Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014

14. THIỀN SƯ PHÁP LOA

Bước vào cõi Phật – Quyển 2 – Bài 14
Cố Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
-o0o-
14. THIỀN SƯ PHÁP LOA
1.  Trong lịch sử nước ta, có nhiều trang rất vẻ vang, làm cho dân Việt hãnh diện; đặc biệt thời kỳ Lý-Trần được nhắc đến nhiều, đó là thời kỳ tự chủ, độc lập.  Nhà Trần chống lại quân Nguyên ba lần (1257 dưới triều vua Thái Tông; 1285 và 1288 dưới triều vua Trần Nhân Tông), chiến công lừng lẫy, sau mất ngôi về tay Hồ Quý Ly. Sử gia Trần Trọng Kim viết:
“Nhà Trần làm vua nước Nam ta kể từ Trần Thái Tông đến Trần Thiếu Đế, hằng 12 ông vua, được 175 năm (từ 1226 đến 1400), công việc trong nước sửa sang được nhiều, chính trị luật lệ đều chỉnh đốn lại, học hành thi cử thì mở mang rộng thêm ra.  Lại chống với nhà Nguyên giữ được giang sơn, lấy đất Chiêm Thành mở thêm bờ cõi, thật là có công với nước Nam.  Nhưng chỉ có điều luân thường trong nhà thì bậy: cô cháu, anh em, trong họ cứ lấy lẫn nhau, thật là trái với thế tục.
Còn như cơ nghiệp nhà Trần xiêu đổ là tại vua Dụ Tông và Nghệ Tông.  Dụ Tông thì hoang chơi, không chịu lo gì đến việc nước và lại làm loạn cả cương kỷ để đến nỗi dân nghèo nước yếu.  Nghệ Tông thì không biết phân biệt nên gian để kẻ quyền thần được thế làm loạn, thành ra tự mình nối giáo cho giặc, tự mình làm hại nhà mình vậy”.
Tượng thiền sư Pháp Loa
2.  Đạo Phật rất phát triển vào đời nhà Lý; trong nước những bậc tài giỏi đều xuất phát từ nhà chùa; có nhiều nhà sư được tôn là quốc sư, giúp nhà vua trị nước, được nhiều việc lớn.  Đến khi nhà Trần chiếm ngôi của nhà Lý thì đạo Phật vẫn được trọng vọng và phát triển mạnh.  Vua đầu tiên của nhà Trần là Trần Thái Tông đã lên núi Yên Tử định đi tu nhưng bị Trần Thủ Độ bắt về, tuy vậy vẫn dốc lòng tu Phật, viết sách về Phật giáo.  Vua thứ ba là Trần Nhân Tông - một ông vua yêu nước và anh hùng - được dân Việt ta nhớ nhiều qua những cuộc chống nhà Nguyên (gốc Mông Cổ), và những hành động dân chủ (hội nghị Bình Than 1282, hội nghị Diên Hồng 1284) đã nhường ngôi cho con năm 1293 để làm thái thượng hoàng, dốc lòng tu  Phật. 
Đến năm 1298 thì Ngài khoác áo nhà sư, làm tổ thứ sáu của dòng thiền Yên Tử và làm tổ thứ nhất (tức là sơ tổ) của dòng thiền Trúc Lâm.  Người ta biết ngài dưới nhiều danh hiệu: Hương Vân đại đầu đà, Trúc Lâm đại sĩ, Điều ngự Giác hoàng.  Ngài đi khắp nước, truyền bá đạo Phật, đồng thời giúp đỡ dân chúng.  Sự phát triển mạnh mẽ - có thể nói là quá mạnh mẽ - của đạo Phật lại chính là một trong những nguyên nhân làm cho đạo Phật suy đồi sau nhị tổ Pháp Loa và tam tổ Huyền Quang.
Bởi vậy người dân càng kính tin, không dám ngạo mạn.  Đời vua Giản Định nhà Trần, binh lửa luôn năm, nhiều nơi bị đốt; số chùa chiền còn lại, mười không được một, mà cái số còn lại ấy, cũng mưa bay gió chuyển, đổ ngả xiêu nghiêng, tiêu điều ở giữa cỏ hoang bụi rậm”.
Tượng Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông
3.  Người được Điều Ngự Giác Hoàng truyền tâm để làm tổ thứ nhì của dòng thiền Trúc Lâm là thiền sư Pháp Loa, tên thật là Đồng Kiên Cương, quê quán ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Truyện kể lại rằng bà mẹ nằm chiêm bao thấy thần nhân cho một thanh gươm báu, sau đó có thai.  Nhưng vì đã sinh toàn là con gái cả nên bà sợ và uống thuốc trục thai.  Uống bốn lần chẳng hiệu nghiệm gì và sinh ra được một con trai; tên Kiên Cương (kiên trì, cương quyết ra đời!), gốc là từ việc đó.  Truyện lại kể rằng khi chú bé ra đời thì hương thơm tỏa đầy nhà.  Lớn lên, Kiên Cương thông minh lạ thường, có đặc điểm là không ăn thịt cá và rất ham thích đạo Phật.  Có tài liệu chép như sau: Nhị tổ Đồng Kiên Cương người hương Cửu La, huyện Chí Linh, châu Nam Sách, lộ Lạng Giang, sinh ngày 23-05-1284.  Một tài liệu khác nói: sinh quán của nhị tổ là xã Phụ Vệ, huyện Chí Linh, Hải Dương, nay là huyện Nam Thanh, Hải Dương (Nam Thanh là Nam Sách và Thanh Hà hợp lại).
Vào năm 1304, Sơ tổ Trúc Lâm trên đường hoằng pháp tại vùng Nam Sách gặp một thanh niên tuấn tú.  Ngài bèn hỏi vài câu trong kinh sách Phật, và được người trẻ tuổi trả lời trôi chảy.  Ngài rất ưng bụng và thấy người này ngỏ ý theo ngài xuất gia, ngài bèn nhận làm đệ tử, đặt tên là Thiện Lai và gửi nhà sư Tính Giác ở một cái chùa gần đó để tu học.  Thiện Lai chính là người thanh niên 21 tuổi Đồng Kiên Cương vậy.  (Thiện Lai - bienvenu - là danh từ đức Phật dùng để gọi người mới thế phát).
4.  Nhà sư Tính Giác có vẻ không chăm chú đến việc dạy đạo cho Thiện Lai.  Có lẽ nhà sư còn thử thách nhiều lần chăng, điều này không thể rõ được.  Tuy nhiên, với bản tính hiếu học và sẵn trí thông minh, Thiện Lai chịu khó lấy kinh sách ra xem.  Một lần, đọc kinh Lăng Nghiêm, đến đoạn nói về việc Đức Thích-Ca bảy lần hỏi ông A-Nan về cái tâm, Thiện Lai bèn ngộ.  Sau đó, trong lúc suy nghĩ, bỗng thấy hoa đèn rụng, Thiện Lai đại ngộ!  Chữ giác, chữ ngộ trong đạo Phật đều có nghĩa “biết một cách rõ ràng, không lầm lạc”, đó là trái với mê.  Cái biết này không phải là cái biết của người phàm, của học đường, của sách vở, mà chính là sự biết một cách sáng suốt chân lý của vũ trụ, của nhân sinh, một sự hiểu biết trực tiếp.  Giác ngộ có nhiều bậc: thanh văn, duyên giác, bồ-tát, Phật.  Chỉ có những bậc đắc đạo đến quả vị Phật mới là hoàn toàn, mới là đại giác, toàn giác (người ta gọi Phật Thích-Ca là Giác Vương).
Ngay năm sau (tức là năm 1305) sơ tổ Trúc Lâm cho Thiện Lai thọ giới tỳ-kheo, bồ-tát và ban cho pháp danh là Pháp Loa.
Năm 1306, Pháp Loa được cử làm giảng chủ ở chùa Báo Ân, còn gọi là chùa Siêu Loại vì tọa lạc tại làng Siêu Loại, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.  Chùa này nổi tiếng là một giảng viện có uy tín của phái Trúc Lâm.  Ngài Pháp Loa thuyết pháp ở đó mỗi lần cả ngàn người kéo đến nghe.  Năm 1307, sơ tổ Trúc Lâm trao pháp để chính thức cử ngài Pháp Loa giữ ngôi vị Nhị Tổ, và từ đó Nhị Tổ trụ trì chùa Báo Ân.  Điều đáng chú ý nhất là: mới tu có ba năm mà đã được truyền pháp làm Nhị Tổ, điều này chứng tỏ tài năng và đạo hạnh của ngài cao đến mực nào!
H
Từ đó Nhị Tổ lãnh đạo Giáo Hội cho đến khi viên tịch năm 1330 tại chùa Quỳnh Lâm, thọ 47 tuổi.  Vua Trần Anh Tông viếng:
                             Tự tòng Pháp Loa khứ thế hậu,
                             Thiên hạ Thích tử không vô nhân.
(Từ Pháp Loa trở về sau, Thích tử coi như không còn ai. )
Vua Trần Anh Tông gọi ngài là Phổ Tuệ tôn giả.  Vua Trần Minh Tông gọi ngài là Tịnh Trí thiền sư.
Người được truyền pháp giữ trách nhiệm tổ thứ ba là thiền sư Huyền Quang, một vị tiến sĩ xuất gia, nhiều tuổi hơn Nhị Tổ; thật vậy, nhị tổ (1284-1330) còn thua Tam Tổ (1254-1334) đến 30 tuổi! Phật giáo sử có kể lại truyện Tam Tổ giúp cho Nhị Tổ viên tịch như thế nào.
Ở đây, nên nói một vài dòng về chùa Quỳnh Lâm vì chùa này cùng với chùa Báo Ân, chùa Hoa Yên, chùa Côn Sơn là những trung tâm của phái Trúc Lâm nổi tiếng thời bấy giờ.  Chùa Quỳnh Lâm ở trong núi Quỳnh Lâm, xã Hà Lôi, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương (ngày nay Đông Triều bị cắt, mang sáp nhập vào tỉnh Quảng Yên tức Quảng Ninh).  Khởi công xây dựng từ đời Lý, chùa được mở rộng và có một pho tượng Phật rất lớn, được xếp vào “An Nam tứ khí”, đó là tượng Quỳnh Lâm, chuông Qui Điền, tháp Báo Thiên và đỉnh Phổ Minh.  Do sự cúng dường của triều đình, của các vương tôn, công chúa, chùa có tới cả ngàn mẫu ruộng với cả ngàn tá điền.  Sau chùa bị quân Minh phá hủy.  Nhà Lê dựng lại.  Đến thời Nguyễn (Thiệu Trị) kẻ ác đến đốt chùa, người ta kể lại rằng chỉ có tượng Trúc Lâm đại đầu đà (Trần Nhân Tông) là không cháy!
5.  Đối với Phật giáo Việt Nam, ngài Pháp Loa có công rất lớn.  Ngài có tài tổ chức và phát triển giáo hội Phật giáo.  Lần đầu tiên ở nước ta, trung ương có hồ sơ của các tăng sĩ rải rác trong các chùa thuộc Giáo Hội.  Theo kỷ luật chặt chẽ, cứ ba năm tăng sĩ phải thụ giới đàn một lần, mỗi lần rất nhiều người phải hoàn tục vì không đủ giới hạnh và học lực.  Ngài uyên thâm về đạo Phật, phép Thiền và có biện tài nên mỗi khi giảng kinh, đại chúng đến nghe rất đông (có cả ngàn), ngài giảng các kinh đại thừa cao như Hoa Nghiêm, Viên Giác.
Không những chỉ thuyết pháp, ngài còn viết nhiều: ngài chú giải những kinh Pháp Hoa, Lăng Già, v.v...  và biên soạn sách giáo khoa Phật học, như Thiền đạo yếu học... và nhiều nghi thức Phật giáo.
Đáng kể nhất là việc ấn hành Đại Tạng Kinh, phải khắc trên hai chục năm mới xong, đến trước khi viên tịch, ngài cho in (1329).  Đáng tiếc rằng vào khoảng 1407, Trương Phụ (nhà Minh) đem quân xâm lược nước ta, theo kế hoạch thâm độc của nhà Minh, đã đốt phá hết.
Ngài đã khai sáng nhiều chùa lớn, đặc biệt là mở rộng hai cơ sở Quỳnh Lâm, Báo Ân, dựng hàng ngàn tượng Phật ở khắp nơi.
Đi tu 26 năm, lãnh đạo giáo hội trong 23 năm, ngài là một bậc long tượng trong hàng thiền sư nước ta.
6.  Một vấn đề được một số người nêu lên là: nếu nói rằng Trúc Lâm thiền phái mang sắc thái đặc biệt Việt Nam, chứng tỏ tinh thần độc lập của Việt Nam đối với Trung Hoa, thì nét nào là đặc biệt? Xin thưa: Sơ tổ Đông độ là ngài Bồ-Đề-Đạt-Ma, truyền đến Lục tổ là ngài Huệ Năng, tới đó không còn lệ truyền y bát, đã nêu lên chủ trương của Thiền tông Trung Hoa là Giáo ngoại biệt truyền, Bất lập văn tự, Trực chỉ nhân tâm  Kiến tánh thành Phật. (Lấy tâm truyền tâm, truyền riêng ngoài giáo, không dùng văn tự, chỉ thẳng tâm người, kiến tánh thành Phật).
Trúc Lâm Yên Tử thiền phái cũng nhằm “kiến tánh”, luôn luôn nhắc đến “Phật tánh” nhưng có chú ý dịch và giảng kinh sách, đồng thời sáng tạo những bài kệ, bài tán, bài sám, v.v... có tính cách Việt Nam (dù rằng vẫn còn dùng Hán tự). 
Đây là một bài kệ gọi là Kệ dâng hoa của vua Trần Thái Tông:
                         Đất tâm hoa nở sắc khoe tươi
                         Thơm ngát ngàn hoa khắp cõi trời,
                        Muôn đóa đem dâng trên điện Phật
                        Nghìn thu gió nghiệp chẳng tàn rơi.
Đây là bài thơ Xuân muộn của vua Trần Nhân Tông:
                        Tuổi trẻ chưa tường lẽ sắc không,
                        Xuân sang, hoa nở, rộn tơ lòng,
                        Chúa Xuân nay đã thành quen mặt,
                        Nệm cỏ ngồi yên, ngó rụng hồng.
                                               (Ngô Tất Tố dịch)
Và đây là bài Thị tịch của ngài Pháp Loa:
                        Một thân nhàn nhã dứt muôn duyên,
                        Hơn bốn mươi năm những hão huyền,
                         Nhắn bảo các ngươi đừng gạn hỏi,
                         Bên kia trăng gió rộng vô biên.
                                       (theo Nguyễn Đức Vân)
Ngài cũng viết: “Người học Phật, trước tiên cần thấy tính.  Thấy tính không phải là nói về cái có thể nhìn thấy.  Gọi là thấy, là thấy cái ở những nơi không thể nhìn thấy...”. “Tuệ mà không đạt được định thì gọi là tuệ cằn, định mà không đạt được tuệ thì gọi là thiền si...”
7.  Chúng ta nhắc đến nhị tổ Pháp Loa của thiền phái Trúc Lâm (đồng thời nhắc đến sơ tổ và tam tổ), cần phải học được bài học gì? Lẽ dĩ nhiên, chúng ta rất hãnh diện vì đã có một Thiền phái mang sắc thái dân tộc, không nói ra nhưng đã ngầm nói lên tính cách độc lập của nước ta về mọi phương diện.  Ngoài ra cũng còn một số điều cần suy nghĩ:
- Nay đã có một Giáo Hội có đủ tổ chức, uy tín và quyền lực để kiểm soát sự tu học của tăng sĩ hay chưa?  Câu trả lời do độc giả tự tìm lấy.
- Dựa vào chính quyền làm đòn bẩy, nhằm vào công chúa, quý tộc làm hậu thuẫn có lợi hay có hại về lâu về dài cho đạo pháp?
- Xây dựng những cơ sở thật lớn quả là đáng xưng tụng, nhưng thiếu người đạo hạnh và học rộng để gìn giữ, trùng tu thì liệu chống lại luật vô thường được bao lâu?
Ngày nay, giữa chốn văn minh vật chất đầy cám dỗ này, đã thấy một Pháp Loa vừa thuyết pháp, vừa viết sách, vừa xây cất chùa chiền, vừa lãnh đạo Giáo Hội hay chưa ?

---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào: