Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

LÀNG NGHỀ HÀ NỘI (1-2-3)



LÀNG NGHỀ HÀ NỘI (1-2-3)
---o0o---
1. Làng nghề tượng gỗ Vũ Lăng
Theo quốc lộ 22 chừng 22km là đến Vũ Lăng (thuộc xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội) - một trong những làng nghề điêu khắc tượng gỗ cổ truyền của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
1
Đến đầu làng, du khách đã thấy những đống gỗ mít lớn, nhỏ xếp ngổn ngang, tiếng máy cưa, máy xẻ, tiếng đục gỗ rộn ràng... Ngay các cụ cao niên ở làng Vũ Lăng cũng không rõ nghề tạc tượng ở đây có từ bao giờ và bắt nguồn từ đâu, chỉ biết, ở chùa Vũ Lăng vẫn còn lưu giữ một số pho tượng có cách đây khoảng 300 - 400 năm.
Sản phẩm tượng gỗ Vũ Lăng ngày nay có mặt ở khắp các đình, chùa, miếu mạo của Hà Nội, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình... ngoài ra, còn được xuất khẩu sang các nước trong khu vực được các bạn hàng rất ưa chuộng.
2. Làng nghề thêu Quất Động
Nói đến nghề thêu, người ta thường nhắc đến đất tổ nghề Quất Động với tất cả sự trân trọng và tự hào. Với chặng đường trên 400 năm, các thế hệ cháu con đã tiếp bước cha ông đưa nghệ thuật thêu truyền thống Việt Nam lên những đỉnh cao nghệ thuật. Đã có biết bao nghệ nhân sinh ra trên mảnh đất này, biết bao những cái tên đã trở thành niềm tự hào của nghề thêu truyền thống của Việt Nam
Với mỗi người Quất Động, nghề thêu chính là tất cả cuộc sống. Dù bất cứ ai mỗi khi có dịp đặt chân đến nơi đây cũng đều nhận ra niềm đam mê của những con người hết sức chân chất và giản dị nơi đây. Có lẽ cũng bởi niềm đam mê đó, tâm hồn nghệ sỹ đã được hình thành và chắp cánh cho sự kỳ diệu cho đôi bàn tay các nghệ nhân nơi đây. Những bức tranh thêu của cố nghệ nhân Phạm Viết Tương, đặc biệt là bức ảnh Bác Hồ vẫn được người Quất Động nâng niu như một báu vật của làng bởi tất cả sự tinh túy của nghệ thuật thêu được lưu giữ trong nó. Bức tranh thêu nhà vua Thái Lan Phu Mi Bon A Đun Da Dệt, của nghệ nhân Thái Văn Bôn đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật có giá trị lớn trong bộ sưu tầm của hoàng gia Thái Lan bởi những đường thêu sống động, sự gọt tỉa từng mũi kim tinh tế .
Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn với một đôi mắt tinh tường của nghệ nhân Phạm Viết Đinh, không ai nghĩ rằng ông đã ở tuổi ngoài bảy mươi. Hàng ngày, ông ngồi bên khung thêu chục giờ liền và dưới bàn tay múa lượn với những đường kim mũi chỉ của ông là những cánh đồng dậy thơm hương lúa, những đêm trăng thả thuyền buông câu, những chiều đông Hồ Gươm xao xác heo may, những cơn mưa chiều bất chợt trên khu phố cổ tường vách rêu phong... Không chỉ giỏi thêu các bức tranh phong cảnh Việt Nam mang đậm giá trị nghệ thuật, ông còn thêu rất nhiều những bức tranh do khách hàng nước ngoài trực tiếp đặt hàng, đó là đỉnh Phú Sỹ tuyết phủ xa xa, là tháp Effel mãi tận Paris hoa lệ…Vừa sáng tác, vừa thêu, ông còn tập trung vào sáng tạo những bức tranh phong cảnh Việt Nam, tỉ mỉ sửa lại những bức tranh do con, cháu thêu đồng thời cũng truyền đạt lại những bí quyết nghề thêu cho cô cháu nhỏ. Bức thêu muốn đẹp người thợ thêu phải thả hồn vào nó sao cho nó thật sống động qua những mảng sáng tối, nét đậm nhạt, có khi sợi chỉ còn phải tách làm đôi, làm ba. Nhìn tay kim của ông đâm lên, rút xuống nhanh thoăn thoắt, người ta chợt nhớ tới bài trống quân của phường thơ thêu Quất Động xưa "Lấy chồng thợ thêu sướng như ông tiên thọ nhỏ, trong nhà thắp đèn tỏ sáng hơn sao, tay cầm kim như Triệu Tử múa đao, ngồi vắt chân như Khổng Minh xem sách" và chắc sẽ hiểu được sao người thợ thêu Quất Động ai cũng yêu nghề như thế - Sao Quất Động lai có được những sản phẩm thêu tuyệt vời như thế.
3. Làng nuôi rằn Lệ Mật
Từ xa xưa, kho văn hóa ẩm thực Hà thành đã nức tiếng bởi những cốm Vòng, chả cá Lã Vọng, bánh cuốn Thanh Trì… Trong kho tàng ấy không thể không nhắc đến làng nuôi rắn Lệ Mật, một trong những ngôi làng có lịch sử lâu đời của đất Kinh kỳ từ thế kỷ XI (nay thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên). Nghề săn bắt, chăn nuôi và chế biến rắn là một nghề độc đáo của Lệ Mật mà ít nơi có được.
Các cụ cao niên làng Lệ Mật nói rằng, nghề nuôi rắn ở đây có từ bao giờ chẳng ai nhớ rõ. Tương truyền vào thời nhà Lý, công chúa con vua Lý Nhân Tông đang dạo chơi trên sông Thiên Đức chợt sóng gió nổi lên, thủy quái xuất hiện, bắt công chúa. Nhà vua thương con, cử nhiều tướng tài đi diệt thủy quái nhưng không ai làm được. Có chàng trai họ Hoàng sống ở làng Trù Mật võ nghệ cao cường lại có tài bơi lội xin vua cho đi. Cuộc chiến đấu sôi sục cả lòng sông, với sự mưu trí, dũng cảm, chàng trai đã diệt được thủy quái. Nhà vua ban thưởng cho chàng trai họ Hoàng quan tước, vàng bạc nhưng chàng không nhận chỉ xin về lập ấp ở phía Tây thành Thăng Long, biến nơi hoang vu thành 13 làng trại trù phú. Sau khi "khai làng lập ấp", chàng quay về củng cố làng cũ.
Sau này, chàng mất, dân làng lập đình thờ chàng, suy tôn là Thành hoàng. Theo gương chàng, dân chúng làng Lệ Mật ngoài việc nhà nông còn phát triển thêm nghề bắt rắn, nuôi rắn và nghề rắn cũng bắt nguồn từ đó.
Thời gian đầu dân làng Lệ Mật chỉ nuôi rắn để ngâm rượu làm thuốc chữa bệnh, sau này da rắn được làm đồ mỹ nghệ như dây lưng, ví da, giày da… Do có sự giao lưu kinh tế nên rắn Lệ Mật còn trở thành đặc sản của người dân kinh kỳ và thực khách gần xa. Ban đầu chỉ có vài món rất đơn giản như rắn ướp muối tiêu nướng, rắn xào hành tỏi, rắn băm nhỏ xào giòn… ngày nay, các nhà hàng đã phục vụ nhiều món ăn mới hơn, thỏa mãn khẩu vị của thực khách. Hiện ở làng đã có trên 100 hộ với 370 nhà hàng với các món ăn chuyên rắn, mỗi ngày đón trên 500 lượt khách trong và ngoài nước. Lệ Mật được đánh giá là làng rắn nổi tiếng, độc nhất ở Việt Nam và trên thế giới. Mặc dù quận Long Biên có tốc độ đô thị hóa nhanh song Lệ Mật vẫn giữ được dáng dấp của làng Việt cổ, có mái đình, giếng nước, cây đa, những ngôi nhà kiến trúc cổ, thu hút khá đông du khách trong và ngoài nước tới tham quan.
Làng nghề Lệ Mật ngoài nuôi rắn, người dân ở đây còn làm du lịch sinh thái kết hợp ẩm thực, vừa tạo việc làm cho lao động địa phương vừa để du khách trong và ngoài nước biết đến làng nghề.
Chủ nhiệm HTX Kinh doanh dịch vụ, Trưởng ban Quản lý làng nghề Lệ Mật Trương Bá Huân cho biết, để bảo tồn và phát huy giá trị của làng nghề truyền thống, trong những năm tới, Việt Hưng sẽ trở thành phường đô thị đặc biệt với mô hình "làng cổ trong phố". Phường sẽ tổ chức khảo sát, nghiên cứu mô hình chăn nuôi rắn tập trung tại một số điểm xa khu dân cư; tiếp tục mở rộng mô hình chăn nuôi rắn sinh trưởng kết hợp với du lịch sinh thái ẩm thực, hoàn thiện đề án xây dựng tuyến phố ẩm thực làng nghề Lệ Mật với nhiều nhà hàng đặc sản mang bản sắc truyền thống; xây dựng trung tâm giới thiệu làng nghề… để Lệ Mật thêm giàu có.
---ooo0ooo---

Không có nhận xét nào: