Chủ Nhật, 18 tháng 5, 2014

48. TRÍ HUỆ

BƯỚC VÀO CÕI PHẬT – TRÍ HUỆ
Cố Hoằng Hữu Nguyễn Văn Phu`
48. TRÍ  HUỆ
1. Theo Phật học từ điển của Đoàn-Trung-Còn thì trí huệ ( hay trí tuệ) là trí thức của nhà thành Đạo, của bực học Đạo chân-chánh. Trái với ngu si, vô minh, phiền não.  Cũng kêu tắt là trí hoặc huệ.
Trí là chiếu thấy, huệ là hiểu rõ.  Trí huệ là sự thông-minh, sáng-suốt của Phật, Bồ-tát, chư Thánh và các nhà tu hành chơn-chánh, trong sạch.
Trí huệ và Phước đức là nhị trang nghiêm, hai món làm cho xuê lịch cái thân của Phật, của Bồ-tát.
2.  Cái trí-huệ vừa định nghĩa ở trên cho ta thấy đó là trí thức của người đã thành Đạo, của Phật, của Bồ-tát, của chư Thánh ...  Để khỏi lầm lẫn với trí huệ  mà ta vẫn nói hàng ngày, Phật học dùng từ ngữ “trí huệ bát-nhã”.  Thật ra, chữ phạn prajnā phiên âm thành bát-nhã, đã có nghĩa là trí-huệ rồi. Sở dĩ nói “trí-huệ bát-nhã” là cốt để nhấn mạnh đến sự sáng-suốt của hàng Phật, Bồ-tát.
Trí huệ trong thế gian thường ngày là phàm trí. Trí huệ của người tu ngoại đạo, chưa thấy được chân-tướng của vạn pháp, gọi là tà trí. Trí  huệ của bậc tu chứng bậc thấp, chưa thấy hết được chân-tướng của vạn pháp, gọi là tiểu trí.
Cả ba tĩnh-từ phàm, tà, tiểu đặt trên danh từ “trí” không có nghĩa xấu gì hết, đó là ứng-dụng vào từng trường hợp, để phân biệt với cái hiểu biết rốt ráo, cùng cực của Phật, Bồ-tát mà thôi.
3. Trong kinh sách lại thêm từ-ngữ “bát-nhã ba-la-mật” tức “trí-huệ ba-la-mật”.  Lục Tổ Huệ Năng đã giảng về điều này trong cả một phẩm của kinh Pháp Bảo Đàn:
Ma-ha bát-nhã ba-la-mật-đa là tiếng Phạn Mahā Prajnā Paramita phiên âm ra, có nghĩa là Đại trí-huệ đáo bỉ ngạn.  Ma-ha là lớn, tâm lượng rộng lớn như hư không, không có ranh bờ, không vuông tròn lớn nhỏ, không xanh vàng đỏ trắng, không trên dưới dài vắn, không giận không mừng, không phải không quấy, không lành không dữ, không đầu không đuôi.  Các cõi Phật đều không, cái diệu tánh của người thế gian vốn là không ... Chớ nghe nói không mà liền chấp không.  Nếu để tâm trống không mà ngồi yên lặng là chấp cái “vô ký không”.  Thế giới tuy là trống không mà lại bao hàm muôn vật.  Cái tánh không của người thế gian cũng thế, bao hàm muôn pháp.  Thế gọi là lớn.
Nhục thân Lục tổ Huệ Năng tại chùa Nam Hoa – Trung Quốc

Nếu thấy hết thảy mọi điều dữ điều lành của người mà chẳng chấp chẳng bỏ, không nhiễm vướng, không dính-líu, lòng như không, ấy gọi là lớn ...
Cái tâm lượng thiệt là lớn, châu biến toàn thể pháp giới, dùng nó liền hiểu rõ ràng tới chỗ cùng tận. Cái tâm lượng khi ứng dụng ra thì biết hết thảy sự vật.  Hết thảy qui về một, một gồm hết thảy.  Tới lui thong thả, tâm thể suốt thông không ngưng trệ tức là Bát-nhã vậy ...  Bát-nhã do tánh mình sinh ra, chẳng phải do nơi ngoài vào, ấy gọi là chân-tánh tự dụng...
Bát-nhã dịch là trí huệ. Bất cứ lúc nào, nơi nào cũng chẳng ngu muội, thường tu hạnh Trí huệ, tức là hạnh Bát-nhã.  Phải biết tâm CHÂN KHÔNG.  Bát-nhã không hình tướng, có rõ như thế mới hiểu bát-nhã.
Ba-la-mật-đa, dịch là đáo bỉ ngạn (qua bờ bên kia) nghĩa là khỏi sự sanh diệt, khỏi sanh tử luân hồi. Tâm dính cảnh thì sự sanh diệt dấy lên, như nước nổi sóng, đó là bờ bên này. Tâm lìa cảnh, thì không có sự sanh diệt, như nước thông lưu, đó là bờ bên kia.
Ma ha bát nhã Ba la mật đa tâm kinh
Nếu niệm niệm tâm thường hành bát-nhã thì mới gọi là chân-tánh.  Biết rõ pháp ấy thì hiểu pháp bát-nhã.  Tu hạnh ấy là tu hạnh bát-nhã.  Một niệm tu hạnh bát-nhã thì mình là Phật.
4. Lục Tổ Huệ Năng nói về ma-ha, về bát-nhã, về ba-la-mật-đa.  Không những nói nội-dung mà nói cả tu hạnh bát-nhã.  Đáng nhớ nhất là: “Không” bao trùm hết thảy; một là tất cả và tất cả qui về một; tâm lìa cảnh là đáo bỉ ngạn; niệm niệm tu hạnh bát- nhã thì thành Phật.
Tông chỉ của Thiền Tông là Trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật.  Thiền Tông dùng thiền làm phương pháp kiến tánh, tức là dùng một ý chí cực kỳ mãnh liệt để làm nẩy nở “con mắt thứ ba”, đó là một cách nói để chỉ “huệ nhãn”, “con mắt trí huệ”.  Lúc đó, sẽ biết cái “trí huệ thường xem soi, trong ngoài đều sáng thấu biết rõ bổn tâm của mình.  Biết rõ bổn tâm tức là giải thoát, tức là bát- nhã tam-muội (= trí huệ chánh định) tức là vô niệm (= biết hết thảy pháp mà không dính mắc).  Hiểu rõ pháp vô niệm thì thấy cảnh giới của chư Phật, hiểu rõ pháp vô niệm thì đạt đến địa vị của Phật”.
Ở chỗ này kinh Pháp Bảo Đàn có ghi rõ rằng Lục Tổ đã dạy: “... Lòng không nhiễm vướng, dính líu, lui tới, tự-do thông-suốt, tức là bát-nhã tam-muội.  Bằng đối với mọi vật cố không nghĩ đến, khiến cho niệm tưởng dứt đi tức là bị pháp ràng buộc, ấy gọi là biên kiến...”
5. Trong hạnh tu lục độ ba-la-mật của Bồ-tát thì trí huệ ba-la-mật được xếp thứ sáu.  Nhị trang nghiêm của chư Phật, chư Bồ-Tát là BI và TRÍ.  TRÍ đó chính là trí-huệ ba-la-mật vậy.  Để đạt đến mức ấy thì theo tam học (giới, định, huệ).  Thiền-định như thế nào thì Thiền-Tông đã dạy, qua mấy lời của Lục Tổ trích trên đây.  Đọc kinh, ghi chép được như vậy, còn thực hành đến đâu lại là chuyện khác!

---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào: