Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2013

THIÊN THẠCH



Bạn Phan Lục (Chicago) thân chuyển

Nasa trấn an : Thiên thạch bay "sát" trái đất nhưng không đáng lo

Ảnh Nasa chụp Thiên thạch 2012 DA14 dự kiến bay sát trái đất vào ngày 15/2/2013. REUTERS/NASA/JPL-Caltech

---o0o---

Theo cơ quan không gian Hoa Kỳ, vào ngày thứ sáu 15/02/2013, một thiên thạch nặng 135 ngàn tấn sẽ bay “gần” trái đất nhưng không va chạm. Nasa cho biết là đã thực hiện nhiều tiến bộ quan trọng trong việc phát hiện và đo lường quỹ đạo các vật thể trong không gian có khả năng gây thiệt hại lớn nếu chạm vào trái đất.

RFI phỏng vấn nhà thiên văn Nguyễn Quang Riệu về khả năng thiên thạch va chạm với trái đất. Bài phỏng vấn Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quang Riệu do Tú Anh thực hiện trước khi thiên thạch 2012 DA 14 bay ngang « điểm hẹn » sát địa cầu.
RFI : Kính chào giáo sư Nguyễn Quang Riệu, thưa giáo sư cơ quan Nasa Hoa Kỳ thông báo một thiên thạch sẽ đi gần trái đất vào ngày 15/02: thế nào là "gần" và như thế nào là "xa"?
Nguyễn Quang Riệu: Thiên thạch là những mảnh vụn để lại sau khi trái đất và các hành tinh trong hệ mặt trời bắt đầu được hình thành cách đây đã được hơn 4 tỷ năm. Những thiên thạch trong quá trình quay xung quanh mặt trời, khi tiến đến gần một hành tinh nào đó thì bị trường hấp dẫn cuả hành tinh làm thay đổi hướng, giống như bị những cú huých đẩy vào quỹ đạo cắt ngang quỹ đạo cuả trái đất, cho nên có khả năng đâm vào trái đất.
Hàng năm có những thiên thạch di chuyển không xa trái đất, trong số đó có những thiên thạch cỡ nhỏ, khi đột nhập vào khí quyển trái đất thì bốc cháy và để lại trên bầu trời những vệt sáng mà người ta thường gọi là sao băng. Các nhà thiên văn liệt kê các thiên thạch được coi là di chuyển đến gần trái đất khi khoảng cách cuả thiên thạch nhỏ hơn 70 lần khoảng cách của mặt trăng. Ngày 15 tháng 2, thiên thạch có tên là 2012 DA 14 sẽ lướt qua trái đất ở khoảng cách nằm ở hẳn bên trong quỹ đạo cuả mặt trăng và chỉ cách trái đất khoảng 30 nghìn km.
Thiên thạch này được coi là di chuyển rất gần trái đất, nhưng những tính toán mới nhất cho thấy thiên thạch sẽ không va chạm vào trái đất. Tuy nhiên, một số vệ tinh nhân tạo đã được phóng lên quỹ đạo ở độ cao 36 nghìn km, tức là cao hơn thiên thạch, cho nên ngày 15 tháng 2, thiên thạch có khả năng gây trở ngại cho vệ tinh.
RFI : Vào ngày 15 tháng 2 này, từ trái đất mắt thường có thể trông thấy thiên thạch bay ngang hay không?
Nguyễn Quang Riệu : Thiên thạch là những tảng đá khổng lồ không tự phát ra ánh sáng và ít phản chiếu ánh sáng cuả mặt trời. Do đó, thiên thạch rất tối tăm và chỉ được phát hiện khi ở khoảng cách gần trái đất. Thiên thạch 2012 DA 14, tuy lớn 45 m và tiến tới gần trái đất ngày 15 tháng 2, nhưng cũng không đủ sáng để nhìn thấy bằng mắt thường mà chỉ xuất hiện trong kính thiên văn và ống nhòm dưới dạng một đốm sáng.
Ăngten radar lớn cũng đươc dùng để quan sát và theo dõi thiên thạch. Thiên thạch này di chuyển trên bầu trời với tốc độ 30 nghìn km/giờ và sẽ ở vị trí gần trái đất nhất vào lúc 19h26, giờ quốc tế GMT. Dân chúng trên trái đất sẽ không hề cảm thấy gì khác thường trên bầu trời ngày hôm đó, mức nước triều cường sẽ không cao hơn, núi lửa cũng sẽ không bùng nổ.
RFI : Xin giáo sư cho biết trong điều kiện nào thì mới gọi là "đáng lo" hay "nguy hiểm"?
Nguyễn Quang Riệu: Các nhà thiên văn đã có một chương trình có thể coi là để canh gác bầu trời nhằm phát hiện và theo dõi thường xuyên những thiên thể có khả năng đâm vào trái đất trong vòng 100 năm tới. Họ dựa trên những đặc điểm và quỹ đạo cuả thiên thạch và sắp xếp hàng trăm thiên thạch cùng với xác suất va chạm với trái đất có mức nguy hiểm khác nhau.
Trong hệ thống tính xác suất, mức nguy hiểm được xếp từ mức 1 đến mức 10. Mức 1 là không có va chạm với trái đất, đến mức 5 thì các nhà thiên văn phải cảnh giác và chú ý theo dõi vì thiên thạch có khả năng va chạm. Từ mức 8 đến mức 10 thì không thể tránh được sự va chạm. Ở những mức nguy hiểm này, sự va chạm sẽ gây ra những vụ sóng thần, thậm chí có thể làm thay đổi khí hậu toàn cầu và đe dọa đời sống cuả nhân loại.
Tuy nhiên, những vụ thiên thạch gây ra những thảm họa lớn như thế cũng chỉ xẩy ra khoảng 100 nghìn năm một lần, theo ước tính cuả các nhà thiên văn, cho nên hiện nay những thiên thạch này cũng không phải là một mối lo âu cho dân cư trên trái đất. Thiên thạch ngày 15 tháng 2 là loại nhỏ và giả sử có đâm vào trái đất đi nữa thì cũng chỉ san phẳng một khu đất đai rộng bằng một thành phố.
RFI : Thưa giáo sư, trong quá khứ trái đất đã nhiều lần bị thiên thạch đâm vào và gây nhiều thiệt hại. Xin giáo sư đơn cử một vài vụ va chạm gây nguy hiểm cho sinh động vật trong lịch sử trái đất?
Nguyễn Quang Riệu : 70% bề mặt trái đất là đại dương, nên các thiên thạch có nhiều khả năng rơi xuống biển hơn là rơi xuống đất liền. Cho nên dưới đáy biển hẳn là phải có vết tích cuả những vụ va chạm với thiên thạch vẫn chưa được phát hiện. Trên mặt đất cách đây 50 nghìn năm, một thiên thạch lớn 30 m đã rơi xuống vùng Arizona ở Hoa Kỳ. Thiên thạch này có sức tàn phá bằng 500 quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và để lại một cái hố rộng khoảng 1 kilomet rưỡi, sâu ngót 200 m mà ngày nay du khách vẫn đến xem.
Xa hơn nữa, cách đây 65 triệu năm, một thiên thạch lớn tới khoảng 15 kilomet đã tàn phá vùng Yucatan ở Mexico và tạo ra một cái hố rộng gần 180 km và sâu gần 1 km. Cái hố khổng lồ này được phát hiện từ trên không bằng một trạm radar đo địa hình đặt trên chuyến bay cuả một con tàu con thoi cuả NASA.
Các nhà khoa học cho rằng sức tàn phá của thiên thạch lớn như thế là nguyên nhân cuả sự tiêu diệt loài khủng long và sự diệt vong cuả nhiều động vật khác. Chỉ còn tồn tại những loại sinh vật sinh sống ở dưới mặt đất hay dưới biển. Khí quyển hồi đó cũng đã bị ô nhiễm nặng nề bởi rất nhiều bụi che phủ cả mặt trời và làm tê liệt sự phát triển cuả thực vật trong môt thời gian khá dài.
RFI : Giới khoa học thiên văn dự báo ra sao về tương lai ? Liệu nhân loại có thể bị đe dọa bằng một thiên thạch lớn như loài khủng long cách nay 65 triệu năm ?
Nguyễn Quang Riệu : Một số thiên thạch tiến đều đặn đến gần trái đất. Đến năm 2020 thiên thạch ngày 15 tháng 2 sẽ lại quay trở lại trái đất và cũng được tiên đoán là không va chạm với trái đất. Cuộc ghé thăm trái đất tháng hai nảy sẽ là dịp để các nhà thiên văn lượm được những số liệu quý giá và tính toán chính xác quỹ đạo cuả thiên thạch. Họ cũng có dịp quan sát thành phần cuả vật chất cuả thiên thạch nhằm tìm ra được biện pháp hữu hiệu để làm chệch hướng hoặc phá hủy những thiên thạch có khả năng va chạm với trái đất khi cần thiết. Trong tương lai, chúng ta có thể tin tưởng vào chiến dịch canh gác bầu trời dựa trên những xác suất va chạm giữa thiên thạch và trái đất.
Tú Anh ( RFI )
---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào: