Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

THẮNG CẢNH BẮC NINH (1/2)



THẮNG CẢNH BẮC NINH (1/2)
---o0o---
1 - Đình Đình Bảng
Đình Bảng là tên làng và tên xã nay thuộc Thị xã Từ Sơn, hiện còn bảo trọng được ngôi đình nổi tiếng là đình Đình Bảng. Công trình kiến trúc này được khởi dựng năm Bính Thìn triều Lê niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 2 (1736).
Đình được dựng đặt trên một khu đất không cao lắm, truyền rằng hình con nhện khổng lồ, ở trung tâm làng. Đây là một công trình kiến trúc tuyệt xảo, giàu tính dân tộc, nghệ thuật chạm khắc trang trí điêu luyện.
2 - Văn miếu Bắc Ninh
Nhắc đến Bắc Ninh là mọi người nghĩ ngay đến địa danh nổi tiếng đã sản sinh: “Một giỏ ông Đồ, một bồ ông Cống, một đống ông Nghè, một bè Tiến sĩ, một bị Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhãn”.
Trong lịch sử thi cử Hán học dưới chế độ phong kiến kéo dài 845 năm (1075 - 1919) nước ta có 18 khoa thi đại khoa đã chọn được 2991 tiến sĩ thì Bắc Ninh đã đỗ 645 tiến sĩ (chiếm 1/4). Trong số ấy, những người đỗ tam khôi (Trạng nguyên) là 47 thì Bắc Ninh đã chiếm 17 (hơn 1/3). Người đỗ “thủ khoa” của khoa thi đầu tiên ở Đại Việt vào thời Lý (1075) là Lê Văn Thịnh (quê Đông Cứu, Gia Bình) từng làm tới chức Thái sư, Tể tướng, được coi là “ông Trạng khai khoa”. Tự hào về truyền thống hiếu học, trân trọng những bậc hiền tài đã cống hiến trí tuệ cho quê hương đất nước, đồng thời đề cao, khuyến khích sự chăm chỉ học hành cho các thế hệ, Văn miếu Bắc Ninh đã được lập nên.
Cùng với Hà Nội thủ đô ngàn năm văn hiến, cố đô Huế, Bắc Ninh là địa phương thứ ba xây dựng Văn miếu có tầm cỡ quy mô. Văn miếu Hà Nội, Huế là di tích chung của cả nước, còn văn miếu Bắc Ninh là di tích riêng của tỉnh.
3 – Chùa Bút Tháp
Là một ngôi chùa được tu tạo vào thời nở rộ của những kiến trúc “trăm gian”, chùa Bút Tháp có quy mô bề thế so với những ngôi chùa cùng thời. Chùa Bút Tháp có kiến trúc hòa nhập với môi trường thiên nhiên bao quanh. Bên trái chùa có dòng sông Đuống, trước cửa chùa là đồng ruộng mênh mông, xa xa ở phía trái và phía phải chùa có núi Tam Đảo, núi Phật Tích bao bọc. Chùa không vươn lên theo chiều cao mà các đơn nguyên kiến trúc đều được trải dài theo mặt bằng.
4 – Chùa Phật Tích
Chùa Phật Tích nằm ở sườn Nam núi Vạn Phúc, xưa có tên là chùa Vạn Phúc Tự, là một trong những nơi được truyền bá Phật giáo sớm nhất từ Ấn Độ vào Việt Nam. Thiền sư Chuyết Chuyết Lý Thiên Tộ đã lập am tu hành tại đây 10 năm trước khi tới chùa Bút Tháp (Thuận Thành- Bắc Ninh).  Chùa được xây dựng vào thời nhà Lý năm Thái Bình thứ 4 (1057) với nhiều tòa ngang dãy dọc : "Lí gia tam tế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo". Ngôi chùa vào thời Lý hiện nay không còn nữa, song những dấu tích lịch sử của nó vẫn ghi dấu ở nơi này, ngôi chùa mới được trùng tu xây dựng lại vẫn mang dấu ấn của một thời lịch sử và tâm linh của người Việt hàng bao thế kỉ trước…
5 – Làng du lịch Tam Tảo
Nhiều năm nay, người dân làng Tam Tảo, xã Phú Lâm (Tiên Du) đã quá quen thuộc với những vị khách nước ngoài, lưng đeo ba lô, tay cầm máy ảnh dạo bộ trong từng con ngõ nhỏ. Người dân nơi đây đã biết tận dụng giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử của quê hương, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng, riêng có để thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch mỗi năm, trong đó phần lớn là du khách quốc tế.
---ooo0ooo---


1 nhận xét:

LANHUE nói...

San Bác được đọc nhiều thứ quá.Cám ơn Bác.
Chúc Bác và gia đình luôn vui khoẻ.