Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2013

(5) LAO ĐỘNG TRẺ EM Ở CHÂU PHI



LAO ĐỘNG TRẺ EM TRÊN THẾ GIỚI – 5. Châu Phi
http://www.baomoi.com
---o0o---
Trang mạng IRIN – nơi cung cấp các thông tin và sự phân tích về các hoạt động nhân đạo trên toàn cầu đã đưa ra hai dẫn chứng tiêu biểu về tình trạng sử dụng lao động trẻ em ở Mauritania và Guinea (Tây Phi). Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề của riêng hai quốc gia này, mà nó là vấn đề nan giải của nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là châu Phi.
Những hình ảnh bóc lột trẻ em như thế này không quá hiếm gặp ở châu Phi (Ảnh AFP)
Theo IRIN, tại Mauritania, luật pháp không cho phép trẻ em dưới 14 tuổi làm việc và trừng phạt những kẻ sử dụng sức lao động trẻ em. Tuy nhiên, trên thực tế, theo một báo cáo đưa ra vào cuối tháng 9 vừa qua của Tổng Liên đoàn Thương mại quốc tế (ITUC), có nhiều trẻ em dưới 14 tuổi vẫn phải làm việc, thậm chí có cả những trường hợp phải làm việc như nô lệ.
Trong khi hầu hết trẻ em là các bé gái phải làm giúp việc cho các gia đình, thì các bé trai thường bị buộc đi ăn xin hoặc bị gửi đến làm việc tại các khu công nghiệp xây dựng, thu tiền trên xe buýt hoặc tham gia vào các nhóm tội phạm. Tại các vùng nông thôn, các bé trai thường làm việc trên những cánh đồng hoặc chăn nuôi gia súc. 

Theo một nghiên cứu năm 2009 của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF và Bộ Phúc lợi Gia đình và Trẻ em nước này, các em phải làm giúp việc trung bình là 10 giờ/ ngày, trong khi các em đi ăn xin hoặc làm nông nghiệp có thể làm đến 16 giờ/ ngày. Trong số 265 em được hỏi, có tới gần một nửa nói rằng, các em bị các ông chủ đánh đập. 
Một nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ “Chế độ nô lệ SOS” năm 2009 cho thấy, có 1/5 dân số của Mauritanian bị ảnh hưởng bởi chế độ nô lệ dưới nhiều hình thức.
Ở Guinea, mặc dù có quy định cấm trẻ em dưới 16 làm việc song, trẻ em vẫn làm các công việc nguy hiểm ở nông trại, trong hầm mỏ và trong ngành thủy sản. Theo ITUC, nhiều em còn làm việc trong các hầm mỏ suốt 15 giờ mỗi ngày và làm 7 ngày mỗi tuần, các em từ 5 tuổi trở lên.
Tình trạng buôn bán trẻ em cũng là vấn đề nhức nhối. Trẻ em được đưa đến khu vực biên giới và bị buộc phải đi ăn xin hoặc làm các việc khác. Tình trạng này đã giảm trong mấy năm gần đây, tuy nhiên vẫn là vấn đề chưa được giải quyết triệt để.
Lao động trẻ em là hiện tượng phổ biến trong các xã hội nông thôn nghèo ở Tây Phi. Bởi theo quan điểm của họ, đây là cách để đào tạo và đảm bảo công ăn việc làm trong tương lai cho trẻ em. Ví dụ ở Guinea, việc "bồi dưỡng" cho một đứa trẻ trong gia đình như một người học việc, được coi là có lợi cho trẻ em đó. Và việc cho trẻ em đi làm cũng là một cách để chống lại đói nghèo.
Tại Mauritania, hầu hết các gia đình nghèo tại các thành thị không còn sự lựa chọn nào khác khi phải để con cái họ đi làm. Với việc di cư khỏi vùng nông thôn, nhiều gia đình đã phải sinh sống trong các khu ổ chuột cùng với con cái của họ. Trong trường hợp nếu không có các chiến lược công nhằm chăm sóc con cái họ, thì các bậc phụ huynh nghèo sẽ không còn cách nào khác là phải cho con cái họ đi làm việc.
Nhìn rộng hơn khu vực Tây Phi, theo UNICEF: “hàng nghìn trẻ em ở châu Phi cũng đang phải chịu đựng bạo lực, bị khai thác và lạm dụng hàng ngày. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng đối với những trẻ em sống và làm việc trên đường phố." 
Châu Phi là khu vực có tỷ lệ lao động trẻ em cao nhất thế giới. Trên 1/3 số trẻ em trong độ tuổi từ 5 đến 14 phải làm những công việc nặng nhọc. tại châu Phi, có khoảng 50 triệu trẻ em mồ côi cha, mẹ hoặc cả hai, trong đó gần 15 triệu trẻ mồ côi là do bệnh AIDS đã cướp đi cha mẹ chúng. Một vài trẻ em trong số đó đã buộc phải sống tự lập với rất ít hoặc không có sự trợ giúp nào của người lớn.
Báo cáo thường niên của Bộ Lao động Mỹ ngày 3/10 cũng cho thấy: Qua khảo sát hơn 140 nước, báo cáo ghi nhận năm 2010 có 71 nước sử dụng lao động trẻ em (chủ yếu ở châu Phi, châu Á và Mỹ La tinh) để sản xuất khoảng 130 loại sản phẩm, chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp và thủ công.
Báo cáo dẫn số liệu của Tổ chức Lao động thế giới cũng cho thấy, hơn 50% trong 215 triệu trẻ em trên thế giới đang làm công việc nguy hiểm. Đặc biệt trẻ 15-17 tuổi làm công việc nguy hiểm đang gia tăng.
Bởi vậy, để tạo ra sự khác biệt cho cuộc sống của các lao động trẻ em trên toàn thế giới, đặc biệt ở khu vực châu Phi, chính quyền các nước cần có sự thấu hiểu và hỗ trợ thích hợp để tạo nền tảng, môi trường bảo vệ trẻ em tốt hơn trong gia đình và cộng đồng.
--ooo0ooo---

Không có nhận xét nào: