Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

15. VÔ THƯỜNG

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT
Hoằng Hữu NGUYỄN VĂN PHÚ
15. VÔ  THƯỜNG
Trong giáo lý của đức Phật, chúng ta thấy nói đến “tứ vô thường”, một giáo lý quan trọng bậc nhất.  Đó là “vô thường, khổ, vô ngã và không”, tóm tắt thật gọn lý thuyết của Phật giáo.  Chữ vô thường đứng trước nên gọi chung là tứ vô thường.
Vô thường là do “vô thường biến dị” nói gọn. Vô thường nghĩa là thay đổi, biến chuyển, khi thế này, lúc thế khác, không giữ nguyên hình tướng hay tình trạng.  Nói vô thường thì bao giờ cũng hàm ý thời gian ở trong.

Không phải chỉ có đức Phật mới nói đến vô thường.  Đức Khổng tử nói: “Trôi chảy mãi thế thôi, ngày đêm không ngừng”, vũ trụ dưới mắt ngài giống như một dòng nước không ngừng trôi chảy.  Trong Tứ thư Ngũ kinh của Khổng giáo, có kinh Dịch, với nghĩa Dịch là biến dịch, đổi thay. 
 Dòng nước không ngừng trôi chảy
Triết gia Hy Lạp Héraclite đã nói rằng “chẳng ai đi qua một con sông tới hai lần”, ý nói đã qua sông rồi, khi quay lại thì con sông không còn như cũ nữa! Thi sĩ thì thương tiếc cho đóa hoa xinh tươi “sớm nở tối tàn”.
Nguyễn Du “đau đớn lòng” khi nhận thấy cuộc đời trải qua một “cuộc bể dâu”, nay là nương dâu, mai đã thành bãi biển! 
Trong Cung Oán Ngâm Khúc, có hai câu: “Trăm năm còn có gì đâu,  Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”. 
 Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì.
Đạo Phật nói vô thường, nhưng điều đặc sắc trong đạo Phật là chỉ cho chúng ta con đường thoát ra khỏi vô thường, có vô thường là có khổ đau.
Thân chúng ta, ngay lúc này đây, biết bao nhiêu tế bào đang chết đi, đồng thời bao nhiêu tế bào khác đang thành hình.  Điều ấy nhỏ nhẹm quá, mắt thường khó thấy, nhưng sáng dậy, soi gương, thấy vài vết nhăn hằn thêm trên trán hay vài sợi tóc bạc rụng trên vai áo, ta thấy ngay tính cách vô thường của chính ta.
Không những thân xác đổi thay, mà cả tâm ta cũng biến thiên từng giây từng phút, nhanh vô cùng.  Ta hay nghe nói đến “tâm viên ý mã”, tâm được ví với con khỉ luôn luôn chuyền từ cành nọ sang cành kia, ý được ví với con ngựa không để cho cái cẳng yên lúc nào. Một thoáng, đang vui đổi sang buồn.  Nay yêu, mai đã ghét rồi.
Vạn sự vạn vật ngoài chúng ta cũng không thoát khỏi luật vô thường.  Núi kia “trơ như đá”, ấy thế mà đang mòn, mòn chút một, mắt ta không thấy nhưng núi có mòn, “trăm năm bia đá thì mòn”.  Đống tuyết trước cửa, cao gần đến mái nhà, chỉ sau vài ngày nắng ấm, đã tan mất!  Bao nhiêu người học hành giỏi giang, bằng cấp thật cao, chuyên môn nhuần nhuyễn, thế mà vẫn “điên cái đầu” về sự thay đổi quá nhanh chóng của kỹ thuật!  Bao nhiêu người “bừng con mắt dậy, thấy mình tay không” vào ngày 30-4-75, ấy là chưa kể những người mất cả mạng trong “trại cải tạo” hay ngoài biển khơi!  Bất cứ cái gì cũng không tránh khỏi bốn giai đoạn của quy luật “thành trụ dị diệt” hoặc là “sinh lão bệnh tử”.  Có đức Phật Thích-Ca hay không có Ngài, quy luật ấy vẫn có trong trời đất.
SINH-LÃO-BỆNH-TỬ
Biết luật vô thường, phải áp dụng vào đời sống như thế nào?
Đầu tiên là bớt được sự ham muốn, lòng ái dục.  Của cải, danh vọng, quyền lực... không có gì bền vững cả cho nên không cần hết lòng tìm kiếm mong cầu.  Dù có cũng hiểu rằng nó vĩnh cửu, thường hằng.  Ta không nên lầm ham muốn với tinh tiến tức là sự cố gắng để tiến lên về phương diện tinh thần và tâm linh.
Thứ nhì là hiểu đời hơn, do đó bớt buồn khổ và thất vọng.  Nếu thời tiết thay đổi bất chợt, làm hại xe cộ, cây cối, nhà cửa... của mình, mình cũng không bực bội, than vãn.  Bạn bè có ai quay lại nói xấu mình, phản mình, hại mình, ... mình chấp nhận sự thay đổi trong lòng con người, dùng lòng “xả” mà xóa hết đi, có thể người ta sẽ hối hận.  Nếu quán thật kỹ bản thân mình, biết đâu mình cũng đã làm mất lòng người khác.

Thứ ba là biết thương yêu đồng loại hơn.  Tất cả chúng ta đều chịu sự chi phối của luật vô thường, sẽ phải chết, nhưng không biết lúc nào, tất cả đều mang án tử hình cả, cho nên cùng cảnh ngộ.  Vì thế chẳng nên chèn ép nhau, thù hận, đâm chém nhau làm gì. Ngược lại, nên tha thứ cho nhau, giúp đỡ nhau, thương yêu nhau.  Xã hội nhờ đó mà sẽ tốt đẹp hơn.
Cuối cùng là câu hỏi này: Có cái gì thường hằng không?  Đức Phật trả lời rằng có.  Cái thường hằng, đó là Phật tánh. Đó là bản thể của vạn pháp.  Nói cho kỹ: Pháp tánh chung cho vạn pháp, Phật tánh chung cho chúng sinh. Ai ai cũng có Phật tánh cả, ai ai cũng có thể thành Phật.  Mê là chúng sinh, ngộ là Phật.
Trở lại vấn đề “sinh tử sự đại”.  Đã có sinh là phải có tử.  Trong các đau khổ thì sinh tử luân hồi được kể là đau khổ nhất.  Đạo Phật là đạo thoát khổ vì đạo Phật dạy cách tu hành để thoát khỏi sinh tử luân hồi, ngõ hầu nhập vào hàng thánh: thanh văn, duyên giác, bồ-tát, Phật. 
Tóm lại, vô thường là một định luật của trời đất. Phật tử chúng ta tìm hiểu vô thường không phải để than vãn, buồn nản mà là để áp dụng vào cuộc sống hàng ngày và việc tu hành giải thoát.
---ooo0ooo---















Không có nhận xét nào: