Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2013

NUJOOD ALI 10 TUỔI XIN LY DỊ



Bạn Nguyệt Thanh (TP HCM) giới thiệu :
Em Tên Là Nujood, Mười Tuổi, Xin Ly Dị.
---o0o---
· Trên đây là tựa đề cuốn tiểu thuyết kể lại hoàn cảnh đau lòng của các em bé gái ở nước Yemen. Gia đình em Nujood bắt em phải làm vợ một người đàn ông lớn tuổi vào lúc em mới 10 tuổi. Em bị đánh đập, hành hạ, và cha mẹ em từ chối giúp đỡ. Vì thế, em phải tìm cách tự cứu lấy mình. Em chạy đến tòa án xin quan tòa cho em được ly dị người chồng của em.
· Câu chuyện thương tâm của em Nujood đã làm thay đổi luật lệ về tục lệ tảo hôn ở quốc gia theo Hồi Giáo. Chúng tôi dịch phần tóm lược cuốn truyện đăng trên Reader’s Digest tháng 1 năm 2013.
  “Đầu óc em quay mòng mòng – Chưa bao giờ em trông thấy một đám đông nhiều người đến như thế. Ngoài sân tòa án, người ta đang vội vã, tấp nập từ mọi phía, đổ dồn về đây. Chẳng ai trông thấy em: Em nhỏ bé quá so với những người này. Năm nay em mới được mười tuổi, không chừng chưa đủ mười tuổi. Nào có aí biết rõ em bao nhiêu tuổi?”
NGƯỜI TA ĐỒN RẰNG QUAN TÒA là người giúp đỡ những kẻ cô thế. Vì vậy, tôi phải tìm cho được một vị quan tòa, và kể cho ông ta nghe câu chuyện của tôi. Tôi mệt bã cả người. Trời nóng bức quá, tôi còn phải mang tấm lưới che mặt, đầu tôi nhức như búa bổ, và tôi cảm thấy xấu hổ quá chừng.
Tôi dáo dác ngó quanh, để ý canh chừng những người cảnh sát mặc đồng phục. Nếu họ trông thấy tôi, họ có thể bắt tôi. Một con bé mười tuổi dám bỏ nhà đi hoang. Tôi sợ đến run rẩy cả chân tay, tôi cố tìm xem có người phụ nữ nào mang lưới che mặt đi ngang qua, để hỏi thăm. Gặp một bà, tôi vội vàng lên tiếng hỏi thăm: “Cháu muốn tìm gặp một vị quan tòa.”
Hai con mắt sau tấm lưới màu đen mở to ra để nhìn em, ngạc nhiên hỏi: “Em muốn gặp ông quan tòa nào?”
“Ông nào cũng được. Cứ dẫn cháu đi gặp một ông quan tòa đi.”
Bà ta nhìn tôi chòng chọc, kinh ngạc khi nghe tôi trả lời như vậy.
Cuối cùng, bà ta nói: “Em đi theo tôi.”.
Cánh cửa căn phòng được mở ra. Trong phòng có rất nhiều người, và ở cuối căn phòng, tôi trông thấy một người đàn ông ngồi ở đó với nét mặt gầy ốm, và bộ râu mép. Cuối cùng thì tôi cũng gặp được một vị quan tòa. Tôi ngồi xuống, ngả lưng ra sau ghế, chờ đến lượt mình.
Đang mơ màng lim dim chợp mắt ngủ, tôi nghe tiếng người đàn ông hỏi: “Ta có thể giúp gì được cho cháu?”. Tiếng nói của người này nghe rất êm ái, dịu dàng. Tôi đưa tay lên dụi mắt cho tỉnh ngủ, và nhận ra người đang đứng trước mặt tôi chính là vị quan tòa có râu mép.
Thỏa Ước Giữa Cha Tôi và Một Người Đàn Ông
Ở Khardji, một ngôi làng nhỏ bé nơi tôi sinh ra, thuộc xứ Yemen, người phụ nữ không được phép chọn lựa khi lập gia đình. Mẹ tôi, bà Shoya lập gia đình với cha tôi, ông Ali Mohammad al-Ahdel, khi bà mới được 16 tuổi. Bà lấy chồng theo sự sắp xếp của gia đình, không một lời phản đối. Sau đó bốn năm, khi cha tôi quyết định muốn lấy thêm một bà vợ thứ hai, mẹ tôi chỉ biết ngoan ngoãn vâng lời. Tôi cũng ở trong trường hợp giống mẹ tôi, nghĩa là đồng ý lập gia đình theo ý muốn của cha mẹ, không có ý kiến, và cũng không ngờ mình bị lâm vào hoàn cảnh nguy hiểm. Ở tuổi còn nhỏ, tôi không có nhiều câu hỏi để thắc mắc.
Mẹ tôi sinh ra tôi, và 15 anh chị em khác ngay tại nhà. Tôi thường gọi mẹ tôi là Omma hay Mama. Khi lớn lên, tôi chỉ biết quan sát sự chăm lo việc nhà của mẹ tôi cho đến lúc tôi biết theo đuôi mấy bà chị giúp mẹ làm việc nhà. Tôi cứ theo hai chị lớn, nghe mẹ và các chị bảo làm gì thì làm. Hai chị rủ đi lấy nước ngoài con suối đem về nhà, tôi cũng đi theo. Khi tôi được hai hay ba tuổi, bỗng dưng xảy ra một vụ đánh nhau dữ dội giữa cha tôi với vài người trong làng. Chúng tôi bị buộc phải dọn đi nơi khác ngay lập tức.
Khi gia đình chúng tôi đến thành phố Sana, chúng tôi bị “sốc” nặng về cuộc sống mới ở thành phố chính trong vùng. Nó hết sức ồn ào, bụi bậm, khác hẳn với đời sống êm đềm ở dưới làng quê. Chúng tôi sống trong một bin đinh tồi tàn ở khu Al-Qa. Sau một thời gian dài chật vật tìm việc, cha tôi được làm phu quét đường cho sở vệ sinh.
Tôi được cắp sách đi học năm đầu ở trường tiểu học, và là họ trò giỏi. Tôi sắp sửa lên năm học thứ hai thì một buổi chiều tháng Hai năm 2008, cha tôi- tôi vẫn gọi người là Aba- đi làm về nói với tôi rằng ông có một tin vui cho tôi.
“Nujood, con sắp sửa lập gia đình rồi.”
Tin này đến với tôi thật là bất ngờ, không biết tử đâu tới. Tôi thực sự chẳng hiểu gì cả. Lúc đầu tôi cảm thấy hình như đó là điều tốt, vì tôi sẽ được ra khỏi nhà, ở riêng. Cuộc sống trong nhà chật chội, tù túng đến ngộp thở. Aba (cha tôi) không tìm được việc làm toàn thời gian sau khi ông bị mất việc làm phu quét đường cho sở vệ sinh. Vì thế, tháng nào ông cũng lâm vào hoàn cảnh trả tiền thuê nhà trễ nãi. Mấy đứa em trai của tôi đứng ngoài đường chặn xe hơi ở ngã tư để bán cuộn giấy chùi tay kiếm được vài cắc bạc. Sau đó đến lượt chị Haifa cũng phải ra đường bán hàng, và rồi đến lượt tôi. Tôi không thích cái việc rượt chạy theo xe để bán hàng.
Lúc gần đây, Aba thường hay ngồi la cà, nhai lá thuốc phiện “khat” với bạn bè. Ông bào chữa là nhai lá “khat” giúp ông khuây khỏa, bớt chán đời. Qua ba cái vụ ngồi lê, nhai lá “khat” như vậy, cha tôi được một người đàn ông khoảng trên dưới 30 làm quen với ông. Hắn nóí với cha tôi: “Tôi muốn hai gia đình chúng ta kết nghĩa với nhau.”
Người đàn ông đó tên là Faez Ali Thamer, làm nghể giao hàng. Hắn cũng là dân vùng Khardji giống như gia đình tôi, và đang có ý định đi tìm vợ. Cha tôi nhận lời cầu hôn của hắn. Thế là sau hai chị tôi, đến lượt tôi phải lập gia đình ra ở riêng.
Chiều tối hôm đó, tôi nghe lóm được câu chuyện giữa chị Mona và cha tôi.
Chị tôi cằn nhằn cha tôi: “Em Nujood còn bé quá, sao cha lại đem gả chồng cho nó.”.
Cha tôi lý sự: “Đó là cách hay nhất để bảo bọc cho nó. Nó sẽ không bị người lạ hãm hiếp, và không bị làm đề tài để nói xấu hay dèm pha. Người đàn ông này rất đàng hoàng, đứng đắn. Anh ta hứa sẽ không đụng vào người con Nujood cho đến khi nó đủ khôn lớn. Ngoài ra, gia đình mình không có đủ tiền để nuôi cả nhà đông con.”.
Mẹ tôi không nói một lời nào cả. Bà có ý buồn lòng, nhưng ngậm câm không nói ra. Ở nước tôi, đàn ông là chủ gia đình, quyết định mọi chuyện.
Đám cưới được tổ chức.
KẾ HOẠCH CHUẨN BỊ ĐÁM CƯỚI CHO TÔI được tiến hành như dự liệu, và tôi sớm nhận ra những điều bất hạnh sẽ xảy ra cho tôi từ lúc tôi nghe nói gia đình bên chồng quyết định sẽ không cho tôi đi học nữa. Tôi thích đi học, và yêu trường học. Đối với tôi những giờ cắp sách đi học đến trường là những giây phút thần tiên. Chỉ có ở trường học tôi mới có thể trốn khỏi được sự tù túng, khó khăn của cuộc sống. Trường học là nơi ẩn náu bình yên cho tôi.
Vào ngày đám cưới của tôi, các cô bạn, chị em họ đứng chờ sẵn hai bên đường để reo hò, và vỗ tay khi họ trông thấy tôi đi ra. Nhưng lúc đó, mắt tôi nhòa lệ, không còn trông thấy ai cả.
Từ phiá sau chiếc xe hơi loại SUV, đậu truớc cửa nhà tôi, một người đàn ông thấp, lùn nhìn tôi chằm chặp. Ông ta mặc bộ quốc phục “zana” mầu trắng, trên mép có hàng râu mỏng. Mái tóc cắt ngắn của ông bôi dầu bóng láng, mặt ông được cạo sơ sài, cẩu thả. Ông ta không được đẹp trai cho lắm. Người đó chính là Faez Ali Thamer! Chồng tương lai của tôi.
Khi chiếc xe nổ máy, người tài xế lái xe đi. Tôi chợt tỉnh ngộ và bắt đầu khóc thầm, mặt tôi tì lên cửa kính xe hơi. Tôi nhìn mãi về phía căn nhà thân yêu của tôi cho đến khi hình ảnh cha tôi nhỏ dần.
Một người đàn bà đứng chờ tôi ở bực cửa căn nhà bằng đá ở vùng Khardji. Tôi linh cảm thấy ngay bà ta không mấy gì ưa tôi. Bà mẹ chồng mới của tôi già lắm, lớp da trên mặt bà nhăn nheo như da con kỳ đà. Bà ra dấu cho tôi bước vào nhà. Bên trong căn nhà bầy biện rất sơ sài, không có bàn ghế tủ giả gì nhiều. Căn nhà có bốn phòng ngủ, một phòng khách, và một cái bếp nhỏ.
Tôi ăn bữa cơm có thịt do em gái của chồng tôi làm sẵn, ăn chung với mọi người. Sau bữa ăn, những người lớn tuổi trong làng ngồi nói chuyện, và ngồi nhai lá “khat” chuyện vãn với nhau. Không ai để ý đến tuổi tác quá nhỏ của tôi. Về sau tôi mới hiểu rằng lấy con gái nhỏ tuổi là chuyện thường xảy ra ở miền quê. Ở một bộ lạc, người ta còn nhắc nhở cho nhau nghe một câu châm ngôn xưa là: “Muốn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, thì nên lấy một cô gái chín tuổi.”.
Tôi cảm thấy an lòng khi được đưa về phòng riêng của mình. Một tấm chiếu dài được trải trên nền nhà: đó là cái giường của tôi. Mệt quá, tôi nằm lăn ra ngủ, chẳng cần tắt đèn.
Phải chi tôi được ngủ luôn một giấc dài vô tận thì hay biết mấy. Khi cánh cửa bị đẩy mạnh, mở ra, làm tôi thức giấc. Chưa kịp mở to đôi mắt, tôi đã ngửi thấy cái mùi mổ hôi nhớp nhúa, và một thân hình đầy lông lá đè lên người tôi. Ai đó đã thổi tắt ngọn đèn dầu, làm cho căn phòng tối đen như mực. Thì ra người đó là hắn ta. Tôi nhận ra hắn vì cái mùi hôi của thuốc lá, và mùi lá “khat” tỏa ra từ người hắn. Hắn cạ người hắn vào người tôi.
Tôi thở dài, năn nỉ: “Đừng, đừng đụng vào người tôi. Hãy để cho tôi yên.”
“Em là vợ của tôi mà! Sao vậy?”.
Tôi đứng bật dậy, cửa căn phòng chưa khép kín. Tôi nhìn thấy tia sáng mờ từ bên ngoài lọt vào, tôi phóng mình chạy ra ngoài sân.
Hắn đuổi theo tôi.
Tôi hét lên: “Cứu tôi với! Làm ơn cứu tôi.”. Tôi khóc oà lên.
Tiếng khóc của tôi vang vọng vào giữa đêm yên tịnh. Nhưng hình như đó là tiếng la hét trong hư không, vô vọng. Tôi chạy thật nhanh, thở hổn hển. Tôi vấp ngã, và lại ráng đứng dậy chạy tiếp. Nhưng cánh tay cứng rắn của hắn đã túm lấy được tôi, lôi tôi trở lại căn phòng ngủ, đẩy mạnh tôi nằm xuống chiếu. Tôi cảm thấy như mình bị tê liệt toàn thân, như người bị trói chặt.
Hy vọng tìm được một người phụ nữ làm đồng minh đến tiếp cứu. Tôi kêu cứu bà mẹ chồng: “Amma! Dì ơi đến cứu con.”
Không có ai lên tiếng trả lời, hay chạy đến cứu tôi.
Khi hắn cởi bỏ bộ sà rông cuốn trên người. Tôi lăn tròn người trên chiếu để tự vệ, nhưng hắn bắt đầu lột quần áo ngủ của tôi ra.
Tôi lại tìm cách bỏ chạy, và nói với hắn: “Tôi sẽ về mách với cha tôi.”.
“Mày muốn về nói gì với cha mày cũng được. Chính ông ấy là người đã ký giao kèo với tao kia mà.”
“Ông không có quyền đụng vào tôi.”
Hắn bắt đầu cười to, thái độ khinh mạn, đểu cáng.
“Mày bây giờ là vợ của tao rồi. Mày phải làm đủ mọi thứ tao muốn.”.
Bỗng nhiên tôi cảm thấy mình như bị cuốn bay đi trong một cơn bão to, người tôi bị ném lên không trung, ném vào mưa bão, và tôi không còn hơi sức để chống cự được nữa. Có cái gì đó đang âm ỉ cháy ở tận sâu trong đáy lòng. Bất kể tôi gào thét, kêu cứu ra sao, vẫn không có ai đến cứu tôi. Tôi cảm thấy đau đớn vô cùng. Tôi hét lên tiếng thét cuối cùng, và ngất đi, không còn biết gì nữa.
 Tôi quyết định chạy đi trốn.
Tôi phải tự thích ứng với cuộc sống mới thật nhanh, tôi không có quyền bỏ nhà ra đi, không có quyền than phiền, và không có quyền từ chối làm bất cứ điều gì. Ban ngày tôi phải rắm rắp tuân lệnh bà mẹ chồng: Đi hái rau, chùi nền nhà, rửa chén. Khi nào tôi ngừng tay, nghỉ một chút là bị bà mẹ chồng nắm tóc kéo.
Chồng tôi ra khỏi nhà từ sáng sớm, và trở về trước lúc mặt trời lặn. Mỗi khi tôi nghe hắn về đến nhà, là tim tôi đau thắt lại vì sợ hãi, hoảng hốt. Khi màn đêm buông xuống là tôi biết chuyện gì lại sắp xảy ra. Cũng những hành động dã man bỉ ổi được tái diễn nhiều lần. Lần nào cũng đem lại đau đớn, và buồn chán cho tôi. Vào ngày thứ ba, hắn bắt đầu đánh tôi. Lúc đầu đánh bằng tay, sau đó đánh bằng gậy. Mẹ hắn ở bên cạnh còn nói đốc thêm vào. Bà bảo con trai bà cứ đánh nữa đi.
Mỗi khi hắn lên tiếng chê trách tôi, là bà lại xúi : “Đánh mạnh vào mắt nó – Nó phải nghe lời con- Nó là vợ của con mà.”.
Tôi sống trong nỗi sợ hãi vô cùng tận. Khi nào có cơ hội ở nhà một mình, tôi trốn trong một xó góc nhà, ngồi một mình, ngẩn ngơ suy nghĩ không hiểu vì sao đời tôi lại khốn khổ thế. Một buổi sáng, chán cái cảnh trông thấy tôi ngồi khóc cả ngày, hắn bảo tôi là hắn cho phép tôi về thăm cha mẹ. Cuối cùng thì tôi cũng được toại nguyện, về thăm gia đình một chuyến. 
Vừa về đến nhà, gặp cha tôi. Ông nói ngay: “Nujood. Bây giờ con đã là người phụ nữ có gia đình. Con phải ở với chồng con. Nếu con ly dị chồng con, anh em, họ hàng của cha sẽ giết cha mất. Danh dự của gia đình là trên hết.”.
Tôi bèn đi thăm dì Dowla. Bà là vợ thứ hai của cha tôi. Bà sống với năm đứa con của bà trong một apartment rất nhỏ gần nhà của chúng tôi. Tôi leo hết bực cầu thang, vừa đi vừa bịt mũi vì mùi hôi thối của đống rác, và dãy cầu tiêu công cộng gần đó. Dì Dowla mở cửa đón tôi vào với nụ cười rạng rỡ trên môi.
“Nujood! Con đến thăm dì, làm dì ngạc nhiên quá. Dì mừng được gặp lại con. Vào nhà chơi đi con.”.
Tôi rất thích dì Dowla. Dì có dáng cao và gầy. Dì đẹp hơn mẹ Omma của tôi nhiều, và dì không bao giờ rầy la tôi. Tội nghiệp dì sống khổ lắm. Cha tôi hầu như không bao giờ ngó ngàng đến dì. Nghèo quá, dì phải ra đường đi ăn xin.
Tôi dốc bầu tâm sự kể cho dì nghe hoàn cảnh hiện tại của tôi. Câu chuyện làm cho dì xúc động mạnh. Dì lặng yên suy nghĩ một hồi lâu, trong lúc dì pha trà cho tôi uống. Đưa chén trà cho tôi, dì nhìn thẳng vào mắt tôi, cúi đầu nói thật chậm, và rõ ràng:
“Nujood, nếu không có ai muốn nghe hoàn cảnh của con, con phải đi đến tòa án để trình bày trường hợp của con.”. Dì nói nhỏ bên tai tôi.Tôi hỏi lại cho rõ:
“Đi đâu hả Dì?”
“Đi đến tòa án làm gì?”
Trong chớp mắt, những hình ảnh các vị quan tòa đầu chít khăn cao, các luật sư đi đứng vội vàng trong tòa án, và những người dân thường đàn ông, đàn bà ra tòa để thưa kiện về những việc rắc rối trong gia đình, trộm cắp, tranh dành tiền thừa kế. Tôi đã được xem trên truyền hình về sinh hoạt ở tòa án tại nhà một người hàng xóm.
Dì Dowla tiếp tục giải thích thêm: “Con hãy ra tòa hỏi thăm xem quan tòa có thể giúp gì cho con được không. Công việc của họ là giúp đỡ nạn nhân bị hà hiếp.”.
Sáng hôm sau, tôi nôn nóng ngồi chờ mẹ tôi thức dậy. Bà đến và cho tôi 150 đồng rials. Bà dặn dò: “Con cầm lấy tiền ra mua bánh mì để ăn sáng.”.
“Thưa mẹ vâng!”.Tôi ngoan ngoãn trả lời mẹ tôi.
Tôi đi theo con đường quen thuộc để đến tiệm bánh mì. Nhưng đến phút chót, tôi đổi ý, ra đường lộ chính mà đi.
Tuy vậy, tôi không biết tòa án ở đâu. Trong đầu tôi lúc đó đầy ắp những lo âu, sợ hãi. Bị choáng mắt vì ánh đèn sáng trưng trên đường phố chính, tôi cố gắng trấn tĨnh, sắp xếp những ý nghĩ lộn xộn trong đầu cho có thứ tự. Trông thấy một chiếc Taxi chạy ngang, tôi dơ tay ra vẫy taxi. Tôi muốn dùng taxi đi đến Bab-al-Yemen để gặp chị Mona trước đã.
Xe taxi ngừng. Ngồi vào trong xe, tôi lại đổi ý và nói: “Tôi muốn đi đến tòa án.”
 
Gặp Ông Quan Tòa
Chánh án Abdo không dấu nổi sự ngạc nhiên, hỏi lại tôi: “Có phải con muốn xin ly dị, đúng không?”.
“Thưa vâng.”
“Nhưng… bộ con có gia đình rồi hay sao?
“Thưa vâng!”
Trông ông thật là đạo mạo, uy nghi. Chiếc áo sơ mi trắng ông mặc làm tăng vẻ đẹp của nước da mầu ô liu của ông. Nhưng khi nghe câu trả lời của tôi, mặt ông tối sầm lại.
“Nhưng con còn nhỏ quá mà, sao con lại có gia đình rồi?”
Không muốn phải trả lời câu hỏi của ông. Tôi nhắc lại câu nói của tôi với giọng cương quyết: “Con muốn xin ly dị.”.
Ông bối rối suy nghĩ, lấy tay gãi râu, không hiểu ông có đồng ý giúp tôi hay không.
Ông tiếp tục hỏi thêm: “Vậy tại sao con lại muốn ly dị?”
Tôi nhìn thẳng vào mắt ông và nói: “Vì chồng cháu đánh đập cháu mỗi ngày.”.
Câu trả lời của tôi như một cái tát vào mặt ông. Nét mặt ông trở nên đanh lại, lạnh lùng. Ông hỏi tôi một cách sỗ sàng: “Con vẫn còn trinh hay sao?”
Tôi cay đắng ngậm tủi hờn. Tôi hết sức xấu hổ khi phải nói về chuyện riêng tư này. Nhưng cùng lúc đó, tôi linh cảm rằng ông là người thấu hiểu nỗi đau đớn của tôi, nếu tôi muốn ông giúp thắng kiện, tôi phải nói thật mọi chuyện với ông.
“Không. Con đã mất trinh rồi, con bị chảy máu.”
Ông bị xúc động nặng. Tôi đọc thấy nét kinh ngạc trên mặt ông. Ông muốn che dấu cảm xúc của mình. Sau đó, tôi thấy ông hít vào một hơi dài, và nói: “Ta sẽ giúp con.”.
Tôi cảm thấy được an ủi, yên tâm. Tôi nhìn ông run rẩy cầm chiếc điện thoại trong tay. Nếu trời cho tôi gặp may mắn, ông quan tòa này sẽ can thiệp giúp tôi, và chiều nay tôi có thể trở về nhà cha mẹ mình, chơi với các anh chị em tôi như trước đây. Được Ly Dị!! Đó là điều tôi ước mơ nhất trong lúc này. Tôi sợ phải trở về nhà chồng ngồi một mình, khi màn đêm buông xuống, tôi phải nằm cạnh người đàn ông đó.
Một vị thẩm phán thứ hai bước vào phòng để bàn về chuyện của tôi, ông làm mọi niềm hy vọng của tôi tan vỡ ra từng mảnh.
“Cháu bé à, chuyện của cháu sẽ phải mất nhiều thì giờ mới gỉải quyết được. Nó không đơn gỉản như cháu nghĩ đâu. Và điều đáng tiếc là ta không hứa chắc con sẽ thắng kiện được đâu.” .
Vị quan tòa thứ hai này là ông Mohammad al-Ghazi. Ông là vị quan tòa cao cấp nhất của tòa án. Ông nói ông chưa hề thấy một trường hợp nào tương tự như vụ của tôi. Ông giải thích cho tôi biết ở Yemen, con gái thường lấy chồng rất sớm, trước khi đến tuổi luật định là 15. Chánh án Abdo gỉải thích thêm đó là một tập quán cổ truyền có từ lâu lắm rồi. Nhưng theo ông hiểu, không có vụ hôn nhân, cưới gả lúc còn nhỏ tuổi nào lại đi đến chỗ ly dị, bởi vì ông chưa hề thấy một cô gái trẻ tuồi ra tòa xin ly dị.
Thẩm phán Abdo gỉải thích xong, và nói với tôi: “Chúng tôi sẽ tìm cho cháu một luật sư.”.
Họ có biết rằng nếu tôi về nhà, không có sự bảo đảm của họ, chồng tôi sẽ giam giữ tôi, và tiếp tục đánh tôi?.
Tôi trợn trừng mắt và nói rất cứng với ông: “Con muốn được ly dị.”. Nói xong, chính tôi cũng phải ngạc nhiên, và lo sợ trong bụng. Không ngờ tôi dám nói thẳng thừng như vậy.
Ông chánh án Al-Ghazi sửa lại khăn cuốn trên đầu, và nói với tôi: “ Ta sẽ nghĩ cách giúp con. Không thể cho cháu bé này về nhà được đâu.”. Lúc đó, có thêm vị quan tòa thứ ba, ông Abdel Wahed, tình nguyện giúp một tay. Ông cho biết nhà ông có dư phòng cho tôi ở tạm. Ông sẽ nhận tôi vào tá túc một thời gian.
Đến chín giờ sáng hôm sau, ngày thứ Bảy, chúng tôi cùng đến văn phòng làm việc của ông Abdel Wahed ở tòa án. Có mặt trong phòng còn có các ông Abdo và Mohammad al-Ghazi. Ông Al-Ghazi tỏ vẻ lo lắng. Ông nói với tôi: “ Chiếu theo luật Yemen, rất khó cho cháu làm đơn thưa kiện chồng và cha cháu.”. Giống như nhiều trẻ em sinh ra trong làng quê ở Yemen, tôi không có giấy khai sinh, và tôi lại quá nhỏ để làm đơn khởi tố, hay thưa kiện. Một hợp đồng đã được chấp thuận, và ký kết bởi những người đàn ông lớn tuổi trong gia đình tôi. Theo tập quán của Yemen, hợp đồng như thế là hợp pháp, và có gía trị.
Ông Mohammad al-Ghazi bàn với các vị thẩm phán đồng sự: “Ngay lúc này, chúng ta phải hành động thật nhanh. Tôi đề nghị chúng ta tạm thời bắt giam chồng và cha của em Nujood. Nếu chúng ta muốn che chở cho em bé gái này, chúng ta phải tạm giam hai người đàn ông đó lại, không cho họ được tự do.”.
Bỏ tù cha tôi! Trời đất! Liệu rằng Aba có tha thứ cho tôi cái tội tầy đình này hay không? Lòng tôi chan chứa tủi nhục, và cảm thấy mình tội lỗi vô cùng.
Ba ngày sau đó, tôi có mặt ngoài tòa án hầu như suốt cả ngày, hy vọng sẽ tìm ra được một giải pháp mầu nhiệm nào đó. Tôi sẽ còn phải ra tòa bao nhiêu lần nữa, Chánh án Abdo từng báo trước cho tôi biết rằng vụ kiện của tôi hết sức dị thường, đặc biệt. Nhưng không hiểu các vị quan tòa sẽ xử trí ra sao khi họ đối đầu với trường hợp như thế này.
Tôi học hỏi và tìm được câu trả lời từ bà luật sư Shada. Người ta đồn rằng bà Shada là một nữ luật sư giỏi nhất xứ Yemen, bà chiến đấu hết mình để bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. Bà là một phụ nữ đẹp, đứng cạnh bà, tôi ngửi thấy mùi hoa lài thơm ngát. Ngay khi vừa gặp bà lần đầu, tôi đã thích bà. Bà không mang lưới che mặt. Bà hay mặc tấm áo dài bằng luạ màu đen, và vấn trên đầu một khăn choàng nhiều mầu.
Khi đến gặp tôi lần đầu, tôi thấy bà tỏ ra hết sức xúc động, và thương cảm cho tôi. Bà nói: “Trời đất ơi! Cháu còn bé quá.”. Ngay sau đó bà lật cuốn sổ ghi hẹn của bà, và bà liên tục gọi cho gia đình, bạn bè, và đồng nghiệp để sửa lại lịch trình làm việc vô cùng bận rộn của bà. Bà nói với những người này nhiều lần: “Tôi vừa mới nhận bào chữa cho một vụ hết sức quan trọng..”.
Cuối cùng, bà nói nhỏ bên tai tôi: “ Nujood, em yên trí, tôi sẽ không bỏ rơi em đâu.”. Tôi càm thấy an toàn khi ở cạnh bà. Bà biết dùng chữ thật đúng để nói về hoàn cảnh của tôi. Âm thanh dịu dàng trong lời ăn tiếng nói của bà làm tôi thoài mái, yên lòng.
 Vụ Ly Dị Được Chấp Thuận
Ngày trọng đại đến sớm hơn sự mong đợi của tôi. Rất nhiều người đến dự phiên tòa nhờ chiến dịch quảng bá của bà luật sư Shada . Tôi chưa bao giờ thấy nhiều máy chụp ảnh, và máy thu hình như vậy. Đằng sau tấm khăn choàng đầu mầu đen, mồ hôi đổ ra ướt đẫm trên người tôi.
Nhưng tự trong đáy lòng tôi, tôi cảm thấy lạnh căm vì lo sợ, và có nhiều toan tính trong đầu. Tôi ngồi yên, không nhúc nhích. Không biết kết quả vụ án ly dị sẽ như thế nào? Nếu hắn chỉ trả lời là không đồng ý cho tôi ly dị thì tôi sẽ ra làm sao? Lỡ hắn cả gan lên tiếng hăm doạ các ông quan tòa thì hậu quả như thế nào?
Lo thầm trong bụng, người tôi phát lạnh run: Tôi trông thấy cha tôi và con ác quỷ xuất hiện. Họ được hai người lính hộ tống đi ra trước tòa. Hai tù nhân trông có vẻ tức giận lắm, tên ác quỷ cúi đầu nhìn xuống đất, rồi đột nhiên hắn ngẩng mặt lên, quay lại nhìn bà luật sư Shada. Hắn mỉa mai nói: “Coi bộ mày hãnh diện quá hả?” .
Bà Shada tỉnh bơ, không chớp mắt. Cái nhìn của bà cho thấy bà sẵn sàng thách thức tên này. Tôi học được ở bà nhiều bài học quí báu.
Bà nói nhỏ với tôi: “Đừng thèm nghe hắn nói.”.
Tim tôi đập mạnh. Khi ngước mắt nhìn lên, tôi chợt bắt gặp tia nhìn của Aba, cha tôi. Trông ông có vẻ tức giận, buồn phiền nhiều lắm. Ông từng nói với tôi về hai chữ “Danh Dự”. Nhìn vào mặt ông lúc này tôi mới hiểu ý nghĩa của cái từ phức tạp này. Tôi có thể đọc được trong ánh mắt của ông vừa tức giận vừa xấu hổ. Tôi giận ông lắm, nhưng tôi cũng không khỏi ân hận dùm cho ông. Sự kính trọng của người khác dành cho ông rất quan trọng ở vùng này.
Bây giờ đến lượt quan tòa Abdo lên tiếng:
“Ở đây chúng ta có một vụ kiện giữa một cô gái bị ép buộc phải lập gia đình, không có sự ưng thuận của cô. Sau khi hợp đồng hôn nhân được ký kết cô không biết, cô gái bị cưỡng bách đem đến sống ở tỉnh Hajja. Ở đây, cô bị chồng hãm hiếp, vùi dập khi cô chưa đến tuổi dậy thì, và không sẵn sàng cho chuyện sinh lý. Người chồng đó còn đánh đập, và sỉ nhục cô ta. Cô ra tòa hôm nay để xin tòa án cho phép cô được ly dị.” .
Giây phút quan trọng sắp xảy ra khi bản án cho kẻ có tội được tuyên đọc.
Quan tòa phải gõ cái búa bằng gỗ lên bàn vài lần để vãn hồi trật tự, yên lặng.
Ông nói với con quái vật mà tôi thù ghét: “Hãy lắng nghe cho kỹ những gì tôi sắp nói: Anh lập gia đình với một cô gái cách nay hai tháng. Anh ngủ với cô ta, anh đánh cô ta. Có đúng hay không?”
Tên ác quỷ chớp mắt hai ba lần, rồi hắn trả lời: “Không. Điều đó không đúng. Cô ta và cha của cô chấp thuận cuộc hôn nhân này.”.
Tôi nắm vạt áo bà Shada, kéo mạnh, và nói:
“Nó nói láo.”.
Quan tòa quay sang cha tôi và hỏi: “Ông có đồng ý về vụ hôn nhân này hay không?”.
“Vâng, tôi đồng ý.”
“Con gái của ông bao nhiêu tuổi?”
“Con gái tôi 13 tuổi.”
Mười ba ư? Chưa hề có ai nói tôi 13 tuổi. Tôi vặn vẹo hai bàn tay vào nhau để trấn an lòng mình.
“Tôi gả con đi lấy chồng đế nó không bị người khác bắt trộm đem đi.”.
Tôi chẳng hiểu cha tôi muốn nói cái gì. Câu trả lời của ông rất mơ hồ và khó hiểu, và những câu hỏi sau đó của quan tòa càng lúc càng thêm phức tạp. Người ta bắt đầu to tiếng với nhau. Kẻ bị truy tố lên tiếng biện minh. Tiếng ồn ào trong phòng xử ngày càng to hơn, trong lúc tim tôi đập loạn xạ, dồn dập.
Ông chánh án ra hiệu cho chúng tôi đi theo ông sang một phòng khác, tránh sự bàn tán của công chúng. Ông quan tòa hỏi: “Faez Ali Thamer, anh có làm tình với cô gái trong đêm tân hôn hay không. Trả lời cho tôi rõ có hay không?”
Tôi nín thở nghe hắn trả lời. “Thưa có”, hắn thú nhận, “Nhưng tôi đã làm rất nhẹ nhàng với cô ta. Tôi rất cẩn thận. Tôi không hề đánh cô ta.”
Câu trả lời của hắn như một cái tát thật mạnh vào mặt tôi. Nó làm tôi nhớ lại những đau đớn, tủi hờn tôi phải chịu đựng.
“Điều đó là sai, không đúng.”, Tôi hét lên cho thỏa cơn tức giận.
Mọi người quay lại nhìn vào tôi. Nhưng chính tôi cũng phải ngạc nhiên không ngờ mình nóng giận đến thế. Sau đó, mọi việc diễn tiến mau chóng, thông suốt. Thằng ác quỷ nói rằng cha tôi đã phản bội, không giữ đúng lời hứa, khi ông không nói thật tuổi của tôi. Đến lúc đó thì Aba, cha tôi lại nổi giận, khai toạc hết ra là thằng quỷ nó hứa với cha tôi nó sẽ đợi chờ, không đụng vào người tôi cho đến khi tôi khôn lớn. Thằng ác quỷ tuyên bố rằng nó sẵn sàng chấp nhận cho tôi ly dị với một điều kiện là cha tôi phải hoàn trả số tiền mua đứa con gái về làm vợ. Và lúc đó, cha tôi bèn quật ngược lại. Ông nói rằng hắn chưa hề trả cho cha tôi một món tiền nào cả. Đôi bên cãi nhau như những kẻ buôn bán ở ngoài chợ: Trả hồi nào? Trả ở đâu? Trả bao nhiêu?
Cuối cùng, tôi được quan tòa cứu thoát bằng án lệnh ông ban ra.
Ông tuyên bố: “Tòa án cho phép ly dị.”
 Tái bút:
Vụ ly dị của tôi đã làm thay đổi đời tôi. Mỗi khi tôi đi ra ngoài đường phố, nhiều phụ nữ, chị em bạn gái níu áo tôi hỏi thăm, và chúc mừng tôi đã thắng kiện. Lúc gần đây, tôi đã rời khỏi nhà chú tôi, trở về sống với cha mẹ tôi. Tất cả chúng tôi đều tìm cách quên đi những chuyện bất hạnh xảy ra cho tôi. 
 
2 năm sau ngày ly dị
Cách đây vài tuần, những cơn ác mộng của tôi không còn nữa. Thay vào đó, tôi mơ đến một ngày được cắp sách đến trường đi học lại. Sau này, khi lớn lên, tôi sẽ học trở thành một luật sư, giống như bà Shada, để bênh vực những em gái khác nhỏ bé như tôi.

Ghi chú thêm: Cuốn sách về câu truyện có thật của em Nujood được phát hành, và bán rất thành công. Do đó, kết quả thu về đã giúp em và cả gia đình thoát khỏi cuộc sống nghèo túng. Bây giờ gia đình em đã mua được một căn nhà ở Sana để sống, và có lợi tức vững chắc. Một người bạn và cũng là cố vấn cho gia đình tiết lộ rằng em Nujood bây giờ trở thành một thiếu nữ 15 tuổi, em phải chật vật sửa đổi cách ứng sử vì em quá nổi tiếng. Em đang cố trau dồi Anh Ngữ, và muốn du học ở nước ngoài.

Tháng Tư năm 2009, quốc hội nước Yemen nâng tuồi thành hôn luật định của các em gái lên 17 tuổi, nhưng qua ngày hôm sau, đạo luật này bị tiêu hủy. Hiện nay, nước Yemen đang rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị, và đàn ông có thể lấy vợ nhỏ tuổi bao nhiêu cũng được.
---ooo0ooo---
 
Tóm lược cuốn tự truyện của Nujood Ali, cùng với sự phụ giúp của Delphie Minoui
Nguyễn Minh Tâm dịch theo Reader’s Digest 
---ooo0ooo---


Không có nhận xét nào: