Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM (5.2)



Tín ngưỡng, Tôn giáo

Tôn giáo đầu tiên của Chămpa là một  dạng của Ấn giáo Shaivite, tới từ Ấn Độ qua đường biển. Khi các thương gia Ả Rập dừng chân ở miền duyên hải Trung bộ Việt Nam trên đường tới Trung Hoa, Hồi giáo (Islam) bắt đầu ảnh hưởng tới văn hóa của người Chăm.
Không rõ chính xác khi nào Hồi giáo tới Champa nhưng các di chỉ ngôi mộ có niên đại vào thế kỷ 11 đã được phát hiện. Nhìn chung người ta cho rằng Hồi giáo tới Đông Dương nhiều sau khi đã tới Trung Quốc trong suốt thời kỳ nhà Đường (618–907), và các nhà buôn Ả rập trong vùng đã tiếp xúc trực tiếp với người Chăm chứ không phải với các dân tộc khác. Điều này có thể giải thích tại sao chỉ có người Chăm theo Hồi giáo một cách truyền thống trong vùng Đông Dương.
Đa số người Chăm, đặc biệt là ở Campuchia, theo Hồi giáo và duy trì các trụ cột của nó bao gồm cả cầu nguyện năm lần một ngày, ăn chay trong tháng Ramadan và thực hiện hành hương hajj đến thánh địa Mecca. Từ nhiều năm nay, các đại diện từ Campuchia đã tham gia vào cuộc thi quốc tế ngâm thơ Kinh Qur’an tại Kuala Lumpur. Các cộng đồng người Hồi giáo Chăm ở Campuchia điều hành các trường học tôn giáo, và được đứng đầu bởi một Mufti. Tuy nhiên, một nhóm nhỏ người Chăm, tự gọi mình Kaum Jumaat, theo một sự thích nghi thần học Hồi giáo được địa phương hóa, theo đó họ cầu nguyện chỉ vào thứ Sáu và tổ chức Ramadan chỉ trong ba ngày. Tuy vậy, trong những năm gần đây, một số thành viên của nhóm này đã tham gia vào cộng đồng Chăm Hồi giáo lớn hơn trong các thực hành tôn giáo. Một trong những yếu tố dẫn đến sự thay đổi này là ảnh hưởng từ các thành viên trong gia đình của họ đã ra nước ngoài để nghiên cứu về Hồi giáo.
Có khoảng 60.000 người Chăm theo Ấn giáo (Hinduism) và ngày nay không có một hệ thống đẳng cấp nghiêm ngặt, dù trước đó họ có thể đã được chia thành đẳng cấp Nagavamshi Kshatriya cùng với một  thiểu số đẳng cấp Brahmin có vai vế. Các đền Hindu được gọi là Bimong trong tiếng Chăm nhưng cũng thường được gọi là Tháp. Các thầy tế lễ được chia thành 3 cấp, cấp bậc cao nhất được gọi là Po Adhia hay Po Sá, tiếp theo là Po Tapáh và thấp nhất là Po Paséh.
Người Chăm ở Việt Nam về mặt tín ngưỡng có 3 nhóm chính: Chăm Bàlamôn ở Ninh Thuận-Bình Thuận theo Bàlamôn giáo (Ấn giáo) dung hợp với tín ngưỡng dân gian; Chăm Bàni ở Ninh Thuận-Bình Thuận theo Hồi giáo Bàni, là 1 dạng Hồi giáo đã bị bản địa hóa sâu đậm; và Chăm Islam ở An Giang và Nam Bộ theo Hồi giáo chính thống, dòng Sunni phái Shafi'i, họ tiếp tục duy trì mối liên hệ gắn bó với thế giới Hồi giáo bên ngoài, chủ yếu thông qua Hồi giáo ở Đông Nam Á như Malaysia. Ngoài ra, cộng đồng Chăm H'roi ở miền núi theo tín ngưỡng dân gian cũng có thể xếp vào nhóm thứ nhất. Tại tỉnh Ninh Thuận, nơi có nhiều người Chăm ở Việt Nam cư trú, có khoảng 44.000 người Chăm Balamôn và gần 31.000 người Chăm Bani. Trong số 34 làng Chăm ở Ninh Thuận, có 23 làng Balamôn và 11 làng Bani. Tại tỉnh Bình Thuận, nơi có 4 làng toàn người Chăm và 9 làng hỗn hợp thì có gần 25.000 người Chăm Balamôn và khoảng 10.000 người Chăm Bani.
Đặc điểm kinh tế
Chăm là một dân tộc có nhiều ngành nghề truyền thống lâu đời như thêu, dệt, làm đồ gốm, làm gạch, chế tạo công cụ sản xuất, buôn bán, đóng thuyền, đánh cá, điêu khắc... đặc biệt là nghề trồng lúa nước được người Chăm phát triển từ rất sớm và luôn có những cải tiến về giống và thủy lợi.
Người Chăm sống ở đồng bằng, có truyền thống sản xuất lúa nước là chính. Kỹ thuật thâm canh lúa nước bằng các biện pháp giống, phân bón, thủy lợi khá thành thạo. Hai nghề thủ công nổi tiếng là đồ gốm và dệt vải sợi bông. Trước kia, người Chăm không trồng cây trong làng vì cho rằng cây sẽ là nơi cư trú của ma quỉ.

Tổ chức cộng đồng

Người Chăm thường sinh sống tập trung trong paley Chăm (làng Chăm). Mỗi paley có khoảng 300 đến 400 hộ gia đình, cùng theo một tôn giáo nhất định, gồm nhiều tộc họ sinh sống với nhau. Mỗi paley đều có một đơn vị hành chính của làng là: Hội đồng phong tục và Po Paley (Trưởng làng), trong đó, Po Paley là người đóng vai trò rất quan trọng trong Paley. Luật tục Chăm ghi:
Ếch có nắp đậy hang
Làng có chủ cai quản.        
Po Paley được dân làng bầu, phải là người cao tuổi, có uy tín, am hiểu phong tục tập quán, luôn vì mọi người, có lòng vị tha. Đồng thời Po Paley cũng phải là người lao động giỏi, có kinh nghiệm trong sản xuất, gia đình hạnh phúc, con cháu xum họp đoàn kết. Người Chăm ví Po Paley như là cây cao, bóng cả:
Cây to lan tỏa một lòng,
Xòe ra che mát cho người dừng chân.        
Hội đồng phong tục do dân làng bầu chọn và có nhiệm vụ trông coi về vấn đề phong tục tập quán, tín ngưỡng. Thành viên của Hội đồng phong tục đều là những người có uy tín trong tôn giáo, trong các tộc họ, là người am hiểu tập quán, phong tục lễ nghi, tín ngưỡng, tôn giáo của người Chăm, có quyền phân xử những thành viên trong paley vi phạm Luật tục. Trong trường hợp người vi phạm ngoan cố thì khi cha, mẹ hoặc người thân chết, Hội đồng phong tục sẽ cấm các tu sỹ, chức sắc không được cúng lễ và xem như người vi phạm đã bị loại ra khỏi cộng đồng.
Người Chăm có tập quán bố trí cư trú dân cư theo bàn cờ. Mỗi dòng họ, mỗi nhóm gia đình thân thuộc hay có khi chỉ một đại gia đình ở quây quần thành một khoảnh hình vuông hoặc hình chữ nhật. Trong làng các khoảnh như thế ngăn cách với nhau bởi những con đường nhỏ. Phần lớn làng Chăm có dân số khoảng từ 1.000 người đến 2.000 người.
Mỗi một dòng họ có một chiết Atâu, một Akauk Guăp và một vật tổ riêng. Luật tục Chăm quy định, Akauk Guăp phải là người cao tuổi, am hiểu phong tục tập quán, có uy tín trong dòng họ, gia đình giàu có, không được có chồng chắp vợ nối.

Hôn nhân gia đình

Chế độ mẫu hệ và tín ngưỡng nữ thần vẫn tồn tại ở người Chăm. Đàn ông lo việc ngoài nhà, đàn bà lo việc trong gia đình và gia phả. Phong tục Chăm qui định con theo họ mẹ, họ bên mẹ được xem là gần (họ nội). Nhà gái cưới chồng cho con. Con trai ở rể nhà vợ, đến khi chết đi nhà vợ có trách nhiệm thờ cúng đến hết tang, sau đó mang hài cốt về trả lại cho dòng họ nhà trai tiếp tục thờ. Chỉ con gái được thừa kế tài sản, người con gái út được thừa kế nhà tự để thờ cúng ông bà và phải nuôi dưỡng cha mẹ già.

Nhà cửa

Nhà ở của người Chăm là một quần thể nhà trong một khuôn viên (bây giờ do việc quy họach phân lô đất theo kiểu nhà liên kế hẹp nên việc phát triển nhà theo quần thể trong một khuôn viên dần không còn nữa). Mối quan hệ của các nhà trong quần thể này đã thể hiện quá trình tan vỡ của hình thái gia đình lớn mẫu hệ để trở thành các gia đình nhỏ.
- Bộ khung nhà của người Chăm ở Bình Thuận khá đơn giản. Vì cột cơ bản là vì ba cột (kèo được liên kết với cột hoặc không có vì kèo thì dùng tường thay thế kèo). Nếu là vì năm cột thì có thêm xà ngang đầu gác lên cây đòn tay cái nơi hai đầu cột con. Từ các kiểu vì này dần xuất hiện cây kèo và trở thành vì kèo.
- Mặt trước nhà quay về hướng Nam hoặc hướng Tây. Gian giữ là trung tâm (người Chăm gọi là sang-yơ), phía phải là phòng ngủ của bố mẹ, bên trái là kho, sau là phòng ngủ của con cái. Mặt trước có một hiên ở giữa nhà.
- Nhà bếp được xây dựng riêng biệt với nhà chính và ở phía Tây nhà chính, trong nhà bếp có khu bếp, khu chứa nước uống và kho chất đốt (củi, than, v.v.).
Nhà người Chăm ở miền Nam lại rất khác.
- Nhà người Chăm ở An Giang: cách tổ chức mặt bằng sinh hoạt còn phảng phất cái hình đồ sộ của nhà sang yơ ở Bình Thuận.
- Nhà người Chăm ở Châu Đốc: khuôn viên của nhà Chăm Châu Đốc không còn nhiều nhà mà chỉ có nhà chính và nhà phụ kết hợp thành hình thước thợ. Chuồng trâu bò và lợn được làm xa nhà ở.
Nhà ở là nhà sàn, chân rất cao để phòng ngập lụt. Cách bố trí trên mặt bằng sinh hoạt hoàn toàn khác với nhà ở Bình Thuận cũng như ở An Giang.

Trang phục

Có những nhóm địa phương khác nhau với lối tạo dáng và trang trí riêng khó lẫn lộn với các tộc người trong nhóm ngôn ngữ hoặc khu vực.

Trang phục nam

Trang phục cổ truyền: Đàn ông lớn tuổi thường để tóc dài, quấn khăn. Đó là loại khăn màu trắng có dệt thêu hoa văn màu nhạt (vs2ng hoặc bạc), ở hai đầu khăn có các tua vải. Khăn đội theo lối chữ nhân. Những vị có chức sắc (tôn giáo), hai đầu khăn có hoa văn màu vàng, tua vải màu đỏ, quấn thả ra hai mang tai. Nam mặc áo có cánh xếp chéo và cài dây phía bên hông (thắt lưng), thường là áo màu trắng, trong là quần soọc, ngoài quấn váy xếp.

Trang phục nữ

Về cơ bản, phụ nữ các nhóm Chăm thường đội khăn. Cách hoặc là phủ trên mái tóc hoặc quấn gọn trên đầu, hoặc quấn theo lối chữ nhân, hoặc với loại khăn to quàng từ đầu rồi phủ kín vai. Khăn đội đầu chủ yếu là màu trắng, có loại được trang trí hoa văn theo lối viền các mép khăn (khăn to), nhóm Chăm Hroi thì đội khăn màu chàm. Lễ phục thường có chiếc khăn vắt vai ngoài chiếc áo dài màu trắng. Đó là chiếc khăn dài tới 23 m vắt qua vai chéo xuống hông, được dệt thêu hoa văn cẩn thận với các màu đỏ, trắng, vàng của các mô tip trong bố cục của dải băng.
Nữ mặc áo cổ tròn cài nút phía trước ngực xuống đến bụng, quấn váy xếp (khi làm lễ) hoặc mặc váy ống (thông thường), đầu quấn khăn không ràng buộc về màu sắc.
Nhóm Khánh Hòa và một số nơi, phụ nữ mặc quần bên trong áo dài. Nhóm Chăm Hroi mặc váy quấn (hở) có miếng đáp sau váy.
Nhóm Quảng Ngãi mặc áo cánh xẻ ngực, cổ đeo vòng và các chuỗi hạt cườm.
Trang phục Chăm, vì có nhóm cơ bản là theo đạo Hồi nên cả nam và nữ lễ phục thiên về màu trắng. Có thể thấy đặc điểm trang phục là lối tạo hình áo (khá điển hình) là lối khoét cổ và can thân và nách từ một miếng vải khổ hẹp (hoặc can với áo dài) thẳng ở giữa làm trung tâm áo cho cả áo ngắn và áo dài. Mặt khác có thể thấy ở đây duy nhất là tộc còn thấy nam giới mặc váy ở nước ta với lối mang trang phục và phong cách thẩm mỹ riêng.

Người Chăm nổi tiếng

Chế Bồng Nga, vua Chămpa
Chế Linh, ca sĩ
Inrasara (Phú Trạm), nhà thơ
Đàng Năng Thọ, nhà điêu khắc, giám đốc trung tâm văn hóa Chăm, Phan Rang

Không có nhận xét nào: