Thứ Năm, 22 tháng 5, 2014

2.1 - KINH A DI ĐÀ

 BƯỚC VÀO CÕI PHẬT – Quyển 2 - Bài 1. Kinh A-Di-Đà
 Cố Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phú
1. KINH  A-DI–ĐÀ
Trong chùa chúng ta đây, luôn luôn tụng kinh A-Di-Đà, thế mà nay nói chuyện về kinh đó, e rằng quý đạo hữu sẽ chán.  Nhưng ban Hoằng pháp bàn rằng nên nói bởi vì tụng luôn đến độ thuộc kinh, không có nghĩa là đã nắm chắc được ý nghĩa và hiểu được cái lý ở bên cạnh hay đằng sau các sự.  Vì thế tôi phải cố gắng soạn bài!
Trước hết, xin nói về Phật A-Di-Đà.  Tiếng sanskrit dùng hai chữ Amita Amitābha, nghĩa là Vô lượng quang.  A-Di-Đà do Amita phiên âm ra, đã có người đề nghị dùng chữ A-Mi-Đà, nhưng riêng tôi nghĩ rằng chữ A-Di-Đà quen thuộc lắm rồi nên cũng không cần đổi làm gì.  Còn chữ sanskrit Amitāyus thì có nghĩa là Vô lượng thọ.  Trong kinh Pháp Hoa, đức Phật Thích-Ca cho biết rằng thuở xưa Ngài cùng đức A-Di-Đà và 14 vị nữa là 16 người con của một vị thái tử, sau khi thái tử này tu thành Phật tên là Đại Thông Trí Thắng, 16 vương tử xuất gia cả và đều thành Phật .  Có 4 phương chính và 4 phương bàng, tất cả là 8 phương, mỗi phương có hai vị Phật, cộng là 16.  Đức Phật A- Di-Đà trụ ở phương Tây, đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni trụ ở phương Đông Bắc. 
 
Đức Phật A-Di-Đà
Theo A-Di-Đà đại kinh (khác với A-Di-Đà kinh mà chúng ta vẫn tụng), vào thời đức Phật Thế Tự Tại Vương, có một vị quốc vương tên là Kiều-Thi-Ca đến nghe pháp, bỏ ngôi, xuất gia làm tỳ-kheo với hiệu là Pháp Tạng.  Một hôm, tỳ-kheo đảnh lễ Phật xin chứng minh cho ngài phát 48 lời nguyện.  Phật chứng minh và thọ ký quả Phật cho tỳ -kheo.  Sau tỳ-kheo tu thành Phật, hiệu là A-Di-Đà, cõi tịnh độ (hay tịnh thổ) của ngài là Cực lạc thế giới ở phương Tây.  Ngài có hai vị phụ tá là bồ-tát Quán Thế Âm ở bên trái của ngài và bồ-tát Đại Thế Chí ở bên phải của ngài.  Ngài đứng (hoặc là ngồi) trên tòa sen, hoa sen tượng trưng cho sự thanh tịnh.
Ngài có tất cả 13 danh hiệu:
1.    Vô lượng quang Phật (hào quang trí huệ nhiều không thể lường được)
2.    Vô lượng thọ Phật (sống lâu vô cùng)
3.    Vô biên quang (hào quang chiếu sáng không biết tới đâu là cùng)
4.    Vô ngại quang Phật (hào quang chiếu sáng mọi cảnh giới, không gì ngăn che được)
5.    Vô đối quang Phật (hào quang mà không cái gì có thể sánh)
6.    Diệm vương quang Phật  (hào quang sáng chói lọi)
7.    Thanh tịnh quang Phật (hào quang hoàn toàn thanh tịnh)
8.    Hoan hỉ quang Phật (hào quang làm cho thân tâm an lạc, vui vẻ)
9.    Trí huệ quang Phật (hào quang phá tối tăm, làm cho sáng suốt minh mẫn)
10. Bất đoạn quang Phật (hào quang chiếu sáng liên tục không dứt)
11. Nan tư quang Phật (hào quang mà không ai suy xét cho cùng được, trừ chư Phật)
12. Vô xưng quang Phật (hào quang mà không có thể mô tả ra được, rời hết các tướng)
13. Siêu nhật nguyệt quang Phật (vượt qua cả mặt trời mặt trăng, vì ánh sáng mặt trời và mặt trăng có thể bị ngăn che, hào quang của ngài thì không).
Kinh A-Di-Đà là một kinh tương đối ngắn.  Đầu đề chữ sanskrit là Amitābha-sūtra. Chữ Nho là Phật thuyết A-Di-Đà kinh do ngài Cưu-Ma-La-Thập dịch ra chữ Hán, ta dịch là Phật nói kinh A-Di-Đà, gọi tắt là kinh A-Di-Đà hay ngắn nữa là kinh Di-Đà. 
(Phật tử chào nhau, thường nói “A-Di-Đà Phật”,  “Mô Phật” là do “Nam-mô A-Di-Đà Phật” nói gọn).
Bố cục của kinh ấy như sau này :
1/ Phần mở đầu, gồm có: người kể là ngài A-Nan, thị giả của đức Phật Thích-Ca; người nói là đức Phật Thích-Ca; nơi nói là nước Xá-Vệ tại  vườn ông Cấp Cô-Độc với các cây của thái tử Kỳ-Đà, người nghe là các vị thanh văn, bồ-tát, thiên và nhân ...
(1) Phần mở đầu này ghi lại lời đức Phật giới thiệu Cực lạc quốc (tên khác: An dưỡng quốc) mà không cần phải có ai thưa thỉnh cả (đó là một điều rất đặc biệt so với các kinh khác).
2/ Phần chính, gồm có: quả y báo và quả chánh báo (chánh báo là thân tâm của mình do những duyên nghiệp từ các kiếp trước giúp tạo nên, y báo là những quả báo đi theo với chánh báo như nhà cửa, đất nước, làng xóm ...) tả cảnh và sinh vật trên cõi Cực lạc, giải thích danh hiệu A-Di-Đà là Vô lượng quang và Vô lượng thọ, tiếp đến lời khuyên tín, nguyện và hạnh.
3/ Phần kết: Phật dạy rằng kinh này khó tin “Ta đã nói phép khó tin ấy (tức là phép niệm Phật cầu vãng sanh về Tịnh độ) để cho hết thảy thế gian nghe, như thế thực là việc rất khó”.  
Tại sao phép ấy khó tin?  Vì chỉ làm công việc đơn giản là niệm hồng danh đức Phật A-Di-Đà và dựa vào lời nguyện tiếp dẫn của Phật A-Di-Đà mà được vãng sanh về Cực Lạc Quốc. Ngẫu Ích đại sư [ở núi Linh Phong nên người ta kêu là Linh Phong đại sư, hiệu là Trí Húc (1599-1655, đời Minh bên Tàu)] viết: “Kinh Phật nói rằng ‘Đời mạt pháp, ức vạn người tu hành, ít có một người tu đắc đạo’. Than ôi!  Nay chính là đời mạt pháp rồi, mà bỏ pháp môn niệm Phật này, thì còn có pháp môn nào tu học được nữa?”.
Chúng ta hàng ngày niệm Phật, nghe được câu này của vị đại sư “đã hết lòng niệm Phật với một sức mạnh vạn con trâu kéo không lại”, càng thêm tin tưởng và hăng hái.
Bây giờ, chúng ta hãy xét về sự và lý ở trong kinh Di Đà. 
Có thể xác nhận rằng kinh Di-Đà toàn nói về sự việc, sau đây là một số thí dụ: 
1.    “Nước Cực Lạc có bảy trùng lan can, bảy trùng màn lưới, bảy trùng hàng cây, bằng bốn ngọc báu ...”.  
2.    “Nước đức Phật ấy thường trỗi âm nhạc của các cõi trời ...”.  
3.    “Có đủ giống chim màu sắc lạ đẹp, như chim bạch hạc, khổng tước, anh vũ, xá lỵ, ca-lăng-tần-già, ngày đêm sáu thời, hót tiếng hòa nhã diễn tả diệu pháp ...”.  
4.    “Chúng sinh đều là các vị chứng ngôi bất thoái ... trong đó có nhiều vị nhất sinh bổ xứ”.  
5.    “Cần nên phát nguyện sinh về cõi Cực Lạc để cùng với các bậc thượng thiện nhân hội họp một chốn...”.  
6.    “Thiện nam và thiện nữ nào nghe và thụ trì kinh giáo này, cũng như nghe được danh hiệu chư Phật, đều được hết thảy chư Phật hộ niệm, được ngôi bất thoái trong đạo vô thượng chính đẳng chính giác ...”
Chư Phật sáu phương thượng, hạ, Đông, Tây, Nam, Bắc đều “nói lời thành thực khuyên các chúng sinh ‘Chúng sinh cần nên tin tưởng về sự xưng tán công đức không thể nghĩ bàn của kinh Di-Đà mà hết thảy Phật đã thường hộ niệm’.” Đức Phật dạy thêm: “Nếu có tín tâm, cần nên phát nguyện sinh sang nước kia (Cực Lạc)”.
Lý của kinh Di Đà ở chỗ nào?  Thoạt tiên, chúng tôi nghĩ đến danh hiệu của ngài.  Hai danh hiệu dùng nhiều nhất là Vô lượng quang và Vô lượng thọ.  Chiếu sáng khắp mọi nơi, điều này nói lên ý niệm về không gian.   Sống lâu vô cùng, điều này nói lên ý niệm về thời gian.  Khắp không gian, suốt thời gian, đó là cái gì?  Xin thưa đó chính là Pháp thân vậy. 
Chư Phật có ba thân: pháp thân, báo thân hóa thân ( = ứng thân = ứng hóa thân).  Pháp thân là một tên để chỉ cái Tuyệt đối thường trụ và phổ hiện.  Vậy nói đến Phật A-Di-Đà là có ý nhắc đến Pháp tánh bao trùm và thấm nhuần khắp vũ trụ, nói hẹp hơn, đó là Chân như tức là Phật tánh chung cho hết thảy chúng sinh, đây là một tư tưởng đại thừa.  Đưa ra quan niệm về Chân như quá trừu tượng thì khó hiểu, cho nên phải tạm nhân cách hóa, cụ thể hóa bằng hình tượng một đức Phật, đức A-Di-Đà. 
Bây giờ xin sang một điểm khác.  Tôi muốn nói đến đoạn này: “Này Xá-Lỵ-Phất, không thể chỉ có một chút nhân duyên phúc đức thiện căn mà sinh sang cõi nước Phật kia.  Nếu có thiện nam thiện nữ nào, nghe được danh hiệu Phật A-Di-Đà, trì danh hiệu ấy một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, cho đến bảy ngày, nhất tâm không loạn, thì khi thọ mệnh hết, người ấy sẽ được Phật A-Di-Đà cùng các thánh chúng hóa hiện ngay trước, khiến cho khi mất, tâm không điên đảo, liền được đưa sang cõi nước Cực Lạc của Phật A-Di-Đà.”
Nước Cực Lạc của Phật A-Di-Đà
Thiện căn là cái gốc lành (Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài – Nguyễn Du, Truyện Kiều). Ấy là nói về ba nghiệp thân, khẩu, ý đều lành, như là gốc rễ để sinh ra quả lành.  Trong ba nghiệp thì ý nghiệp quan trọng hơn cả, nên mới bảo là “do cái tâm tức là do lòng mình”. Phúc đức gồm hai nghĩa: các việc lành và các quả lành do các việc ấy mang lại.  Như vậy là niệm Phật phải đi song song với thiện căn và phước đức (bố thí chẳng hạn) để làm nhân duyên cho sự vãng sinh.
Một ngày, hai ngày ... bảy ngày, nhất tâm không loạn.  Đó là tùy căn cơ mỗi người, niệm Phật đến độ nhất tâm thời gian nhiều ít khác nhau.  Trí Húc đại sư nói rằng có khi phải nhiều lần 7 ngày.  Người niệm Phật có khi thắc mắc rằng “niệm Phật thì được chứ nhất tâm bất loạn quả là khó”.  Chúng tôi cũng thắc mắc giống như vậy nên chưa biết bàn thế nào.  Chúng tôi chỉ nghĩ rằng cõi Cực Lạc có tới chín phẩm, vậy tùy theo trình độ của sự nhất tâm mà “xếp hạng”.  Dù sao, cứ niệm Phật là có công đức.
Về phương diện duy thức (tâm lý), niệm Phật tức là những nhớ nghĩ về Phật được huân thành những chủng tử tốt ở trong a-lại-da-thức, càng ngày càng nhiều chủng tử tốt, nghĩ đơn giản thì chủng tử tốt mạnh lên, át chủng tử xấu , cho nên cái nghiệp vô hình chứa trong cái a-lại-da vô hình sẽ là cái nghiệp lành lúc lâm chung.  Trong tâm toàn là niệm về Phật, không có niệm tham dục, nuối tiếc, hận thù ... lẫn vào, chỉ có niệm về Phật mà thôi, thế thì nhất tâm rồi, không điên đảo rồi, hẳn là thấy Phật!  Phật nào?  Phật A-Di-Đà, chính là Phật tánh, mà Phật tánh ở ngay trong ta chứ ở đâu.  Thế là thành Phật rồi hay sao? Thiền tông nói “kiến tánh thành Phật” mà!   Đó là nói ngắn thôi, kiến tánh rồi thì phải khởi tu mới mong thành Phật.  Có người hiểu lầm Lục tổ Huệ Năng, cho rằng ngài chế riễu Tịnh độ tông, thật ra là ngài muốn nhấn mạnh đến Phật tánh mà không muốn nhắc đến cõi này cõi khác, và ý ngài muốn bảo rằng: Phật ở ngay trong tâm ta.
Chúng ta đang sống trong đời nhiều ô trược, tìm được pháp môn tu rất khó. Đức Phật Thích Ca dạy cho chúng ta pháp môn niệm Phật xây dựng trên ba điều tín, nguyện và hạnh, thích hợp cho mọi căn cơ.  Phật tử chúng ta cần tinh tấn thực hành. 
GHI CHÚ. 
(1) Sách vở gọi đó là các chứng tín, tất cả có 6 thứ gọi là sáu môn thành tựu: Tín thành tựu (như thị = như thế), Văn thành tựu  (ngã văn = tôi nghe), Xứ thành tựu (nơi chốn), Thời thành tựu (vào một thời kia),  Chủ thành tựu (đức Phật nói), Chúng thành tựu (những người nghe).
(2) Ba thân = tam thân = the Three Bodies = les Trois Corps = Trikāya (sanskrit) . Pháp thân =  Dharma-body, Body of the great order = Corps d’essence, Corps de Dharma = Dharmakāya (skt).

---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào: