Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2014

33. THỰC TƯỚNG ẤN

BƯỚC VÀO CỬA PHẬT
Cố Hoằng Hữu NGUYỄN VĂN PHÚ
33. THỰC TƯỚNG ẤN
Ngày đó, nhà vua triệu thỉnh các vị hòa thượng, thượng tọa và tăng ni trụ trì các chùa trong kinh đô về tập trung tại một ngôi chùa trong hoàng cung để khai Kinh Pháp Hoa, mong làm vui lòng Hoàng Thái hậu lúc đó đã gần 80 tuổi.
Tạ kinh xong, trước khi cúng dàng trai tăng, nhà vua mời chư Tăng, Ni vào điện.  Các hòa thượng được mời một hàng đối diện với nhà vua, hoàng hậu và hoàng thái hậu, các hoàng tử công chúa và mấy vị cận thần, còn các vị tăng trụ trì các chùa ngồi thành nhiều hàng ở giữa.
Nhà vua phán: “Kinh Pháp Hoa được xưng tụng là vua của các kinh.  Trẫm muốn các khanh nêu rõ đặc điểm của kinh này để chứng tỏ tại sao lại là vua của các kinh”.
Một nhà sư trẻ đứng dậy thưa: “Sở dĩ Kinh Pháp Hoa được coi là vua của các kinh chính là vì Kinh Pháp Hoa khai, thị, ngộ, nhập Phật tri-kiến, tức là Phật tánh”.
Một hoàng tử hỏi: “Xin Thầy chỉ rõ cho biết Phật tri kiến là gì?”
Nhà sư đáp: “Đức Phật thấy đời là bể khổ, chúng sinh quanh quẩn luân hồi mãi.  Ngài phân tích rằng nguyên nhân của khổ là ái dục, muốn thoát khổ thì phải chấm dứt ái dục, muốn chấm dứt ái dục thì phải hành Bát Chánh Đạo. Lại nữa, Ngài nhận định rõ các định luật của vũ trụ: thứ nhất là chư hành vô thường, mọi sự mọi vật trên thế gian này chẳng có gì là thường hằng bất biến, trái lại chúng thay đổi luôn luôn.  Đã biết vô thường thì đừng có bám víu chấp trước vào gì cả, vì chấp trước là chuốc lấy khổ.  Đã biết vô thường thì phải biết lo cho chính mình, lo đây là lo tu hành, gây nhân tốt hái quả tốt, hoặc cao hơn nữa, thoát hẳn được sinh tử luân hồi.  Thứ hai là chư pháp vô ngã, mọi sự mọi vật trên đời này chẳng có tự thể mà do nhiều thứ khác duyên nhau mà thành, duyên hết thì vật cũng hết luôn.  Đã biết vô ngã thì đừng có chấp ngã, chấp cái ta làm chi, vì chấp cái đó là căn do của ái dục mà ái dục dẫn đến đau khổ. Thứ ba là phải lo tu hành sao cho đạt đến cõi Niết-bàn tịch tĩnh, tức là đạt đến mức diệt được tham sân si, đến mức không còn chấp pháp, chấp ngã, đến mức thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi, chứng được Phật tánh, tức là Phật tri kiến vậy”.

 
Mọi người đều yên lặng. Các vị cao tăng vẫn lim dim cặp mắt, không thay đổi sắc mặt, nhà vua và hoàng thái hậu ngồi điềm nhiên, chỉ có hoàng hậu và các hoàng tử công chúa là còn có vẻ ngơ ngác.
Nhà vua phán: “Thầy thuyết vô thường, vô ngã, niết-bàn.  Đó chẳng qua là Tam Pháp Ấn. Trẫm nghĩ rằng Kinh Pháp Hoa không nhấn mạnh vào Tam Pháp Ấn”.
Cử tọa hiểu ngầm rằng nhà sư trẻ kia đã hiểu Kinh Pháp Hoa theo những đường lối cũ và chỉ nhắc đến những danh từ “khai, thị, ngộ, nhập Phật tri kiến” mà thôi.  Sự thật, nhà sư đó chưa nắm được sự khác nhau trong các thứ bậc khai, thị, ngộ, nhập và chưa thấu rõ Phật tri kiến là gì.
Một nhà sư khác đứng lên thưa: “Theo chỗ tôi hiểu thì Kinh Pháp Hoa là vua của các kinh, chính là kinh Pháp Hoa nêu lên vấn đề: chỉ có một thừa, đó là Phật thừa.  Hơn nữa, kinh nhấn mạnh ai ai cũng có Phật tính như nhau, nhưng sự mê ngộ khác nhau nên trình độ tiến lên không giống nhau.  Ngoài ra không phân biệt nam nữ, không phân biệt cảnh giới, mọi chúng sinh đều có thể thành Phật, nếu biết tu hành, giữ gìn an lạc hạnh.  Tri kiến của chư Phật là như vậy.  Tâm, Phật, chúng sinh tam vô sai biệt.  Đồng là Phật tánh cả.  Cho nên phiền não tức là bồ-đề, sinh tử tức niết-bàn.  Tất cả là một, một là tất cả”.
Các hoàng tử, công chúa đưa mắt nhìn nhau, có vẻ tán thưởng cách nhìn có tính cách tổng quát hơn của vị sư này.  Các vị cao tăng vẫn điềm nhiên lim dim, hình như không thấy, không nghe gì.  Nhà vua thấy vậy thì hiểu rằng cách kiến giải mà nhà sư vừa trình bày chưa có gì đặc sắc, dù rằng đã nhấn mạnh vào điểm “một là tất cả, tất cả là một”.  Có lẽ nhà sư không đủ thời giờ để nói hết ý mình chăng?
Chợt một nhà sư khác đứng lên thưa: “Kinh Pháp Hoa có đến 28 phẩm, từ phẩm Tựa cho đến phẩm Phổ Hiền Bồ-tát.  Phẩm nào cũng có ý hay nằm trong các huyền nghĩa, mà huyền nghĩa này các vị cổ đức đã nêu ra trong các sách vở nhiều lần rồi.  Nay riêng phần tôi, kẻ sơ cơ, tôi xin trình bày ý kiến như sau này: Trọng tâm của Kinh Pháp Hoa là Phẩm thứ 16, tức Phẩm Như Lai Thọ Lượng.  Phẩm này tương đối ngắn và rút lại thì chỉ nói rằng thọ lượng của Như Lai là vô cùng tận, vô thủy vô chung. Thế thì điểm đặc sắc của điểm này là gì?  Đó là: Pháp thân.  Pháp thân trái với ứng thân và báo thân, đó là một thứ gì không thể nói ra bằng lời được, đó là một thứ thấm nhuần muôn sự muôn vật trong vũ trụ, đó là bản thể của vạn pháp vậy.  Trông thấy một vật như cái bàn trước mặt ta đây, rõ ràng đó là cái bàn, ai cũng thấy, nhưng đó chỉ là cái tướng của nó, cái thứ hiển hiện ra ngoài mà giác quan ta thấy được.  Mỗi vật một hình tướng, muôn vật muôn hình tướng, tất cả đều sai biệt nhau.  Nhưng đó là về hình tướng.  Nhưng nói về thể, về bản thể, thì Phật cho biết thể đó là một, bản thể đó chung cho hết muôn vật muôn loài, bản thể ấy không thể tả ra bằng lời nói được, cho nên dùng danh từ nào cũng chỉ là tạm mà thôi.  Chỗ này gọi bản thể là chân như, là như lai, là chân tâm, chỗ kia gọi là bổn lai diện mục, Di-Đà tự tánh, chung qui cũng là tên để gọi bản thể đó.  Bản thể đó thấm nhuần khắp nơi, mọi lúc, nó là sức sống, nó là sự sống, từ địa ngục lên đến ngôi Phật, đâu cũng là nó, từ côn trùng cho đến thiên hà, cũng là nó luôn.  Do lẽ đó mới có câu: ai ai cũng có Phật tính, ta có thể nói: chúng sinh nào cũng có Phật tính, vạn pháp đều có pháp tính.  Tâm cũng là một chữ để nói Phật tính đó, cho nên có câu: Tâm, Phật, chúng sinh, tam vô sai biệt’.  Tóm lại, bản thể của vạn pháp là một, cho nên vạn pháp bình đẳng, cho nên pháp giới là nhất chân bình đẳng.  Còn hiện tượng thì muôn vàn sai khác, đó là biến hiện của bản thể, đúng như câu: vô lượng đợt sóng khác nhau, rút lại là nước.  Ấn của Phật pháp đóng vào đâu thì đó là chính lời đức Thế Tôn đã dạy, ấn của Phật pháp đóng vào những điều tôi vừa nói về cái bản thể, cái thực tướng của vạn pháp, ấy chính là Thực Tướng Ấn vậy.  Theo thiển kiến của bần tăng, trọng tâm của Pháp Hoa Kinh là chỗ ấy.  Diệu Pháp chính là điều ấy, tri kiến Phật chính là điều ấy.”
Các vị hòa thượng đang ngồi yên lặng, hơi ngước mắt nhìn lên, không nói gì.  Nhà vua và người xung quanh tỏ ý vui mừng.  Hoàng Thái Hậu lên tiếng: “Kính Bạch Hòa Thượng niên trưởng, xin Ngài ban cho một lời”.
- “A-Di-Đà Phật! Thế là tạm đủ về phần Thực Tướng Ấn”, Hòa Thượng trả lời vắn tắt.
.... Trên đường về, nhà sư trẻ hân hoan vì đã được Hòa Thượng ban cho chữ 'tạm đủ'.  Nhưng, sao lại 'tạm'?  Thế thì còn phải học thêm, tu thêm, diệu pháp hẳn còn 'cái gì' nữa....
 
---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào: