Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

9. NGÀY VÍA ĐỨC DI LẶC

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT – Bài 9
Hoằng Hữu NGUYỄN VĂN PHÚ
 Mồng một Tết
9. NGÀY VÍA ĐỨC DI-LẶC
Ngày Tết Nguyên Đán, theo tục lệ cổ truyền, người Việt Nam chúng ta làm lễ đón tổ tiên về ăn Tết với con cháu, chúng ta vui vẻ chúc nhau hưởng hạnh phúc trong suốt năm mới.  Chúng ta kiêng làm và nói những điều xấu để tránh khỏi bị rông cả năm.  Đối với người theo đạo Phật thì ngoài ý nghĩa dân tộc như vừa nói trên, ngày mồng một tháng Giêng còn mang thêm một ý nghĩa tôn giáo nữa.  Ngày đó là ngày vía đức Di-Lặc.
Mỗi khi tụng kinh lễ bái, chúng ta chí tâm đảnh lễ Ngài Di-Lặc bằng câu “ Nam mô Long-Hoa Giáo chủ đương lai hạ sanh Di-Lặc tôn Phật” .  Theo các điều còn được ghi lại trong kinh sách thì bồ-tát Di-Lặc có dự các buổi thuyết pháp của đức Phật Thích-Ca và đức Phật Thích-Ca đã dạy rằng: sau khi nhập diệt, ngài Di-Lặc sẽ lên trụ trên cung trời Đâu-Suất, ngài Di-Lặc được thọ ký thành Phật và là giáo chủ của hội Long-Hoa. Thông thường, chúng ta hiểu rằng Ngài là một vị Phật trong tương lai, nối tiếp đức Phật Thích-Ca. 

ĐỨC DI LẶC

Chọn ngày đầu năm âm lịch làm ngày vía của Ngài, các vị cổ đức thật đã hiểu rõ tâm lý thế gian: đối với thế gian ngày này rất quan trọng vì người ta có thể gieo mầm mống của những điều tốt hoặc điều xấu trong ba ngày Tết.  Làm lễ kỷ niệm ngày vía đức Di -Lặc vào đúng mồng một, Phật tử chúc nhau hưởng một mùa xuân Di-Lặc, ngầm nói lên ý nguyện thiết tha sẽ theo chân ngài Di-Lặc để thành Phật trong tương lai.  Điều này không có gì là mơ hồ, là không tưởng, bởi vì chính đức Thích-Ca đã dạy: “ Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành” .  Vậy nhân ngày vía đức Di-Lặc, chúng ta hãy nhớ rằng ai ai cũng có Phật tánh, ai ai cũng có thể thành Phật, mê là chúng sanh, ngộ là Phật.  Tu tập để vén màn vô minh che lấp thì Phật tánh hiển bày. 
Chúng ta chớ có tự khinh mình không đủ khả năng thành Phật, làm như thế thì cũng giống như người cùng tử kia có cha là triệu phú mà không dám nhận, làm như thế thì cũng chẳng khác gì người nghèo khó kia có hạt ngọc báu thắt trong chéo áo mà không hay!  Thường Bất Khinh Bồ-tát chắp tay chào mọi người và nói rằng ai cũng sẽ thành Phật, chúng ta cần hiểu rõ lời của ngài. 
Chúng ta vẫn kêu ngài Di-Lặc là Phật Di-Lặc.  Thật ra thì bây giờ ngài đang là một vị bồ-tát trụ trên cung trời Đâu-Suất, sau này mới thành Phật.  Nói rõ ra thì kiếp đã qua là Trang nghiêm kiếp; kiếp hiện nay là Thiện kiếp hay Hiền kiếp: đã có các vị Phật là Câu-Lưu-Tôn, Câu-Na-Hàm, Ca-Diếp, Thích-Ca Mâu-Ni, sau Phật Thích-Ca sẽ đến Phật Di-Lặc rồi tiếp đến các vị khác, cho đến lúc đủ một ngàn vị Phật thì hết Thiện kiếp.  Sau đó mới là kiếp vị lai, gọi là Tinh tú kiếp.

Nay xin kể chuyện hòa thượng Bố Đại, một hóa thân của Ngài Di-Lặc, sống vào thế kỷ thứ 10 tại Trung Hoa.  Hòa thượng này mập mạp, bụng phệ, tươi cười, người sau tạc tượng ngài Di-Lặc theo hình ảnh đó.  Một ngày kia, hòa thượng Thảo Đường hỏi rằng: “ Đại ý Phật Pháp thế nào?” .  Hòa thượng Bố Đại chẳng trả lời, chỉ bỏ cái bị ở trên vai xuống.  Được hỏi thêm: “ Chỉ có thế thôi hay còn đường tiến lên?” , ngài cũng không trả lời, chỉ nhặt cái bị vác lên vai và bước đi.

HÒA THƯỢNG BỐ ĐẠI
 Chúng ta nghe chuyện này thấy khó hiểu quá, phải tìm sách vở để xem các vị thiện tri thức giải thích ra sao.  Đại ý Phật Pháp rất là đơn giản.  Chỉ một chữ xả là xong, y như là việc quăng cái bị xuống đất, đó là xả, xả hết!
Xả chứ không chấp.  Không chấp gì cả, pháp cũng chẳng chấp, ngã cũng chẳng chấp.  Nói theo Kinh Kim Cương thì xả bỏ hết mọi tướng, tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả. Xả rồi thì còn đường nào tiến lên không?  Hòa Thượng Bố đại quảy cái bị lên vai mà đi có ý nghĩa gì?  Đó là được tất cả, thâu tóm tất cả vào cái bị mà quảy lên vai.  Được tất cả?  Tu rồi còn nói được, được cái gì, e rằng mắc phải tham lam không; được đây là được ngộ, được giác ngộ.  Giác ngộ rồi, tu thành Phật rồi, thế là được tất cả.  Tại sao lại được tất cả?  Vì bây giờ không còn cái ta nhỏ bé này nữa, bây giờ đã “ đồng thân Pháp tính” , đã hòa vào bản thể của vũ trụ, đã là một với vũ trụ rồi.
Tóm tắt lại, kỷ niệm ngày vía đức Di-Lặc vào đúng ngày mồng một Tết, chúng ta cần nhớ rằng:
1.  Đức Di-Lặc là vị Phật thời vị lai, chúng ta hãy gắng tu tập để cho Phật   tánh trong chúng ta hiển bày. 
2.  Chớ để cho lục tặc phá mình, phải coi lục tặc là trẻ con, không theo chúng, không chấp chúng, để cho tâm được an, được vui; an thật sự, vui thật sự. 
3.  Muốn vậy thì Phải tu hạnh xả, xả trong niềm vui.  Xả hết phiền não; thế mới đạt đến hạnh phúc thực sự, trên mọi thứ hạnh phúc của thế gian.
Kính chúc quý vị vui hưởng một mùa Xuân Di-Lặc.



---ooo0ooo---






Không có nhận xét nào: