Thứ Bảy, 16 tháng 3, 2013

THẮNG CẢNH THÁI LAN - 5. KINH ĐÔ CỔ AYUTTHAYA



THẮNG CẢNH THÁI LAN (5)
---o0o---
5 – KINH ĐÔ CỔ AYUTTHAYA
Một trong những kỷ nguyên vàng trong lịch sử Thái Lan là thời kỳ từ 1350- 1767 khi Ayutthaya là kinh đô của vương quốc. Vua Ù Thoong đã cho xây dựng kinh đô này vào năm 1350. Khi lên ngôi vua lấy hiệu là Ramathibodi (Ra-ma-thip-bo-đi) I, ông đã cho di dân từ Ù Thoong, một huyện đang gặp nạn đói ở tỉnh Sụ-păn-bụ-ri (Supanburi) tới một vùng đất mới, nơi này được lấy tên là Ayutthaya (tên của một vùng đất thiêng của Vua Rama trong sử thi nổi tiếng Ramayana của Ấn Độ), có nghĩa là "bất khả chiến bại".
Thật ra thì Ayutthaya đã là một thành phố thịnh vượng từ trước khi nó được lập làm kinh đô của vua Ù Thoong. Người ta cho rằng, trước khi người Thái đến đây, vùng này là nơi cư trú của một nhóm người Khơme hay người Campuchia - những người chủ của vùng Lavo (chính là Lopburi ngày nay). Thành phố Ayutthaya nằm trên một hòn đảo/ cù lao ở nơi hợp dòng của 3 con sông Chao Phraya (Chao Phrắ -ya), Pasak (Pạ-sặc) và Lopburi (Lốp-bụ-ri). Vì vậy nơi đây đã trở thành một trung tâm thương mại và thông tin liên lạc nhộn nhịp, sầm uất.
Vương quốc này được rất nhiều người Âu châu biết và chú ý đến, bởi vì đây là lúc mà người phương Tây bắt đầu tiến sang phương Đông và rất nhiều người đã tới thăm Ayutthaya.
Vào thời kỳ cực thịnh của Ayutthaya, văn hóa Thái và thông tin liên lạc quốc tế rất phát triển. Thời kì kinh đô Ayutthaya được xem như là đỉnh cao của lịch sử Thái Lan.
Ayutthaya đã là kinh đô trong một thời gian dài 417 năm, với sự cai trị của 33 vị vua thuộc 5 vương triều Xiêm cho đến khi kinh đô này bị người Miến Điện (Mianma) xâm lược. Kinh đô bị thất thủ đã bị bỏ quên trong rừng đến hơn 100 năm sau mới xuất hiện trở lại như một di tích của đất nước.


Ayutthaya cách thủ đô Băng Cốc 85km về phía Bắc. Có thể tới đó bằng đường bộ, đường sông và tàu hỏa. Những di tích đền đài, cung điện nguy nga của kinh đô cổ vẫn còn đó như một minh chứng cho một thời kỳ huy hoàng đầy danh tiếng.
---ooo0ooo--








Không có nhận xét nào: