Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

LÀNG NGHỀ VIỆT NAM (4-5-6)



LÀNG NGHỀ VIỆT NAM (4-5-6)
Sưu tầm
---o0o---
4 – Làng dệt the lụa La Khê
Làng La Khê hay Làng La Ninh là một làng nghề cổ thuộc phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội. Làng nổi tiếng với nghề dệt the lụa từ thế kỷ 17, và có tên trong tập "Tứ quý danh hương" (Mỗ - La - Canh - Cót), trong dân gian có câu truyền tụng: "The La, lụa Vạn, chồi Phùng”.
Làng La Khê được hình thành từ thế kỷ thứ 5, ban đầu làng có tên La Ninh ("La" là lụa, "Ninh" là sự thịnh vượng, lâu bền). Sang thế kỷ 15, làng La Ninh đổi tên thành La Khê (tức là làng dệt lụa bên dòng sông nhỏ). Thuở ban đầu, sản phẩm dệt của làng vẫn còn thô sơ, chủ yếu là sồi, đũi, phục vụ cho nhu cầu của cư dân Thăng Long xưa. Ðến đầu thế kỷ 17, người Hoa ở vùng Lưỡng Quảng (Trung Quốc) di cư sang Việt Nam mang theo nghề dệt thủ công. Trong số đó, mười gia đình người Hoa đã đến lập nghiệp ở đất La Khê, đem nghề dệt the, sa nhuộm đen và công nghệ dệt tiên tiến dạy lại cho dân làng.
Thời đó, hầu hết dân làng La Khê đều sống bằng nghề canh cửi. Các sản phẩm the, sa, vân, địa, quế, gấm vóc của La Khê với những họa tiết, hoa văn tinh xảo dần thay thế sồi, đũi nhờ chất lượng được nâng cao như mỏng, nhẹ hơn nhưng lại rất bền và đẹp, được các tầng lớp quý tộc ưa chuộng. Cái khác biệt của làng lụa La Khê với làng lụa Vạn Phúc là: làng La Khê xưa chuyên nghề dệt sa màu và các thứ lụa bạch, lụa vân, còn làng cổ Vạn phúc thì nổi tiếng với thứ lụa gấm lâu đời (tương truyền có từ thời Cao Biền).
5 – Làng nghề lụa Hà Đông
Được gọi chung với cái tên gần gũi “Lụa Hà Đông”, nhưng Lụa Hà Đông chính là sự kết hợp của rất nhiều nghệ thuật dệt truyền thống đã được kết tinh để tạo ra những sản phẩm hết sức đa dạng như Gấm, Vân, Lụa, The, Sa, Lĩnh… sống mãi cùng thời gian.
Gấm - Gấm là loại hàng nền dầy, có nhiều mầu sắc khác nhau (hồng, đỏ, hồng cánh chấu…) Hoa trên gấm thường có mầu tươi rực rỡ, dệt cài hoa nổi như thêu trên nền sa tanh. Sợi ngang sợi dọc trên mỗi tấm gấm đều nhuộm mầu theo gam, màu đã định trước, sợi dọc để tạo nền chìm ở phía dưới, sợi ngang tạo hoa nỗi rõ lên trên.
Vân - Vân là mặt hàng lụa mỏng có hoa nổi, hoa chìm. Hoa nổi trên mặt lụa thì bóng mịn. Còn hoa chìm thì phải soi lên ánh sáng mới thấy
Lụa - Bao gồm các loại lụa trơn và lụa hoa. Đây là mặt hàng đan theo kiểu đan “lóng mốt”, mặt lụa tất mịn màng, óng ả
The, sa, xuyến, băng, quế - Đặc điểm chung của các loại sản phẩm dệt này là dệt thủng, nghĩa là trên mặt tấm the hay sa, xuyến…đều có những lỗ thủng nhỏ rất đẹp. Nhưng chúng lại khác nhau ở chỗ, cách bố trí sợi dọc, sợi ngang không giống nhau nhắm tạo nên các lỗ thủng khác nhau về kích thước và độ thưa, dày. Kỹ thuật dệt như thế không những tạo nên các loại hàng khác nhau mà còn làm tăng thêm tính thẫm mỹ của từng loại hàng tơ lụa.
Lĩnh, đoạn, vóc, sa tanh - Các loại lĩnh, đoạn, vóc, sa tanh là hàng dệt dầy. Số lượng sợi dọc của các mặt hàng này nhiều hơn lụa, quãng 8.000 sợi so với lụa chỉ có 3.000 sợi. Một răng go có 8 hột cửi đi qua. Khi dệt lĩnh, đoạn, vóc, sa tanh người thợ phải làm sao cho sợi dọc nổi lên nhiều hơn, để mặt vải bóng nhoáng hơn
6 – Làng lụa Vạn Phúc
Tỉnh Hà Đông, từ cái thuở "bảy làng La, ba làng Mỗ" xưa kia đã làm nghề dệt lụa, cho nên có người gọi đây là quê lụa. Lụa Hà Đông nổi tiếng nhất vẫn là lụa Vạn Phúc. Người ta gọi lụa Hà Đông chính là lụa Vạn Phúc. Làng lụa Vạn Phúc, nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội, là một trong những làng nghề lâu đời bậc nhất Việt Nam.
Theo truyền thuyết, cách đây khoảng 1.200 năm, bà A Lã Thị Nương, một người con gái ở Cao Bằng nổi tiếng đảm đang và dệt lụa khéo léo về làm dâu làng Vạn Phúc. Bà đã đem những bí quyết dệt lụa của Trung Quốc về truyền dạy cho người dân trong làng. Đến khi mất đi, bà được người dân tôn làm thành hoàng làng.
Làng lụa Vạn Phúc có tiếng từ thời Lý. Lụa cao cấp để tiến cống vua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn, theo khách buôn sang phương Tây, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và một số nước Đông Nam Á qua con đường giao thương tại các cửa biển Vạn Ninh (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam - Đà Nẵng). Dưới triều Nguyễn, lụa Vạn Phúc thậm chí được chọn may quốc phục.
Theo bà Nguyễn Thị Lý, Phó chủ tịch phường Vạn Phúc, ban đầu lụa Vạn Phúc chỉ để phục vụ tầng lớp trung lưu trở lên. Đến cuối thế kỷ 19, nhà Nguyễn khuyến khích dùng hàng nội, các nghệ nhân làng Vạn Phúc nhanh chóng sưu tầm, học hỏi, cải tiến để “bình dân hóa” các mặt hàng gấm, vóc.
Trong hai năm 1931 và 1936, thợ dệt Vạn Phúc hai lần mang sản phẩm sang dự “đấu xảo” ở Marseille và Paris (Pháp). Từ đó, lụa Vạn Phúc nhận được sự đánh giá cao trên thế giới, nhất là mặt hàng lụa hàng vân.
Trải qua bao thăng trầm đổi thay, làng Vạn Phúc vẫn giữ được nguyên vẹn những giá trị cổ truyền trên từng vân lụa, thớ vải. Nét đặc biệt của lụa Vạn Phúc nói chung và lụa hàng vân nói riêng là ấm áp vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè, mặc lên người thấy mềm mại và nhẹ nhàng.
Hoa văn trang trí trên vải lụa tuy rất đa dạng với các mẫu Song Hạc, mẫu Thọ Đỉnh, mẫu Tứ Quý... song luôn tuân theo những thủ pháp nghệ thuật truyền thống như trang trí đối xứng, đường nét không rườm rà, phức tạp mà phóng khoáng, dứt khoát.
---ooo0ooo---


Không có nhận xét nào: