Bạn Phan Lục (Chicago)
sưu tầm
Ngày Tết - Nói về hai mươi bốn loài hoa mai (1/3)
---o0o---
Trên đất nước Việt
Nam, người ta thường biết đến hoa mai qua loại hoa mai vàng năm cánh đặc trưng
xưa nay mà người ta còn gọi là mai rừng, mai tự nhiên hay mai thiên nhiên chỉ
có năm cánh, hoa nhỏ và thân cao to có khi đạt đến chiều cao hơn chục mét,
hương thơm thoang thoảng, lây lất mùi gỗ rất dễ chịu và mát, không nồng và đậm
như một số loài hoa khác. Nhưng thật ra trên thế giới có tất cả hai mươi
bốn loài mai thuộc họ mai, tức là chi họ Ochna (Ochnaceae) khác với loài mai mơ
gần giống như hoa đào của Trung quốc có màu trắng hoặc trắng hồng, cánh nhỏ,
nhụy rậm và dày thường mọc thành chùm và hoa rậm, thân giống cây hoa đào, đoạn
xù xì, đoạn trơn láng, màu xanh, da bóng và mọc cao to như cổ thụ.
Hoa mai tại Việt
Nam mọc phổ biến ở miền Trung và miền Nam, đa phần là mai rừng tự nhiên. Sau
này người ta sử dụng một số loại mai ghép lại với nhau và cho ra đời một loại
mai nhân tạo đó chính là mai giảo nhiều cánh, số lượng cánh có thể lên đến hàng
chục cho đến hàng trăm cánh xếp chồng lên nhau thành một đóa hoa dày và lớn.
Nhưng thật ra hoa mai vàng trong tự nhiên cũng có loài đạt đến số lượng cánh
rất cao (từ 12 cho đến 18 cánh). Mai tự nhiên có mùi hương tự nhiên rất thơm và
thường nực nồng vào buổi sáng và dần dần mất mùi vào những khoảng thời gian còn
lại trong ngày. Có lẽ vì buổi sáng sớm, nhiệt độ còn thấp, sương chưa tan nên
hương thơm còn giữ lại trong không khí, đến khi mặt trời lên, nhiệt độ
tăng dần, sương tan hết cũng là lúc hương hoa cũng tản ra trong không khí nên
chúng ta nghĩ là hoa mất mùi sau khi mặt trời lên cao.
Hoa mai tại Việt Nam có mười tám
loại như sau:
1 - Mai năm cánh: Loại mai vàng mọc phổ
biến tại miền Trung (Từ Đà Nẵng, Quảng Nam cho đến Khánh Hòa) và trên dãy
trường Sơn, trong những khu rừng già. Đây là loại mai năm cánh tự nhiên, hoa
nhỏ, thân vừa và nở hoa không nhiều và rậm như một số loài mai khác mà nở thưa
thớt. Nhưng nếu lạc vào rừng mai này vào mùa xuân thì chúng ta sẽ thấy sắc hoa
vàng rực rỡ cả một khu rừng, cả một triền núi và xác hoa rơi có khi vàng cả một
dòng suối. Hương thơm ngập tràn và lan tỏa cả một vùng rộng lớn. Ở một số ngọn
núi thuộc đồng bằng sông Cửu Long như tại vùng Thất sơn (bảy núi) cũng có loại mai
này nhưng ít hơn và rải rác không tập trung.
2 - Mai núi: Cũng là một loại mai rừng
nhưng có số lượng cánh nhiều hơn từ 12 cho đến 18 cánh, có khi còn hơn thế nữa.
Mai này mọc trên những núi đá khô khốc và sống chủ yếu bằng hơi sương, nước mưa
và nước ngầm trong lòng đất cộng với khí hậu ẩm thấp của miền núi. Loài mai này
thường xuất hiện nhiều tại các vùng núi thuộc Tây Nguyên và nước bạn Campuchia.
3 - Mai chủy: Cũng là một loại mai rừng
nhưng thân cây rất to, hoa nhiều, lá rộng, xanh bóng và có hình răng cưa. Loại
mai này có hoa mọc thành chùm rất đẹp nên gọi là mai chủy (chủy có nghĩa là
chùm, quần thể, quây quần lại, đặc nghẹt).
4 - Mai động, mai sẻ: Là một loại mai
chuyên mọc ở những vùng cát trắng gần biển. Loại mai này có thân suôn thẳng và
tròn và trổ bông thưa thớt. Nếu chúng trổ năm cánh thì gọi là mai sẻ, còn nếu
có hơn năm cánh thì đúng là loa mai động. Mai động và mai sẻ mọc rải rác từ các
tỉnh từ Quảng Bình, Quàng Trị vào tận các vùng duyên hải thuộc miền trung và có
khi thấy chúng ở các vùng đồi cát trắng thuộc miền nam như Tây Ninh, Đồng Nai,
Biên Hòa v..v..
5 - Mai chùm gửi, mai Tỳ bà, mai vương: Là một loại mai sống nhờ trên thân cây khác, nhất là các loại cây
cổ thụ to lớn, chúng sống bám vào thân cây, một phần hút chất dinh dưỡng từ
đất, một phần hút chất dinh dưỡng từ cây mà chúng bám vào. Không giống các loại
chùm gửi khác chỉ bám trên thân cây khác, mai chùm gửi sống phân nửa dựa vào bộ
rễ bám vào lòng đất của nó. Mai chùm gửi có thân ghồ ghề, cứng và xù xì cùng
với những khối u kì dị. Chồi và tược cũng như hoa đâm ra từ những khối u đó.
Hoa trổ khá dày và khít thành từng chùm đặc nghẹt. Có nơi còn gọi nó là mai tỳ
bà hay mai vương.
6 - Mai hương, mai thơm hay mai ngự: Là một loại mai vàng có mùi hương rất thơm, thơm hơn tất cả các
loài mai khác. Mùi hương của nó rất đặc biệt và có lẽ là nồng nàn hơn tất cả
các loài mai nên nó được gọi là mai hương cho đúng với tính chất đặc biệt của
loài mai vàng năm cánh này. Ở Bến Tre cũng có rất nhiều loại mai này mà người
dân ở đây gọi nó bằng một cái tên rất miệt vườn là "Mai thơm" vì nó
rất thơm, thơm hơn những loại mai thông thường mà người dân Nam bộ thường gặp. Ở Huế, loại mai
này còn được gọi là "Mai ngự" vì nó được trồng trong cung và rất được
Hoàng tộc mến chuộng dùng làm quà biếu cao cấp nên nó gọi là "Mai
ngự".
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét