BƯỚC VÀO CỬA PHẬT
Hoằng Hữu NGUYỄN VĂN
PHÚ
32. TAM PHÁP ẤN
Vị sư già ngạc nhiên
khi nhận được thư mời của quan huyện, lời lẽ ôn hòa, lịch sự hơn điều mà Cụ chờ
đợi. Số là từ mấy tháng nay, theo lệnh của triều đình, các sư sãi đều phải đi dự
thi, ai không thông suốt kinh điển Phật giáo, ai thiếu đạo hạnh thì phải đuổi về
làm thường dân, không được mặc áo cà-sa nữa. Triều đình làm vậy cũng có lý do,
vì từ lâu chùa chiền mọc ra quá nhiều, người xuất gia không đủ học và hạnh đã
biến Phật giáo thành một thứ tôn giáo tạp nhạp, mê tín dị đoan.
Cụ không nằm trong số
những người phải gọi đi thi, có lẽ Quan huyện cũng đã nghe Cụ là người đạo hạnh.
Trong vùng, mọi người đều quý mến và kính trọng Cụ. Nay, được thư của quan huyện - một vị thái học
sinh, thông suốt tam giáo - Cụ ngạc nhiên là phải.
Người lính lệ lễ phép
chào Cụ và thay vì dẫn Cụ vào công đường thì lại mời Cụ vào tư thất của Quan
huyện. Ông quan và vị sư già nghiêm chỉnh
thi lễ và câu chuyện bắt đầu.
- Bản chức mời Thượng
Tọa đến đây không phải là vì lịnh của triều đình đâu. À! Hôm trước, tên lý trưởng tự tiện đến chặt
tre của chùa về làm chuồng heo, chú tiểu ra ngăn thì hắn nói chùa này là do mẹ
hắn sáng lập và cúng ruộng hậu nên hắn có muốn chặt tre cũng không có ai cấm hắn
được. Có đúng thế không?
- Dạ, thưa Ngài, quả
có thế, nhưng sau đó không có chuyện gì nữa ạ.
- Thôi được, để đó,
tôi sẽ xét. Bây giờ xin nói rõ mục đích
của tôi. Mẹ tôi thờ Phật, tụng kinh hàng
ngày và vẫn nghiên cứu kinh điển. Gần
đây, Mẹ tôi có đề cập đến Tam Pháp Ấn, nên tôi thỉnh Thượng Tọa vui lòng giảng
giải, để tôi có dịp thưa lại với Mẹ tôi sau này.
Vị sư già hiểu ngay rằng
quan huyện muốn đi vào một điểm quan trọng trong giáo lý của đức Thế Tôn và ông
chẳng phải là một người ít hiểu biết về Phật pháp. Lại nữa, một chồng hồ sơ trên án đủ nhắc nhở
nhà sư rằng vị quan này không có nhiều thì giờ.
Rõ ràng chủ ý của ông là muốn nghe đầy đủ nhưng ngắn gọn. Vị sư già hắng giọng và vào đề ngay:
- Thưa Ngài, tam pháp
ấn là từ ngữ để tóm tắt ba điều căn bản của giáo lý đạo Phật; kinh kệ nào thuận
với ba điều ấy thì coi như được đóng ấn chứng nhận là chính thống. Ba điều ấy là : vô thường, vô ngã, và niết-
bàn. Nói rõ là chư hành vô thường, chư
pháp vô ngã và niết-bàn tịch tĩnh.
Đầu tiên nói về vô
thường. Người đời vẫn nói "bóng câu
qua cửa sổ", "sớm nở, tối tàn", đó là một cách hiểu chữ "vô
thường". Hiểu thế chưa đủ, và có thể
mang lại hậu quả không mấy tốt: đó là chán đời phù du, hay mau hưởng thụ, hoặc
cầu khẩn cho sống được lâu. Thật ra thì
mọi sự, mọi vật đều vô thường, có nghĩa là mọi sự mọi vật đều thay đổi luôn
luôn. Sự thay đổi đó có thể nhanh chóng
như bông hoa nở rồi tàn; có thể chậm như trái núi mòn dần do sóng biển táp vào
từng lúc, và cả cái thân xác ta đây, tâm tính ta đây cũng thay đổi luôn
luôn. Luật "thành, trụ, dị, diệt"
là luật chung của vũ trụ.
Quan huyện nói:
"Vâng, biến dịch! Cái quy luật ấy người đời có lẽ ai cũng nhận thấy. Chẳng hay tầm quan trọng của nó đối với người
con Phật là như thế nào?"
- Thưa Ngài, quả vậy,
trước đức Thế Tôn, người ta đã nói đến biến dịch rồi. Có người đi xa hơn nữa, cho rằng vạn vật biến
dịch nên chẳng còn tin vào cái gì nữa; ngay cả lời nói cũng đổi nghĩa luôn nên
chẳng tin được! Ta hãy gác sang một bên
những tư tưởng cực đoan ấy để nói về tầm quan trọng của cái luật vô thường tuy
đơn giản nhưng lại là cơ bản. Đúng vậy,
mọi thứ đều biến dịch, thế thì chúng ta phải tìm cách mà thay đổi theo hướng tiến
lên, theo chiều chân, thiện, mỹ. Tóm lại,
là làm cho mình trở thành Phật. Chỗ tột
cùng là ở đó, không phải là ở chỗ "quán vô thường" để chỉ biết tính
cách vô thường của thế gian mà thôi. Người
thế gian hay quên sự thăng tiến, sự thiện hóa của con người, cho nên khi lăn
vào cuộc sống có lúc đã làm cho chính mình tụt xuống hàng súc sinh hay ngạ quỷ
trong kiếp này; súc sinh vẫn ăn thịt nhau, nhưng con người thì giết nhau còn khủng
khiếp hơn cả súc sinh! Nếu giác ngộ rằng
mình phải theo Phật đạo, thì đó là theo đúng con đường tiến lên của kiếp nhân
sinh vậy.
- Đa tạ Thượng Tọa.
Xin cho nghe về điều thứ nhì.
- Thưa Ngài, xin nói
về vô ngã. Nôm na, vô ngã là không có
ta. Điều này có vẻ tối nghĩa. Ngài ngồi đây, tôi ngồi đây, chúng ta đang
bàn bạc. Nói rằng không có Ngài, không
có tôi, vô lý lắm ru! Nhưng, chắc Ngài
đã biết rồi, "vạn pháp vô ngã" có nghĩa là: sự sự vật vật trên thế
gian này không có tự thể. Dùng chữ như vậy,
có lẽ ta đã đem cái khó hiểu nọ thay cho cái khó hiểu kia. Thế thì chúng ta nên đồng ý với nhau mà nói
như thế này: sự sự vật vật trên trế gian không có cái gì riêng rẽ với cái gì,
cái gì cũng bị trói buộc, bị liên hệ với những cái khác. Cái đám mây kia có quan hệ với Ngài và tôi
nhiều lắm vì nó đem mưa đến, mưa làm ruộng lúa xanh tươi, và ruộng lúa đưa gạo
đến nuôi Ngài và tôi.
- Thưa Thượng Tọa,
tôi lại muốn nói lại câu hỏi lúc nãy. Luật
"vạn pháp vô ngã" có tầm quan trọng ra sao đối với người Phật tử?
- Thưa Ngài, bước thứ
nhất, người Phật tử hiểu vô ngã để loại bỏ dần tính ích kỷ, loại bỏ dần
"cái ta", cái "của ta"; bước thứ nhì, người Phật tử hiểu vô
ngã để biết mình và chúng sinh là một, nhờ đó phát triển tâm từ bi, yêu chúng
sinh như yêu mình. Đức Khổng Tử dạy nhân
ái, yêu người như yêu mình; đức Thế Tôn dạy yêu chúng sinh như yêu mình, vì
"tất cả là một", "một là tất cả”, như kinh Pháp Bảo Đàn đã
nói. Đến bước thứ ba, người Phật tử hiểu
vô ngã, tiến lên hiểu "nhất chân bình đẳng pháp giới", đi tìm cái thực
tướng của vạn pháp, cái chung cho tất cả cái một của sự vật. Do đó, hàng ngày tụng Bát-nhã Tâm Kinh, cố gắng
đến một ngày nào đó bật ra cho được "thị chư pháp không tướng, bất sinh bất
diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm", cố gắng đến một ngày nào đó
tìm ra cho được cái thường, cái hằng nằm ngay trong các pháp hữu vi vô thường
mà Kinh Kim Cang gọi là "bọt nước, điện chớp".
- Thưa Thượng Tọa,
tìm thực tướng của vạn pháp, cái tướng mà không phải là tướng, cả một vấn đề lớn!
- Quả thế! Thưa Ngài.
Nhưng khoan, chưa nên đi sâu vào điểm đó, vì đó là một dấu ấn khác của đạo
Phật. Đó là "Thực Tướng Ấn" mà
hôm nay ta chưa bàn đến, vì lẽ Ngài đang muốn nghe Tam Pháp Ấn. Tôi xin nói tiếp về điểm thứ ba, tức là nói về
Niết-bàn.
Nói "Đức Phật nhập
Niết-bàn", người ta thường nghĩ đến "đức Phật viên tịch, đức Phật chết"
ở gốc cây sa-la. Nói đến Kinh Niết-bàn,
người ta thường nghĩ đến kinh mà đức Phật thuyết khi sắp giã từ cõi đời
này. Vì thế, nói đến Niết-bàn người ta
hay tưởng tượng ra một cõi nào đó, an lạc, sung sướng, không khổ não ... Thật ra, nên hiểu "Niết-bàn tịch
tĩnh" như thế này. Ý thứ nhất, đó
là trạng thái của người đã diệt được tham, sân, si, tức là ba cái độc làm cho
con người tạo nghiệp, đễ bị chìm đắm mãi trong vòng luân hồi sinh tử. Ý thứ nhì, đó là trạng thái diệt được cái
ngã, mình và vũ trụ hòa lại làm một. Ý
nghĩa thứ ba, đó là thoát khỏi sinh tử luân hồi. Cả ba ý đó rút lại là chấm dứt khổ đau phiền
não, thoát vòng luân hồi, giác ngộ Chân Lý, tức là đạt "đệ nhất nghĩa đếâ"
vậy.
- Thưa Thượng Tọa,
làm cách nào đạt được đến trạng thái đó?
- Thưa Ngài, hiểu được
lời Phật dạy, là hiểu giáo lý của Ngài. Muốn đi theo con đường của Ngài - con
đường giải thoát - thì phải thực hành giáo pháp của Ngài. Một mặt là lý nhập, một mặt là hạnh nhập, nói
dễ hiểu là lý thuyết và thực hành. Người
con Phật phải đặt việc thực hành vào hàng chính yếu vì trong kinh đã nói:
"đói mà không ăn, chỉ nhìn người khác ăn, thì chính mình no sao được?". Ai tu người đó hưởng, không ai tu hộ được.
- Tu thế nào, thưa
Thượng Tọa?
- Thưa Ngài, bài pháp
đầu tiên của đức Phật dạy về Tứ Diệu Đế, đế thứ tư nói về Bát Chánh Đạo gọi tắt
là Trung Đạo (chứ không phải là đạo Trung Dung của đức Vạn Thế Sư). Lại có kinh giảng về Thập Nhị Nhân Duyên, mục
đích giảng lý do có sự luân hồi. Lại có
chổ dạy Lục Độ Ba-la-mật. Trong đạo Phật, có nhiều cách tu, nhiều đến nỗi gọi
là "tám vạn bốn ngàn pháp môn".
- Tôi có tu được
không?
- Ai ai cũng có Phật
tính, ai cũng có khả năng thành Phật, Ngài cũng tu được chứ.
Quan huyện cười, mời
nhà sư uống trà và hẹn:
- Đa tạ Thượng Tọa đã
cho nghe về Tam Pháp Ấn.
Nhà sư từ biệt quan
huyện, chầm chậm đi về chùa...
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét