyện, nếu không sẽ liều chết tại chỗ.
Ngài A-Nan vào trình Phật, Phật không hứa khả cho nữ giới xuất gia. Sau mấy lần cầu khẩn của ngài A-Nan, đức Phật đành ưng thuận cho phép bà dì mẫu của mình và mấy trăm cô xuất gia làm tì-kheo-ni, và sau này Phật giáo có ni đoàn cũng là do nhân duyên ấy. Quả thật, đó chính là nhờ sự can thiệp của ngài A-Nan vậy.
6. Anh ruột của ngài là Đề-Bà-Đạt-Đa cũng là một đệ tử của Phật, trước khi nhập tăng đoàn ông ta là một người văn võ song toàn nhưng có tính hay ghen ghét, và tự cho mình chẳng kém Phật. Ông ta không chịu tu tập mà chỉ mong đắc thần thông, yêu cầu Phật dạy thần thông cho nhưng Phật từ chối. Các vị trưởng lão Xá-Lợi-Phất, Mục-Kiền -Liên ... biết căn tính ông ta như vậy nên cũng không dạy thần thông mà chỉ dạy giáo lý thôi. Ông ta bèn tìm mọi cách chia rẽ tăng đoàn và tăng chúng, rồi đứng ra lập một giáo hội riêng. Không những thế, ông ta còn âm mưu làm hại Phật hoặc giết Phật nữa nhưng thất bại. Ngài A-Nan nhiều lần bực bội với người anh ruột nhưng theo gương nhẫn nhục của đức Phật, ngài cũng bỏ qua, trong lòng biết rằng anh mình chắc chắn sẽ bị quả báo. Đức Phật từ bi hỷ xả, đã không giận mà lại còn coi ông ta là một thiện trí thức bởi vì do những lần ông ta đã gây ra nhiều chuyện nên ngài mới có dịp đặt ra các giới luật; hơn nữa, ngài còn thọ ký cho ông ta chỉ vì trong các đời trước ông ta đã có nhiều công đức.
7. Khi đức Phật nhập diệt, ngài A-Nan vẫn chưa chứng quả a-la-hán. Ngay trong mấy trang đầu kinh Lăng Nghiêm, chúng ta được biết : khi mắc nạn nơi nhà Ma-Đăng-Già rồi được ngài Văn-Thù cứu về nơi tịnh xá của Phật, ngài A-Nan đã khóc mà nói rằng “giận nỗi mình lâu nay nghe đạo tuy nhiều nhưng đạo lực chưa toàn, còn bị khốn với ma lực”. Khi ngài Ma-Ha Ca-Diếp - là người đã nhận y bát từ nơi đức Phật - triệu tập 500 vị a-la-hán để kết tập kinh điển tại một cái động lớn gần thành Vương-Xá thì nhiều vị đề nghị mời ngài A-Nan, tuy nhiên ngài chưa quyết định được chỉ vì ngài A-Nan chưa dứt hết phiền não, nếu mời tham dự e có lời dị nghị về sau. Ngài A-Nan vận dụng hết năng lực, tập trung tư tưởng, buông xả tận cùng, thiền quán vượt bực, và tới nửa đêm thì khai ngộ, chứng quả. Sáng hôm sau, ngài dùng thần thông mà vào động dự họp, trước sự kinh ngạc và sự tán thán của chư vị la-hán. Đại hội suy cử ngài lên tòa sư tử trùng tuyên Kinh Tạng và từ đó mọi người đều biết mấy chữ : “Tôi nghe như vầy ...” của ngài.
8. Khi ngài trưởng lão Ma-Ha Ca-Diếp kế thừa y bát lên ngôi Tổ thứ nhất thì ngài đã trên 80 tuổi. Giữ nhiệm vụ trên 20 năm, vào lúc quá 100 tuổi, ngài trao lại nhiệm vụ cho ngài A-Nan, khi ấy cũng đã 80. Và ngài vào núi Kê Túc mà nhập Niết-bàn.
Thánh tăng A-Nan điều khiển Giáo Hội cho đến khi 120 tuổi, tất cả các đệ tử thân cận của đức Phật bấy giờ không còn ai. Ngài nghĩ đến đức Thế Tôn, đến các vị trưởng lão Xá-Lợi-Phất, Mục-Kiền-Liên, Ma-Ha Ca-Diếp ... và tự nhủ : “Các vị đã nhập Niết-bàn cả, nay chỉ còn có một mình ta, như rừng cây cổ thụ đã bị đốn hết chỉ còn một cây, làm sao che mưa che nắng cho xuể. Đã đến lúc ta nhập Niết-bàn!”. Ngài trao y bát cho tôn giả Thương-Na-Hòa-Tu.
Lúc ấy hai bên sông Hằng, hai nước Ma-Kiệt-Đà và Tỳ-Xá-Ly chuẩn bị đánh nhau. Ngài e rằng họ sẽ tranh nhau xá lợi. Ngài bèn đến nơi hư không giữa sông mà nhập hỏa quang tam muội, tấn nhập Niết-bàn, khiến tro rơi sang hai bên sông, để cho hai bên kình địch cùng được xá lợi, không tranh giành sử dụng đao kiếm. Nhờ nguyện lực của ngài, hai bên đã tránh được chiến tranh!
Có một tác giả đã trích Tăng Chi bộ kinh để kể lại rằng đức Phật đã khen ngợi ngài A-Nan là “người có học vấn uyên thâm, trí nhớ trung thực và bền lâu, tác phong cao quý và trí tuệ nhạy bén, ý chí kiên định và là người chuyên chú, cần mẫn đối với công việc cũng như đời sống tu tập”.
Kết luận về cuộc đời của thánh tăng A-Nan - vị thị giả của đức Phật, cũng là vị Tổ thứ nhì của Phật giáo - hòa thượng Thích Tinh Vân đã viết : “Tôn giả A-Nan đã nhập diệt rồi, công lao của ngài đối với đức Phật, sự cống hiến của ngài đối với Phật pháp, tư cách ôn hòa từ mẫn, khiêm tốn nhân nhượng của một bậc thánh, mỗi độ xuân về, lại khiến mọi người hoài niệm”.
---ooo0ooo---




Không có nhận xét nào: