BƯỚC VÀO CỬA PHẬT – BÀI 13
Hoằng
Hữu NGUYỄN VĂN PHÚ
13.
QUY Y TAM BẢO
1.
Tam Bảo là ba thứ quý báu, sách còn
gọi là Ba ngôi báu, đó là Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo. Nói rõ hơn, đó là đức
Phật Thích Ca Mâu Ni, Giáo pháp của ngài và đoàn thể Tăng-già.
Quy Y Tam Bảo
Chữ Phật có nghĩa là đấng giác ngộ. Thái tử Tất-Đạt-Đa từ bỏ phú quý
vinh hoa, cung vàng điện ngọc, tìm đường tu hành, để rồi giác ngộ thành Phật, đó
là đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni. Ngài đã ra khỏi vòng luân hồi; ngài đem những điều
giác ngộ của mình dạy lại cho mọi người biết đường lối mà tu hành, ngõ hầu được
giải thoát khỏi mọi khổ đau của thế gian này, trong số đó khổ đau lớn nhất là
sinh tử luân hồi. Bao nhiêu ngàn năm mới có một vị Phật, cho nên Phật là một ngôi báu, đáng tôn trọng, đáng để
cho chúng ta theo về.
Pháp
là những điều dạy của đức Phật. Phật chỉ dạy cho chúng ta biết con đường sáng
để noi theo, theo đường ấy mà tu hành, đi đến giác ngộ, giải thoát. Phàm phu
đang trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi, gặp được Phật pháp rồi nhờ đó tu
hành mà được giải thoát, giống như người đang lạc trong biển cả nhờ thấy được
ngọn hải đăng mà tìm về được nơi an toàn. Vì thế mới nói rằng Phật Pháp là một
ngôi báu.
Giáo Hội Tăng Già
Chữ Tăng thường có nghĩa là vị sư, nhưng ở đây, Tăng là do chữ Tăng-già
nói ngắn. Đó là đoàn thể các tu sĩ Phật giáo sống trong tinh thần Lục hòa:
1/ Giới hòa đồng tu
(cùng giữ giới luật, hòa thuận với nhau, tương kính),
2/ Kiến hòa đồng giải
(cùng thực hành giáo pháp của đức Phật, kiến thức hòa nhau),
3/ Lợỉ hòa đồng quân
(chung hưởng vật dụng một cách hòa thụân),
4/ Thân hòa đồng trụ
(trong khi ở chung, nhường nhịn nhau),
5/ Khẩu hòa vô tranh
(nhường nhịn nhau về lời nói, không tranh cãi),
6/ Ý hòa đồng duyệt (vui
buồn chia sẻ, kính trọng nhau, không để mích lòng).
Trong tập thể bốn vị
tăng trở lên (như thế mới được gọi là tăng
đoàn), sống mà giữ đúng theo tinh thần lục hòa là một việc hết sức khó
khăn, thế mà tăng-già thực hành được, đó là một điều đáng quý. Hơn nữa, tự mình
tu rồi, lại hướng dẫn người khác tu, thế lại là quý nữa. Vì vậy cho nên Tăng
được coi là một ngôi báu.
2.
Quy nghĩa là trở về, y nghĩa là nương tựa. Quy
y Tam Bảo là trở về nương tựa nơi Phật, Pháp và Tăng. Tại sao nói là trở
về? Thông thường, hàng ngày chúng ta sống mà luôn luôn chạy theo những ham
muốn, ái dục…, vì thế chúng ta gây nghiệp, tích nghiệp nên phải trôi lăn mãi
trong vòng sinh tử luân hồi. Một khi thức tỉnh để trở về nương tựạ nơi Tam Bảo,
thì đấy là bước đầu trên đường tu tâm dưỡng tánh, trước hết là để sống ngay lúc
này trong niềm an lạc, sau nữa là sẽ được giác ngộ và giải thoát
Quy y Tam Bảo (tức Tam
Quy) chính là đặt nền móng cho việc tu giải thoát của mình.
Một Buổi Lễ Quy Y Tam
Bảo
3.
Điều kiện để trở thành tín đồ Phật giáo là phải quy y Tam Bảo.
Người ta phân biệt hai
thứ quy y : danh tự quy y và chân thật
quy y. Khi mình còn nhỏ, theo cha mẹ đến chùa lạy Phật, viếng Thày và nghe
thuyết pháp, cầu vui mà làm không vì lòng tin, không vì sự cầu Đạo, đó là danh tự quy y.
Đến khi khôn lớn, nên
viếng qua các chốn sơn môn; khi chọn được ông Thày có đức hạnh, bấy giờ nên
chính thức thọ Tam quy. Đó là chân thật
quy y.
Ngoài ra, người ta còn
phân biệt việc quy y Tam Bảo bên ngoài với việc
quy y Tam Bảo tự tâm như sau đây:
4.
Phật Pháp Tăng là đối tượng để chúng ta quy y.
Nguyện theo con đường
Phật đã dạy là Quy y Phật. Đã quy y
Phật thì hàng ngày phải nhớ nghĩ đến Phật (niệm Phật; niệm nghĩa là nhớ nghĩ),
phải chiêm ngưỡng hình tượng của chư Phật, phải thực hiện đầy đủ các nghi lễ mà
một Phật tử phải tuân theo.
Quyết tâm thực hành
những lời chỉ dạy của đức Phật còn ghi trong kinh điển là Quy y Pháp. Hàng ngày, phải tụng kinh, niệm chú. Gặp lúc thuận tiện
thì nghe thuyết pháp, nghe giảng kinh và chính mình tìm tòi nghiên cứu kinh
điển; nếu không đủ hoàn cảnh thì ít nhất phải chăm niệm Phật, nhờ đó mà chặn
được cái tâm lăng xăng, tránh được các tạp niệm và ác niệm. Kết quả là đầu óc
sẽ minh mẫn hơn do loại trừ được các ảo tưởng, các tà kiến.
Thuận theo sự hướng dẫn
tu hành của chư tăng là Quy y Tăng.
Sách có nói: Kính Phật thì trọng Tăng. Trọng Tăng vì các vị đã can đảm ly gia
cát ái, chấp nhận sống theo giới luật, tu hành tinh tấn, trên cầu đạo bồ đề,
dưới hóa độ chúng sinh.
Quy y Tăng là quy y với
những vị tăng sống đúng theo tinh thần Lục hòa. Khi một vị tăng làm lễ quy y
cho một Phật tử thì vị ấy là đại diện cho cả tăng đoàn chứ không phải với tính
cách cá nhân. Khi một Phật tử quy y một vị tăng thì có nghĩa là quy y tất cả
chư tăng.
Quy y Tam Bảo như vừa
nói trên gọi là sự quy y hay là quy y tam bảo bên ngoài.
5. Lý quy y hay quy y Tam Bảo tự tâm là thế nào ?
Đức Phật đã dạy rằng ai ai cũng có Phật tính, ai ai cũng có thể thành Phật.
Phật tính đã có sẵn trong tâm chúng ta, đó chính là Phật Bảo nơi tự tâm. Tuy nhiên, do vô minh, do ái dục, do sai lầm,
do tội lỗi, Phật tính trong ta đã bị che lấp, ta không biết là có. Hệt như
người kia, có hạt ngọc quý giá buộc nơi chéo áo mà không biết nên vẫn phải sống
cuộc đời nghèo khó. Chúng ta phải thanh lọc thân khẩu ý để cho Phật tính hiển
bày, như khi mây mù tan biến thì mặt trăng ló dạng.
Trong tâm chúng ta, có sẵn lòng từ, lòng bi, đó chính là Pháp Bảo nơi tự tâm. Chúng ta hãy cố
gắng thực hành các đức đó.
Trong tâm chúng ta có sẵn khuynh hướng tìm sự thanh tịnh cho bản thân, mong
mỏi hòa hợp với mọi người, đó là vị Thày trong ta, đó chính là Tăng Bảo nơi tự tâm.
Nhờ Phật Bảo bên ngoài, chúng ta đánh thức Phật tính của mình, trở về nương
tựa nơi Phật tính của mình. Đó chính là Quy
y Phật nơi tự tâm.
Nhờ Pháp Bảo bên ngoài, chúng ta dấy khởi lòng từ bi đối với chúng sinh,
trở về nương tựa nơi lòng từ bi của mình. Đó chính là Quy y Pháp nơi tự tâm.
Do chư Tăng bên ngoài gợi lại cho chúng ta có tinh thần hòa hợp thuần thảo,
trở về với tinh thần hòa hợp thuận thảo của mình là Quy y Tăng nơi tự tâm.
Khi chúng ta nghe nói Quy y Phật
tánh, Quy y Pháp tánh, Quy y Tăng tánh, là nói về ý Quy y Tam Bảo tự tâm
trên đây.
Phật Pháp Tăng bên ngoài là trợ duyên giúp chúng ta phát khởi Phật Pháp
Tăng của tự tâm. Tam Bảo bên ngoài chỉ là trợ duyên, còn bản thân người Phật tử
phải cố gắng đánh thức Tam Bảo của mình để tu ngõ hầu được giác ngộ và giải
thoát,
Chỉ biết có Tam Bảo bên ngoài là chấp sự bỏ lý. Chỉ tin vào Tam Bảo tự tâm
là chấp lý bỏ sự. Phải viên dung cả lý lẫn sự mới là đúng.
6. Khi đã quy y Tam Bảo thì người Phật tử phải rứt khoát
xác định rõ lập trường như sau này:
“Quy y Phật, không quy y Thiên, Thần, Quỷ, Vật”. Phật là đấng giác ngộ,
chúng ta quyết tâm theo Phật. Thiên, Thần, Quỷ chỉ là chúng sinh, chưa hết
nghiệp báo, còn chịu luân hồi như chúng ta, cho nên chúng ta chẳng cần theo mà
nương tựa.
“Quy y Pháp, không quy y ngoại đạo tà giáo”. Phật pháp là chánh pháp, là
chân lý, là con đường sáng để noi theo mà đạt quả giải thoát, giải thoát khỏi
mọi khổ đau, giải thoát khỏi sinh tử luân hồi. Cầu chân lý nơi Phật pháp là đủ;
tà giáo làm chia trí, giảm lòng tin, gây nghi kỵ, những đều ấy làm trở ngại
việc tu hành.
“Quy y Tăng, không quy y bạn dữ, nhóm ác”. Đã chọn các vị hạnh cao đức
trọng để nương theo, nhờ đó tu hành đúng đường do Phật chỉ, chúng ta cần xa
lánh những bạn dữ, nhóm ác, là những thứ có thể làm hại chúng ta về nhiều mặt,
vì ai cũng biết “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.
7. Khi muốn quy y Tam Bảo thì đến chùa để hỏi xem có dịp
nào tổ chức lễ quy y Tam Bảo không. Thường thường các chùa hay tổ chức lễ quy y
Tam Bảo vào các ngày lễ lớn, như lễ Phật Đản, lễ Vu Lan … Trong buổi lễ, Phật
tử quỳ trước Tam Bảo, phát nguyện (3 lần): “Đệ tử (tên là) xin suốt đời quy y
Phật, quy y Pháp, quy y Tăng”. Đây là câu phát nguyện với tất cảtâm thành và
lòng tự giác, của mình , không ai bắt buộc.
Nghi thức long trọng, trang nghiêm của buổi lễ Tam Quy là trợ duyên cho lời
phát nguyện của Phật tử được viên mãn, làm cho Phật tử nhớ lâu, trong tâm thức
được gieo chủng tử tốt, sau nhờ tinh tấn tu hành mà các chủng tử ấy đơm hoa kết
trái.
Tam Quy là bước đầu trên đường học Phật, là nền móng của công phu tu tập.
Bước đầu cần phải đúng hướng, nền móng cần phải vững vàng. Phật Pháp Tăng giúp
chúng ta đi đúng hướng, xây móng vững vàng.
Khi đã thành tâm quy y Tam Bảo, chính thức trở thành một tín đồ Phật giáo,
thì phải ăn ở, làm việc, cư xử, tu tập đúng tinh thần Phật giáo và nên biết
rằng:
Quy y
Phật, không đọa địa ngục, Quy y Pháp, không đọa ngạ quỷ, Quy y Tăng, không đọa
súc sinh.
---ooo0ooo---
Quy Y Tam Bảo
Chữ Phật có nghĩa là đấng giác ngộ. Thái tử Tất-Đạt-Đa từ bỏ phú quý
vinh hoa, cung vàng điện ngọc, tìm đường tu hành, để rồi giác ngộ thành Phật, đó
là đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni. Ngài đã ra khỏi vòng luân hồi; ngài đem những điều
giác ngộ của mình dạy lại cho mọi người biết đường lối mà tu hành, ngõ hầu được
giải thoát khỏi mọi khổ đau của thế gian này, trong số đó khổ đau lớn nhất là
sinh tử luân hồi. Bao nhiêu ngàn năm mới có một vị Phật, cho nên Phật là một ngôi báu, đáng tôn trọng, đáng để
cho chúng ta theo về.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét