Suối cá lạở bản Lương Ngọc
VnExpress.net – Lê Hoàng
Hàng chục nghìn con cá sống chen chúc trong dòng suối nhỏ dài hơn trăm
mét. Không ai biết chúng xuất hiện từ đời nào, riêng người dân Mường ở bản
Lương Ngọc (Thanh Hóa) coi đàn cá là bảo vật.
Suối cá ở bản Lương
Ngọc. Ảnh: Lê Hoàng.
Cách trung tâm thành phố Thanh Hóa hơn 80 km về phía Tây Bắc, suối cá
thần Cẩm Lương (còn gọi là mó Ngọc, suối Ngọc) nằm dưới chân núi Trường Sinh,
thuộc bản Lương Ngọc, xã Cẩm Lương (Cẩm Thủy, Thanh Hóa). Giữa bốn bề núi đá
vôi dựng đứng, dòng suối Ngọc dài chỉ hơn trăm mét, rộng 3-4 mét. Tại đây có
hàng chục nghìn con cá (nặng từ 2 đến 8 kg, cá chúa nặng tới 30 kg) hình thù
rất lạ, đủ màu sắc. Mỗi khi bơi, thân cá lại phát sáng.
Mùa cạn, lòng suối Ngọc chỉ sâu 20-40 cm, nước trong vắt, có thể đưa tay
xuống nước vuốt ve những con cá. Tuy mật độ cá dày đặc nhưng nước suối không
tanh hôi. Dân bản Lương Ngọc vẫn thường gánh nước suối về nấu ăn, tắm giặt.
Điểm du lịch kỳ thú này mỗi năm thu hút hàng nghìn lượt khách trong và ngoài
nước.
Theo tín ngưỡng ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân bản Mường, cá ở
suối có nguồn gốc thần linh. Qua nhiều thế hệ, dân bản vẫn truyền miệng câu
chuyện huyền bí về xuất xứ của đàn cá. Chuyện kể rằng, thuở xưa bản Lương Ngọc
dưới chân dãy Trường Sinh thường xuyên bị hạn hán, mất mùa. Trong bản có hai vợ
chồng nông dân nghèo hiếm muộn nên hàng ngày người vợ thường ra ven suối ngồi
than khóc. Một ngày khi đang mò cua bên bờ suối, người vợ vô tình chạm tay vào
quả trứng lạ. Nghĩ nó chẳng có giá trị, người đàn bà thả trứng xuống nước rồi
tiếp tục mò cua.
Nhưng kỳ lạ cả buổi hôm đó, bà chỉ mò được quả trứng dù đã chuyển nhiều
vị trí. Cả chục lần như vậy, thấy lạ bà liền mang trứng về nhà rồi kể cho chồng
nghe. Sau đó ông bà đem quả trứng cho gà mẹ ấp thử. Không ngờ ít hôm sau, quả
trứng nở ra một con rắn màu trắng như bạc kim. Thấy lạ người chồng liền mang
rắn ra suối Ngọc thả cho nó về rừng. Nhưng cứ sáng mang ra thả thì tối đến con
rắn lại quay về nhà tìm lên giường ngủ với đôi vợ chồng.
Ban đầu họ rất sợ, nhưng sau cuộc sống của họ gắn liền với rắn như những
vật nuôi khác, thậm chí họ coi rắn như con. Cũng từ khi có rắn, đồng ruộng ở
đây trở nên tốt tươi, dân bản Mường được ấm no, hạnh phúc, họ yêu quý rắn nên
gọi là chàng rắn. Một đêm trời mưa to gió lớn, sấm rền chớp giật đùng đùng. Khi
gió mưa ngừng thì cũng là lúc trời đã tảng sáng. Mọi người ra bờ suối phát hiện
chàng rắn đã chết, xác vẫn nằm trên mỏm đá dưới chân núi Trường Sinh, phần đuôi
vắt xuống dòng suối Ngọc.
Hàng chục nghìn con cá sống chen
chúc dưới dòng suối nhỏ. Ảnh: Lê Hoàng.
Dân làng bèn họp nhau lập đền thờ ngay nơi chàng rắn nằm xuống, sát bờ
suối để tưởng nhớ công lao to lớn của chàng đối với dân bản. Cũng từ đó, suối
Ngọc xuất hiện đàn cá với hàng chục nghìn con ngày đêm về chầu quanh ngôi đền.
Dân bản tin rằng, đàn cá kia chính là "âm binh" đang canh giấc ngủ
cho chàng rắn.
Đàn cá lúc nào cũng đông đúc và chỉ quẩn quanh gần một cửa hang nhỏ bán
kính khoảng một mét chứ không đi xa. Cụ Trương Thị Hiên (87 tuổi), một trong ba
cụ cao niên nhất bản Lương Ngọc cho biết, đàn cá ở đây có từ hàng trăm năm nay,
dân bản coi như báu vật. Điều đặc biệt là đàn cá không bị dịch bệnh hay mất mát
bao giờ.
“Dù ở đây thường xuyên bị lũ lụt nhưng cá trong suối không bao giờ trôi
đi. Khi nước lớn tràn về, những con cá lớn chui vào hang, hốc để trốn, những
con nhỏ nếu bị nước cuốn đi cũng tự biết đường bơi trở lại. Suối cá rất linh
thiêng, ai dám bắt và ăn thịt cá đều bị xem là xúc phạm đến thần linh, chẳng
những gây tai họa cho mình mà còn cho cả cộng đồng”, cụ Hiên nói và cho biết
người dân ở đây tin rằng sự sung túc của bầy cá là biểu tượng của sự bình yên,
no ấm. Hằng năm, lễ tế thần núi, thần sông, thần cá bên bờ suối được mở từ ngày
8 đến 15 tháng giêng âm lịch.
Đồng bào Mường ở bản Lương Ngọc gọi loài cá sống trong suối là cá dốc,
phần đầu giống cá chép nhưng thân giống cá trắm. Còn theo các nhà khoa học, đàn
cá thuộc bộ cá chép, tên khoa học là Spinibarbichthys denticulatus, là loài quý
hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam.
Đền thờ thần rắn nằm
ngay bên bờ suối Ngọc. Ảnh: Lê Hoàng.
Ở bản Lương Ngọc còn có một hang núi rất đẹp gọi là động cây Đăng (tức
cây đèn). Hang nằm giữa lưng chừng núi Trường Sinh, ở độ cao khoảng 50 m so với
mặt đất. Cửa hang cao hơn 3 m, trần có chỗ cao cả chục mét, có nhiều khoảng
trống bằng phẳng nhưng phần lớn là quanh co rất khó đi. Trong động có những
thạch nhũ thiên tạo mang nhiều hình thù lấp lánh rất lạ mắt.
Theo người dân, dòng suối có đàn cá dốc bắt nguồn từ sâu trong lòng động
cây Đăng. Vào những năm 50 của thế kỷ trước, từng có người trong làng chui vào
động thám hiểm và cho biết trong lòng núi Trường Sinh có rất nhiều suối ngầm,
chia thành hai dòng nước nóng, lạnh. Đàn cá bám theo dòng nước ấm và nơi lý
tưởng nhất mà chúng sinh sống là khu vực có nguồn nước tinh khiết chảy ra từ
dòng suối. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có cuộc thám hiểm chính thức nào của
các nhà khoa học.
Ông Phạm Hùng Hậu, Trưởng ban quản lý khu du lịch suối cá Cẩm Lương cho
biết, trung bình mỗi năm nơi đây đón khoảng 200.000 lượt khách. “Những câu
chuyện liên quan đến loài cá lạ và dòng suối kỳ bí này lưu truyền trong dân
gian rất nhiều, nhưng hiện vẫn chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên, chính những câu
chuyện ấy tạo ra sức hút rất lớn đối với khách tham quan”, ông Hậu chia sẻ.
Sắp tới khu du lịch sẽ mở rộng quy mô từ 20 ha lên 300 ha và tiếp tục
đầu tư nâng cấp, xây dựng nhiều hạng mục như khu nhà sàn truyền thống của người
Mường, hệ thống đèn điện chiếu sáng, nhà hàng khách sạn… để khai thác tiềm năng
độc đáo của suối cá Cẩm Lương.
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét