Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

4. DUC PHAT THANH DAO

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT
Hoằng Hữu NGUYỄN VĂN PHÚ
Mồng tám tháng chạp, kỷ niệm ngày
4. ĐỨC PHẬT THÀNH ĐẠO
        Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày 8 tháng chạp âm lịch, đó là ngày kỷ niệm đức Phật thành đạo. Lẽ ra nên nói là tu sĩ Tất-Đạt-Đa thành đạo bởi vì sau khi thành đạo rồi thì ngài mới là Phật, nhưng theo thói quen chúng tôi dùng chữ như vậy.
        Khi thái tử Tất-Đạt-Đa ra chơi bốn cửa thành, ở ba cửa ngài chỉ thấy khổ đau, ở cửa cuối cùng ngài trông thấy một tu sĩ dáng dấp khoan thai, nét mặt bình thản. Ngài nảy ra tư tưởng xuất gia để tìm con đường giải thoát khỏi tất cả các đau khổ trên cõi đời này. Trong các đau khổ ấy thì sinh tử luân hồi là khổ nhất. Đạo Phật được gọi là Đạo thoát khổ hay là Con đường giải thoát, giải thoát khỏi sinh tử luân hồi.

SINH TỬ LUÂN HỒI
        Năm 29 tuổi, ngài từ biệt vợ con, bỏ phú quý để đi tìm đạo, đối với ngài là tìm đường giải thoát. Ngài cầu học ở tu sĩ Ka-La-Ma, được dạy thiền, ngài nhanh chóng bắt kịp thày, lên đến các bậc thiền cao như không vô biên xứ, thức vô biên xứ và vô sở hữu xứ. Nhận thấy đó chưa phải là con đường mà ngài tìm kiếm, ngài muốn bỏ đi. Ông Ka-La-Ma đề nghị ngài ở lại để cùng trông nom giáo đoàn trên 400 người nhưng ngài từ chối. Ngài tới gặp tu sĩ Uất-Đầu-Lam-Phất là người lãnh đạo hơn 700 đệ tử. Ngài hành thiền lên tới bậc cao nhất là phi-tưởng phi-phi tưởng- xứ. Nhưng đó vẫn chưa phải con đường giải thoát nên ngài lại ra đi.
        Lần này, ngài quyết định tự tìm lấy. Có một nhóm năm tu sĩ mà người ta hay gọi là nhóm anh em ông Kiều-Trần-Như tu cùng với ngài, theo lối tu khổ hạnh, tạm gọi là ép xác vì bắt thân thể chịu cơ cực cùng tột, thí dụ ăn rất ít, coi như nhịn đói.

TƯƠNG PHẬT TU KHỔ HẠNH
        Ngài gày còm, chỉ còn da bọc xương mà thôi, trở nên yếu ớt và kề cận với cái chết. Ngài nhận thấy lối tu khổ hạnh cũng như cách sống lợi dưỡng đều không hay nên ngài chọn Trung đạo và ngài dùng một ít thực phẩm. Nhóm ông Kiều-Trần-Như cho rằng ngài thoái chí nên bỏ đi chỗ khác. Còn có một mình trong rừng ở trên núi Tượng-Đầu gần sông Ni-Liên -Thiền, ngài phát nguyện sẽ không rời chỗ ngồi dưới gốc cây tất-bát-la, sau này sẽ là cây bồ-đề danh tiếng, ngày nay nhiều người hành hương đến chiêm bái. Ngài tập trung định lực quán chiếu vào trong tâm, thay vì xem xét ngoại cảnh.
Ngài nhận thấy rằng những nhận thức của tri giác là sai lầm, các cảm thọ cũng sai lầm, những điều này dẫn dắt đến khổ đau. Truy tận gốc thì cái gốc chính là vô minh, u mê. Phải giải tỏa, phải từ bỏ, phải đập tan sự u mê đó mới thoát khổ được.
        Nhìn nhân sinh thì thấy khổ. Quả là khổ, nhân ở đâu? Nhìn vũ trụ (1) thì thấy vô thường.
        Mọi pháp trên thế gian này đều do duyên sinh, nghĩa là nhiều nhân cùng với nhiều duyên mới đủ làm ra pháp ấy, pháp ấy không tự mình mà có được, pháp ấy là một hợp thể, nó không độc lập mà có, nó dựa vào những cái khác mà có, đồng thời nó lại làm duyên cho cái khác, nói tóm lại, trên thế gian này, tất cả là liên lập chứ không độc lập. Pháp đó có, nhưng chỉ là giả có, in tuồng như có, duyên hết thì pháp ấy tan, tự nó không đứng được. Đó là duyên sinh. Vì duyên sinh nên không có tự thể, không có cái ngã riêng, nó là vô ngã, sự vật vô ngã, con người cũng vô ngã luôn. Con người gồm thân và tâm, thân do tứ đại giả hợp, tâm thì lăng xăng thay đổi. Cái thân biến đổi từng giây, cái tâm cũng thế, vậy cái nào là cái ta thật? (2)

PHẬT NGỒI THIỀN ĐỊNH DƯỚC GỐC CÂY BỒ ĐỀ
QUÁN CHIÊU VÀO TRONG TÂM
        Một đêm kia, vào cuối canh một, ngài chứng ngộ túc mạng minh, có thể nhớ lại những kiếp đã qua. Giữa đêm, ngài chứng ngộ thiên nhãn minh, nhờ đó thấy được sự sinh tử luân hồi của các chúng sinh (3). Sau, ngài diệt mọi phiền não vào canh cuối, ngài chứng ngộ lậu tận minh, hiểu biết sự chấm dứt các trầm luân, giác ngộ tứ diệu đế tức là con đường thoát khổ và thành Phật, lên ngôi chánh đẳng chánh giác. Lúc đó ngài 35 tuổi. Ngài thành Phật do nỗ lực của bản thân, không nhờ ai khác.
        Ngài nói : “Trải qua nhiều kiếp ta đi lang thang trong vòng trầm luân sinh tử. Đi tìm nhưng không gặp người thợ xây cất ngôi nhà này. Thống khổ thay là bao kiếp tái sinh. Hỡi người thợ xây nhà, ngươi đã lộ nguyên hình tướng. Ngươi sẽ không xây nhà được nữa. Tất cả rui mè đều bị bẻ gãy, đà nóc cũng rụi tan. Tâm ta chứng đạt tịch tĩnh, tận diệt mọi ái nhiễm”. Cái nhà, là cái thân này đây. Anh thợ xây nhà chính là ái dục, ái dục bị lộ rồi, bị đuổi đi rồi, vậy là hết sinh tử luân hồi, thoát mọi khổ đau! 
GHI CHÚ.
(1) bốn phương trên dưới là , xưa qua nay lại là trụ, đó là nói không gian và thời gian.
(2) Từ vô ngã duyên sinh, suy ra rằng vạn pháp không có tự tính. Nói cách khác: Bản thể của vạn pháp là không, thực tướng của vạn pháp là không, “không sinh, không diệt, không dơ, không sạch, không tăng, không giảm”, đó mới là cái thực. Mọi thứ khác , do các giác quan nhận thức, có nhưng mà không thực. Chữ không này chẳng có nghĩa là “không có gì”, đó chỉ là một cái tên để gọi bản thể, tên tạm thôi, vì chẳng có chữ nào của thế gian thích hợp được! Bản thể thấm nhuần vạn pháp, cho nên “sắc tức là không, không tức là sắc, ...”. Hãy tu, khi nào đạt được trí huệ bát-nhã, sẽ “ngộ”!
(3) Hiện tượng sinh diệt chỉ là bề ngoài, còn cái bản thể thì không hề sinh diệt. Sóng thì khác nhau , lúc có lúc không, đó dụ cho hiện tượng, nước thì vẫn thế, đó dụ cho bản thể. Sóng không lìa nước, hiện tượng dính liền với bản thể, như hai mặt của một đồng xu.

PHẬT ĐẮC ĐẠO DƯỚI CỘI BỒ ĐỀ

---ooo0ooo---


Không có nhận xét nào: