BƯỚC VÀO CỬA PHẬT
Hoằng
Hữu NGUYỄN VĂN PHÚ
14. CỐT TỦY ĐẠO PHẬT
Tôi còn nhớ năm ngoái,
vào dịp Phật đản, một đạo hữu đã bảo tôi rằng: “Tôi muốn học Phật nhưng kinh
sách quá nhiều mà thì giờ lại ít, nếu đạo hữu chịu khó tóm tắt sao cho tôi thấy
được cốt tủy đạo Phật rồi từ đó tuần tự tìm hiểu rộng ra sau thì quí hóa lắm”.
Tôi chỉ vâng dạ qua loa
nhưng không dám nhất định nhận lời vì công việc đó đâu có dễ. Nhờ sự giúp đỡ của ban Hoằng Pháp và lời
khuyến khích của các đạo hữu thân thuộc, tôi đã viết được mấy trang này đem
trình quí vị ngày hôm nay, hy vọng rồi sẽ đính chính và bổ túc về sau, vì thế
nào cũng gặp nhiều khuyết điểm.
1. Mỗi khi lễ bái chúng
ta quy y Tam Bảo tức là quy y Phật, Pháp, Tăng. Trong Pháp bảo có tứ pháp:
a. Giáo pháp do chư Phật tam thế thuyết ra để phá vỡ vô
minh phiền não.
b. Lý pháp là những nghĩa lý trong giáo-pháp.
c. Hành pháp là những phép tu hành.
d. Quả pháp là sự chứng quả khi tu hành.
Tứ pháp nói gọn là giáo,
lý, hành, quả.
Hôm nay, thời giờ eo
hẹp, tôi xin chỉ trình bày về giáo lý mà thôi.
2. Giáo-lý căn bản của
đạo Phật nằm trong bài pháp đầu tiên của đức Thích-Ca Mâu-Ni. Sau khi Ngài đắc đạo, đức Phật thuyết bài
pháp thứ nhất cho nhóm ông Kiều-Trần-Như (gồm 5 người) tại vườn Lộc Uyển, đó là
Kinh Chuyển Pháp Luân mà nội dung là Tứ Diệu Đế (bốn chân lý vi diệu, bốn sự
thật chắc chắn, rõ ràng).
Tứ Diệu Đế
a. Khổ-đế: Cuộc đời là bể khổ, “nước mắt chúng-sinh nhiều
hơn nước đại dương”. Đức Phật không bi
quan yếm thế, Ngài chỉ nhận xét sự thật đó của kiếp nhân sinh mà thôi, đồng
thời Ngài dạy cho chúng sinh con đường thoát khổ. Khổ thì nhiều nhưng không có cái khổ nào bằng
cái khổ sinh tử luân hồi. Đạo Phật có
mục đích chỉ dẫn cho chúng sinh con đường giải-thoát khỏi cái khổ sinh tử luân
hồi đó.
b. Tập-đế: Nguyên do của
khổ là tham dục. Đào sâu vấn đề, sẽ thấy
cái gốc “vô-minh”, tức là sự mê mờ không thấy chân lý của vũ trụ, của nhân
sinh.
c. Diệt-đế: Muốn
diệt khổ, thì cách duy nhất là diệt vô-minh, diệt tham dục.
d.
Đạo-đế: Phương pháp diệt khổ diệt tham dục là bát chánh đạo. Tám chi này
của con đường tu hành được gom lại ba, là tam
học, tức giới, định, huệ:
- Giới gồm chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng,
- Định gồm chánh tinh-tấn, chánh niệm, chánh định,
- Huệ gồm chánh kiến, chánh tư duy.
Tập đế và khổ đế là
nhân, quả thế gian. Đạo-đế và diệt-đế là
nhân, quả xuất thế gian.
Thành công trong đạo-đế
sẽ chứng ngộ Niết-bàn, tâm an trụ trong cảnh vắng lặng thường còn, không còn
thọ quả vì đâu có gây nhân. Do vô sinh
cho nên bất tử.
3. Bây giờ chúng ta bàn về Lý vô thường.
Trên thế gian này, cái
gì cũng biến đổi, có thứ đổi nhanh, có thứ đổi chậm, nhưng chắc chắn có
đổi. Trong thân ta, từng giây từng phút,
tế bào này chết đi, tế bào khác sinh ra; tâm trạng này nối tiếp tâm trạng kia,
ý nghĩ này tiếp theo ý nghĩ khác v.v...
Không riêng gì đức Phật nhận ra lý vô thường. Văn nhân, thi sĩ, triết gia cũng nói tới tính
cách vô thường của kiếp nhân sinh và của vạn vật:
Ôi nhân sinh là thế ấy
Như bóng đèn,
như mây nổi
Như gió thổi,
như chiêm bao,
Ba mươi năm
hưởng thụ biết chừng nào,
Vừa tỉnh giấc
nồi kê chưa chín!
Nguyễn-Công-Trứ
Trăm năm trong cuộc bể dâu,
Người cùng cây cỏ khác nhau chút nào!
Đang tươi
bỗng héo biết bao nhiêu lần. . .
Nguyễn-Trãi, Côn Sơn Ca
Ba chục năm trời danh tiếng hão,
Quay đầu muôn
sự giấc Nam
Kha!
Nguyễn-Trãi
Trải qua một
cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau
đớn lòng.
Nguyễn-Du
Hiểu được lý vô thường,
ta sẽ không còn bám víu vào của cải, danh vọng, trái lại ta mong cầu một thứ gì
bền vững hơn, thanh-tịnh hơn. Vì thế vua
Trần Thái Tông đã khuyên rằng:
Linh đan, chớ cậy “trường sinh
thuật”
Thuốc quý, khôn mong “bất tử
xuân”.
Cõi quỷ hãy xin rời bỏ sớm
Hồi tâm hướng đạo dưỡng thiên
chân.
Bốn núi
( trong Khóa Hư Lục của vua
Trần Thái Tông)
4. Lý nhân quả.
Một trong các định luật của vũ trụ là lý nhân quả.
Đức Phật không đặt ra
các định luật này, Ngài nhờ đại trí tuệ mà khám phá ra các định luật đó.
H
Nói đơn giản thì mỗi khi
có một nguyên nhân tác động thì có kết quả kèm theo. Thí dụ gõ vào chuông thì có tiếng chuông.
Sự thật lý nhân quả phức
tạp hơn nhiều. Ta nên tìm hiểu kỹ hơn:
a. Nhân phải có duyên kèm theo thì mới sinh quả
được. Hạt lúa để trên hòn gạch sẽ không
sinh ra cây lúa. Hạt lúa cần các duyên
như độ ẩm, ánh sáng, công chăm sóc v.v... mới sinh ra cây lúa được.
b. Nhân nào sẽ tạo quả đó. “Trồng dưa thì được dưa, trồng đậu sẽ được
đậu”. Làm lành sẽ hưởng quả lành, làm ác
sẽ hái quả ác, chắc chắn như vậy.
c. Trong nhân có sẵn mầm
để sinh quả và tiếp theo đó cái quả ấy sẽ đứng làm nhân để sinh ra quả khác, cứ
thế mãi. . .
d. Thời gian để nhân sinh quả thay đổi tùy trường
hợp. Gõ chuông, tức khắc có tiếng; gieo
mạ phải đợi ba bốn tháng mới gặt lúa. Có
khi đời này tạo nhân, mấy đời sau mới chịu quả báo.
Lý nhân quả áp dụng vào
đời người đưa đến quan niệm về nghiệp báo và luân hồi. Thân, khẩu, ý tạo ra thân nghiệp, khẩu
nghiệp, ý nghiệp (tam nghiệp). Nói chung
là nghiệp, đó là cái nhân. Chắc chắn sẽ
có quả báo. Nghiệp lực tuy vô hình nhưng
rất mạnh, nó lôi cuốn chúng sinh thọ quả báo.
Thọ quả báo rồi, lại gây nghiệp mới, cứ như vậy mãi. Cho nên sống chết, chết sống, kiếp này xong
tiếp đến kiếp khác. Đó là luân hồi. Giảng về luân hồi, đức Phật dùng thuyết thập
nhị nhân duyên.
Hiểu lý nhân quả, nghiệp
báo, người ta sẽ hiểu rằng chính mình chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm,
đã nói và đã nghĩ. Vui, buồn, sướng, khổ
chỉ là quả báo của các nghiệp nhân từ các kiếp trước và kiếp này tích lũy lại
mà thôi.
Để thoát khỏi vòng luân hồi
thì phải tu giải thoát, giải thoát khỏi nghiệp sinh tử, giải thoát bằng cách
chặt đứt vòng xích 12 nhân duyên, tức là phá vỡ vô-minh đạt giác ngộ.
5. Lý duyên khởi.
Theo quan niệm của nhà
Phật thì vạn pháp đều từ các duyên mà sinh ra.
Duyên tức là các thành
phần, các phần tử, các nguyên tố v.v... hợp lại với nhau. Thí dụ như cái bàn do gỗ, đinh, cưa, đục, và
bàn tay ông phó mộc v.v... mới thành.
Trước đó không có cái bàn, nhiều duyên hợp lại có một thứ tạm gọi là bàn
cho tiện, cho gọn. Mỗi một cái duyên mà
ta vừa kể không phải là cái bàn. Đó là
một thí dụ. Nghĩ rộng ra từ vật cực nhỏ
cho đến vật cực lớn, đều phải nằm trong lý duyên khởi, cả đến những thứ không
hình tướng cũng do duyên khởi. Điện cần
đến điện âm, điện dương phối hợp. Gió cần
đến sự cách biệt về áp suất giữa hai nơi khác nhau để tạo ra sự di chuyển của
không khí. Tư tưởng con người cũng phát
ra nhờ lục căn tiếp xúc với lục trần.
Mắt có tiếp xúc với vật và nhãn thức có làm việc thì mới có sự thấy và
biết v.v...
Mỗi vật phải do những
phần tử khác hợp lại, như vậy vật đó không có “tự thể”, không có “thực
thể”. Danh từ cái bàn chỉ là một cái tên
tạm đặt cho một món đồ, lúc duyên tan thì hết cái bàn. Do đó mới có quan niệm về chữ Không, chữ
Huyễn, chữ Ảo.
Tâm Kinh Bát-nhã ghi:
“Sắc tức là không, không tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như thế”.
Nguyễn Gia Thiều viết
trong Cung Oán Ngâm Khúc:
Tuồng ảo hoá
đã bày ra đấy,
Kiếp phù-sinh
trông thấy mà đau.
Nguyễn Trãi đã nhận xét
và khuyên:
Rốt cuộc muôn
điều hư ảo cả,
Thôi luận làm
chi mất với còn.
Nhà Phật nói “Không”,
Không đây chẳng phải là “Không có gì”, chẳng phải là “không” trái với
“có”. Không đây có nghĩa là không thật,
không thật vì dựa vào duyên mà thành, hết duyên thì tan. Có, quả là có đấy, nhưng mà là giả có. Người Phật-tử hiểu lý duyên sanh sẽ nhìn sự
vật mà không mê lầm. Vua Trần Thái Tông đã viết:
Lưỡi vướng vị ngon, tai vướng tiếng,
Mắt theo hình sắc, mũi theo hương,
Lênh đênh làm khách phong trần mãi,
Ngày hết, quê xa vạn dặm đường.
Vướng
víu, bám chặt vào những sắc, thanh, hương vị, nên luân hồi mãi, quên quê của mình. Quê này ở đâu? Chúng ta cần suy ngẫm, và trở về quê. Đó chẳng qua là cái Phật tánh của mình, mình
có sẵn mà mình bỏ quên nó, có thế thôi.
6. Lý duyên khởi đưa đến một quan niệm rất đặc
biệt của Phật-giáo: đó là thuyết vô ngã một thuyết hết sức cao siêu, rất khó
thâm nhập và có thể được coi là hòn đá thử vàng của những ai tu giải thoát.
Con người là do “ngũ
uẩn” duyên hợp. Sắc, thọ, tưởng, hành,
thức là “năm uẩn”, hợp với nhau thành một con người, năm uẩn hết hợp thì hết
con người. Vậy cái “ta” chỉ là một tên
gọi cho tiện; y hệt trường hợp tên gọi cái bàn mà ta đã nói trên đây. “Tôi, của tôi”; “ta, của ta” chẳng qua chỉ là
những cách nói qui ước trong xã hội này, vì thật ra đem phân tích ngũ uẩn,
chẳng có gì là “cái ta” thật sự cả.
“Sắc” là phần vật chất, “thọ, tưởng, hành, thức” là phần tinh thần, gọi
ngắn là “thân, tâm”.
HT Walpola Rahula viết
trong sách L’Enseignement du Bouddha:
“cái mà ta gọi là một linh hồn, hay cá thể hay tôi chỉ là một tên gọi cho tiện
hay là một nhãn hiệu để đặt cho sự nhóm họp của năm uẩn ấy. Tất cả chúng đều là vô thường, tất cả đều
hằng biến”. (trích trong Con đường thoát
khổ, Thích Nữ Trí Hải dịch sách ghi trên).
Quan niệm “Không có cái
ta” là một quan niệm rất cao, rất khó và đặc biệt là rất khó thực hành. Hôm nay, chúng tôi chỉ xin giới thiệu để rồi
quí vị nghiên cứu thêm.
Đạt đến Niết-bàn là thế
nào? Là:
a. diệt được tham, sân, si,
b. hết cái ta,
c. thoát sinh tử luân hồi.
Lúc đó là thành Thánh, thành Phật.
7. Bây giờ chúng ta bước sang
chân-lý tột cùng của đạo Phật đó là vấn đề Phật-tánh. Đây thuộc lĩnh vực tuyệt
đối. Đã là tuyệt đối thì không thể dùng
ngôn ngữ, văn tự của phàm nhân chúng ta mà mô tả, mà định nghĩa, mà giới thiệu
được.
Nói tạm thì như sau: sự sự vật vật trong vũ trụ này có chung một bản thể,
bản thể này không bị luật vô thường, luật nhân quả, luật duyên khởi chi
phối. Nó “không sinh không diệt, không
nhơ, không sạch, không thêm, không bớt” như Tâm Kinh đã chỉ.
Bản thể này có nhiều tên để gọi: Phật
tánh, chân tâm, chân như, như lai tạng, bổn lai diện mục, Di-Đà tự tánh, Pháp
thân, Không . . .
Gọi gì thì gọi, chúng ta không thể học mà biết được, nghe nói mà hiểu
được. Chỉ những ai tu hành đến một mức
nào đó thì ngộ, thì hiểu.
Ngài Thường Chiếu (tịch năm 1203) viết bài kệ:
Thân tuy sống trên đời,
Tâm là như lai tạng,
Chiếu rạng cả mười phương,
Nhưng tìm thì biệt dạng.
Đạo vốn không nhan sắc,
Mà ngày càng gấm hoa,
Trong
ba ngàn cõi ấy,
Đâu chẳng phải là nhà.
Ngài Mãn Giác (tên
Nguyễn-Trường, cuối thế kỷ XI) làm bài thơ sau này:
Xuân đến trăm hoa nở.
Xuân đi trăm hoa rơi,
Trước mắt đời diễn biến,
Trên đầu già đến nơi,
Đừng nói xuân đi hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai.
Hoa rụng hết , rụng hết,
nhưng vẫn còn một cành mai. Một cành mai đó là gì vậy? Đó là tác giả muốn nói
đến chân như bất sinh bất diệt của vạn
pháp.
Cái chân như ấy cũng là
cái chân không. Nó là bản thể, nó là
một; nhưng khi hiện ra hình tướng thì vô biên tướng trạng; nước là một nhưng
sóng thì rất nhiều!
Do đó mới có câu “Chân
không diệu hữu”:
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không.
Nhập vào bản thể, đó là
thành Phật, nhà thiền gọi là kiến tánh thành Phật.
Ngài Huyền Quang khi
vịnh chùa Hoa Yên, có câu:
Biết được tính ta nên bụt thật,
Ngại chi non nước cảnh đường xa.
Nhập bản thể vũ trụ nên
tràn ngập không gian, choán hết thời gian, chiếu sáng mọi nơi, hiện hữu mọi
lúc, đủ hết năng lực, biến hóa từ chân không ra diệu hữu. Nói cho dễ, đó là Tạo hóa, là Thượng Đế, là
Ngọc Hoàng, nói nôm na là ông Trời.
Đức Phật tùy căn cơ
chúng sinh mà chỉ dạy. Đối với người
chậm hiểu, hoặc ít thời giờ tu học, Ngài dạy cho biết Phật A-Di-Đà vô lượng
quang, vô lượng thọ, làm giáo chủ cõi Cực-lạc phương Tây; hãy niệm Phật đến
nhất tâm bất loạn mà xin về đó.
Đối với người căn cơ khá
hơn, Ngài dạy cho biết “Phật tại tâm”, nói thật ra là Phật tánh có tại mỗi
người, ai tu đến kiến tánh thì thành Phật.
Cao hơn nữa, Ngài dạy
cho biết Phật tánh này là bản thể của vũ trụ, trở về được với Phật tánh này là
tự hòa mình vào vũ trụ, bao nhiêu năng lực biến hóa đều có cả. □
Chú ý: Người ta thường
dùng chữ Pháp tánh để chỉ bản thể của vạn pháp và chữ Phật tánh để chỉ bản thể
của chúng sinh.
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét