BƯỚC VÀO CỬA PHẬT
Cố Hoằng Hữu NGUYỄN
VĂN PHÚ
34. NGÃ MẠN
Theo Duy thức học,
ngoài nhãn thức, nhĩ thức, tỵ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức, và còn hai
thức nữa là mạt-na-thức và a-lại-da-thức.
Thức thứ bảy tức mạt-na-thức là thức chấp ngã. Trong kinh, khi nói đến tứ
phiền não hay tứ hoặc (bốn điều mê hoặc, lầm lẫn) tức là nói đến bốn phiền não ứng
với mạt-na-thức. Đó là: ngã si (ngu si,
vô minh), ngã kiến (chỉ thấy có mình), ngã mạn (cho rằng mình hơn người), ngã
ái (chỉ thương có mình).
Mạn thường được hiểu
là kiêu, kiêu ngạo, ngạo mạn, kiêu mạn.
Nôm na, mạn là một thói xấu tự cho rằng mình hơn người. Đứng về tâm-lý mà xét thì “bệnh” mạn này có
nhiều thứ bậc.
Thấy người kém, thay
vì nâng đỡ, khuyến khích để người ta tiến lên, lại lấy làm thích thú rằng người
đó kém mình rồi tự khen mình là tài, là giỏi nên mới được hơn người như vậy, đó
là một hình thức “mạn”. Thấy người bằng
mình mà không chịu cho rằng mình đồng bậc với người ta, trái lại, tìm mọi lý lẽ
để tự biện hộ rằng mình hơn người đó, đó là một hình thức khác của “mạn”. Ấy mới nói đến giai đoạn “nhè nhẹ”.
Tiến lên một bước,
tranh lấy mình hơn, tài mình có thế thôi nhưng nghĩ mưu nghĩ mẹo để giành lấy
hơn, vậy là đã phạm điều “mạn” nặng hơn rồi.
Chưa xong, tranh hơn mà lại thêm cái tội chèn ép người khác, dìm người
ta xuống, “bước lên đầu người ta” mà trèo lên, quả là bệnh mạn đã khó chữa lắm
rồi. Sau đó, chưa thấy ai khen mình phục
mình, thì phải tìm cách trổ cái tài của mình ra, dù rằng cái tài đó hoặc là
chưa có hoặc là chỉ có chút ít chẳng đáng là bao, cái thứ mạn này là “khua
chuông gõ mõ” làm quảng cáo như mấy chú bán thuốc ngoài chợ.
Dù sao những “tội” đó
chưa bằng cái thứ “tà mạn”, không kính trọng Tam Bảo, đã không học, không tụng
kinh điển lại còn chấp thủ các tà kiến, làm chui chột luôn hạt giống lành trong
tâm linh, che lấp thêm Phật tính tuy sẵn có trong mỗi người, nhưng bị vô minh
che phủ.
Ngã là cái TA. Thông thường ai cũng nghĩ đến TA, luôn luôn
thu lợi về TA, lấy phần hơn về TA. Dù biết
rằng cái TA vật chất này sẽ có ngày chấm dứt, người ta lại nghĩ đến cái TA tinh
thần (gọi là linh hồn chẳng hạn) trường tồn, bất diệt. Hoặc giả cầu danh, cầu lợi cho nhiều để bồi
dưỡng cái TA, có ai khuyên bảo thì chặc lưỡi: “chết là hết, chẳng phải lo kiếp
sau, kiếp trước gì ráo trọi”.
Nghĩ rằng “chết là hết”
là CHẤP ĐOẠN, nghĩ rằng “có linh hồn trường tồn, bất diệt” là CHẤP THƯỜNG. Đạo Phật cho cả hai ý kiến đó là biên-kiến. Đạo Phật quan niệm cái ngã chỉ là sự hợp lại của ngũ uẩn và cái ngã chỉ
là giả mà thôi. Nó có đấy, nhưng nó là
giả, chỉ là tạm. Nhưng cái bản thể của
nó là cái Chơn-Ngã, cái Thực-Ngã, tức cái Phật tính, Như-Lai tính (có rất nhiều
danh từ trong kinh sách để gọi “cái đó”) thì quả là thực, “cái đó” mới là thực,
nhưng khó mà nghĩ bàn, nên dù có một cái tên nào đó để gọi cũng chỉ tạm là một
cái tên thôi. Hiểu cái ngã như thế là để
bước vào quan niệm vô ngã của Đạo Phật: sự sự vật vật không có tự thể, mà do
duyên khởi, liên lập với nhau, tuy nhiên đều có “thấm nhuần” một “cái gì đó”
chung cho hết thảy, cái đó tạm gọi là Phật tính vậy.
Biết vô ngã là như vậy,
nhưng cái ngã nó vẫn sờ sờ ra đấy, biết làm sao đây?
Phải tu chứ làm sao,
đức Phật chỉ cách tu, rất nhiều cách tu, từ thấp đến cao, thích hợp với căn cơ
mỗi chúng sinh.
Ngã đã như vậy, chỉ
là giả, chỉ là tạm, lại còn mạn làm chi, để mà thành “ngã mạn”?
Chấp ngã đã nặng, ngã
mạn lại nặng hơn. Vì sao? Vì càng chấp
ngã bao nhiêu, càng ngã mạn bao nhiêu, càng gây thêm nghiệp, kiếp này qua kiếp
khác, chịu quả báo luân hồi, biết bao giờ ra khỏi cảnh sinh tử luân hồi? Nói gần,
vì ngã mạn cho nên không chịu học hỏi, muốn học hỏi thêm thì cũng chẳng học bao
nhiêu vì có chịu phục ai đâu, chịu kém ai đâu, chịu nhận ai là thiện tri thức
đâu. Nói xa, vì ngã mạn cho nên không ai
muốn gần, mà có ai gần thì người ta cũng phải e dè, khó mà trở nên thân thiết
được. Phật tử mà ngã mạn không những làm
hại chính mình, mà còn làm hại cho đạo Phật nữa, vì người ngoài nhìn vào thấy
Phật tử như vậy thì đánh giá đạo Phật sai lạc đi.
Thế thì Phật tử luôn
luôn nên nhún nhường, nhũn nhặn, khiêm tốn.
Ai cũng mến, ai cũng có thể gần, vì thế có thể học hỏi thêm, kinh nghiệm
thêm, tu hành tiến được và giúp người khác được. Hành Bồ-tát đạo, đó những là bước đầu!
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét