Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

LAO ĐỘNG TRẺ EM Ở ẤN ĐỘ



LAO ĐỘNG TRẺ EM TRÊN THẾ GIỚI (2)
---o0o---
2. Lao động trẻ em ở Ấn Độ

Rất nhiều trẻ em phải nghỉ học để cùng mẹ, chị lao vào cuộc chạy đua sản xuất thuốc lá thủ công dưới cái mác "giúp đỡ gia đình".

Cô bé Aliya 5 tuổi từng nghĩ đó là một cuộc chơi, ai nhanh sẽ là người thắng cuộc. Từ khi vừa thức dậy tới lúc nhá nhem tối, Aliya thấy mẹ và các chị cùng nhiều người khác bị cuốn vào một cuộc chạy đua điên cuồng với mục tiêu cuộn đủ 1.000 điếu thuốc mỗi ngày.
Hầu hết các em phải nghỉ học, cuộn thuốc lá phụ giúp gia đình.
Nhưng đâu như cô bé nghĩ, đó là công việc, là kế sinh tồn của hầu hết các gia đình trong ngôi làng Kadiri ở Andhra Pradesh, Ấn Độ. Họ nhận cuốn thuốc lá thủ công cho các nhà sản xuất thuốc lá ở Ấn Độ. Mỗi người phải mất từ 10 đến 14 tiếng mới cuộn đủ 1.000 điếu thuốc mỗi ngày chỉ để nhận được 2 USD.
Cuộc sống nghèo khó khiến trẻ em Ấn Độ không có cơ hội tới lớp.
Cuộn một điếu thuốc không phải dễ.  Họ phải cẩn thận đặt từng lá thuốc vào trong những chiếc lá mỏng đã sấy khô, cuộn và buộc chặt bằng sợi dây mảnh. Cuối cùng phải căn chuẩn và cắt đầu thuốc bằng một con dao sắc. Sau khi hoàn thành, thuốc lá được đưa tới một nhà kho lớn, nơi người ta đóng gói và bán ra thị trường với giá cao hơn rất nhiều.
Thuốc lá điếu chiếm gần một nửa thị phần thuốc lá Ấn Độ nhưng song song với việc phát triển của thị trường thuốc lá nội địa là việc hàng triệu người lao động đang bị biến thành nô lệ của nền kinh tế. Ở ngôi làng Kadiri, không chỉ có gia đình của Aliya mà hàng trăm hộ gia đình khác cũng đang nối tiếp nhau sống dựa vào nghề cuộn thuốc lá. Với họ đây là chiếc “cần câu cơm’ duy nhất.
Tuổi thơ các em gắn liền với công việc cuộn thuốc lá để kiếm tiền mưu sinh.
Những con đường ngoằn nghèo, chật chội trong khu ổ chuột Kadiri như thêm ngột ngạt bởi  sự không khí lao động gấp gáp của các cô, các chị, thậm chí là các em nhỏ. Họ tụm lại thành nhiều nhóm nhỏ ngoài trời, khẩn trương cuộn từng điếu thuốc. Chỉ một vài người đứng lên vươn vai, ngoái người, ngoái cổ cho đỡ mỏi mệt, trong khi tất cả những người khác đang gồng mình làm như những cỗ máy để đẩy mạnh tiến độ công việc.
Những cô bé, cậu bé tuổi ăn tuổi chơi suốt ngày phải cắm mặt bên những dụng cụ quấn thuốc kiếm thêm thu nhập.
Shanu, một tình nguyện viên cộng đồng người Ấn Độ cho biết: “Áp lực công việc đè nặng tới mức nhiều người bỏ cả cơm, thậm chí không uống nước để khỏi mất thời gian vào nhà vệ sinh”. Để kiếm được 2 USD mỗi ngày, họ tự biến mình thành những con robot, cả ngày chỉ biết cắm đầu vào công việc.
Thuốc lá gắn liền với những trò chơi con trẻ.
Vì đơn giản, với họ, không cuộn đủ thuốc đồng nghĩa với việc ngày mai trên bàn ăn của họ không có thức ăn. Họ quần quật làm việc từ sáng tờ mờ cho tới tối mịt chỉ để lo đủ cho bữa ăn ngày mai và để đủ tiền trả cho cái chỗ che mưa, che nắng mỗi ngày.
Những cô bé, cậu bé chừng 5 - 6 tuổi vẫn phải miệt mài bên điếu thuốc.
Theo một nghiên cứu công bố từ 3 năm trước, ước tính 1,7 triệu trẻ em đang bị bóc lột lao động trong nền công nghiệp sản xuất thuốc lá ở Ấn Độ. Các nhà sản xuất sử dụng lao động trẻ em vì cho rằng những đôi bàn tay của các em sẽ cuốn thuốc dẻo dai, chuyên nghiệp hơn nếu được "huấn luyện" từ bé.
Các em lớn lên trong công việc.
Theo pháp luật Ấn Độ, sản xuất thuốc là công việc độc hại không dành cho trẻ con nhưng việc lợi dụng danh nghĩa trẻ em lao động giúp đỡ gia đình đang tạo thành một lỗ hổng pháp lý cho hành vi bóc lột mới. Thông thường, người lớn trong gia đình là người đứng ra nhận đặt hàng từ nhà thầu nhưng do số lượng và áp lực công việc dồn lên tất cả các thành viên trong gia đình.
Đôi bàn tay chai sạn vì làm lụng vất vả.
Môi trường sống bị ảnh hưởng, tiền công rẻ mạt và vắt kiệt sức lao động như những nô lệ thời hiện đại. Công việc này còn vi phạm các quyền cơ bản của con người nhiều cấp độ. Đại đa số các bé gái trong làng phải nghỉ học để ở nhà phụ giúp gia đình.
Là con út trong gia đình 4 anh em, cô bé Salma 11 tuổi cũng vừa phải nghỉ học hổi năm ngoái. Cô bé nói trong tiếng thở dài thườn thượt: “Cháu cũng muốn được đi học nhưng nhà cháu không có tiền, phải chật vật lắm mới trả đủ tiền thuê nhà”.
Những khuôn mặt khắc khổ, già hơn nhiều so với tuổi.
Cô bé Salma mắc phải căn bệnh vàng da và ốm yếu tới mức không thể đứng thẳng người. Thế nhưng, nhiệm vụ mỗi ngày của em vẫn phải làm đủ 1.500 điếu thuốc để đóng góp cho gia đình. Ngồi gập người 12 tiếng đồng hồ dưới trời nắng mỗi ngày những cô bé vẫn chỉ kiếm được hơn 2 USD mỗi ngày.
Chưa hết, cô bé còn đang bị nhiễm nấm ngoài da ở vùng cổ tay, căn bệnh phổ biến ở những khu vực vệ sinh, dịch tễ kém. Dù cần được điều trị y tế nhưng đến bệnh viện đồng nghĩa với việc em mất 1 ngày công để đứng xếp hàng dài chờ tới lượt mình, cộng thêm rất nhiều khoản phí khác nữa. Riêng tiền đi lại cũng bằng tiền em làm vất vả cả ngày. Điều này nằm ngoài khả năng của cô bé và gia đình.
Ngoài ra, lao phổi, hen xuyễn, đau nhức cơ thể và các bệnh liên quan tới hông và khớp xương là những căn bệnh dễ thấy ở tất cả các lửa tuổi trong làng. Việc liên tục tiếp xúc với thuốc lá, người dân vô tình hấp thụ một lượng lớn nicotine qua đường hô hấp và trực tiếp qua da. Da dầu ngón tay của các em bé cứ mỏng dần và đến độ tuổi 40, người ta không thể làm công việc này được nữa.


 
.

Dù cả gia đình phải lao động cực nhọc nhưng tiền công họ nhận lại quá ít ỏi, không đủ để trang trải cuộc sống.
Ở độ tuổi 30, là mẹ của 3 con, mấy chục năm làm nghề cuốn thuốc, giờ đây, tay cô Mahboobjaan gần như không còn cảm giác. Cô nói: ”Bàn tay tôi thường xuyên bị sưng tấy. Tôi không biết sẽ sống ra sao nếu như không thể cuốn thuốc nữa”.
Đáng buồn hơn, những người nghèo này lại không nhận được sự bảo bệ, hỗ trợ và bất cứ loại phúc lợi nào của nhà nước. Nếu xét trên tất cả các phương diện, họ vẫn nằm ở nấc cuối cùng của bậc thang chất lượng cuộc sống.
---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào: