Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

THẮNG CẢNH BẮC GIANG



THẮNG CẢNH VN – 3. BẮC GIANG
---o0o---

Đền Suối Mỡ

Vị trí: Nằm trong khu du lịch Suối Mỡ thuộc địa phận xã Nghĩa Phượng, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.
Đặc điểm: Đền Suối Mỡ bao gồm đền Hạ, Trung, Thượng, nằm dọc theo dòng suối Mỡ đều thờ Thánh mẫu Thượng ngàn – công chúa Quế Mị Nương, con gái vua Hùng Vương thứ 16.
Theo truyền thuyết, công chúa Quế Mị Nương được nhiều vương tôn, công tử đến cầu hôn nhưng nàng chỉ đam mê du ngoạn, nay đây mai đó, sống với thiên nhiên, hương trời sắc núi. Vào một ngày đầu xuân, nàng cùng đoàn tùy tùng lên núi Huyền Đinh và một cơn gió mạnh đã cuốn nàng bay bổng lên trời, đưa nàng tới khúc Suối Mỡ. Khi đến đây, thấy đất đai cằn cỗi, dân tình khốn khổ đói rách vì hạn hán, công chúa rất đau lòng. Nàng đã dùng 5 đầu ngón chân ấn xuống đá và lạ thay, một dòng nước mát ào ạt chảy ra thành suối - chính là con Suối Mỡ ngày nay - đưa nước tưới cho đồng ruộng. Từ đó đất đai vùng này trở nên màu mỡ, trù phú, đời sống muôn dân ấm no, hạnh phúc.
Ghi nhớ công ơn của nàng, dân làng đặt tên con suối ấy là Suối Mỡ và lập 3 ngôi đền kế tiếp nhau để thờ nàng. Đền Hạ là ngôi đền có quy mô lớn nhất được xây dựng trong khuôn viên rộng rãi, dưới bóng cây cổ thụ sum xuê. Kiến trúc và cách bài trí của ngôi đền này khá tiêu biểu cho đền thờ Mẫu ở các vùng đồng bằng Bắc Bộ vào thế kỷ 19 - 20. Ðền Trung có khoảng sân rộng để du khách có thể dừng chân nghỉ ngơi lấy sức lên Ðền Thượng. Ðền Thượng độc đáo ở dạng sơn miếu, có hậu cung là vòm hang, phía bên ngoài do con người xây dựng. Trong hậu cung có đường bậc thang bằng đá dẫn lên đỉnh núi ngắm làng mạc, núi non hùng vĩ.
Đền Suối Mỡ đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa vào năm 1998.

Hồ Cấm Sơn

Vị trí: Hồ Cấm Sơn thuộc huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Đặc điểm: Hồ Cấm Sơn là nơi tham quan nghỉ mát hấp dẫn.
Bình thường mặt hồ rộng 2.600ha nhưng đến mùa mưa, lũ nhiều, nước dâng cao, mặt hồ lúc này có thể rộng tới 3.000ha. Chiều dài hồ gần 30km, bề ngang nơi rộng nhất 7km, chỗ hẹp nhất 200m. Xung quanh hồ là những dãy núi cao bao bọc, hay nói một cách khác, bờ của hồ chính là những ngọn núi điệp trùng và cây cao bóng cả.
Với những dự án quy hoạch xây dựng xung quanh khu vực hồ Cấm Sơn, không bao lâu nữa, Cấm Sơn sẽ trở thành nơi tham quan nghỉ mát hấp dẫn với nhiều loại hình du lịch: bơi thuyền, leo núi, câu cá, đi bộ vào các làng xóm của đồng bào dân tộc, hay đi chơi rừng...

Khu du lịch Khuôn Thần

Vị trí: Từ Bắc Giang đi ngược lên vùng Đông Bắc 40km (phố Chũ) rồi rẽ trái 10km là tới khu du lịch Khuôn Thần thuộc địa phận huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang
Đặc điểm: Diện tích hồ Khuôn Thần rộng 240ha, xung quanh là dãy núi được phủ xanh, chủ yếu là thông. Lòng hồ có 5 đảo nhỏ được trồng thông xanh có tuổi từ 15-20 năm. Diện tích rừng Khuôn Thần khoảng 700ha, trong đó rừng tự nhiên là 300ha, rừng thông 400ha. Xung quanh khu du lịch Khuôn Thần là vườn cây đặc sản: vải Thái Lan, vải thiều, hồng, na… Tại đây còn có đền Từ Mã thờ danh tướng thời Trần đã được nhà nước xếp hạng di tích văn hóa.
Du khách đến đây có thể cắm trại, dạo chơi trên hồ bằng thuyền đạp chân hoặc thuyền máy, thưởng thức những sản phẩm địa phương như mật ong, rượu tắc kè, hạt dẻ…và tham dự các buổi sinh hoạt văn hóa với dân địa phương.

Thành cổ Xương Giang

Vị trí: Thành cổ Xương Giang nằm ở xã Xương Giang, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang.
Đặc điểm: Xương Giang là tên ngôi thành cổ do quân Minh xây dựng vào thế kỷ thứ 15. Các dấu tích còn lại cho biết thành hình chữ nhật, chiều dài theo hướng Đông - Tây đo được 600m, chiều rộng theo hướng Bắc - Nam 450m, diện tích 27ha, tường đắp đất cao dầy, bốn góc có pháo đài, hào rộng bao quanh, mở 4 cửa, cửa chính trông về phía Tây.
Đây là nơi diễn ra trận công thành của nghĩa quân Lam Sơn ngày 28/9/1427 và trận diệt viện oanh liệt ngày 3/11/1427 mà Lê Quý Đôn đánh giá:Từ triều Trần bắt được Tích Lệ Cơ, Ô Mã Nhi cho đến lúc ấy, nước Nam thắng giặc phương Bắc chưa có trận nào lớn như vậy (theo Đại Việt thông sử).
Để kỷ niệm lịch sử chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn tại thành Xương Giang, hàng năm tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ hội kéo dài trong 2 ngày mùng 6 và mùng 7 tháng giêng

Chùa Bổ Đà

Vị trí: Chùa Bổ Đà nằm ở phía bắc chân núi Phượng Hoàng thuộc thôn Thượng Lát, xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Đặc điểm: Chùa Bổ Đà là một trong những trung tâm Phật giáo của phái Trúc Lâm Tam Tổ. Có từ thời nhà Lý - thế kỷ 11 và được xây lại vào đầu thế kỷ 18, chùa Bổ Đà là một tập hợp di tích gồm chùa chính (Tứ Ân Tự) cùng hai đền thờ Đức Thánh Hóa và Thạch Tướng Đại Vương.
Chùa Bổ Đà rất đẹp và u tịch, xung quanh là tường đất bao phủ, phía xa có núi sông bao bọc. Nhiều người vẫn gọi Bổ Đà là chùa đất bởi không gian trong chùa man mác một màu nâu của đất, từ bể nước, tường, gạch cũ rêu phong... Về đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng tượng thờ Trúc Lâm Tam Tổ (gồm Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang). Đặc biệt trong chùa còn lưu giữ bộ kinh Phật cổ nhất Việt Nam được khắc trên gỗ thị.

Bộ kinh được hình thành xuất phát từ ý tưởng của các vị tổ sư, đồng thời cũng là những người xây dựng ra ngôi chùa muốn có một bộ kinh để truyền dạy đạo Phật, đồng thời là một di vật Phật học đặc biệt để lại cho đời sau. Bộ kinh mang những tư tưởng của hai dòng Phật giáo lớn nhất Châu Á xưa là Ấn Độ và Trung Hoa.
Bộ kinh được xếp trên 8 giá, mỗi giá có 4 tập sách kinh gồm 240 tấm ván gỗ hợp thành, tất cả có khoảng gần 2.000 tấm. Mỗi tấm gỗ dùng để khắc kinh dài trung bình 50cm, rộng 25cm và dày khoảng 2,5cm. Nếu muốn xem đồng loạt toàn bộ kho kinh cổ ở đây thì phải có khoảng đất rộng 250m² để rải các tấm ván kinh ra. Bộ kinh được khắc trên gỗ thị, một loại cây gỗ mọc phổ biến ở vùng rừng núi này. Gỗ thị không những bền mà còn rất nhẹ, đây cũng là một đặc điểm thuận lợi để khắc cũng như vận chuyển kinh.

Chùa Đức La

Vị trí: Chùa Đức La nằm trên một quả đồi thấp, sau lưng là dãy núi Cô Tiên, thuộc xã Trí Yên huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Đặc điểm: Chùa Đức La còn có tên gọi là chùa Vĩnh Nghiêm, đây là một trung tâm Phật giáo từ thời Trần thuộc thiền phái Trúc Lâm, nơi đào tạo tăng đồ cho cả nước.
Kiến trúc chính của chùa nằm trên một trục dọc, hướng đông nam gồm 4 khối lớn.
Khối thứ nhất gồm 3 nếp chùa hộ, thiêu hương và chùa Phật liên kết với nhau trong một khối kiến trúc kiểu chữ công với thiết kế khang trang to lớn kiểu tàu đao lá mái với 4 đao cong, có 8 vì kèo, kiểu chồng rường, thượng tam hạ tứ, nghệ thuật đơn giản.
Khối kiến trúc thứ hai cũng làm theo kiểu chữ công nhưng thấp và nhỏ hơn gọi là nhà tổ đệ nhất có kiến trúc đơn giản nhưng vẫn còn dấu vết của trang trí thời Lê.
Khối thứ ba là gác chuông cao 2 tầng mái và khối thứ tư là nhà tổ đệ nhị, kết cấu kiểu chuôi vồ.
Hơn 7 thế kỷ trôi qua, chùa Đức La vẫn là một trung tâm Phật giáo lớn, nơi đào tạo tăng đồ cho cả nước. Nhiều kệ ván in kinh vẫn còn, là hiện vật minh chứng cho vai trò quan trọng của chùa, từng thống lãnh 72 chốn tùng lâm.
---ooo0ooo---


Không có nhận xét nào: