Thứ Ba, 4 tháng 2, 2014

LỄ HỘI THÁNG GIÊNG (7-8)



10 lễ hội tháng Giêng tại miền Bắc (7-8)
-o0o-
7. Hội hoa Vị Khê
Làng Vị Khê của xã Điền Xá (Nam Trực, Nam Định) là một trong những làng chuyên cây cảnh lâu đời nhất nước. 
Truyện xưa kể lại làng được hình thành từ thế kỷ thứ 3, với tên gọi Nguyễn Gia Trang. Người có công đưa nghề cây thế về làng, hiện được thờ làm Thành hoàng là cụ Ngô Gia Tự.
Không ai biết tường tận nghề trồng cây cảnh Vị Khê có từ bao giờ mà chỉ nghe truyền lại rằng từ đời Lý, làng hoa này rất nổi tiếng về nghệ thuật uốn tỉa cây thế và trồng cây cảnh. Ở đây không hiếm những cây có giá từ vài trăm triệu, thậm chí cả tỉ đồng.
Ngày nay du khách đến làng Vị Khê sẽ được chủ nhân của làng vườn say sưa giới thiệu về các loại cây cảnh như bạch trà, lan hạc tím đặc biệt là quất Vị Khê rất được thị trường ưa chuộng. Lễ hội diễn ra từ ngày 20 đến 30 tháng Giêng tại thôn Vị Khê, xã Nam Điền, Nam Trực, Nam Định.
8. Hội Hát Xoan Phú Thọ (từ 7 – 10 tháng Giêng)
-o0o-
Hát xoan là loại hình dân ca lễ nghi phong tục hát thờ thần, thành hoàng với hình thức nghệ thuật đa yếu tố: có nhạc, hát, múa; thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ biến ở vùng đất tổ Hùng Vương – Phú Thọ, một tỉnh thuộc vùng trung du Việt Nam. 
Ngày 24/11/2011, tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali - Indonesia, Hát Xoan - Phú Thọ của Việt Nam đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhan loại.
Thường vào mùa xuân, có các phường xoan lần lượt khai xuân ở đình, miếu làng. Vào ngày mùng 5 âm lịch thường hát ở hội đền Hùng. Thời điểm hát được quy định tại một điểm nhất định, mỗi "phường" chọn một vị trí cửa đình. Hát cửa đình, giữ cửa đình mục đích nhân dân địa phương kết nghĩa với nhau. Theo lệ dân tại chỗ là vai anh, họ (làng khác) là vai em. Khi kết nghĩa rồi cấm trai gái hai bên dânhọ kết hôn với nhau do là anh em.
Phường hát xoan là một tổ chức văn nghệ của làng, phần lớn là những người có quan hệ họ hàng với nhau. Hát Xoan là tiếng hát dâng thần linh, cầu chúc, khấn nguyện thần linh ban phúc cho dân làng...
Đứng đầu một phường Xoan là ông trùm phường - người dạy nghệ thuật hát xoan, đồng thời là người tổ chức biểu diễn. Theo hầu ông trùm là các cô đào trẻ.
Trong hát xoan, múa và hát luôn đi cùng kết hợp với nhau, dùng điệu múa minh họa nội dung cho lời ca.
Có 3 hình thức hát xoan: hát thờ cúng các Vua Hùng và thần thành hoàng làng, hát nghi lễ cầu mùa tốt tươi, cầu sức khỏe và hát lễ hội là hình thức để nam nữ hát trao duyên. Hát xoan có hát đối giao duyên nam nữ giữa đào xoan và trai làng, Hát múa mời rượu, hát tiều ngư canh mục - Còn gọi là mò cá, điệu múa hát của ước vọng sinh sôi.
Gốc của hát xoan ở vùng Phú Thọ, sau lan tỏa tới các làng quê đôi bờ sông Lô, sông Hồng, qua cả tỉnh Vĩnh Phúc. Bốn phường xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét nằm ở hai xã Kim Đức và Phương Lâu (Phú Thọ) từ xưa được cộng đồng của 30 làng, 18 xã của tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc mời đến biểu diễn.
Theo khảo sát của tỉnh Phú Thọ, hiện còn khoảng 70 nghệ nhân hát xoan, nhưng chỉ có khoảng 10 người có khả năng truyền dạy, toàn tỉnh có khoảng gần 100 người tham gia các phường xoan, nhưng chỉ khoảng 50 người biết hát. Các di tích như đình, miếu, nơi diễn ra các sinh hoạt hát xoan từ xa xưa nay chỉ còn khoảng hơn 10 di tích.
---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào: