LÀNG NGHỀ VIỆT NAM
5 – LÀNG KIÊU KỴ – DÁT VÀNG QUỲ
---o0o---
Xã Kiêu Kỵ, huyện Gia
Lâm, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 15km về phía đông bắc. Kiêu Kỵ là
nơi duy nhất trong cả nước làm nghề vàng, bạc quỳ.
Ông tổ của nghề dát
vàng, bạc quỳ ở Kiêu Kỵ là Nguyễn Quý Trị. Ông sinh ra và lớn lên ở làng Hội
Xuyên, xã Liễu Trai (Hải Dương), đỗ tiến sĩ thời Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786).
Năm 1763, khi làm quan đến chức Binh Bộ Tả Thị Lang – Hàn lâm Viện trực học sĩ,
ông được vua cử đi sứ sang Trung Quốc và đã học được nghề làm vàng, bạc quỳ để
sơn thếp lên câu đối, hoành phi... Khi về nước, ông truyền lại nghề cho dân
làng Kiêu Kỵ bởi nơi đây nằm cách kinh thành Thăng Long không xa, thuận tiện
cho việc sơn son thếp vàng, thếp bạc các công trình kiến trúc của vua chúa và
đền, chùa, miếu, điện ở kinh đô. Nhằm tưởng nhớ đến công ơn của ông, dân làng
Kiêu Kỵ đã lập điện thờ và tôn ông làm tổ nghề.
Trong những năm gần
đây, nghề làm vàng, bạc quỳ ở làng Kiêu Kỵ đã phát triển thành hai loại: làm
vàng, bạc quỳ cựu và làm bạc quỳ tân. Trong đó, vàng và bạc quỳ cựu được làm từ
vàng, bạc thật, còn bạc quỳ tân được làm từ thiếc. Để làm ra vàng, bạc quỳ tân,
người thợ phải thực hiện nhiều công đoạn như: chế biến mực, pha giấy dó, đập và
bóc giấy quỳ, lướt mực và đập giấy quỳ giống, pha giấy khấu làm lá quỳ vỡ, lướt
mực và đập giấy quỳ vỡ, cán vàng và bạc, đánh vỡ, cắt dòng, đánh quỳ, trại quỳ
thu thành phẩm. Mỗi công đoạn lại có nhiều khâu nhỏ hơn, lên tới gần 40 khâu
khác nhau mới cho ra thành phẩm. Không chỉ tốn công, nghề làm vàng, bạc quỳ còn
đòi hỏi ở người thợ sự kiên trì, tinh xảo. Những thỏi vàng, bạc thật được cán
và đập cho mỏng thành những miếng diệp có kích thước 1cmx1cm rồi được đánh vỡ và
cắt thành 9 đến 12 miếng đều nhau để nong vào giấy quỳ giống – một loại giấy
gió mỏng và dai, được lướt nhiều lần với mực pha bằng bồ hóng và keo da trâu.
Sau khi nong các miếng diệp vỡ vào giữa các giấy quỳ giống thành từng quỳ,
người thợ xếp quỳ vào lồng và đặt lên bếp lò sấy nóng trong một đêm. Sau đó,
quỳ được lấy ra rồi đập bằng búa tay cho đến khi miếng diệp bên trong mỏng
dính, dàn đều ra 4 cạnh của lá quỳ (kích thước 5cmx5cm) là được. Công đoạn cuối
cùng là dùng một chiếc bay nhỏ để gỡ các lá vàng, bạc quỳ ra rồi nong vào giữa
các miếng giấy bản nhỏ cũng có kích thước 5cmx5cm.
Tất cả các khâu trong
quy trình làm vàng, bạc quỳ đều được tiến hành theo trình tự rất nghiêm ngặt.
Chỉ khâu chế biến mực, cán vàng bạc và đánh quỳ là được làm ở chỗ mát, thông
thoáng. Còn các khâu còn lại đều phải làm trong nhà kín gió. Đặc biệt, ở khâu
thu hồi sản phẩm cuối cùng, người thợ phải xoa phấn rôm vào tay cho khỏi dính
quỳ. Theo các nghệ nhân có nhiều thâm niên trong nghề làm vàng, bạc quỳ thì
khâu làm giấy quỳ giống và giấy vỡ là quan trọng nhất, có tính quyết định đến
chất lượng của sản phẩm.
Sản phẩm vàng và bạc
quỳ do dân làng Kiêu Kỵ làm ra không chỉ đáp ứng được nhu cầu tôn tạo, sửa chữa
các công trình kiến trúc cổ trong cả nước như: đình, đền, chùa, miếu… mà còn
được xuất khẩu ra nhiều nước châu Á, châu Âu. Năm 2010, để chào mừng Đại lễ
1000 năm Thăng Long - Hà Nội (1010 – 2010), UBND thành phố Hà Nội đã chọn Kiêu
Kỵ là một trong 5 làng nghề được trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại công viên
Bách Thảo trong dịp Lễ hội Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội.
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét