NĂM TỴ NÓI CHUYỆN RẮN
(2)
Sưu tầm
---o0o---
Huyền thoại về rắn
Ngay từ thời Thượng
Cổ, đã có nhiều tương quan và huyền thoại giữa người và rắn, có lẽ vì hình dạng
dài và uyển chuyển của rắn được coi như xương và tủy sống là trung tâm của mọi
hoạt động của con người. Gần đây, nhà phân tâm học nổi tiếng Karl Jung của Thụy
Sĩ cũng phân tách rằng rắn với nhiều điều kỳ bí là biểu tượng của vô thức con
người. Những nhà khảo cổ tìm thấy nhiều hình dáng "uốn éo" giống như
rắn trong nhiều hình vẽ, tượng hoặc đồ gốm thời cổ. Nhiều hình vẽ con rắn khổng
lồ cuốn quanh cả vũ trụ, dưới gốc cây hay khoanh tròn trên bụng đàn bà chửa,
tượng trưng cho oai lực tạo nguồn sống cũng như bất tử. Rắn cũng chui ra từ
trong hang dưới đất nên nhiều khi còn được coi là nguồn sống từ âm giới. Hình
ảnh rắn ngậm đuôi trong miệng và lột da cũng tượng trưng cho sự tái sinh và
trường thọ. Vì vậy, loài người đã sùng bái và thờ rắn từ lâu.
Người vùng Babylon và Ai Cập có
nhiều tranh vẽ hoặc tượng những vũ công nhảy múa trong các buổi tế lễ theo dáng
di chuyển của rắn. Người vùng Sumer tin tưởng rắn là thần
vật bảo vệ "trục vũ trụ". Dân Ba Tư thờ thần rắn biết bay trên trới
tên Azhi Dahaka, được coi như thần sáng tạo những trăng sao trên trời. Tưởng
cũng nên nói người Âu Châu thời cổ sắp chung rồng và rắn vào cùng một loại
trong đó rồng là một loại "rắn" sống trên trời, có cánh biết bay. Tên
"dragon" tức là rồng bắt nguồn từ Hy Lạp chữ "drakon" có nghĩa
là rắn.
Qua tới Ai Cập, hình
ảnh rắn lại được thể hiện rõ ràng và phổ cập hơn. Ðiển hình nhất là vương miện
của các vị vua (Pharaoh) đều có hình của thần rắn hổ. Khăn đội của của vua Ai
Cập cũng được mở rộng tới vai, trông giống như rắn hổ phùng mang. Thần rắn hổ
tên Uraeus thường được thấy khoanh tròn trên trán của vua chúa có liên quan tới
thần Horus khi tái sinh thành những "Pharaoh". Nữ hoàng Cléopatra
dùng rắn hổ cắn vào người để tự tử vì tin rằng Uraeus sẽ đưa nàng về chốn vĩnh
hằng. Người Ai Cập còn tin rằng thần rắn Apep là chúa của bóng tối và hủy diệt
vì lúc nào cũng muốn nuốt chửng mặt trời. Thần mặt trời Ra và thần bóng tối
Apep tranh dành nhau quyết liệt, gây ra những lần nhật thực và đêm tối, nhưng
lần nào thần Ra cũng thắng vì mặt trời vẫn xuất hiện mỗi ngày. Apep còn có hình
dạng như một con cá sấu, có tên là Typhon tức là rồng. Trong thần thoại Hy Lạp,
rắn Typhon là con út của thần Gaea và Tartarus. Typhon cao hơn núi, có cánh,
đôi mắt nẩy lửa, chân có móng vuốt như rồng và thân rắn. Typhon kết hôn với
nàng Echinda sanh ra bốn con là Hydra, Ceberis, Chimera và con sư tử Nemean.
Người Ai Cập còn thờ thần rắn Nehebkau có chân và tay như người.
Tại Phi Châu, bộ lạc
Ewe tin rằng con rắn khổng lồ tên "Anyiewo" thường hiện ra kiếm ăn
vào lúc trời mưa, thân rắn phản chiếu lên trời thành cầu vồng. Người Dogan
thuộc Trung Phi tin rằng có thần Lebe là một con rắn. Tại Dahomey, có thần
rắn tên Danh hiện thân thành cầu vồng cuốn vòng quanh vũ trụ, đuôi ngậm trong
miệng. Thần Danh hay Da, như vậy được coi là phúc thần bảo vệ trật tự toàn vũ
trụ. Khi thần Danh hiện thân thành cầu vồng, phần nam tính mang màu đỏ, phần nữ
tính màu xanh. Phần trên trái đất, Danh có 3,500 khúc, cũng bằng phần dưới để
cùng nâng trái đất. Tại Nigeria, có thành phố cổ Benin rất huy hoàng
tráng lệ không thua các đền đài Ai Cập, được kiến trúc theo hình dạng một con
rắn.
Tại Trung Ðông, người
Hebrew dùng rất nhiều danh từ để nói về rắn. Thí dụ như "akshub" là
rắn khoanh tròn, "epheh" là rắn phun nọc, "Livyathin"
(Leviathan) là rắn biển, "pethen" là rắn cuốn,
"shephiyphon" là rắn mổ, "tsepha" hay "tsiphoniy"
là rắn le lưỡi. Trong sách Exodus, rắn được đồng hóa với cây gậy, gọi là gậy
Aaron. Tiên tri Moses có cây gậy khi liệng xuống đất biến thành rắn, khi cầm
lên lại thành gậy. Moses dùng cây gậy rắn này để rẽ nước dẫn dân qua biển và
đập vào đá để biến thành nước. Có lẽ con vật dáng sợ nhất trong Thánh Kinh mang
tên Leviathan, là một con rắn hay rồng biển chuyên phá hoại trật tự và những
sáng tạo trên đời. Leviathan cuối cùng bị Thiên Chúa đập nát đầu. Cùng cặp với
Leviathan là Behemoth.
Vùng Trung Mỹ, dân
Mayan thờ thần "rắn có lông" (feathered snake) tên Kulkulcan hay
Queztalcoatl. Kim tự tháp "El Castle" thờ thần Kulkulcan có 365 bậc
tượng trưng 365 ngày trong một năm, 52 cửa tượng trưng một thế kỷ Mayan có 52
năm và 18 sân thượng tượng trưng cho 18 tháng trong một năm Mayan. Dân Aztec
cũng thờ thần rắn có lông này.
Tới Nam Mỹ, tại Columbia có thần rắn
Chiminigagua cư ngụ trong một hồ đầy rắn. Ba Tây có nữ thần rắn Iara, còn được
gọi là "mae d'agua" có nghĩa là "mẹ của nước". Dân Inca có
nữ thần rắn Chalchiuhtlicue mặc áo rất đẹp dệt bằng vỏ sò và da rắn, là thần
sinh sản. Tại Paraguay có thần Mboi-Túl mình rắn, đầu vẹt là thần che
chỏ các loài vật và cây cỏ.
Tại Âu Châu, trong các
đền thờ cổ La Mã, người ta tìm được dấu tích của thần Chimera là một sinh vật
rất kỳ lạ thân sư tử, đầu dê, đuôi rắn. Thần y khoa Aescepulus hay Askepulus
hiện thân trong thần thoại La Mã là một con rắn. Dân Celtic có huyền thoại
Thánh Patrick đuổi rắn ra khỏi Ái Nhĩ Lan, ngoại trừ một con rắn lớn tên là
Luogh Derg Monster bị nhốt dưới đáy hồ Lough Derg. Người ta thường thấy tượng
thánh Patrick đạp đầu một con rắn, tượng trưng cho quyền lực Thiên Chúa chiến
thắng qủi Satan. Tại Tô Cách Lan hiện nay vẫn còn đồn đại hồ Loch Ness có một con rắn biển lớn mà dân chúng thường thân mật
gọi là Nessie. Nhiều người quả quyết đã nhìn thấy và chụp được cả hình Nessie,
nhưng những cuộc thăm dò tìm kiếm đáy hồ Lock Ness
mới đây bằng những dụng cụ thu hình tối tân không tìm ra dấu vết.
Tại Á Châu, người Nhật
tin rằng vùng biển bao quanh các đảo đều có rất nhiều "người" rắn có
lắm quyền lực. Nữ thần cai trị các sông là Sarawati kết hôn với một rắn chúa.
Thần rắn Susa-No-Wo cũng được nhắc tới rất nhiều trong việc tranh chấp với nữ thần
mặt trời Amataratsu omi kami.
Dân Ấn Ðộ từ lâu vẫn
coi rắn hổ vẫn được coi là thần vật. Mãng xà vương Naga, con của Kadru và
Daksha rất được dân chúng tôn thờ và sùng bái. Naga - tiếng Phạn có nghĩa là
rắn - cư ngụ trong các cung điện của đô thị ngầm Bhogavati và cai quản các
nguồn nước như sông ngòi, suối v.v... Naga biết hát và nhảy múa, đôi khi có
nhiều đầu như Mulchalinda hay Naga Kanya. Sesha là vua của các Nagas có tới
1,000 đầu và bận y phục màu tím. Thần Shiva có rắn gọi là "naga
bushana" cuốn quanh cổ. Thần Vishnu ngủ trên một con rắn cuốn tròn trên
mặt nước. Hai con rắn khác, một ngóc đầu lên, một quay đầu xuống tượng trưng
cho tình trạng thức và ngủ. Thần Vishnu khi ngồi cũng được rắn Naga Kanyan chín
đầu phùng mang che chở. Trong kinh Phật cũng nói tới rắn 1,000 đầu tên Ananda
khoanh tròn quanh trục trái đất. Sau thời gian tịnh tâm dưới gốc bồ đề, Phật Tổ
ngồi tại một gốc cây khác để tham thiền không để ý gì đến chung quanh. Trong
lúc đó, bỗng nhiên giông bão nổi lên. Một con rắn lớn tên Muchalinda từ gốc cây
bò ra, cuốn quanh Phật 7 lần để che chở và dùng mang che đầu Phật cho khỏi ướt.
Dân Cam Bốt tin rằng
vương quốc Khmer do vua rắn sáng lập. Con đường dẫn đến ngôi đền chính tại
Ankhor Wat của Cam Bốt được khảm bằng nhiều
"naga" bảy đầu và cũng có nhiều hình rắn được tạc trên tường. Ngay cả
xứ Tây Tạng không có rắn cũng thờ thần Naga có tên là Lu. Tên Nagajurna tiếng
Tây Tạng gọi là Lu-truh.
Ðặc biệt người Hy Lạp
có rất nhiều thần thánh và huyền thoại liên quan tới rắn. Loại nữ trang cổ Hy
Lạp thông dụng nhất mang hình rắn khoanh tròn. Thần Zeus được coi như vị thần
tối cao, xuất hiện mỗi mùa xuân dưới dạng môt con rắn khoanh tròn cùng với nữ
thần cai quản trái đất Rhea cũng mang hình rắn. Rắn, như vậy được người Hy Lạp
coi là biểu tượng của đất và nước. Chính thần Zeus khi bị cha là Chronos đuổi
giết đã biến hình thành một con rắn để trốn thoát.. Sau này Thần Zeus trở thành
thần tối cao vì đã chinh phục được con rắn khổng lồ Typhon, tương tự như chuyện
Yahweb chinh phục Leviathan trong thánh kinh. Người ta cũng tin rằng có một con
rắn lớn tên Python nằm giữa trung tâm trái đất để giữ cho khỏi bể. Theo huyền
thoại, Python là con của Gaia được nặn bằng bùn và đất đọng lại sau trận lụt
lớn Deucalion. Vì Pythong quá hung dữ không ai giám lại gần nên dân chúng xin
thần Appolo trợ gúp. Thần Appolo từ núi Olympus hiện xuống, dùng cây
cung bạc, bắn mũi tên vàng giết chết Python, do đó thần Appolo còn được gọi là
Pythian Appolo. Về thiên văn, người Hy Lạp dùng tên Draco có nghĩa là Rồng để
đặt cho một chòm sao rất dài trông như con rắn trên trời. Theo truyền thuyết,
rồng Draco là vật nuôi trong nhà của thần Zeus. Vì Zeus bắt cóc nàng Europa nên
người em của nàng là Cadmus tìm đến cứu chị. Draco bị Cadmus giết chết nên thần
Zeus biến Draco thành bất tử bằng cách đưa lên trời trở thành chòm sao. Ngoài
Draco, còn có chòm sao khác mang tên Hydra cũng là một con rắn.
Nữ thần bảo hộ thành
phố Athen là Athena rất nổi tiếng thường mang một tấm khiên có hình con rắn. Athena - người La Mã gọi là Minerva -
còn được gọi là Pallas Athena. Nàng là con của thần Zeus (Jupiter), ngay khi
được tạo ra từ trán cha đã khôn lớn và mặc áo giáp. Athena thường đội nón sắt,
tay cầm giáo và mang khiên. Lớp áo giáp của Athena giống như của cha, có tên là
"aegis", làm bằng một lớp da dê viền rắn, khi lay động phát ra tia
chớp để giết quân thù. Ngày nay, tên "Aegis" được đặt cho hệ thống
phòng thủ chống hỏa tiễn của các chiến hạm hải Quân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Athena
khác xa thần chiến tranh là Ares (Mars). Nàng tượng trưng khía cạnh tinh khôn,
sáng suốt của nghệ thuật chiến tranh hơn là một chiến sĩ. Athena không những
mưu lược khi xung trận mà còn rất hữu dụng trong hòa bình. Nàng là người sáng
chế ra chiếc cầy và cách đóng ách vào bò để cầy đất. Athena được coi là nữ thần
bảo hộ các thành phố lớn. Tên của nàng được dùng để đặt cho thủ dô Athen của Hy
Lạp vì một hôm, thần Zeus cho biết sẽ dùng tên của vị thần nào tạo ra được sự
lợi ích nhất cho dân chúng để đặt cho thành phố lớn nhất. Thần Poseidon tặng
dân loài ngựa. Athena dùng mũi giáo đâm xuống đất tạo ra cây olive được dân
chúng rất thích. Vì vậy thần Zeus trao tặng thành phố này cho Athena. Do đó,
người ta còn thất nhiều hình tượng nữ thần Athena tay cầm cành olive biểu tượng
cho hòa bình và sung túc. Athena là nữ thần còn trinh trắng nên được gọi là
Parthenos (gái trinh) và được thờ ở đền Parthenon.
Huyền thoại đáng kể nhất còn liên quan tới ngày nay là chuyện ông Asclepius
(người La Mã gọi là Aescepulus hay Askepulus) chuyên dùng rắn để chữa bệnh cho
dân chúng nên sau này được tôn xưng ông tổ sáng lập ra ngành Y Khoa, trước cả
tổ sư Hippocrates. Nguyên thần Apolo có một bà vợ tên Coronis là một cô gái rất
xinh đẹp của thành phố Thessaly, nhưng vì bà này không trung thành nên bị
Thần giết chết. Ðứa con trai sơ sinh của hai người được gửi cho Chiron là một
quái vật đầu người, mình ngựa nuôi dưỡng. Ðược Chiron truyền Y Thuật nên
Asclepius trở thành một danh y hành nghề cứu nhân độ thế. Cách chữa bệnh của
ông rất lạ đời: ông thường cho các bệnh nhân vào nằm ngủ qua đêm trong một đền
thờ Rắn Thần để đến khuya, bầy Rắn bò ra liếm vào mình con bệnh, đến sáng hôm
sau bách bệnh đều tiêu tan! Vì lý do đó, dân chúng Hy Lạp thời cổ dùng hình ảnh
biểu con rắn cuốn quanh cây gậy để làm biểu tượng của danh y Asclepius. Y thuật
của ông cao siêu đến độ có một lần ông cãi mệnh trời, cải tử hoàn sinh cho một
vị hoàng tử. Vì vậy, thần Zeus tức giận dùng một tia sét để đánh chết
Asclepius. Y thuật của ông sau này được các đệ tử truyền qua La Mã và được
Hippocrates hệ thống hóa. Hiện nay bên Hy Lạp vẫn còn các đền thờ Thần Rắn.
Hình ảnh con rắn cuốn quanh cây gậy - gọi là caduceus, tiếng Hy Lạp là
Kerykeion - trở thành biểu tượng của ngành y khoa hiện đại.
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét