BƯỚC VÀO CỬA PHẬT
Cố Hoằng Hưu Nguyễn Văn Phú
-o0o-
7. LỄ VU LAN
Trong lịch ta, rằm tháng giêng là tiết Thượng
Nguyên, rằm tháng bảy là tiết Trung Nguyên, rằm tháng mười là tiết Hạ Nguyên.
Đối với Phật tử thì rằm tháng giêng là một ngày lễ quan trọng, vì thế mới có
câu : Đi lễ quanh năm không bằng ngày rằm tháng giêng. Còn ngày rằm thng bảy
cũng là một ngày lễ quan trọng, đó là ngày lễ Vu-Lan. Rằm tháng mười không có
lễ nào của đạo Phật nhưng lại là một ngày lễ lớn của dân Việt Nam ta, gọi là lễ
cơm mới.
Vu-Lan do chữ Vu-Lan-Bồn nói ngắn. Chữ Phạn Ullambana
phiên âm thật sát là ô-lam-bà-na, phiên âm gần đúng là vu-lan-bồn. Chữ ấy có
nghĩa là cứu các vong linh ra khỏi nạn khổ.
NGÀY LỄ VU LAN
Hôm nay, rằm tháng bảy, chúng ta tụng Kinh
Vu-Lan, nhờ đó chúng ta biết nguồn gốc lễ Vu-Lan là do chuyện ngài Mục-Liên cứu
mẹ. Ngài Mục-Liên là một đại đệ tử của đức Phật, là bậc thần thông đệ nhất.
Ngài thấy mẹ bị đọa thành quỉ đói, khổ sở vô cùng, Ngài muốn cứu mẹ mà không
nổi nên về cầu cứu đức Phật. Đức Phật dạy phải nhờ sức chú nguyện của chư tăng,
nhân ngày tán hạ tức là ngy rằm thng bảy, thì mới đủ thần lực. Do đó, mẹ ngài
được giải thoát. Phật dạy thêm : mỗi năm, đến ngày rằm tháng bảy, hãy kính
thỉnh chư tăng lập đàn để cứu khổ cho tổ tiên cha mẹ bảy đời.
Nhờ tụng Kinh Báo Hiếu, chúng ta biết thêm rằng,
rằm tháng bảy lại chính là ngày báo ơn cha mẹ còn hiện tiền hay đã quá vãng. Trong
Kinh Vu-Lan, chúng ta biết rằng: thỉnh được chư đại đức tăng ni là những vị Điều
trì giới rất thanh rất tịnh, Đạo đức dày, chánh định chân tâm, thì Hiện tiền
phụ mẫu của người, Bà con quyến thuộc thảy đều nhờ ơn.
Tam đồ khổ luôn luôn ra khỏi, Cảnh thanh nhàn
cũng lại tự nhiên.
Như còn cha mẹ hiện tiền,
Nhờ ơn cũng được bách niên thọ thời,
Như cha mẹ bảy đời quá vãng.
Sẽ hóa sanh nơi sáng, thiên cung...
Trong Kinh Đại báo phụ mẫu trọng ân, đức Phật
dạy ngài A-Nan rằng ơn cha nghĩa mẹ rất sâu dày : một là mang thai nặng nề khó
nhọc, hai là sanh nở hiểm nguy đau đớn, ba là nuôi dạy vất vả cực khổ, bốn làl dành
phần ngọt bùi cho con, năm là nhường cho con nằm chỗ khô ráo, sáu là chăm sóc
lo cho con no ấm dù bản thân chịu thiếu thốn, bảy là không nề hà ô uế miễn là
con được sạch sẽ, tám là luôn luôn lo lắng về mọi mặt cho con, chín là hy sinh
hết để cho con sung sướng, mười là chăm chút lo cho cuộc đời của con được thanh
nhàn. Vì thế, bổn phận làm con có làm bao nhiêu cũng không thể trả nổi ơn sâu
nghĩa nặng của cha mẹ được.
VU LAN BÁO HIẾU
Vậy, rằm tháng bảy là ngày để Phật tử tỏ lòng
hiếu kính, biết ơn cha mẹ và tổ tiên Tại sao chúng ta thấy lễ Vu-Lan mang thêm ý
nghĩa nữa là cúng cô hồn? Một tài liệu cho biết rằng đó là do truyện ngài
A-Nan, thị giả của đức Phật, cung cấp đồ ăn cho các quỷ đói. Theo truyện ấy thì
ngài A-Nan gặp một con quỷ đói tên là Diệm Khẩu (có nghĩa là miệng phun lửa)
xấu xí, gày gò , cổ rất nhỏ. Nó bảo ngài rằng ngài sắp chết nhưng nếu ngài cho
tất cả lũ quỷ đói ăn uống no nê thì ngi sẽ thọ mạng lâu dài và chính quỷ ấy
được lên trời. Ngài A-Nan về trình với đức Phật, đức Phật ban cho ngài A-Nan
một thần chú, nhờ đó mà tất cả quỷ đói được no đủ và chúa quỷ cầm cờ do đức
Phật ban cho để dẫn các cô hồn đã được xá tội, lên tịnh độ.
Lễ cúng cô hồn
Trong bài Văn tế Thập loại chúng sinh, đại
văn hào Nguyễn Du đã đề cập đến việc dựng đàn giải thoát cho mười loại chúng
sinh đau khổ :
1/ Vua cha bị giết.
2/ Quí nữ liều thân.
3/ Tể thần thất thế.
4/ Đại tướng bại trận.
5/ Ham giàu chết đường.
6/ Ham danh chết quán.
7/ Buôn bán chết xa.
8/ Binh lính chết trận.
9/ Kỹ nữ cô đơn.
10/ Chết do nghèo nàn tai họa.
Kiếp phù sinh như bào, như ảnh,
Có câu rằng vạn cảnh giai không.
Ai ơi lấy Phật làm lòng ,
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi ...
Vào ngày này, các chùa còn tổ chức phóng
sinh, tức làl thả chim, thả cá cho chúng được tự do. Lại còn tổ chức thí thực
cho bà con nghèo ăn một bữa no nê. Xưa kia, nước ta có tục thả thuyền giấy trên
sông vào đêm rằm tháng bảy, thuyền cắm cờ, trên đó lại có các hình nhân, với ý
nghĩa là những tướng và quân giương cờ của Phật, dẫn các cô hồn vượt qua bể
khổ.
Phần cuối bài cúng cô hồn có mấy câu sau đây
:
Cháo cơm dù có ít nhiều,
Ăn uống đều cùng thong thả.
Tụng chân ngôn , ít biến nên nhiều,
Niệm bí chú, không mà có cả.
Chẳng được cậy lớn mà tranh bé,
Nữa lại còn mắc chữ tham sân.
Đã quy y cải dữ làm lành.
Thì xả ở cho lòng hỷ xả.
Trước để răn giải thoát một lời,
Sau lại bảo Tâm kinh Bát Nhã
Tìm về đất Phật nghỉ ngơi,
Vâng hộ mọi người hỉ hả.
Phúc đẳng hà sa,
Khương lưu rạng rỡ. Cẩn cáo.
Nhớ lại khi còn ở trong nước, đồng bào chúng
ta cúng tháng bảy rất lớn, không bắt buộc làm lễ đúng vào ngày rằm mà bất kỳ
ngày nào trong tháng bảy, các tư gia và nhất là các xưởng máy, tiệm buôn, nhà
hàng ... không khi nào thiếu. Đối với các vị xuất gia thì mỗi năm khai hạ vào
rằm tháng tư và tán hạ vào rằm tháng bảy. Mỗi khi xong một khoá hạ thì các ngài
thêm một tuổi đạo, vì thế ngày rằm tháng bảy đối với các ngài là một ngày vui,
gọi là hoan hỷ nhật. Chính vào ngày này , khi còn đang hội đông đủ tại đạo
tràng, các ngài tuân theo lời Phật dạy, hợp lời chú nguyện để làm lễ Vu-Lan vì
lợi ích của tất cả, người đã khuất và người còn hiện tiền.
Hôm nay, Phật tử chúng ta lên chùa Phật, cầu
nguyện cho cửu huyền thất tổ [Cửu huyền: đời mình + bốn đời trước mình + bốn
đời sau mình. Thất tổ: kể từ ông nội của mình lên sáu đời nữa], cầu an cho phụ
mẫu hiện tiền, ... chúng ta có thể học được những điều gì?
Thứ nhất là chúng ta, và đặc biệt là các bạn
trẻ, nên thực hành những bổn phận làm con và làm cháu của mình mỗi ngày mỗi chu
đáo hơn; các bạn trẻ nên biết rằng không thiếu gì người lớn tuổi cho đến giờ
phút này vẫn tha thiết nhớ cha nhớ mẹ, và thường ân hận rằng lúc cha mẹ còn sống,
mình chưa hầu hạ chăm nom đến nơi đến chốn. Thứ nhì là luôn luôn nghĩ rằng chúng
ta và toàn thể chung sinh liên hệ chằng chịt với nhau, tất cả là một, một là
tất cả, cho nên thực hành từ bi hỷ xả đối với chúng sinh cũng là thực hành từ
bi hỷ xả đối với chính chúng ta. Nếu khung cảnh cõi ta bà này mà tốt hơn, đẹp
hơn, thì tất cả đều cùng hưởng. Thứ ba là nên suy ngẫm về địa ngục. Nghe thì xa
xôi quá, huyền bí quá nhưng sự thật thì hàng ngày chúng ta thấy bao nhiêu là cảnh
địa ngục trên trái đất này, hoặc cảnh địa ngục xung quanh chúng ta, và có khi
cảnh địa ngục ở ngay bên cạnh chúng ta nữa. Cái thứ địa ngục trần gian ấy không
do ai bày ra cả mà lại do con người tạo ra, cũng có thể do chính chúng ta tạo
ra không chừng ! Suy xét cho cùng, mọi cảnh địa ngục ấy bắt nguồn từ cái tâm
ác, từ tham sân si mà ra. Đạo Phật có mặt nơi đây để giúp chúng ta chiến thắng
ba độc ấy, xóa cảnh địa ngục trần gian, tiến lên tự giải thoát ra khỏi mọi khổ
đau. Chẳng khác gì bà Thanh Đề nhờ Phật pháp, tâm đã chuyển hóa mà thoát ra
khỏi ác đạo. Đó là ý nghĩa sâu xa nhất mà Phật tử chúng ta có thể học và hành.
Nhân ngày hoan hỷ hôm nay, toàn thể Phật tử
kính mừng Hoà Thượng, chư Đại đức Tăng, Ni thêm một tuổi hạ và kính chúc quý ngài
Phật đạo sớm viên thành. Kính chúc quý vị và quý đạo hữu tâm bồ đề kiên cố, chí
tu học vững vàng, thân tâm thường an lạc.
KHÓA HẠ
---ooo0ooo---
------oo0ooo------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét