Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

LỄ HỘI THÁI LAN

Các lễ hội truyền thống tại Thái Lan nửa cuối năm
-o0o-
Lễ hội Asanha Bucha
Đây là ngày lễ lớn của Thái Lan theo truyền thống Phật giáo, thường tổ chức ngày trăng tròn tháng 8 âm lịch (lịch Thái). Nhân dịp này, Phật tử trên khắp đất nước hội tụ về chùa, thăm viếng các nhà sư. Một số ngôi chùa tổ chức các buổi thiền cho Phật tử.
Lễ hội Wan Khao Phansa
Ngay sau ngày Asarhna Bucha, lễ Khao Phansa được tổ chức để tuyên bố bắt đầu mùa an cư của Phật tử. Trong dịp này nhiều thanh thiếu niên Thái cũng xuống tóc tu hành để báo hiếu và tích phước cho bố mẹ, một truyền thống khá phổ biến với người dân Thái. Họ sẽ phải kiêng ăn thịt, uống đồ có cồn và hút thuốc lá trong 3 tháng này.
Ngày của Mẹ
12/8 hàng năm là ngày lễ quan trọng tại Thái Lan, kỷ niệm ngày sinh của Hoàng Hậu Sirikit, người được mệnh danh là “Người Mẹ dân tộc” vì đem đến nhiều lợi ích và sự thịnh vượng cho vương quốc và người dân. Vì thế, người Thái coi đây là Ngày của Mẹ (Wan Mae – Mother’s Day) và tổ chức quyên góp từ sáng đến tối. Hàng trăm ngọn nến sẽ được thắp để tưởng niệm “Người Mẹ” vĩ đại.
Lễ hội Ăn chay
Lễ hội Ăn chay tháng 9 được tổ chức ở nhiều địa phương, nhưng nổi tiếng nhất là tại Phuket. Không chỉ dừng lại ở việc ăn các món ăn chay, các tín đồ sẽ mặc áo màu trắng trong suốt thời gian diễn ra lễ hội và diễu hành trên khắp đường phố Phuket. Vào buổi tối, các ngôi chùa trở thành tâm điểm chú ý, khi xuất hiện một số tín đồ đi bộ trên thảm than nóng. 
Ngày Chulalongkorn
Người biểu tình chống chính phủ Thái Lan tập trung trước bức tượng của Vua Chulalongkorn tại Bangkok, ngày 29/3/2014.
23/10 hàng năm tại Thái Lan sẽ diễn ra lễ kỷ niệm ngày băng hà của Vua Chulalongkorn vào năm 1910, ở tuổi 57. Thông thường mỗi tỉnh tại Thái Lan có ít nhất một đài tưởng niệm vị vua đáng kính này, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là bức tượng đài đặt trước sảnh Anata Samakhom Throne ở thủ đô Bangkok. 
Ảnh của Vua Chualalongkhom được coi là bùa may mắn đối với các thương gia và hoạt động thương mại nói chung. Do đó, rất nhiều cửa hàng ở Thái trưng bày và bán ảnh của vị vua đương thời cũng như Chualalongkorn. 
Lễ hội hoa đăng – Loy Krathong
Lễ hội hoa đăng được tổ chức vào đêm rằm tháng 12 theo lịch Thái, tức ngày 6/11 năm nay. Mặc dù lễ hội diễn ra trên khắp đất nước nhưng lớn nhất là tại 4 tỉnh: Sukhothai, Chiang Mai, Ayutthaya và Bangkok. 
Tại Sukhothai, quê hương của lễ Loy Krathong, lễ hội thường kéo dài đến 2 tuần. Những chiếc đèn lồng được thả dọc các dòng sông và soi sáng những khu di tích khảo cổ. Ngoài ra, lễ hội còn có diễu hành, pháo hoa và các buổi hòa nhạc thu hút người dân từ nhiều vùng khác cũng như khách du lịch nước ngoài.
Tại Chiang Mai, một tỉnh phía Bắc Thái Lan, lễ hội này còn được biết với tên Yi Peng. Tại thủ đô Bangkok, ngoài các hoạt động truyền thống, một vài khách sạn bên bờ sông Chao Phraya bật đèn sáng gần như cả đêm. Những nơi như là công viên Lumpini cũng thu hút đông người. 
Lễ hội buffet dành cho khỉ
Lễ hội được tổ chức thường niên vào ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 11 tại tỉnh Lopburi, cách Bangkok 150 km về phía Bắc. Mặc dù sống chủ yếu ở khu vực xung quanh đền Khmer và Phra, nhưng những chú khỉ vẫn thường xuyên được nhìn thấy xung quanh Lopburi do được người dân địa phương cho ăn. Chúng đôi khi còn nhai cả dây cáp, đường dây điện thoại và gây ra nhiều thiệt hại khác, nhưng họ vẫn chấp nhận vì những chú khỉ được người dân coi là hậu duệ của Vua Khỉ Hanuman. Vào ngày này, thay vì chỉ được ăn 1 lần, bữa tiệc được tổ chức riêng biệt 4 lần vào 10h, 12h, 14h và 16h.  
Giang Phạm

---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào: