Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

LAO ĐỘNG TRẺ EM TẠI NEPAL



Lao động trẻ em tại Nepal
---o0o---
Cuộc sống của Maya Lama cũng từng như các trẻ em khác, thỏa thích chơi đùa, được đến trường cùng với các bạn đồng trang lứa. Tuy nhiên mọi thứ đã thay đổi kể từ hai năm trước…
Cô bé 12 tuổi người Nepal đã buộc phải làm việc vất vả tới 16 giờ mỗi ngày trong nhà máy sản xuất thảm ở ngay thủ đô Kathmandu. Đó là thời điểm năm 2011, khi Maya Lama đến thăm nhà người bác ở Kathmandu. Cô bé đã trở thành một trong những lao động trẻ em tại nhà máy, giống như số phận của 1,6 triệu trẻ em khác ở đất nước Nepal.
Maya Lama không những không còn được đến trường mà cô bé phải lao động cực nhọc ở nhà máy từ 4 giờ sáng đến 8 giờ tối, gần như không có thời gian để nghỉ ngơi.
Lao động trẻ em khá phổ biến ở Nepal
Giống như Maya, cô bé Yangzee Sherpa đến từ tỉnh Taplejung, phía Bắc Nepal cũng đã phải lao động từ rất sớm. Ông bà của Yangzee đưa cô bé tới nhà máy lao động nhằm kiếm tiền trang trải cho gia đình. "Cha nghiện rượu trong khi mẹ không thể chăm sóc tôi" - cô bé 12 tuổi nói - "Tôi không biết tại sao mình phải lao động ở nhà máy trong khi hai người anh trai lại được đến trường"?
Dù việc sử dụng lao động trẻ em là bất hợp pháp ở Nepal, nhưng hiện có tới 1,6 triệu lao động trẻ em lứa tuổi từ 5 đến 17 phải làm việc cực nhọc. Một phần ba trong số đó nằm ở lứa tuổi dưới 14 và chủ yếu là các lao động nữ.
Lao động trẻ em được sử dụng khá phổ biến ở thủ đô Kathmandu. Từ việc lau dọn bát đĩa tại các nhà hàng đến việc phải làm việc 16 giờ mỗi ngày ở các nhà máy sản xuất gạch, thảm...
Việc sử dụng lao động trẻ em ở Nepal được xem như một mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. “Các nhà máy cung cấp chỗ ở và giáo dục cho trẻ em đồng thời trả một mức lương hỗ trợ gia đình các em” - Krishna Hari Pushkar, Cục trưởng Cục Lao động Nepal - cho biết.
Mặc dù việc sử dụng lao động trẻ em là bất hợp pháp trên thế giới nhưng ở Nepal, dường như có một thoả thuận giữa ông chủ các nhà máy với gia đình trong việc khai thác sức lao động trẻ em ngay khi các em còn rất nhỏ. Điều này giống như một "sự chấp nhận của xã hội".
Giải thoát trẻ em khỏi cuộc sống lao động.
Hàng ngày, hàng ngàn trẻ em ở Nepal đang phải tiếp tục làm việc như là một trụ cột trong gia đình. Maya và Yangzee là hai số trong những trẻ em may mắn được giải thoát nhờ Nepal Goodweave Foundation, một tổ chức phi chính phủ hoạt động nhằm loại bỏ lao động trẻ em trong các ngành công nghiệp.
Maya và Yangzee cùng với 30 trẻ em khác dưới 14 tuổi tạm thời nhận được sự bảo trợ của tổ chức này ở Kathmandu. Các em được sống một ngày bình thường, được đi học, được vui chơi một cách thoải mái. Nhưng mỗi khi những đứa trẻ chia sẻ về quãng thời gian phải đi làm trước đó, căn phòng nơi các em sinh hoạt lại trở nên im lặng một cách đáng sợ.
Nepal đã xác định cần phải loại bỏ mọi hình thức lao động trẻ em vào năm 2020 sau cuộc biểu tình làm rung chuyển thủ đô Nepal từ cái chết của một bé gái 12 tuổi. Cô bé phải trở thành người giúp việc bất đắc dĩ và đã tự thiêu do không chịu nổi những áp lực đè nặng.
Những hủ tục của đạo luật kamlari
Đạo luật kamlari đã tồn tại hàng trăm năm trước ở Nepal trước khi bị chính phủ nước này cấm vào năm 2000. Trong quá khứ, những người dân tộc Terai di cư đến vùng đất của người Tharu và tràn vào khu vực sinh sống của những cư dân ở Nepal. Trẻ em Tharu, chủ yếu là trẻ em nữ, bị bán từ khi lên 5 để gia đình trả nợ và trang trải cuộc sống.
Hủ tục này tiếp tục được duy trì cho đến nay. Mỗi khi một gia đình ở Nepal gặp khó khăn, họ sẽ bán đứa trẻ đang lao động trong các nhà máy, cửa hàng để trang trải nợ nần.
Shanta là một trong cô bé may mắn được chính quyền Nepal giải cứu năm 2006 khi Tòa án tối cao Nepal chính thức khẳng định rằng đạo luật kamlari là hoàn toàn bất hợp pháp.
"Tôi sinh ra trong một gia đình lao động từ khá sớm. Tôi đã phải làm việc từ năm lên 8 cho đến nay đã 18 năm với những điều kiện cực kỳ khắc khổ", Shanta cho biết. Shanta được giải thoát vào năm 26 tuổi. Cho đến nay cô đã có thể tự đọc, viết và tham gia tranh cử vào chính quyền Nepal năm 2008.
Bất chấp nỗ lực của chính phủ trong thời gian qua, Shanta cho rằng nạn nghèo đói cũng như tình trạng lạm dụng lao động trẻ em vẫn tiếp tục tồn tại ở Nepal.
Theo Chỉ số phát triển con người mà Liên hiệp quốc ghi nhận, 44,2% dân số Nepal sống dưới mức nghèo khổ. Trong khi nhiều trẻ em Nepal vẫn đang bị mắc kẹt trong tình trạng tệ hại này, các em nhỏ khác vẫn tràn đầy giấc mơ và niềm tin về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Một cuộc sống mà Nepal sẽ không còn những hình ảnh trẻ em phải lao động ngay từ nhỏ.
---ooo0ooo---


Không có nhận xét nào: