Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

CHÓ CHĂN CỪU ĐỨC



CHÓ CHĂN CỪU ĐỨC
Sưu tầm
---o0o---
Giống chó này được gọi là Deutscher Schäferhund bởi Von Stephanitz, dịch là "chó chăn cừu Đức". Giống chó này có tên gọi như vậy vì mục đích ban đầu là tạo ra một giống chó để giúp chăn và bảo vệ cừu. Cùng với thời gian, những giống chó chăn súc vật khác ở Đức cũng được gọi bằng tên này, thì người ta gọi chúng là Altdeutsche Schäferhunde hoặc chó chăn cừu cổ. Chó chăn cừu lần đầu tiên được xuất sang Anh năm 1908, và Câu lạc bộ Kennel Anh bắt đầu ghi nhận giống này năm 1919.
Tên gọi này được sử dụng trong đăng ký chính thức, tuy nhiên tới cuối Đại chiến thế giới II, người ta ngại rằng việc dùng tên Đức sẽ làm ảnh hưởng xấu đến giống chó này, do tinh thần bài Đức thời đó. Giống chó này do vậy được Câu lạc bộ Kennel gọi là "chó-sói Alsace ", và được nhiều câu lạc bộ chó quốc tế khác chấp nhận. Cuối cùng thì tên ghép "chó-sói" cũng được ngưng sử dụng. Tên gọi Alsace tồn tại trong năm thập kỷ, cho tới năm 1977, khi những người yêu thích chó cũng thành công trong việc gây sức ép lên câu lạc bộ chó ở Anh để giống này được đăng ký trở lại với tên gọi chó chăn cừu Đức. 
Chó chăn cừu Đức có kích thước trung bình, vai rộng khoảng từ 55 đến 65 cm, nặng khoảng 22 tới 40 kg. Chiều cao lý tưởng là 63 cm, theo tiêu chuẩn của Câu lạc bộ Kennel. Chúng có đầu tròn, mõm vuông dài, và mũi đen. Chó có hàm khỏe, với răng cắn có dạng kéo. Mắt chúng có kích thước trung bình, màu nâu, nhãn quang linh động, thông minh và tự tin. Tai lớn, dựng thẳng, hướng về phía trước và song song với nhau, nhưng thường rạp về phía sau khi chuyển động. Chúng có cổ dài, thường nghểnh lên khi kích động và hạ xuống khi chạy nhanh. Đuôi rậm, kéo dài tới khủyu chân. 
Chó chăn cừu Đức có thể có nhiều màu, màu phổ biến nhất là màu sẫm/đen và đỏ/đen với nhiều biên thể. Cả hai biến thể này đều có mặt đen, thân phủ đen từ dạng "yên ngựa" đến "mền". Các màu hiếm hơn gồm màu lông chồn đen, đen tuyền, trắng tuyền, màu gan, và các biến thể màu lam. Các màu đên tuyền và màu lông chồn được chấp nhận theo hầu hết các chuẩn, tuy nhiên màu lam và màu gan thường bị coi là các khiếm khuyết nghiêm trọng, và màu trắng thường bị coi là lý do để loại ngay tức khắc do không đạt tiêu chuẩn. Điều này có lý do là màu trắng rất dễ nhận biết, khiến cho chú chó không đủ tiêu chuẩn làm chó canh gác, và khó nhận thấy trong điều kiện băng tuyết hay khi chăn cừu. 
Chó chăn cừu Đức có hai lớp lông. Lớp ngoài thường rụng suốt năm, rậm phủ sát thân, với lớp trong dày. Lông chó có hai dạng, dài và trung bình. Lông dài là biểu hiện của gene lặn, khiến cho biến thể lông dài ít thấy hơn.
Chó chăn cừu Đức được sinh sản vì sự thông minh đặc biệt của nó, một đặc tính khiến cho nó nổi danh. Chúng được coi là loài chó thông minh thứ ba, đứng sau Border Collie và Poodle. Trong quyển The Intelligence of Dogs, tác giả Stanley Coren đánh giá nòi này đứng thứ ba về trí thông minh. Ông nhận thấy chúng có khả năng học các nhiệm vụ đơn giản chỉ sau năm lần nhắc lại mệnh lệnh, và tuân thủ lệnh đầu tiên trong 95% trường hợp. Cùng với sức vóc, đặc tính này khiến cho nòi chó được ưa chuộng sử dụng làm chó cảnh sát, chó bảo vệ và chó cứu hộ, vì chúng có khả năng học nhanh chóng các nhiệm vụ khác nhau và hiểu hướng dẫn tốt hơn các loài chó khác.
Chó chăn cừu Đức rất ưa hoạt động, và được mô tả là tự chủ. Giống chó này đặc biệt rất ham học và thích nhiệm vụ. Chó chăn cừu có bản chất trung thành, và gắn bó với người quen của chúng. Tuy nhiên, chúng có thể thái quá trong việc bảo vệ gia đình chủ hay lãnh thổ, đặc biệt nếu chúng không được huấn luyện để quen với người. Đặc tính bàng quan của chúng khiến chúng dễ gần, nhưng không dễ đánh bạn với người lạ. Chó chăn cừu Đức rất thông minh và thuần, và một số người cho rằng cần "nghiêm khắc" với chúng, nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy kết quả đạt được trong việc huấn luyện chúng cũng tương tự, nếu không nói là tốt hơn, khi sử dụng biện pháp khen thưởng để huấn luyện chúng.
Chó chăn cừu Đức rất được ưa chuộng sử dụng làm chó nghiệp vu. Chúng rất có tiếng trong ngành cảnh sát, sử dụng để lần theo dấu tội phạm, tuần tra các khu vực mất an ninh, phát hiện và kiềm chế tội phạm. Thêm vào đó, hàng ngàn chó chăn cừu Đức được sử dụng bởi quân đội. Chúng thường được sử dụng để trinh sát, cảnh báo cho binh lính khi kẻ địch xuất hiện hay có mìn bẫy hoặc các hiểm nguy khác. Chó chăn cừu Đức cũng được huấn luyện để tham gia nhảy dù từ máy bay. 
 
Chó chăn cừu Đức là một trong các giống chó hay được sử dụng nhất trong các hoạt động đánh hơi. Các nhiệm vụ này bao gồm tìm kiếm và cứu hộ, tìm kiếm xác chết, ma túy, thuốc nổ, chất gây cháy, và nhiều nhiệm vụ khác. Chúng rất thích hợp cho nhiệm vụ này, vì khả năng đánh hơi nhạy bén và làm việc tập trung bất kể những gì dễ gây sao nhãng xảy ra xung quanh.
Có thời gian chỉ có chó chăn cừu Đức được chọn làm chó dẫn đường cho người mù. Trong những năm gần đây, chó Labrador và Golden Retrievers được dùng nhiều cho nhiệm vụ này, mặc dù người ta vẫn huấn luyện chó chăn cừu Đức. Vốn là một giống chó linh hoạt thông minh, chúng có khả năng xuất sắc trong nhiệm vụ này, nhờ có tinh thần trách nhiệm, thần kinh vững vàng, tinh thần dũng cảm và lòng gắn bó với chủ nhân.
Chó chăn cừu Đức thường được sử dụng để chăn dắt cừu tại các đồng cỏ gần vườn tược và đồng ruộng. Chúng được sử dụng để ngăn cừu vượt ranh giới và phá hoại hoa màu. 
---ooo0ooo---


Không có nhận xét nào: