CÁC DÂN TỘC VIỆT NAM
Sưu tầm
---o0o---
10 – Người Cơ Tu
Người Cơ Tu (còn gọi là người Ca Tu,
Gao, Hạ, Phương, Ca-tang) là một dân tộc nói ngôn ngữ
thuộc ngữ tộc Môn-Khmer. Dân tộc này có dân số khoảng trên 76 nghìn người.
Tại Việt Nam, theo điều tra dân số 1999 thì dân tộc này có dân số 50.458
người, cư trú chủ yếu trên dãy núi Trường Sơn, tại các huyện Đông Giang, Tây
Giang (Quảng Nam), A Lưới, Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế).
Theo Tổng điều tra dân số và nhà
ở năm 2009, người Cơ Tu ở Việt Nam có dân số 61.588 người, cư trú tại 38 trên
tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Cơ Tu cư trú tập trung tại các tỉnh: Quảng
Nam (45.715 người, chiếm 74,2% tổng số người Cơ Tu tại Việt Nam), Thừa
Thiên-Huế (14.629 người, chiếm 23,8% tổng số người Cơ Tu tại Việt Nam), Đà Nẵng
(950 người), thành phố Hồ Chì Minh (54 người).
Tại Lào, theo Ethnologue thì năm 1998 dân tộc này có 14.700 người, cư
trú chủ yếu tại thượng nguồn sông Xê Kông, trong các tỉnh Xekong, Saravan,
Champasak.
Người Cơ Tu trồng cây lương thực theo lối phát rừng làm rẫy, thu hái các
lâm thổ sản. Công cụ lao động khá nghèo nàn như rìu, dao, gậy chọc lỗ tra hạt.
Các hoạt động kinh tế khác gồm có chăn nuôi, dệt, đan lát, hái lượm, đánh cá,
săn bắn và trao đổi hàng hóa theo cách vật đổi vật.
Trong năm chỉ có đúng 1 mùa làm rẫy, gieo vào tháng 3-4 và gặt vào tháng
10-11. Cây lương thực chủ yếu là lúa. ngô, sắn.
Lễ hội đâm trâu hàng năm thường diễn ra trước mùa tỉa lúa, dựng nêu giữa
sân. Khi mặt trời ló dạng bắt đầu thủ tục cúng Giàng và các vị thần linh, hòa
tấu khúc nhạc cúng từ nhạc cụ. Mọi người cùng nhau nhảy múa chung quanh con
trâu, một người được cho là có công cho làng cho trâu uống nước. Đánh dấu điểm
đâm, thịt trâu được chia cho cả làng cung nhau nướng ăn.
Trong làng người Cơ Tu, các nếp nhà sàn tạo dựng theo hình vành khuyên
hoặc gần giống thế. Ngôi nhà rông cao, to, đẹp, hơn cả là nơi tiếp khách chung,
hội họp, cúng tế, tụ tập chuyện trò vui chơi.
Có cá tính riêng trong tạo hình và trang trí trang phục, khác các tộc
người khác trong khu vực, nhất là trang phục nữ.
Nam giới người Cơ Tu đóng khố, ở trần, đầu hoặc vấn khăn hoặc để tóc
ngắn bình thường. Khố có các loại bình thường (không trang trí hoa văn và ít
màu sắc), loại dùng trong lễ hội dài rộng về kích thước và trang trí đẹp với
màu sắc và hoa văn trên nền chàm. Mùa rét, họ khoác thêm tấm choàng dài hai, ba
sải tay. Tấm choàng màu chàm và được trang trí hoa văn theo nguyên tắc bố cục
dải băng truyền thống với các màu trắng đỏ, xanh. Người ta mang tấm choàng có
nhiều cách: hoặc là quấn chéo qua vai trái xuống hông và nách phải, thành vài
vòng rồi buông thõng xuống trùm quá gối. Lối khoác này tay và nách phải ở trên,
tay và vai trái ở dưới hoặc quấn thành vòng rộng từ cổ xuống bụng, hoặc theo
kiểu dấu nhân trước ngực vòng ra thân sau.
Phụ nữ Cơ Tu để tóc dài búi ra sau gáy, hoặc thả buông. Xưa họ để trần
chỉ buộc một miếng vải như chiếc yếm che ngực. Họ mặc váy ngắn đến đầu gối, màu
lanh khoác thêm tấm chăn. Họ thường mặc áo chui đầu khoét cổ, thân ngắn tay
cộc. Về kỹ thuật đây có thể là một trong những loại áo giản đơn nhất (trừ loại
áo choàng chỉ là tấm vải). Áo loại này chỉ là hai miếng vải khổ hẹp gập đôi,
khâu sườn và trừ chỗ tiếp giáp phía trên làm cổ. Khi mặc cổ xòe ra hai vai
thoạt tưởng như áo cộc tay ngắn. Áo được trang trí ở vai, ngực, sườn, gấu, với
các màu đỏ, trắng trên nền chàm. Váy ngắn cũng được cấu tạo tương tự như
vậy : theo lối ghép hai miếng vải khổ hẹp gập lại thành hình ống. Họ ưa
mang các đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay đồng hồ (mỗi người có khi mang tới
5,6 cái), khuyên tai bằng gỗ, xương, hay đồng xu, vòng cổ bằng đồng, sắt cũng
như các chuỗi hạt cườm, vỏ sò, mã não.. Nhiều người còn đội trên đầu vòng tre
có kết nút hoặc những vòng dây rừng trắng (rơnơk) và cắm một số loại lông chim.
Một vài vùng có tục cưa răng cho nam nữ đến tuổi trưởng thành khi đó làm tổ
chức lễ đâm trâu. Ngoài ra người Cơ Tu còn có tục xăm mình, xăm mặt.
Đồ trang sức phổ biến là vòng tay, vòng cổ, khuyên tai. Các phong tục
xăm mặt, xăm mình, cưa răng, đàn ông búi tóc sau gáy đã dần được loại bỏ.
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét