Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

LÀNG NGHỀ VÀNG BẠC CHÂU KHÊ



LÀNG NGHỀ VIỆT NAM
10 – LÀNG NGHỀ VÀNG BẠC CHÂU KHÊ
---o0o---
Làng nghề vàng bạc Châu Khê thuộc xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Châu Khê có 78.5 ha đất, trong đó chỉ có 63 ha đất canh tác. Dân số tăng chậm, do có một số người chuyển đi làm nghề nơi khác (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...).
Theo số liệu thống kê trong Hương ước và địa bạ, cũng như số liệu của Uỷ ban nhân dân xã, số dân của Châu Khê là 600 khẩu vào năm 1900, trên 800 khẩu với 175 hộ vào năm 1983. Như vậy, bình quân đất canh tác chỉ khoảng hai sào Bắc bộ trên một đầu người. Người Châu Khê đã sớm nhận ra ý nghĩa của "nghề phụ" ngoài nghề nông, cho nên đời sống của họ rất khá giả. Có thể khẳng định rằng, chính nghề vàng bạc đã đưa làng quê này trở nên giàu có giữa vùng châu thổ sông Hồng, nơi tưởng như trù phú, nhưng thực tế luôn bị thiên tai, bão lụt, vỡ đê, mất mùa, đói kém đe dọa người nông dân.
Châu Khê có nghề vàng bạc nổi tiếng, lại có nghề vàng mã cũng được bán rộng rãi ở nhiều nơi trước đây.
Dần dần, từ nghề đúc bạc, thợ Châu Khê đã tiến tới nghề làm đồ trang sức vàng bạc (xưa gọi là kim hoàn).
Ðến đầu thế kỷ XIX, dưới triều Nguyễn, nghề đúc bạc nén chuyển vào kinh đô Huế (Thuận Hóa). Nhưng phần lớn thợ Châu Khê vẫn ở lại Thăng Long (Hà Nội) làm nghề kim hoàn. Họ tập trung thành phường và xây dựng nên phố Hàng Bạc. Lúc này ở phố Hàng Bạc còn có cả thợ vàng Ðịnh Công và thợ bạc Ðồng Xâm (Thái Bình) tới làm nghề, nhưng đông nhất vẫn là thợ vàng bạc Châu Khê. Người ta sản xuất, buôn bán bạc, kể cả đổi bạc nén lấy bạc vụn làm nguyên liệu. Cho nên vào những năm đầu thế kỷ XX, phố này còn có tên tiếng Pháp: Rue des Changeurs (phố đổi bạc).
Ngày nay, khi qua phố Hàng Bạc ở Thủ đô Hà Nội, bạn cần biết mấy địa điểm: số nhà 58 xưa là Tràng Ðúc bạc nén; số nhà 50 (trước là Ðình Thượng) và số 42 (là Ðình Hạ) xưa là Ty Quan (cơ quan đại diện của Triều đình) thu nhận bạc nén thành phẩm. Người Châu Khê làm việc ở đây khá đông, tới mức đóng thuế đinh 300 suất (vào cuối thế kỷ XIX). Ngoài hai ngôi đình họ còn mua thêm đền Nội Miếu của phường thợ giầy Tam Lâm (phường Hài Tượng). Ðó là những nơi hội họp và thờ thành hoàng của họ (gọi tên chữ là "Châu Khê vọng sở").
---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào: