LÀNG NGHỀ VIỆT NAM
4 – LÀNG THỔ HÀ – GỐM MỸ NGHỆ
---o0o---
Thổ Hà là tên gọi một làng nghề thuộc xã
Vân Hà huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang. Đó là một ngôi làng cổ với phong cảnh hữu
tình, cây đa, bến nước, sân đình, những nếp nhà cổ san sát nằm sâu trong các
ngõ hẻm cổ kính. Khác với các làng ở đồng bằng Bắc Bộ dân Thổ Hà hoàn toàn
không có ruộng, bao đời sống bằng gạo chợ nước sông, thu nhập từ nghề thủ công
và buôn bán nhỏ. Trước 1960 làng nổi tiếng về nghề làm gốm, từ 1990 lại đây nổi
tiếng về nghề làm bánh đa nem và mì gạo.
Nghề gốm
Nghề gốm Thổ Hà có từ thế kỉ 12 và là một trong ba trung tâm gốm sứ cổ
xưa nhất của người Việt, bên cạnh Phù Lãng và Bát Tràng. Theo gia phả làng nghề
và những mẫu hiện vật khảo cổ được tìm thấy thì Thổ Hà là một trong những chiếc
nôi của nghề gốm sứ. Thổ Hà đã là một thương cảng gốm tấp nập của vùng Kinh
Bắc. Sự hưng thịnh của nghề gốm đã giúp người dân xây dựng một quần thể kiến
trúc đình, chùa, văn chỉ, cổng làng, điếm bề thế uy nghi.
Trong làng còn lưu truyền câu chuyện ông tổ nghề gốm làng Thổ Hà là tiến
sĩ Đào Trí Tiến. Vào cuối thời Lý (1009 - 1225) ba ông Đào Trí Tiến, Hứa Vĩnh
Cảo và Lưu Phong Tú cùng làm quan trong triều và được cử đi sứ Bắc Tống (960 -
1127). Sau khi hoàn tất sứ mệnh, trên đường trở về nước qua Thiều Châu, tỉnh
Quảng Đông gặp bão, phải nghỉ lại. Ở đây có lò gốm nổi tiếng, ba ông đến thăm
và học được kỹ thuật làm gốm. Về nước Đào Trí Tiến truyền nghề làm hàng gốm sắc
đỏ thẫm cho Thổ Hà, Hứa Vĩnh Cảo truyền nghề làm hàng gốm sắc trắng cho Bát
Tràng, Lưu Phong Tú truyền nghề làm hàng gốm sắc vàng thẫm cho Phù Lãng. Trước
đây lễ dâng hương Tổ nghề gốm (suy tôn cả ba ông) hàng năm được các nhà làm
nghề gốm ở Thổ Hà tổ chức luân phiên nhau tại gia đình.
Từ xưa gốm Thổ Hà đã bán rộng rãi ở kinh thành Thăng Long. Vào thời vua
Lê Hy Tông (1680-1705) có hai người dân Thổ Hà đến ở Chùa Hà (một ngôi chùa nổi
tiếng nay thuộc Từ Liêm, Hà Nội) để bán các đồ gốm sứ ở các chợ trong ngoài
thành Thăng Long. Do buôn bán phát đạt hai gia đình đã tình nguyện công đức một
số tiền lớn cùng dân trong xóm xây dựng lại Chùa Hà theo quy mô lớn bằng gạch
ngói như hiện nay. Trước đó, Chùa Hà xây bằng gạch vồ, lợp lá gồi, chùa xây vào
thời Lê Thánh Tông (1460-1497). Ở chùa Hà còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ bằng
gốm như bát hương, chĩnh, ang, vại thể hiện sự tôn kính và tín ngưỡng của người
Thổ Hà xứ Kinh Bắc xưa kia.
Để có thể tạo ra được các loại sản phẩm rất bền đẹp như chum vại, chĩnh
chõ, tiểu sành có màu nâu sẫm, màu da lươn, người ta phải mua đất sét từ Chóa ở
huyện Yên Phong cách xa gần 10 km, hoặc mua đất sét ở Xuân Lai cách xa
12 km và phải chở qua sông rất vất vả. Đó là loại sét vàng, sét xanh, ít
sạn và tạp chất có đặc tính dễ tạo hình và định hình khi nung ở nhiệt độ cao.
Cũng nhờ vậy mà Thổ Hà có thể tạo ra các sản phẩm cỡ lớn với dung tích 400-500
lít. Ðồ gốm Thổ Hà không dùng men, được nung ở nhiệt độ cao để tự chảy men ra
và thành sành, gốm màu nâu sẫm, thâm tím đanh mặt, gõ trên gốm tiếng kêu coong
coong như thép, mảnh gốm có cạnh sắc như dao, đựng chất lỏng không bao giờ thấm
qua, đựng chất rắn đầy chặt không bao giờ ẩm mốc. Gốm của Thổ Hà để nghìn năm
không bị mất màu do kỹ thuật nung tốt.
Vào những năm 40 của thế kỷ trước nghề làm gốm Thổ Hà rất phát triển.
Giữa những năm 60 của thế kỷ trước dân cư trong làng phát triển, các lò gốm tốn
nhiều diện tích đất và gây ô nhiễm nên nhà nước thành lập Xí nghiệp gốm Đá Vang
trên vùng đồi núi của làng Lát cách Thổ Hà 3 km về hướng Bắc, toàn bộ dân
làm gốm của Thổ Hà thành công nhân của xí nghiệp, ăn lương nhà nước.
Đầu những năm 80 kinh tế của thời bao cấp vô cùng khó khăn, dân làng
chuyển sang nghề mới là làm mỳ gạo và nấu rượu từ sắn. Thời gian này nấu rượu
từ gạo và buôn bán rượu vẫn bị cấm. Nhiều công nhân đã bỏ Xí nghiệp gốm để về
làm hàng.
Đến năm 1988 đồ nhựa đã trở nên thông dụng, các sản phẩm như chum, vại
bằng sành vừa to vừa nặng khó mà bán được nên Xí nghiệp gốm Đá Vang giải thể,
đặt dấu chấm hết cho nghề gốm gần 900 năm của làng Thổ Hà.
Năm 2005 anh Trịnh Đắc Tân, một người sinh ra trong một gia đình 10 đời
làm nghề gốm đã mở một lò gốm nhằm khôi phục nghề gốm cổ truyền, sản xuất các
loại chum vại sành, chậu sành, tiểu sành, lọ hoa, tích chén. Anh đã chịu khó
học hỏi và mời những nghệ nhân gốm trước đây về truyền dạy. Song việc khôi phục
là rất khó khăn vì thiếu vốn, anh dự định mở một doanh nghiệp gốm.
Nghề làm bánh đa nem
Từ bột gạo ngoài sản phẩm chính là bánh đa nem người dân còn sản xuất mỳ
gạo và bánh đa to rắc vừng. Mỳ gạo Thổ Hà bó thành bó to 1 kilogam cũng rất nổi
tiếng, mỳ nấu dai mà không nát, nghề làm mỳ gạo có trước nghề làm bánh đa nem
hiện nay. Bánh đa vừng Thổ Hà còn ngon hơn bánh đa Kế. Mỗi gia đình làm bánh đa
nem và mỳ thường chăn nuôi khoảng chục con lợn, mỗi con lợn nặng trên một tạ
mới bán, đó là nguồn thu nhập rất lớn. Nhờ nghề làm bánh đa nem dân làng có một
cuộc sống xán lạn hơn xưa, phần lớn các gia đình đều có xe máy, tủ lạnh, ti vi,
máy giặt, sinh hoạt không khác thành phố là mấy.
Trước đây người làm bánh đa nem phải hì hục quạt lò để tráng bánh bằng
phương pháp thủ công, nhưng từ khi có điện, với kỹ thuật tráng bánh mới theo
dây chuyền cho năng suất cao đã giảm bớt sự vất vả của con người, năng suất
tăng lên gấp ba đến bốn lần. Một gia đình một ngày làm được 250 kg mỳ gạo.
Vào những dịp gần tết, bánh đa nem của Thổ Hà làm ra không đủ đáp ứng cho nhu
cầu của thị trường. Thời gian bánh bán chạy nhất bắt đầu từ tháng 9 cho đến hết
tháng 2 năm sau.
Bánh đa nem Thổ Hà mang hương vị thơm man mát, màu trắng ngần
vừa thơm, lại vừa dai nên không những có uy tín với khách hàng trong nước mà nhiều
chủ đại lý đã đến ký hợp đồng để xuất khẩu sang các nước Đài Loan, Hàn Quốc,
Nhật Bản và rất được những thị trường này ưa chuộng. Tuy nhiên, các hộ dân sản
xuất bánh đa nem vẫn còn ở mức nhỏ lẻ, chưa có thương hiệu, bánh đa nem Thổ Hà
chưa vào được các siêu thị ở những thành phố lớn.
Ngoài nghề làm bánh đa nem, hiện nay một số gia đình vẫn còn làm nghề
nấu rượu, nhưng sản xuất rượu gạo nếp rất ngon và bán với giá cao.
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét