BƯỚC VÀO CỬA PHẬT
Cố Hoằng
Hữu Nguyễn Văn Phú
38. PHÁP LÀ GÌ ?
Khi tiếp chuyện các đạo
hữu, chúng tôi thấy có một số chữ được đề cập đến nhiều. Hôm nay, xin nói về một chữ trong số đó. Đầu tiên là chữ “pháp”. Chữ này có nhiều
nghĩa. Nghĩa thông thường ngoài đời dính
líu đến pháp luật, chúng ta không bàn ở đây.
Pháp với chữ P hoa nghĩa là lời dạy của đức Phật Thích Ca, tất cả những
lời thuyết pháp của ngài, “The Bouddha and His Teachings” được dịch là “Đức Phật
và Phật pháp”. “Le Bouddha, sa doctrine
et sa communauté” là Phật, Pháp, Tăng. Phật học từ điển của Đoàn Trung Còn ghi:
Người ta dùng tiếng Pháp để chỉ về Đạo lý của Phật.
Từ điển đó viết: “ Bất cứ việc chi dầu
nhỏ hay lớn, hữu hình hay vô hình, tốt hay xấu, hữu vi hay vô vi, chân thật hay
hư vọng, đều có thể gọi là pháp. Và từ
những nguyên tắc, những lẽ thường, lý nhỏ cho đến tôn giáo, lại cái luật chung
bao gồm vũ trụ, làm một với hư không, cũng gọi là pháp”.
Theo đó, ta thấy chữ pháp là hết thảy sự sự vật vật, sự sự lý lý.
Chỗ đáng ghi là chữ “vô hình”. Chữ
khó hiểu là “hữu vi, vô vi” có vẻ dính dấp đến đạo Lão, mà không phải! Vi là tạo tác, vô vi là không tạo tác, không
có nhân duyên tạo tác. Những cái chi có
tâm ý, có sắc tướng là hữu vi; không tâm ý, không sắc tướng là hư không, vô
vi. Hữu vi là vô thường, vô vi là thường.
Đây là một đoạn trong kinh Kim Cang: “Đối với các pháp, chớ nên chấp có, mà
cũng chớ nên chấp không. Cái pháp mà đức
Phật thuyết để độ chúng sinh chẳng khác chiếc bè. Hễ giác ngộ rồi thì chẳng còn nương vào pháp
nữa”. Nghiền ngẫm thật kỹ câu này, dần dần
sẽ hiểu ra.
Trong các sách Anh, Pháp, người ta để nguyên chữ pali Dhamma, dhamma, hoặc chữ sanskrit Dharma, dharma mà không dịch.
Chữ dharmadhatu, ta dịch là pháp
giới. Pháp là các pháp, giới là cảnh giới,
giới hạn. Các pháp đều có tự thể, nhưng cảnh giới khác nhau, nên chia ra làm 10
cảnh giới hay 10 pháp giới: Phật, bồ-tát, duyên giác, thanh văn, thiên, nhân,
a-tu-la, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Rộng
ra, toàn thể các pháp trong thế gian, muôn sự muôn vật trong vũ trụ, làm thành
một pháp giới. Tất cả đều có Pháp tánh,
có Phật tánh, có Chân như cho nên cảnh giới chung của chúng sinh là một Pháp giới. Trong toàn thể không gian, thời gian, đều có
Phật pháp, nên gọi chung là một Pháp giới.
Toàn thể các pháp môn mà đức Thích Ca đã dạy được gọi chung là một Pháp
giới. Pháp giới còn có nghĩa là cảnh giới
của Phật đạo mà nhà tu hành phải theo đó mà tiến để đạt thánh quả. Xem như thế thì chữ pháp giới rất rộng nghĩa, phải tùy theo câu văn mà hiểu.
Trên đây mấy dòng, chúng ta nói đến pháp
tánh, một chữ rất quan trọng. Đơn giản
nhất: pháp tánh là cái tánh của các pháp.
Rõ ra, đó là cái bản tánh, cái bản thể, cái tự thể, cái thực thể của hết
thảy mọi pháp; theo đạo Phật, cái bản thể ấy chung cho tất cả các pháp dù là hữu
vi hay vô vi, bất tăng bất giảm, bất sinh bất diệt, thường trụ khắp nơi. Có mấy chục chữ để gọi cái bản thể đó, nhưng
không chữ nào hoàn toàn, vì lẽ ngôn ngữ trần gian không đủ nói cái thứ tuyệt đối,
vượt ra ngoài sự nhận thức của con người trừ phi người đó tu hành đến mức có đủ
trí tuệ bát nhã để mà trực nhận “cái đó”.
Vài chữ hay được nói đến là Phật tánh, Chân như, Pháp thân, Thực tướng,
Không tướng ... Người ta cũng dùng chữ pháp tánh để chỉ Niết bàn của Phật.
Chúng tôi nhận xét rằng người ta dành chữ Pháp tánh để chỉ cái bản thể của vạn
pháp, và dùng chữ Phật tánh để nói về bản thể của chúng sinh. Lấy thí dụ trong
câu Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tánh, nghĩa là tất cả chúng sinh đều có
Phật tánh. Phật tánh ấy (= Như lai tánh,
giác tánh, tánh giác) là khả năng giác ngộ, thành Phật.
Có người hỏi rằng “con chó có Phật tánh không?” thì được trả lời rằng
“có”. Nhưng nên hiểu thêm rằng chúng
sanh ở ba cảnh giới địa ngục, ngã quỷ, súc sinh thì vô minh sâu dày lắm, khó mà
nhận ra Phật tánh của mình. A-tu-la,
nhân và thiên khá hơn. Thanh văn, Duyên
giác, Bồ-tát lại hơn nữa, đến Phật thì là bậc toàn giác. □
GHI CHÚ.
DHARMA lit.
carrying, holding (Pali dhamma, Chin. fa, Jap. hò or datsuma), central notion
of Buddhism, used in various meanings:
1/ The cosmic law,
the “great norm”, underlying our world; above all, the law of karmically
determined rebirth.
2/ The teaching of
the Buddha, who recognized and formulated this “law”, thus the teaching that
expresses the universal truth. The
dharma in this sense existed already before the birth of the historical Buddha,
who is no more than a manifestation of it.
It is the dharma in this sense that a Buddhist takes refuge.
3/ Norms of behaviour
and ethical rules.
4/ Manifestation of
reality, of the general state of affairs; thing, phenomenon.
5/ Mental content,
object of thought, idea – a reflection of a thing in the human mind.
6/ Term of the
so-called factors of existence, which the Hinayāna considers as building blocks
of the empirical personality and its world.
(Trích trong The Shambala Dictionary of Buddhism and Zen).
---ooo0ooo---
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét