TẾT NHẬT BẢN
---o0o---
Tết là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người
Nhật là khi chào đón vị thần Toshigamisama đến thăm nhà. Những phong tục tập
quán đón Tết của Nhật Bản cũng ít nhiều có những điểm tương đồng với các nước
châu Á khác và cũng có những nét đặc sắc riêng của mình.
Trước khi
Tết đến, mọi nhà đều trang trí cây Tùng (kadomatsu) trước cửa. Tương truyền
rằng, vị thần Toshigamisama sẽ hạ giới và trú ẩn trong cây Tùng này. Ngày xưa
người ta thường dựng cây Tùng vào ngày 13/12 là ngày bắt đầu các công việc
chuẩn bị đón Tết. Còn gần đây là ngày 27 hoặc 28 nhưng người ta tránh không
dựng cây Tùng vào ngày 29 và đêm giao thừa. Ngày 29 có số 9 trong tiếng Nhật
cùng âm đọc với chữ “khổ”, còn trang trí cây vào đêm giao thừa được gọi là
Hitoyokazari được hiểu là chỉ nghênh đón thần trong một đêm nên bị cho là thất
lễ.
Ngoài ra
trên khung cửa của không ít gia đình Nhật còn trang trí các vật phẩm như đồ đan
bằng lá màu trắng, quả quýt, thừng bện bằng cỏ, dải giấy trắng… Tùng tượng
trưng cho trẻ mãi không già; quả quýt màu da cam, có âm đọc giống như "đời
đời" trong tiếng Nhật, tượng trưng cho muôn đời thịnh vượng; thừng bện
bằng cỏ được treo ở điện thờ hoặc nơi thờ cúng, kính dâng lên thần linh cầu tài
lộc; lá cây màu trắng nói lên sự trinh bạch không tì vết; còn dải giấy trắng
mang ý nghĩa tẩy sạch vết nhơ và xua đuổi tà ma. Ngoài ra, người Nhật thường
lấy tôm hùm làm đồ trang sức vì nó có hình dạng giống như cụ già khom lưng, ví
với cảnh giàu sang phú quý, cả nhà trường thọ Để đón Tết người Nhật cũng
làm vệ sinh nhà cửa thật sạch sẽ vào những ngày cuối năm, tiếng Nhật gọi là
“Osouji”. Lần vệ sinh này sẽ làm sạch tất cả mọi ngóc ngách nhỏ nhất trong nhà
mà quanh năm không có thời gian để dọn dẹp. Trong khi đó, các bà mẹ cũng chuẩn
bị những món ăn ngày Tết như làm bánh Tết và nấu món ăn tổng hợp. Bánh
Tết tượng trưng cho sự may mắn, được làm vào ngày 28 hoặc 30 Tết. Làm bánh
trong ngày 29 bị cho rằng ắt phải ăn bánh khổ, nghĩa là quanh năm phải nếm trải
khổ đau. Món ăn quan trọng nhất của năm mới là “món Tết” và “đồ nấu tổng hợp”.
Món Tết thực chất là món ăn ngọt, làm bằng các nguyên liệu thông thường như rễ
cây ngưu bàng, trứng cá, cá sardin khô, tảo ăn, khoai lang, hạt dẻ… Người Nhật
dùng những món ăn đơn giản nhưng giàu ý nghĩa tượng trưng này để ăn tết là xuất
phát từ tâm lý cầu ước vạn sự tốt lành.
Bánh tết thập cẩm và món ragu khoai sọ, cà rốt, rau xanh nấu lẫn trong
một nồi càng giàu ý nghĩa tượng trưng hơn. Đây là những đồ cúng, đồng thời cũng
là món ăn dành cho nhiều người, để nhiều người được hưởng lộc thần linh và niềm
sung sướng. Những lát cà rốt tượng trưng cho mối quan hệ gắn bó hòa thuận của
mọi thành viên trong gia đình. Còn những của khoai sọ tượng trưng cho sức mạnh
tẩy trừ tà khí.
Đêm 30 Tết,
cả nhà quây quần ăn bữa tất niên, rồi cùng ngồi đón giao thừa. Đúng 12 giờ đêm,
tiếng chuông nhà chùa thông qua kênh truyền hình truyền đi khắp cả nước. Người
Nhật tin rằng 108 tiếng chuông chùa sẽ xua đuổi 108 con quỷ sứ. Trong tiếng
chuông ngân nga, mọi người chúc tụng nhau và cùng ngồi vào chỗ của mình. Chủ
nhà ngồi trên cùng, rút quạt ra tuyên đọc lời chúc mừng năm mới, cả nhà đồng
thanh chúc tụng, sau đó cùng ăn bánh tết, uống rượu thần.
Người ta
tin rằng vị thần Toshigamisama sẽ truyền cho gia chủ một nguồn sinh lực mới vào
những chiếc bánh Tết nên sau khi cúng thần, những chiếc bánh này sẽ được chia
ra cho mọi người cùng thưởng thức để tiếp nhận nguồn sinh l ực. Nguồn sinh lực
này được gọi là toshidama có nghĩa là sức mạnh của thần Toshigamisama. Đây cũng
chính là nguồn gốc của toshidama có nghĩa là lì xì. Người ta thường cho quà,
bánh hoặc tiền cho trẻ con khi chúng đến thăm và chúc Tết để cầu mong cho chúng
được khỏe mạnh, gia tộc được an khang thịnh vượng.
Xuất hành
đầu năm, đi lễ chùa, cầu may cho cả năm cũng là một công việc trọng đại của
người Nhật Bản. Tiếng Nhật gọi là Hatsumoude. Mỗi năm sẽ có một hướng tốt khác
nhau gọi là ehou nên mỗi năm người ta chỉ đi đền chùa ở hướng tốt của năm đó
thôi. Khi viếng chùa, việc đầu tiên là rửa tay và súc miệng. Sau đó người đi lễ
sẽ tiến đến tung vào hòm công đức trước điện thờ mấy đồng tiền, gọi là tiền
hương hoa dâng lên thần phật, chắp tay lạy 2 lễ, vỗ tay 2 phát, chắp tay lại
cầu nguyện và cuối cùng lạy 1 lễ. Hành lễ xong, mọi người nộp tiền rút thẻ hoặc
mua một mũi tên thần, cầu mong thần linh che chở cho mình được sống một năm yên
ổn.
Kể từ mồng
1 trở đi, cấp dưới đi chúc Tết cấp trên, bạn bè thân thích và bà con phường xóm
cùng chúc tết lẫn nhau, người đi kẻ lại vô cùng tấp nập. Người Nhật coi đây là
cuộc thăm viếng đầu Xuân, và gọi 3 ngày đầu tháng giêng là “ba ngày chúc tụng”.
Tháng giêng trở thành tháng hòa thuận. Nhà nhà đều để sổ ký tên và bút chì
trước cổng, khách đi chúc Tết sẽ để lại địa chỉ hoặc gài danh thiếp vào trong
cuốn sổ, ý nói đã đến nhà. Cũng có người khi đi chúc Tết mang theo nhiều chiếc
khăn tay nhỏ có đề tên mình, tặng cho mỗi nhà một chiếc.
Tặng nhau
thiếp mừng năm mới cũng là nét đặc sắc trong phong tục đón mừng năm mới của
người Nhật. Nhật Bản là nước phát hành thiếp chúc mừng năm mới nhiều nhất trên
thế giới. Phương pháp đưa thiếp mừng của bưu điện Nhật rất đặc biệt. Trước hết
tập trung toàn bộ các thiếp chúc mừng năm mới rồi đem gửi đến nhà người nhận
vào đúng ngày mồng 1 Tết. Ngày này, mọi người ngồi ngắm những tấm thiếp chúc
tết muôn hình muôn vẻ từ mọi nơi gửi đến, ôn lại quá khứ, chờ đón tương lai.
Đây quả thực là sự hưởng thụ đặc biệt. Thiếp chúc mừng năm mới khởi nguồn
từ Trung Quốc, nhưng người Nhật Bản đã sáng tạo thêm tục lệ mà Trung Quốc không
có, đó là nếu năm ấy trong nhà có người qua đời, họ sẽ không được nhận hay gửi
thiệp năm mới cho bất kỳ ai. Tập tục này ra đời từ Phật giáo. Phật giáo chủ
trương, trong thời kỳ để tang không đến những nơi vui chơi giải trí, không ồn
ào ầm ĩ hoặc chè chén linh đình, mà cầu nguyện cho người chết vào chốn vĩnh
hằng bằng sự tĩnh tâm và việc làm thầm lặng của mình.
Đến ngày mồng 4 tháng giêng, các cơ quan, xí nghiệp bắt đầu làm việc. Ngày này, các công sở, công ty đều chuẩn bị bữa tiệc đơn giản để các đồng sự nâng cốc chúc nhau. Sau đó, mọi người lại trở về với những công việc thường ngày.
Đến ngày mồng 4 tháng giêng, các cơ quan, xí nghiệp bắt đầu làm việc. Ngày này, các công sở, công ty đều chuẩn bị bữa tiệc đơn giản để các đồng sự nâng cốc chúc nhau. Sau đó, mọi người lại trở về với những công việc thường ngày.
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét