Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

THẮNG CẢNH THÁI LAN - 3.BANGKOK





THẮNG CẢNH THÁI LAN (3)
---o0o---
THÀNH PHỐ BANGKOK
Bangkok nằm ở phía nam Thái Lan, cách vịnh Bangkok chừng 20 km. Diện tích thành phố là 1.568 km2 tính cả ngoại thành, với dân số 5.500.000 người. Dòng sông Mekong mà người Thái gọi là “Sông Mẹ” từ từ chảy qua phía tây thành phố, chia thành nhiều nhánh khiến Bangkok nhằng nhịt sông ngòi, địa thế trũng thấp, từng bị gọi là “Biển bùn”. Người dân Bangkok đào nhiều hào, bắc cầu như những dải lụa băng qua sông. Nhiều người Bangkok cất nhà bằng gỗ và lá dừa dọc theo sông rạch. Sóng lượn nhấp nhô, thuyền ghe đu đưa theo sóng, nhà sàn hai bên bờ sông in hình xuống mặt nước lung linh bồng bềnh, trông đẹp như tranh, hiện rõ hình ảnh một thành phố trên mặt nước. Vì thế, Bangkok được mệnh danh là “Thành phố Venice của phương Đông”.
Đường sông, kênh rạch uốn lượn quanh tạo nên phố phường ngõ hẻm. Ghe xuồng, thuyền máy thay thế cho xe cộ. Hằng ngày, ở sông lớn hay kênh rạch nhỏ đều có ghe xuồng nườm nượp ngược xuôi như mắc cửi. Những chiếc ghe lườn độc mộc thon dài như lá liễu chở đầy rau quả, đồ gia dụng… chèo dọc theo kênh rạch rao bán hàng. Những người mua hàng với xuống mũi thuyền chọn những thứ mình cần mua, hình thành những điểm bán hàng lưu động nối tiếp nhau không dứt. Nhiều tiệm bán hàng cất nhô ra bờ sông cũng tranh nhau mọc lên buôn bán. Ánh nắng mặt trời lấp lánh chiếu xuống lung linh, tiếng mái chèo khua nước, tiếng rao hàng lanh lảnh hoà tan trên dòng sông và lan toả hai bên bờ sông, tạo cảnh đẹp của buổi chợ trên sông huyên náo. Hàng năm, đến ngày 15/12 theo lịch Thái (tức khoảng giữa tháng 11 dương lịch) là đêm rằm, trăng tròn vành vạnh. Vầng trăng sáng lơ lửng treo trên cao, chiếu ánh sáng mát dịu xuống người dân cầm đèn lồng chơi trăng. Từ khắp mọi nơi, họ đổ ra sông và kênh rạch để mừng ngày lễ truyền thống thả đèn trên sông. Người ta làm lồng đèn bằng lá chuối rồi cắm nó lên thân cây chuối đã được chặt ra, kết thành bè. Họ còn làm lồng đèn hình con chim, hình chiếc thuyền bằng vỏ dừa nhuộm màu và kết thêm giấy bạc kim tuyến. Hoặc người ta làm lồng đèn hình hoa sen bằng giấy… Khi thả đèn, trước tiên họ nhìn vào mặt nước, quỳ xuống, chắp tay vái, sau đó thả đèn xuống nước, chăm chú đưa mắt theo dõi chiếc đèn trôi sông đã đem phúc về và mang đi mọi điều bất hạnh hay tai hoạ.
Những năm gần đây, lễ thả đèn trên sông còn mang nhiều nét mới. Đêm lễ thả đèn, khi bóng đêm buông xuống, từng đôi trai gái cầm những chiếc đèn lồng thật đẹp ra bờ sông. Họ đốt nến trong lồng đèn, cung kính giơ cao chiếc đèn rồi từ từ đặt xuống mặt nước. Các đôi uyên ương kề vai nhau và quỳ xuống, chắp tay khấn vái cầu mong thần sông phù hộ họ sau khi cưới sẽ sống hoà thuận, hạnh phúc đến đầu bạc răng long. Trăm nghìn ngọn đèn thả trên mặt nước, chiếu sáng hàng hàng lớp lớp người đứng dọc hai bên bờ sông. Cùng ngày này còn tổ chức nhiều cuộc vui văn nghệ như thi thả đèn, thi hát chèo thuyền… Ngày lễ chèo thuyền diễn ra êm đẹp như một giấc mơ, càng tạo thêm cho Bangkok sức hấp dẫn của một “Thành phố nước”.
Bangkok còn là một thành phố bao trùm màu sắc thần bí. Tên gọi của thành phố này cũng chứa đựng tính thần bí và thú vị đó. Năm 1782, vua Thái là Rama I đặt cho thành phố một tên gọi dài theo tiếng Bali là ngôn ngữ thường dùng khi chép kinh Phật, ghép rất nhiều tên gọi đẹp vào tên kinh đô mới. Đó là “Thành phố thần tiên, thành phố vĩ đại, nơi ở của Phật ngọc, thành phố bất diệt, kinh đô to lớn trên đời được tặng 9 viên kim cương, thành phố hạnh phúc”. Theo phong tục của nhiều nước phương Đông, tên gọi càng dài thì càng cao quý và sang trọng nên vua Rama mới đặt cái tên này cho kinh đô. Thường ngày, người ta không thể gọi cái tên dài như vậy nên chỉ gọi một từ đầu tiên là “Kungdeb” có nghĩa là “kinh đô tiên”. Tên gọi Bangkok là do người phương Tây phiên âm ra.
Bangkok thần bí thường do đường phố, ngõ hẻm của nội thành. Đâu đâu cũng có thể thấy đền chùa miếu mạo, vì thế Bangkok còn được gọi là “Kinh đô của chùa Phật”. Nước Thái còn có tên gọi là “Nước Phật áo vàng” với 95% dân số theo đạo Phật. Nam giới, từ vua cho đến thứ dân, ai cũng phải một lần trong đời xuống tóc đi tu làm tăng sư. Thời gian xuống tóc vào chùa nếu ngắn là ba tháng, dài là cả đời. Phật giáo đã hoà sâu vào đời sống văn hoá - xã hội Thái. Mỗi buổi sáng sớm, trong tiếng chuông tụng kinh của chùa, họ đi hành khất hoá kiếp. Người đi đường cùng người bái lễ, dâng lên tăng sư nhiều thức ăn ngon. Cuối ngày, hoàng hôn buông xuống là lúc các chùa vọng ra tiếng tụng kinh theo âm tiếng Phạn, hòa cùng tiếng chuông mõ trầm đều, ngân nga, tạo nên một thế giới Phật đường trang nghiêm và từ bi. Toàn thành phố Bangkok có hơn 400 ngôi đền chùa, kiến trúc đẹp và lộng lẫy. Trong đó, Ngọc Phật Tự, Kim Phật Tự và Ngoạ Phật Tự được coi là quốc bảo của Thái Lan. Ngoài ra, còn có nhiều chùa khác như chùa A Lông, chùa Đại Lý, chùa Vân Thạch, chùa Tam Bảo Công… đều rất nổi tiếng ở Bangkok.
Ngọc Phật Tự là ngôi chùa lớn nhất Bangkok, còn có tên là Hộ Quốc Tự, do các khu kiến trúc hợp lại: Diện Phật Ngọc, Tháp Xương Phật, Gác Tàng Kinh, Tháp Vàng…, là một bộ phận của Đại Vương cung. Trong chùa có rất nhiều tượng Phật và điện thờ. Đây là nơi tập trung những nét ưu tú nhất về kiến trúc chùa Phật ở Thái Lan, trong đó, điện Phật Ngọc là điện lớn nhất, trang nghiêm, linh thiêng, bao trùm bầu không khí tôn giáo. Bên ngoài điện có tượng vị thần giữ cửa cao to hơn người thật. Trên tường, dọc theo hành lang là những bức tranh liên hoàn khổ lớn, nhiều màu sắc, miên tả những câu chuyện truyền thuyết thần thoại của Thái Lan. Trên bệ Phật làm bằng vàng là bàn thờ Phật Ngọc tạc bằng một tảng bích ngọc nguyên khối, cao 66 cm. Người ta cho rằng, bức tượng Phật Ngọc quý giá nhất nước này được tìm thấy khi một bức tượng Phật bằng thạch cao bị nứt ra, ở miền Bắc Thái Lan. Ngày nay, tượng Phật Ngọc trở thành biểu tượng tối cao của nhà vua Thái Lan. Mỗi năm, vào ba mùa nắng, mưa và mát, vua Thái đều thân chinh đến thay chiếc áo kết bằng nhiều sợi vàng khoác trên mình Phật Ngọc để cầu Phật phù hộ quốc thái dân an. Tháng 5 hàng năm, trước ngày ra đồng làm lễ vụ lúa xuân, nhà vua còn đến đây làm lễ theo nghi thức tôn giáo, cầu khấn được mùa.
Còn rất nhiều di tích và thắng cảnh khác ở thủ đô Bangkok. Đại Vương cung cũng là một kiệt tác về kiến trúc nổi tiếng gần xa. Vương cung nằm bên bờ phía đông sông Mekong, xây cất từ năm 1782, từng là cung điện của hoàng gia nên được gọi là Cố cung. Đây là một quần thể kiến trúc lớn, nằm trên diện tích 220.000 m2, được bao bọc bằng một bức tường màu trắng dài gần 2 km, cao 5 m, có tháp canh ở hai góc đông và tây. Đại Vương cung bao gồm ba toà cung điện và một ngôi chùa. Toàn bộ kiến trúc này được sơn màu trắng, hoàn toàn theo phong cách kiến trúc Xiêm La. Hầu như mọi cung điện đều là những kiến trúc cổ xây theo kiểu tháp Phật hoặc theo hình dáng chiếc mũ của nhà vua. Đỉnh tháp nhọn hoặc dựng thẳng lên không trung, ngói lưu ly xanh đỏ chen nhau xếp lớp như vảy cá, lấp lánh rực rỡ. Cung điện lớn nhất của Đại Vương cung là cung Chachi, kiến trúc pha lẫn giữa Thái và phương Tây. Đây vốn là nơi ở và thiết triều của nhà vua, nay là nơi trình quốc thư của đại sứ các nước. Bên phải cung Chachi là cung Lushi và đối diện Lushi và cung Amalin mang rõ phong cách kiến trúc đền chùa.
Ngoại thành Bangkok còn nhiều công viên, thành quách cổ xưa, tháp vàng, khu nuôi cá sấu… thu hút đông đảo du khách đến xem. Hàng năm, Bangkok đón khoảng 1, 5 triệu du khách nước ngoài đến thăm quan, trở thành một trong những thành phố có ngành du lịch phát đạt nhất châu Á.
---ooo0ooo---





Không có nhận xét nào: