Thứ Ba, 24 tháng 6, 2014

CÔNG CHÚA DA DU ĐÀ LA


Bước vào cõi Phật – Quyển 2 – Bài 19. Công chúa Du Đà La
Cố Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
-o0o-
19. CÔNG CHÚA DA-DU-ĐÀ-LA
1.  Cách đây chừng 27 thế kỷ, tại phía Bắc nước Ấn-Độ ngày nay, có con sông Rohinī ngăn cách hai vương quốc: một thuộc bộ tộc Thích-Ca, một  thuộc bộ tộc Câu-Lị. Vua Thiện-Giác (của bộ tộc Câu-Lị) lấy bà Cam-Lộ là em của vua Tịnh-Phạn (của bộ tộc Thích-Ca), sinh ra công chúa Da-Du-Đà-La. Công chúa là một người xinh đẹp, dịu dàng, thông minh và đức hạnh, có mái tóc đen bóng mượt buông dài xuống tới chân.
Vua Tịnh-Phạn lấy hai em gái của vua Thiện-Giác là Ma-Da và Ba-Xà-Ba-Đề. Hoàng hậu  Ma-Da sinh ra thái tử Tất-Đạt-Đa được bảy ngày thì mất, nên thái tử được dì là thứ hậu Ba-Xà-Ba-Đề chăm nuôi.
2.  Thái tử Tất-Đạt-Đa và công chúa Da-Du-Đà-La cùng tuổi với nhau. Khi thái tử được mười sáu tuổi thì phụ hoàng và mẫu hậu cho tổ chức một buổi lễ lớn trong đó một số đông công chúa được mời tham dự, mục đích là để cho thái tử chọn người bạn đời. Sau buổi lễ, cô nào cũng được thái tử tặng quà nhưng khi nguời cuối cùng là công chúa Da-Du-Đà-La tiến lên thì lại vừa hết quà. Thái tử bèn lấy chuỗi ngọc mà mình đang đeo trên cổ mà đeo vào cổ công chúa. Có lẽ có một cái gì đó liên hệ giữa hai người! Nếu căn cứ vào truyện tiền thân của đức Thích-Ca thì trong nhiều kiếp trước, thái tử và công chúa đã từng là những cặp vợ chồng rất hạnh phúc và biết hy sinh cho nhau.
Hai hoàng tộc nghĩ rằng đã đến lúc tổ chức đám cưới cho hai người. Tuy nhiên, vua Thiện-Giác biết chuyện các thày tướng số trước đây, khi thái tử mới sinh, đã nói rằng thái tử sẽ xuất gia tu thành Phật, và nhà vua nghĩ rằng với lòng từ bi thì dù có sẽ lên ngôi, cũng chẳng thể dùng võ nghệ mà ra trận chiến đấu, thế thì không thể làm phò mã được. Tuy nhiên, lòng công chúa đã ngả về thái tử rồi.  
Vua Thiện-Giác bèn cho tổ chức thi bắn cung, cưỡi ngựa và đấu kiếm ... Nhân tài các nơi được vời về kinh đô. Thái tử thắng vẻ vang tất cả các cuộc đấu. Lúc bấy giờ, vua Thiện-Giác mới thuận gả công chúa cho thái tử! (1)
Thái tử Tất Đạt Đa kết hôn cùng công chúa Da Du Đà La
3. Trở về truyện tiền thân, thoạt đầu, vào thời Phật Nhiên-Đăng, thái tử Tất-Đạt-Đa là nhà tu khổ hạnh Sumedha. Sau bao nhiêu thời gian nỗ lực tu hành, bồ-tát Sumedha được Phật Nhiên-Đăng thọ ký cho thành Phật. Lúc ấy thì công chúa Da-Du-Đà-La là một thiếu nữ dòng quyền quý, tên là Sumita. Khi được biết rằng Phật Nhiên-Đăng đã thọ ký cho bồ-tát Sumedha thành Phật, tên là Cồ-Đàm, bộ tộc Thích-Ca vào những kiếp sau này thì nàng Sumita bèn cắt tóc, phát nguyện sẽ làm vợ của Cồ-Đàm, để hết lòng giúp chồng chứng đắc Phật quả. Do hạnh nguyện ấy và do tu hành tinh tấn trong nhiều kiếp, nàng Sumita đã là bạn đời trong rất nhiều kiếp của chàng Tất-Đạt-Đa và đã tận lực giúp chồng trên đường giác ngộ.(2)
Bà Da-Du-Đà-La sinh ra hoàng nam La-Hầu-La
4.  Làm công nương của thái tử Tất-Đạt-Đa từ năm 16 cho đến năm 29 tuổi, thì bà Da-Du-Đà-La sinh ra hoàng nam La-Hầu-La. Ngay khi ấy thì thái tử từ bỏ cung vàng điện ngọc, gia đình đầm ấm, để ra đi tìm đường giải thoát, giải thoát khỏi mọi khổ đau cho chính mình và cho chúng sinh. Thoạt đầu, Ngài tu với đạo sĩ Ka-La-Ma rồi với đạo sĩ Uất-Đầu-Lam-Phất nhưng sau phải bỏ đi vì không thấy đường giải thoát. Rồi Ngài tu khổ hạnh  với nhóm năm người, đứng đầu là ông Kiều Trần-Như (vẫn thường được gọi là năm anh em ông Kiều-Trần-Như, tuy đứng đầu mà ông này lại nhỏ tuổi nhất). Khi nhận thấy tu sĩ Tất-Đạt-Đa không tu theo cách ép xác nữa, nhóm ông Kiều-Trần-Như bỏ đi về Ba-La-Nại. Lấy lại sức nhờ một bát cháo sữa của thôn nữ Sujita, tu sĩ quyết chí tu hành cho đến khi chứng Phật quả và cuối cùng Ngài thành Phật dưới cội cây bồ-đề.
5.  Khi vua Tịnh-Phạn biết con mình đã thành Phật thì cho hết người này đến người khác thỉnh đức Thế Tôn trở về thành Ca-Tì-La-Vệ. Đức Phật chấp thuận và khi Ngài về tới nơi, tất cả mọi người ùa ra đường, hân hoan cung nghinh Ngài. Chỉ có công chúa Da-Du-Đà-La ở lại trong phòng của mình và nghĩ rằng “Nếu ta còn chút đức hạnh nào thì chính đức Phật sẽ tới nơi đây”. Bà cũng chỉ cho con trai bảy tuổi của mình là hoàng tôn La-Hầu-La biết con người oai nghiêm, đẹp đẽ, bình thản đang đi đầu đoàn tăng chúng, chính là đức Phật và cũng chính là thân phụ của chú.
Đức Phật và con trai La Hầu La
Bà khuyên chú xin thân phụ ban cho di sản. Về sau, khi gặp đức Phật, chú có xin như vậy. Đức Phật nghĩ rằng di sản quý giá nhất trên thế gian không phải là của cải, danh vọng, ngai vàng mà là giác ngộ và giải thoát, cho nên Ngài nhờ đại trưởng lão Xá-Lợi-Phất làm lễ xuất gia cho chú và đỡ đầu cho chú. Về việc này, có tài liệu kể rằng vua Tịnh-Phạn không vui và vua đã đề nghị với đức Phật rằng nếu một người nhỏ tuổi muốn xuất gia thì phải được cha mẹ đồng ý. Đức Phật nhận lời và điều này được ghi vào giáo luật. Có chỗ lại nói rằng người thỉnh cầu không phải là vua Tịnh-Phạn mà chính là công nương Da-Du-Đà-La.
Nhà vua thỉnh đức Phật và tăng đoàn về cung, cúng dàng trai tăng. Nhà vua kể cho đức Phật nghe: trước đây, có người đồn đức Phật đã chết trên đường tu. Đức Phật hỏi nhà vua có tin không, nhà vua trả lời: không tin. Đức Phật bèn nói một truyện tiền kiếp của Ngài và nhà vua có liên quan đến việc ấy, chúng ta có thể coi đầy đủ trong Tiểu Bộ Kinh, tập thứ VII, truyện số 447 nói về Mahā Dhamma-Pāla.
6.  Khi đức Phật thọ thực xong thì Ngài đưa bát cho nhà vua cầm và Ngài đi vào phòng của công chúa, có hai đại đệ tử theo hầu (3). Ngài ngồi trên ghế kê sẵn và nói: “Hãy để công chúa đảnh lễ ta theo như ý nàng muốn”. Công chúa tiến lên đến gần đức Phật, chụm hai chân, quỳ xuống đặt đầu lên chân Ngài mà khóc. Rồi vua Tịnh-Phạn và hoàng hậu Ba-Xà-Ba-Đề kể hết đức hạnh của con dâu cho Phật nghe: “Khi con dâu ta nghe thấy Ngài chỉ khoác tấm y vàng đơn giản thì nàng bỏ hết đồ trang sức và y phục sang trọng mà chỉ đắp y vàng. Khi nàng nghe thấy Ngài chỉ dùng một bữa mỗi ngày thì nàng cũng theo như thế. Khi nàng nghe thấy Ngài nằm giường thấp gỗ cứng thì nàng bỏ hết giường chiếu sang trọng trong cung. Khi nàng nghe thấy Ngài bỏ hết tràng hoa và hương thơm thì nàng cũng làm như vậy. Một số vương tôn công tử ngỏ ý muốn cầu hôn nhưng nàng gạt bỏ hết”.
Đức Phật bèn cho mọi người biết rằng: đã nhiều lần trong những kiếp trước, công chúa từng là vợ quý của Ngài chứ không phải chỉ kiếp này mà thôi. Ngài bèn kể cho nhà vua và mọi người một truyện tiền kiếp của Ngài và Công Chúa khi còn là đôi ca-thần tên là Nguyệt Lang và Nguyệt Nga, họ thương yêu nhau hết sức và sống chết có nhau. Chúng ta có thể xem đầy đủ câu truyện ấy trong Tiểu Bộ Kinh, tập thứ VIII, truyện thứ 485 nói về Canda  Kinnara.
7.  Sau khi vua Tịnh-Phạn băng hà, hoàng hậu Ba-Xà-Ba-Đề hết sức phấn đấu xin được xuất gia và được như nguyện. Rồi công chúa Da-Du-Đà-La cũng được gia nhập ni đoàn, bà chứng quả a-la-hán, điều hết sức đặc biệt là bà đắc thần thông siêu đẳng (4). Bà nhập diệt năm 78 tuổi tức là trước đức Phật 2 năm. Không thấy nói đến đám tang của bà được tổ chức ra sao. Người ta chỉ nhắc lại rằng bà là một phụ nữ tuyệt vời, một người vợ tuyệt vời, một ni sư đắc đạo cao siêu.
CHÚ THÍCH
(1) Theo Phật Học Từ Điển của Đoàn Trung Còn thì thái tử có ba vợ chính thức không kể cung nữ: 1/ Da-Du-Đà-La   2/ Cồ Di   3/ Lộc Dã.
(2) Đây là truyện về công chúa Da-Du-Đà-La, kể trong kinh Thí Dụ, không phải trong Trưởng Lão Ni Kệ (tức Therigāthā, trong kinh đó không có nói gì đến công chúa cả. Đó là một việc gây ngạc nhiên cho chúng ta).
(3) Thông thường thì đó là hai đại trưởng lão: Xá-Lợi-Phất và Mục-Kiền-Liên.
(4) Chỉ có bốn vị đệ tử của đức Phật là có thần thông siêu đẳng nhớ lại được vô số kiếp trước: Các trưởng lão Xá-Lợi-Phất, Mục-Kiền-Liên, Bakkula và ni sư Da-Du-Đà-La.
---o0o---
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Cũng giống như các tài liệu ghi trong bài Ni Trưởng Kiều-Đàm-Di.
Xin giới thiệu một tài liệu rất hữu ích: A Mysterious Being: THE WIFE OF BUDDHA by Professsor Andre Bareau, Universite de France, (translated by Kyra Pahlen from the original French). Tài liệu này xem xét nhiều nguồn khác nhau trong các kinh sách thuộc nhiều bộ phái và nêu lên một số nghi vấn về “thân mẫu của La-Hầu-La”.

---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào: