Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

SEN VUA ĐỒNG THÁP



KỲ ẢO SEN VUA ĐỒNG THÁP

Bạn Phạm Văn Đồng (TP. HCM) sưu tầm

Mỗi ngày loài hoa này nở năm màu, tỏa hương thơm ngào ngạt; đường kính lá từ hai đến bốn mét, có thể nâng đỡ vật nặng đến 70kg mà không chìm..., đó là những đặc tính hiếm thấy về loài sen sống ở chùa Phước Kiển (còn gọi là chùa Lá Sen) thuộc xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, được bà con địa phương gọi là sen vua.
Ao sen vua trước cổng chùa
"Chào đời" từ hố bom
Phước Kiển tự được thành lập từ thời vua Thiệu Trị 1847. Liên tiếp trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa là cơ sở hoạt động cách mạng. Những năm 1960, đây còn là nơi Tỉnh đội Đồng Tháp dùng làm chỗ đúc súng, đạn. Lấy cớ dâng hoa quả cúng Phật, người dân vận chuyển lương thực lên chùa để nuôi những cán bộ nòng cốt đang lưu trú tại đây.
Hòa thượng Thích Huệ Từ - trụ trì chùa Phước Kiển - cho biết: “Tôi vào đây từ năm tám tuổi, nhiều lần chứng kiến cảnh “vào sinh ra tử” tại chùa suốt thời chiến tranh, riêng chùa có 34 sư thầy anh dũng hy sinh được Tổ quốc ghi công. Có lần giặc dội bom xuống chùa, các sư người chết, người lưu lạc khắp nẻo, chùa đổ nát, tan hoang. Sau thời gian sơ tán, năm 1970 tôi trở về. Nhờ sự giúp đỡ của bà con, chùa mới được xây dựng lại”. Đất nước thống nhất, sư trụ trì cho phát quang, làm cỏ, dọn dẹp các hố bom để trồng sen và súng. Năm 1992, sư phát hiện dưới ao xuất hiện loài sen lạ xen lẫn với đám bông súng. Thấy vậy, nhiều người hiếu kỳ đến xem. Họ không biết tên thật của loài sen này là gì nên nhìn vào hình dáng của lá mà gọi là sen vua, sen nia hay sen nong tằm... Lá sen hình tròn, trụ trì cho xây ao hình vuông nhằm biểu trưng cho trời và đất. Cái tên chùa Lá Sen cũng ra đời từ đó.
Thoạt nhìn lá sen vua tương tự lá súng được phóng to hết cỡ. Vào mùa nước nổi, sen được thỏa thích uống nước nên lá rất to, có khi đường kính lên đến bốn mét, mép lá uốn cong khoảng 5cm trông giống hệt một cái nia lớn. Mặt trên lá nhẵn bóng, màu lục nhạt, có hình vảy rồng chồng lên nhau giống hình vảy ngói âm dương. Lá sen không có ngó, cuống, mặt dưới được bao bọc bởi nhiều lông và gai nhọn để bảo vệ hoa khỏi bị các loài khác tấn công. Bên trong lá liên kết bằng những khối vuông tạo thành khung xương vững chắc, có màu đỏ tươi khi còn non và đỏ sậm khi đã già. Sau ba tháng lá sen bắt đầu tàn.
Hoa sen vua cũng to hơn sen bình thường, đường kính từ 30 đến 40cm với chu kỳ nở rất độc đáo. Khoảng 6 giờ tối từng cánh sen trắng bung ra tỏa hương thơm ngào ngạt, đến 6 giờ sáng thì nở rộ hoàn toàn, từ 10 đến 12 giờ hoa khép lại và chuyển sang màu hồng. Đến 3 giờ chiều sen nở lần hai, 4 giờ thì toàn bộ cánh bung ra màu tím nhạt; từ 5 đến 6 giờ hoa búp lại, chuyển từ màu đỏ nhạt sang đỏ đậm, 6 giờ chiều hoa lại nở tiếp màu trắng. Cứ thế, từng thời khắc trong ngày hoa sẽ thể hiện những màu sắc khác nhau. Trong lúc nở, nhiệt tỏa ra rất mạnh, trong hoa cao hơn bên ngoài khoảng 10 độ C. Sen vua nở ba ngày thì tàn. Khi ấy, hoa rũ xuống kết hạt trong nước và dù hạt chỉ to bằng hạt đậu ván nhưng sức sống vô cùng mãnh liệt. Dùng hạt này gieo mầm, khoảng bốn đến sáu tháng sen sẽ ra hoa tiếp.
Lá sen lúc đang trưởng thành trông giống hình trái tim
Nỗi trăn trở của sư trụ trì
Thấy loài sen lạ, các nhà khoa học từ Cần Thơ đã lên chùa để nhân giống trồng tại khu lăng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (Đồng Tháp) và khu tưởng niệm Bác Tôn (An Giang) nhưng đều thất bại. Thậm chí nhiều người mang theo cả đất, bùn dưới ao theo trồng nhưng cây vẫn chết. Có lẽ do thổ nhưỡng loài sen này chỉ thích hợp trồng tại chùa Phước Kiển?
Năm 1998, thời tiết hạn hán, ao trong chùa cạn nước khiến tất cả sen, súng đều chết khô. Cứ tưởng loài sen kỳ lạ này sẽ biến mất vĩnh viễn, nhưng năm sau nước lên, chúng lại hồi sinh mạnh mẽ. Khi nước tràn đồng cũng là mùa “bội thu” cho sen vua sinh sôi phát triển kín ao. Lúc này lá sen rất to và dày, một người dưới 70kg có thể đứng trên đó mà không bị chìm. Muốn vậy, phải dùng miếng thiếc mỏng đặt vào giữa vì lá sen rất giòn, dễ rách. 
Sư trụ trì cho biết: “Mấy năm trước, 6 giờ tối khi sen bắt đầu nở, tôi liền om trà khô vào hoa rồi dùng bọc nylon bịt kín lại. Đến sáng hoa sẽ nở bung, lúc này trà đã hút hết tinh chất của nhụy sen, đem pha uống chẳng những rất thơm ngon mà còn giúp mát gan, giải nhiệt, an thần cho cơ thể. Khách đến tham quan ai cũng hỏi xin một ít đem về và tấm tắc ngợi khen. Nhưng thời gian gần đây, sen bị ốc bươu vàng “xơi” tơi tả và chết rất nhiều, nước trong ao gần cạn và có phần ô nhiễm, nhưng chùa không đủ kinh phí để bảo vệ loài sen lạ này. Chẳng biết nó có thể tồn tại được bao lâu?”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết đây chính là loài sen Victoria Regia Lindl, sinh sống nhiều ở khu vực Amazon thuộc Nam Mỹ. Thổ dân da đỏ vùng này dùng lá sen làm phương tiện chở người và hàng hóa như một loại thuyền thúng. Hạt sen mềm, ăn ngon và chứa nhiều chất dinh dưỡng nên người dân vùng ấy còn gọi là “ngô nước”.
Những chiếc lá sen này từng “cõng” rất nhiều người 
 Ở nước ta, dường như các nhà khoa học vẫn chưa thấy được lợi ích kinh tế từ loài sen này nên vẫn còn thờ ơ. Phải chăng đây là thời điểm chúng ta cần nghiên cứu, quan tâm hơn để cứu loài sen quý tránh khỏi nguy cơ tuyệt chủng?
---o0o---

Video : Chuyện về một loài sen vua

---ooo0ooo---










Không có nhận xét nào: