Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

12 CUNG ĐƯỜNG ĐÈO NGUY HIỂM NHẤT VIÊT NAM (1/2)

12 CUNG ĐƯỜNG ĐÈO NGUY HIỂM NHẤT VIỆT NAM (1/2)
http://haidangtravel.com/
-o0o-


1. Đèo Mã Pí Lèng, Hà Giang
Đây là cung đường chạy dài 20km uốn quanh đỉnh núi Mã Pí Lèng cao 2.000m, nối liền thị xã Mèo Vạc với Đồng Văn. Đoạn đèo này nổi tiếng với những cung đường uốn lượn như con rắn vắt mình từ ngọn núi này sang ngọn núi khác.
Con đường chạy qua đèo Mã Pì Lèng có tên gọi là đường Hạnh Phúc, được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam xây dựng từ năm 1959 – 1965. Tại đoạn đường đèo, các nhân công đã phải treo mình trên dây giữa các vách đá để thi công trong suốt 11 tháng.
Từ năm 2009, vùng núi Mã Pí Lèng đã được công nhận là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Theo đó, đèo Mã Pí Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan. Đỉnh đèo là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam.
2. Đèo Ô Quy Hồ, Lào Cai - Lai Châu
Với chiều dài gần 50km, đèo Ô Quy Hồ là con đèo giữ kỷ lục về độ dài tại vùng núi Tây Bắc. Đây cũng là một trong số những cung đường đèo hiểm trở và hùng vĩ vào bậc nhất Việt Nam.
Con đèo này nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, đèo nối liền hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu với đỉnh đèo ở độ cao 2.000m chính là ranh giới giữa hai tỉnh.
Tên gọi Ô Quy Hồ xuất phát từ tiếng kêu da diết của một loài chim, gắn với huyền thoại về câu chuyện tình yêu không thành của một đôi trai gái. Bên cạnh đó, đèo Ô Quy Hồ cũng được gọi là đèo Hoàng Liên, do vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn, hoặc đèo Mây do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ.
Đỉnh đèo Ô Quy Hồ nằm giữa mây núi ngút ngàn còn được gọi với cái tên Cổng Trời. Những năm trời lạnh, đỉnh đèo có thể phủ kín băng tuyết.
Trước kia, đoạn đèo này còn gắn với câu chuyện về những con hổ thần rình bắt người qua lại nên rất ít người dám vượt qua. Ngày nay, tuyến đường đèo đã được nâng cấp nhiều nên trở thành một cung đường xe cộ đi lại khá đông đúc.
3. Đèo Pha Đin, Điện Biên
Đèo Pha Đin có độ dài 32km với điểm cao nhất là 1.648m. Tên gọi đèo Pha Đin nguyên gốc xuất xứ từ tiếng Thái, nghĩa là “Trời và Đất”, hàm nghĩa nơi đây là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất.
Đèo Pha Đin vừa nổi tiếng hiểm trở, vừa là nơi có khung cảnh đẹp mê hồn. Trên lưng chừng đèo thường mịt mờ mây phủ, dưới chân đèo là những bản làng lác đác. Tuy nhiên, khi lên đến gần đỉnh đèo thì hầu như không còn nhìn thấy bản làng nào mà chỉ còn nền trời xanh thẳm và núi rừng hùng vĩ như hòa quyện làm một.
4. Đèo Khau Phạ, Yên Bái
Đây là con đèo dài nhất trên tuyến quốc lộ 32 với độ dài trên 30km. Và cũng là một trong những cung đường đèo quanh co, dốc đứng thuộc hàng bậc nhất Việt Nam.
Đèo nằm ở khu vực giáp giới giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, đi qua nhiều địa danh nổi tiếng như La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Tú Lệ, Chế Cu Nha, Nậm Có... ở độ cao từ 1.200m đến 1.500m so với mực nước biển.
Khung cảnh nhìn từ đèo Khau Phạ đẹp nhất vào mùa lúa chín (tháng 9 - tháng 10). Khi lúa trên chân ruộng bậc thang Tú Lệ chín vàng là thời điểm mà nhiều khách du lịch mạo hiểm chinh phục đèo để chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp này.
Ngoài những thửa ruộng bậc thang trải dài miên man, nằm bên cung đường đèo quanh co của Khau Phạ còn cả những cánh rừng già mang đậm nét nguyên sơ, lưu giữ được nhiều loại động thực vật quý hiếm.
5. Đèo Mã Phục, Cao Bằng
Đèo Mã Phục là con đèo đẹp nhất trong các con đèo trên trục đường QL3 từ Phủ Lỗ đến cửa khẩu Tà Nùng, cách Cao Bằng 22 km.
Thuộc xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, là ranh giới huyện Hòa An và huyện Trà Lĩnh.
Đường đèo Mã Phục không rộng và không nguy hiểm lắm, phía Nam con đèo đường vòng vèo lên dốc tới 4 tầng, nhưng khi lên tới đỉnh đèo thì phía Bắc chỉ có 2 cái dốc với một khúc cua, đổ dốc phía Bắc là vào địa phận huyện Trùng Khánh.
6. Đèo Tam Điệp, Ninh Bình
Ba ngọn đèo nối tiếp nhau nằm trên quốc lộ 1A, thuộc dãy núi Tam Điệp, trên địa bàn thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Đèo và núi Tam Điệp còn có tên khác là Ba Dội. Ba dãy núi đá vôi chạy suốt từ tỉnh Hoà Bình đổ về, ăn ra tận biển Đông theo hướng Tây Bắc-Đông Nam đến đây hạ thấp xuống. Chỗ núi đá hạ thấp xuống gọi là đèo. Ba đèo liên tiếp nhau gọi là Tam Điệp .
Từ phía Bắc vào, đèo thứ nhất cao 68m, đèo thứ 2 ở giữa cao 110m, đèo thứ 3 cao 80m (so với mặt biển). Phía Bắc đèo Tam Điệp lại có một cửa ải hiểm yếu án ngữ. Núi đá đứng sừng sững hai bên, giữa là một lối đi - một thế núi hùng vĩ và cũng tuyệt mỹ. Vì thế đèo Tam Điệp là một phòng tuyến, phòng ngự lợi hại, mang vị trí chiến lược trong quân sự như bức tường thành thiên nhiên án ngữ con đường ra Bắc vào Nam của đất nước.
Trên đỉnh đèo cao nhất còn tấm bia đá khắc bài thơ “ qua núi Tam Điệp “ (quá Tam Điệp Sơn) của thiệu trị khi tuần du qua đây năm 1842. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng từng có bài thơ về ngọn đèo này như sau:
Một đèo, một đèo lại một đèo
Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo
Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
Hòn đá xanh rì lún phún rêu.
---ooo0ooo--



























và núi Tam Điệp còn có tên khác là Ba Dội. Ba dãy núi đá vôi chạy suốt từ tỉnh Hoà Bình đổ về, ăn ra tận biển Đông theo hướng Tây Bắc-Đông Nam đến đây hạ thấp xuống. Chỗ núi đá hạ thấp xuống gọi là đèo. Ba đèo liên tiếp nhau gọi là Tam Điệp 三疊.