Thứ Bảy, 14 tháng 6, 2014

13. MỤC KIỀN LIÊN

Bước vào cõi Phật – Quyển 2 – Bài 13. Tôn giả Mục Kiền Liên
Cố Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
-o0o-
13. TÔN GIẢ MỤC-KIỀN-LIÊN
1.  Rằm tháng bảy là một ngày lễ quan trọng, đó là ngày lễ Vu-Lan.  Nhờ tụng Kinh Vu-Lan, chúng ta biết nguồn gốc lễ Vu-Lan là do chuyện ngài Mục-Kiền-Liên tìm cách cứu mẹ khỏi cảnh quỷ đói. Ngài Mục-Kiền-Liên là một trong mười đại đệ tử của đức Phật, là bậc thần thông đệ nhất.  Nhờ thần thông, ngài thấy được vong linh của mẹ là bà Thanh-Đề bị đọa thành quỉ đói, khổ sở vô cùng; ngài muốn dùng sức thần thông của mình để cứu mẹ mà không nổi nên về cầu cứu đức Phật.  Đức Phật dạy rằng phải nhờ sức chú nguyện của chư tăng, nhân ngày tán hạ tức là ngày rằm tháng bảy, thì mới hội đủ thần lực để làm công việc ấy. Nhờ nương sức oai thần của chư tăng mười phương mà mẹ ngài thoát khỏi cảnh khổ ngạ quỷ.
Sau khi tụng kinh, chúng ta niệm : Nam mô Đại hiếu Mục-Kiền-Liên bồ-tát. Tôn giả Mục-Kiền-Liên được coi là nhân vật tượng trưng cho lòng đại hiếu.
Tôn giả Mục Kiền Liên
2.  Hôm nay, chúng tôi xin trình bày mấy nét về tôn giả Mục-Kiền-Liên. Chữ sanskrit ghi tên tôn giả là Maudgalyāyana, chữ pali ghi là Moggallāna, phiên âm thành Mục-Kiền-Liên hay Mục-Kiện-Liên, gọi ngắn là Mục-Liên; còn một phiên âm khác là Một-Đặc-Già-La. Ấy là chưa kể tên do dịch nghĩa mà ra, như Đại Tán Tụng ...  Để tôn xưng, người ta thêm chữ Mahā vào trước (mahā nghĩa là lớn), vì thế mới có tên Đại Mục-Kiền-Liên và Ma-Ha Mục-Kiền-Liên. Một thuyết khác cho rằng Mục-Kiền-Liên là một họ, nhiều người cùng mang họ đó nên dễ lầm, do đó phải thêm chữ Ma-Ha cho rõ.
Tôn giả Mục-Kiền-Liên vốn là dòng bà-la-môn phong lưu, sang trọng ở vùng ngoại thành Vương Xá nước Ma-Kiệt-Đà, là một người học rộng, có hạnh đức và trí huệ. Trong khi dự một cuộc lễ ở thành Vương Xá, tôn giả đã làm quen với tôn giả Xá-Lỵ-Phất. Đó là hai người bạn chí thân, cùng tuổi, ngang tài, học rộng, khiêm cung, đức hạnh và rất mực kính trọng nhau. Mỗi khi nhắc đến ngài Mục-Kiền-Liên là người ta nghĩ ngay đến ngài Xá-Lỵ-Phất và ngược lại. Hai người giao kết xuất gia. Tôn giả Mục -Kiền-Liên về xin phép cha mẹ, nhưng không được chấp thuận. Sau nhờ chí cương quyết của tôn giả nên cha mẹ đành cho phép. Còn tôn giả Xá-Lỵ-Phất thì gặp hoàn cảnh dễ dàng hơn. Hai vị đến thành Vương Xá, nơi đó có sáu nhà sư ngoại đạo đang nổi danh, nên đến nghe họ thuyết pháp. Sau, cùng nhau theo làm đệ tử ông Sanjaya nhưng không được thỏa dạ nên bỏ đi. Hai người hẹn với nhau ai tìm được đường tu trước thì phải báo ngay cho người kia (1).
Tôn giả Xá-Lỵ-Phất nhân gặp một đệ tử của đức Phật là Át-Bệ mà biết được Phật pháp nên về rủ bạn quy y Tam Bảo. Theo đức Phật trong vòng bảy ngày, ngài Mục-Kiền-Liên đã đắc quả a-la-hán; và trong vòng nửa tháng thì đến lượt ngài Xá-Lỵ-Phất đắc quả. Hai vị là hai đại đệ tử vô cùng xuất sắc và đức hạnh của đức Thế Tôn, rất gần đức Thế Tôn, coi như hai cánh tay của đức Thế Tôn. Người ta nói đó là hai cánh của con chim đại bàng.
Ngày nay, trong nhiều chùa, người ta thấy tượng hai vị Ca-Diếp và A-Nan ở hai bên tượng Phật Thích-Ca (hai ngài là sơ tổ và nhị tổ của Phật giáo). Tuy nhiên trong thực tế, khi đức Thích-Ca còn tại thế thì người ta phải công nhận rằng : không kể những dịp phải đi hoằng hóa nơi xa, hai vị Xá-Lỵ-Phất và Mục-Kiền-Liên luôn luôn ở bên cạnh đức Phật. Khi hai vị nhập diệt, đức Phật than: «Này các tỳ-kheo, đối với ta bây giờ quả thật trống rỗng, khi Xá-Lỵ-Phất và Mục-Kiền-Liên không còn».
3.  Đa số Phật tử chúng ta đồng hóa ngài Mục-Kiền-Liên với kinh Vu-Lan và lòng chí hiếu. Nếu đọc thêm tài liệu thì chúng ta thấy người ta nhắc nhiều đến các phép thần thông của ngài, các phép ấy lên đến một độ cao siêu, oai mãnh cho nên ngài mới được kể là bậc thần thông đệ nhất. Những thần thông nào? Đó là lục thần thông hay lục thông của các vị đã đắc quả a-la-hán, duyên giác, Phật :
1) Thiên nhãn thông (thấy mọi vật trong vũ trụ). 
2) Thiên nhĩ thông (nghe mọi tiếng khắp nơi). 
3) Túc mạng thông (biết chuyện đời trước của mình và của người, biết luôn cả đời này với đời sau). 
4) Tha tâm thông (biết đoán trong tâm người). 
5) Thần túc thông (phép đi khắp nơi trong nháy mắt, phép biến hóa chi tùy ý). 
6) Lậu tận thông (phép trong sạch hoàn toàn, nhà đạo dứt hết các trìu mến, chấp trước, không còn chấp pháp, không còn chấp ngã). (1) 
Các vị đệ tử của đức Phật khi đắc quả a-la-hán đều có thần thông cả nhưng ít khi thi triển, vả lại đức Phật không khuyến khích việc thi triển thần thông. Chúng ta hãy nghe câu chuyện này : khi một tu sĩ ngoại đạo trổ tài đi trên mặt nước cho đức Phật coi, đức Phật đã nói : Tu trên 40 năm chỉ để đi trên mặt nước như thế thôi sao? Ta chỉ cần đưa cho chú lái đò một xu là được chở qua sông ngay. Như thế là ngài muốn cho mọi người hiểu rằng mục đích của Phật pháp là giác ngộ và giải thoát khỏi sinh tử luân hồi chứ không phải là đắc thần thông. Đắc thần thông chỉ là kết quả của việc tu hành Phật đạo, đắc thần thông rồi thì chỉ dùng thần thông trong vài trường hợp khẩn cấp cứu khổ cứu nạn hay hàng phục tà ma ngoại đạo, không được coi thần thông là mục đích sau cùng để đạt tới.
Việc ngài Mục-Kiền-Liên thi triển thần thông được nói đến rất nhiều nhưng ở đây chúng tôi chỉ kể ra một hai trường hợp điển hình. Nhưng trước đó, xin nhấn mạnh rằng công việc du hóa thuyết pháp độ sinh và hàng phục tà ma ngoại đạo của ngài Mục-Liên thật là trọng đại. Chúng ta không nên để việc thần thông che lấp những sự kiện ấy.
Trường hợp thứ nhất: Dân chúng thành Xá-Vệ mở yến tiệc thết đãi đủ hết các giáo phái và mời thêm nhiều khách quý như vua Ba-Tư-Nặc. Tôn giả Mục-Kiền-Liên tới trước, đợi Phật và đoàn chư tăng tùy tùng ở bên này bờ sông. Bỗng dưng mực nước dâng cao rất mạnh làm đổ cây cầu bắc ngang sông. Tu sĩ ngoại đạo kẹt cả ở bên kia sông. Tôn giả Mục-Kiền-Liên trông thấy đức Phật từ đằng xa đi tới, bèn hóa phép làm ra một cây cầu để nghênh đón đức Phật và chư tăng. Những người ngoại đạo thấy vậy, tranh nhau lên cầu, cầu gẫy, họ té cả xuống sông. Khi Phật tới nơi, lại có một cây cầu mới để ngài bước lên. Thấy nạn nhân ngoi ngóp dưới nước, đức Phật chạnh lòng từ bi, cứu họ lên hết. Họ theo chân đức Phật mà qua cầu, khi mọi người qua hết thì cầu biến mất!
Trường hợp thứ nhì : Vào một đêm yên tĩnh, hai vị Xá-Lỵ-Phất và Mục-Kiền-Liên cùng ngụ trong một thiền phòng. Khi tôn giả Xá-Lỵ-Phất không nghe thấy tiếng thở của bạn thì bèn hỏi lý do. Tôn giả Mục-Liên cho biết mình đang bận thưa thỉnh với đức Phật. Tôn giả Xá-Lỵ-Phất tỏ ý thắc mắc vì lúc đó Phật đang ở một nơi rất xa. Tôn giả Mục-Kiền-Liên giải thích rằng đức Phật và ngài đều có thiên nhãn thông và thiên nhĩ thông nên cứ ngồi yên tại hai chỗ cách xa nhau mà vẫn nói chuyện với nhau được, và cho biết thêm rằng nếu để tâm vận dụng thì tôn giả Xá-Lỵ-Phất cũng làm được như vậy.
Nghe chuyện này, người ta có thể nghĩ rằng thần thông của ngài Xá-Lỵ-Phất thua kém thần thông của ngài Mục-Kiền-Liên. Thật ra, ngài Xá-Lỵ-Phất rất khiêm nhường và quý mến bạn nên cố ý đề cao bạn. Có một lần, khi đức Phật chuẩn bị thuyết pháp, hai vị đang ở xa không muốn về trễ nên rủ nhau cùng bay về pháp hội. Ngài Mục-Kiền-Liên bay trước nhưng khi tới nơi thì thấy ngài Xá-Lỵ-Phất đã ngồi hầu Phật rồi!  Sau thời pháp, ngài trình đức Phật rằng có lẽ thần thông của mình đã kém đi chăng, vì rõ ràng là bay trước mà tới sau. Đức Phật cho biết rằng thần thông của Mục-Kiền-Liên không kém ai, trừ Phật - tuy nhiên cần nhớ rằng Xá-Lỵ-Phất còn là bậc đại trí huệ!
Khi thấy người ta bàn tán cho rằng tôn giả Mục-Kiền-Liên không chắc đã là bậc thần thông đệ nhất thì tôn giả Xá-Lỵ-Phất đến xin đức Phật làm sao cho mọi người trả lại danh hiệu  thần thông đệ nhất cho bạn quý của mình. Đức Phật nhận lời. Sau một buổi thuyết pháp, trước thính chúng, đức Phật bảo ngài Mục-Kiền-Liên thi triển thần thông. Một chân đạp lên địa cầu, một chân đạp lên cõi trời Phạm thiên, ngài Mục-Kiền-Liên khiến cho đại địa rung động sáu cách (2) và ngài dùng phạm âm mà thuyết pháp trong không trung. Đại chúng bấy giờ hết sức bái phục, thấy rằng quả thật ngài là thần thông đệ nhất.
Trong cuốn sách Thập đại đệ tử của đức Phật, chúng tôi đọc được những dòng này (3): Thần thông của Mục-Kiền-Liên trong hàng đệ tử Phật không ai sánh bằng. Phàm việc gì ngài vận dụng thần thông đều thành tựu. Thần thông rất tiện cho việc tiếp dẫn chúng sinh, nhưng thần thông không thể đi ngược phép tắc nhân quả, không thể thắng nghiệp lực, không thể giải thoát sinh tử, đó là sự thật. Thí dụ: Cũng vì ác nghiệp quá nặng cho nên  khi dòng họ Thích bà con của đức Phật bị kẻ thù đến tàn sát, ngài Mục-Kiền-Liên đã cố gắng mà cũng không thể cứu nổi : ngài hóa phép bay vào kinh thành đang bị vây hãm, thu gọn năm trăm người họ Thích vào trong bình bát rồi bay ra khỏi thành. Nhưng khi mở bình bát ra thì chỉ thấy vết máu mà thôi!
4.  Ngài Mục-Kiền-Liên trong một kiếp trước là dân thuyền chài, đã bắt và giết rất nhiều cá. Nghiệp sát sinh đem lại quả báo: sẽ bị người ta hại. Tôn giả Mục-Liên bị hại như thế nào?
Kinh Tăng Nhất A Hàm, quyển 18, 19, đã viết như sau: Bấy giờ tôn giả Mục-Liên đi vào thành La-Duyệt khất thực. Đám Phạm chí (người tu theo đạo Bà-la-môn) từ xa nhìn thấy, bèn nói với nhau rằng : Người kia là đệ tử của sa-môn Cù-Đàm. Đó là đệ tử giỏi nhất trong đám đệ tử. Chúng ta hãy xúm lại đánh cho hắn một trận. Đám ấy quây đánh khiến thân ngài tả tơi, rất là đau đớn. Khi ấy ngài Mục-Liên mới vận thần thông tới nơi ở của ngài Xá-Lỵ-Phất là Kỳ Hoàn tịnh xá. Ngài Xá-Lỵ-Phất nói: Trong số các đệ tử của đức Thế Tôn, ngài là bậc thần thông đệ nhất, sao ngài không vận thần thông tránh họ đi. Ngài Mục-Liên đáp : Túc nghiệp tôi còn nặng quá, chữ thần còn chưa dám nghĩ tới, huống hồ dám phát ra thông sao! Tôi mang sự đau đớn này tới từ biệt ngài đi nhập vào Bát Niết-bàn đây. Ngài Xá-Lỵ-Phất nói: «Ngài hãy khoan một chút, để tôi diệt độ trước đã ». Ngài Xá-Lỵ-Phất liền tới từ biệt đức Phật, rồi về quê hương thuyết pháp cho bà con thân thích nghe, và sau đó diệt độ. Ngài Mục-Liên cũng tới từ biệt đức Phật, rồi về quê hương thuyết pháp và diệt độ (4).
Sách Thập đại đệ tử kể trên đây chép chi tiết hơi khác : bọn lõa hình ngoại đạo từ trên núi lăn đá xuống để giết ngài Mục-Liên, đá rơi loạn xạ như mưa khiến nhục thân vô thường của tôn giả nát bấy như tương. Hai ba ngày sau, bọn sát nhân chưa dám đến gần vì chúng còn sợ thần thông của ngài.Vua A-Xà-Thế nghe tin ngài Mục-Liên bị ám hại, hết sức tức giận, ra lệnh bắt hết những kẻ ngoại đạo tàn ác kia đem ném vào hầm lửa.
Kinh Pháp Hoa ghi rằng đức Phật có thọ ký cho ngài Mục-Kiền-Liên và ngài Xá-Lỵ-Phất sau sẽ thành Phật.
CHÚ THÍCH
(1) Theo Phật học Từ điển của Đoàn Trung Còn , in lại tại Saigon, 1992: Sáu nhà sư ngoại đạo là sáu sư trưởng của sáu phái tuy cùng tu theo đạo Bà-la- môn nhưng mỗi người trưng ra một học thuyết khác nhau. Họ cùng thời với đức Phật. Sau khi đức Phật nhập diệt rồi, sáu phái ấy còn tồn tại. Từ điển kể trên kê rõ tên và giảng về học thuyết của lục sư ngoại đạo đó.
(2) Chấn động sáu cách, đó là nói về sáu cách rung chuyển của đất : động (rung động), khởi (vùng dậy), dõng hay dũng (phun ra), chấn (vang dội), hống (gào lên), kích (đánh ra). Ba thứ trước là nói về hình thể. Ba thứ sau là nói về âm thanh. (theo Từ điển nói trên).
(3) Coi Thập Đại Đệ tử, tác giả : Thích Tinh Vân, dịch giả : Như Đức. Ấn tống 1997, không thấy ghi nhà xb và nơi xuất bản.
4) Theo Từ Điển Phật học Hán Việt , Phân viện nghiên cứu Phật học xb, hai tập, Hà Nội, 1992 & 1994.

---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào: